Phượt thủ tiết lộ cái giá phải trả để chu du khắp thế giới không đi máy bay
Torbjorn Pedersen, người đầu tiên trên thế giới ghé thăm mọi quốc gia và vùng lãnh thổ mà không cần đi máy bay, cho rằng mình phải trả giá đắt trong 10 năm.
Hành trình của người đàn ông 44 tuổi đến từ Đan Mạch này khởi nguồn từ quyết định từ bỏ công việc toàn thời gian để thực hiện chuyến phiêu lưu định mệnh của cuộc đời vào tháng 10.2013.
Pedersen cho biết, khi không ngủ trên tàu, xe, trạm nghỉ, anh thường được người dân địa phương chào đón và nghỉ lại nhà của họ. Thậm chí, anh còn nhiều lần được mời đến nghỉ ngơi tại các khách sạn 5 sao. Pedersen chia sẻ thêm: “Trên thực tế, tôi thường phải từ chối ý tốt của mọi người vì nhận được quá nhiều lời mời hoặc điều đó không thuận tiện cho kế hoạch đi lại của tôi”.
Thor Pedersen trên chuyến tàu du lịch xuyên châu Á. Ảnh: Kennedy News & Media
Cuộc phiêu lưu kéo dài hàng thập kỷ của Pedersen được tài trợ bởi công ty sản xuất điện địa nhiệt Ross Energy. Công ty này đã gửi cho anh khoảng 600 USD (gần 15 triệu đồng) mỗi tháng.
Pedersen nói: “Họ cảm thấy kế hoạch của tôi thực sự điên rồ và muốn ủng hộ. Đây là chuyến đi chưa từng có trong lịch sử thế giới và họ muốn góp một phần vào đó. Ở một số nước như Singapore, tôi phải chi hơn 20 USD (500.000 đồng) một ngày. Nhưng ở những nước khác như Bolivia thì 20 USD là quá đủ”.
Để đến thăm 203 vùng lãnh thổ, anh đã đi khoảng 382.000 km và sử dụng 20 phương thức di chuyển khác nhau như: 351 chuyến xe buýt, 158 chuyến tàu, 43 chuyến xe tuk-tuk, 37 chuyến tàu container, 33 chuyến thuyền, 9 chuyến xe tải, 3 thuyền buồm, 2 tàu du lịch, 1 xe ngựa, 1 xe cảnh sát và một du thuyền. Ngoài ra còn có vô số chuyến xe máy, taxi, tàu điện ngầm và xe điện.
Pedersen mất khoảng một thập kỷ để đến thăm 203 vùng lãnh thổ trên thế giới. Ảnh: Selena Wright
Tuy nhiên, vì các vấn đề liên quan đến visa và đại dịch cản trở chuyến đi, Pedersen đã mắc kẹt tại Hong Kong (Trung Quốc) hai năm. Bên cạnh đó, thời gian ngắn nhất anh dừng chân tại một điểm đến là 24 giờ ở Vatican.
Thời điểm tốt nhất và tồi tệ nhất
Video đang HOT
Hồi tháng 1.2020, Pedersen dự định ghé thăm và ở lại Hong Kong khoảng một tuần nhưng kế hoạch của anh đã thay đổi đáng kể khi đại dịch bùng phát.
Vào thời điểm đó, Pedersen cách mục tiêu của mình chỉ 9 quốc gia nữa: “Tôi đã cố gắng hoàn thành mục tiêu này trong một thời gian dài nhưng tôi không biết liệu mình sẽ bị mắc kẹt ở đó trong 5 tháng hay 5 năm. Mỗi ngày, tôi đều có lý do để bỏ cuộc và về nhà. Nhưng mỗi ngày tôi đều tìm được cách thuyết phục bản thân tiếp tục chiến đấu”.
Pedersen cùng vợ tại biên giới Ấn Độ-Pakistan. Ảnh: Kennedy News & Media
Pedersen cho biết việc mắc kẹt ở Hong Kong là “khoảng thời gian tồi tệ nhất” trong cuộc đời nhưng giờ anh coi thành phố này như ngôi nhà thứ hai của mình: “Tôi cảm thấy như ở nhà lúc ở Hong Kong, thậm chí còn hơn cả khi ở Copenhagen. Đó vừa là một cơn ác mộng nhưng cũng là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong cuộc đời tôi”.
Trải nghiệm cận kề cái chết
Pedersen cho biết một trong những trải nghiệm đáng sợ nhất đã xảy ra là trong chuyến đi đến biên giới giữa Cameroon và Congo. Sau khi lái xe hàng giờ trên con đường đất với um tùm cây cối hai bên, chiếc taxi của anh đã bị ba người đàn ông mặc đồ lính chặn lại.
Pedersen ở Ethiopia. Ảnh: Torbjorn Pedersen
Pedersen cũng từng là một người lính ở Đan Mạch, nhân viên gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở Eritrea và Ethiopia, nhưng đó là lần đầu tiên trong hành trình anh bị chĩa súng đe doạ. “Họ đã đặt ngón tay vào cò súng, vì vậy trong thâm tâm tôi biết rằng mình sẽ chết, đó có thể là điểm cuối con đường với tôi”, Pedersen kể lại.
Nhưng sau khoảng 45 phút, những người lính bất ngờ thả họ đi: “Ngay sau đó, tôi leo lên taxi, chạy khoảng 3km thì bảo tài xế dừng lại. Tôi xuống xe, ngồi bên lề đường và bắt đầu run rẩy trong suốt 10 phút”.
Pedersen cũng chia sẻ những kỷ niệm khác mà anh sẽ không bao giờ quên, trong đó có chuyến thăm Quần đảo Solomon, nơi anh chia sẻ máy tính xách tay của mình với những người dân làng không có điện và nước sinh hoạt.
“Khoảng 80 người dân làng ngồi quanh máy tính xách tay và cùng xem bộ phim chiến tranh ‘The Thin Red Line’ còn tôi ngả người ra sau, ngắm nhìn những cây cọ cùng biển sao trời lấp lánh”, Pedersen hào hứng kể lại.
Pedersen nhìn lại hành trình đi khắp thế giới của mình. Ảnh: TV SYD
Với những người muốn nối bước chân anh, Pedersen có lời khuyên: “Chuyến đi này chiếm phần lớn thời gian trong cuộc đời tôi và tôi đã phải trả giá rất đắt để có thể cố gắng tới đích. Đừng sống như tôi”, anh nhấn mạnh.
Bình Liêu không còn cô liêu
Bình Liêu không còn cô liêu bởi ngày càng có nhiều du khách tới đây du lịch, khám phá.
Cách đây hơn ba mươi năm, quê tôi có mấy anh đi bộ đội đóng quân ở Bình Liêu, mỗi lần về quê qua lời kể của các anh, Bình Liêu thuộc Quảng Ninh là nơi miền biên viễn hết sức xa xôi "rừng thiêng, nước độc".
Dù có bật cười trước những câu thơ, đoạn văn hài hước của các anh như: "Rừng núi âm u, thầy bu tưởng bở/ Con đang chết dở, ở đất Bình Liêu".
Hay như: "Hôm nay bầu trời sùm sụp, anh ngồi như con chó cúm cạnh bờ ao, tiện tay anh bẻ mấy cành rào, cào mấy chữ đến thăm em. Đầu thư anh chúc em mạnh khoẻ, em còn tiền cho anh giật mấy hào. Bình Liêu gió thổi dạt dào, bụng đói mà anh chả có đồng nào em ơi....", thì trong tưởng tượng Bình Liêu cùng Tiên Yên, Ba Chẽ là nơi núi rừng âm u, mù mịt và hết sức đói khổ.
Đường lên Bình Liêu
Vậy mà hôm nay, xe bon nhanh trên mặt đường cao tốc rồi rẽ sang tỉnh lộ vẫn rộng rãi mịn màng, từ trung tâm Hạ Long chỉ loáng chốc đã đến với cửa khẩu Hoàng Mô. Phải nói về hạ tầng giao thông, hiếm có nơi nào làm tốt như Quảng Ninh, cả con đường cứ uốn lượn như dải lụa chạy xuyên qua các thung, khe đẹp như tranh vẽ.
Thấp thoáng bóng các mẹ, các chị người Dao đỏ trong trang phục truyền thống với chiếc khăn sặc sỡ đóng hộp vuông trên đầu, còn phía dưới là trang phục thổ cẩm màu đen thêu hoa văn. Đường lên cửa khẩu Hoàng Mô thưa dân, môi trường còn rất tự nhiên, sạch sẽ, ít bị rác và ô nhiễm phá hỏng. Khung cảnh tạo cảm giác thư thái dễ chịu.
Bình Liêu thu hút du khách tới tham quan, trải nghiệm.
Cột mốc toạ độ 1305
Rẽ theo đường tuần tra biên giới lên cột mốc toạ độ 1305 - nơi có đoạn leo núi "sống lưng khủng long" - được ví như tiểu Vạn lý trường thành cho các phượt thủ ưa khám phá, là cung đường quanh co uốn lượn, hiểm trở không kém gì các cung đường đèo Tây Bắc. Nếu ai bị say xe sẽ rất vất vả với quãng đường chỉ tầm 15 km này, bù lại, mắt được no nê thả tầm nhìn xuống các thung lũng sâu hút, xa xa là những ngọn núi hùng vĩ lẩn khuất trong sương mây, bên sườn núi thấp thoáng bóng hoa ban và các tán lá vừa đâm chồi non giữa mùa xuân xanh mướt mát, tươi non.
Khung cảnh tuyệt đẹp cứ theo từng nhịp vòng xe, theo con đường ngoằn ngoèo uốn lượn bám ngang lưng núi. Có những đoạn nhìn lên núi màu xanh xám y như hàng đàn khủng long Alamosaurus đang cúi đầu ăn cỏ, để những tấm lưng khổng lồ gồ lên hình cánh cung in giữa mây trời.
Phong cảnh lên với điểm cao 1305 tuyệt đẹp như lên với tiểu Sa pa, núi non trùng điệp cây cối xanh tươi. Cung đường chỉ có 1.81 km nhưng thực sự là thử thách vì độ dốc rất cao và ít quãng nghỉ. Đối với người có luyện tập cả đi và về cũng cần hơn hai tiếng đồng hồ, còn người không thể dục, thể thao là có nguy cơ bỏ ngang giữa chừng. Mệt thế, nhưng chỉ nghỉ một lát là tan cơn vì gió mát, không khí trong lành, nhìn xuống là toàn cảnh Bình Liêu thu vào tầm mắt, ngước lên là sừng sững núi hoà lẫn mây trời.
Chỉ cách một cái hàng rào thép gai mà phân chia ra hai ranh giới, phía Trung Quốc bảo tồn môi trường tự nhiên rất tốt, cây cối xum xuê, tiếng thú tiếng chim lách chách sau vòm lá rậm. Chính quyền bạn quản lý rất chặt, dân sống gần đường biên cũng cấm không được đến gần mốc biên giới, vi phạm là bị phạt 3000 nhân dân tệ, tương đương hàng chục triệu đồng Việt Nam. Việc săn bắt chim, thú bị cấm ngặt và bị phạt rất nặng nếu cố tình săn bắt. Anh trông xe ở điểm gửi xe còn chia sẻ, phía con suối cạn giáp đường biên có rất nhiều ếch, đến mùa dân soi ếch đứng đợi phía bên Việt Nam để ếch nhảy sang rồi bắt, chứ phía bên Việt Nam thì đến con dúi cũng chẳng còn, dân săn, dân nhậu bắt sạch rồi.
Đây thực sự là điểm đến hấp dẫn với cả sự đặc sắc về ẩm thực với gà nướng, khau nhục và ổi tuyệt ngon, cả món thắng cố mang âm hưởng Tây Bắc với rau tầm bóp ngai ngái đắng cũng có mặt ở đây.
Cứ với khung cảnh này, sẽ thêm nhiều du khách đến với Bình Liêu mà chắc chắn đây không còn là mảnh đất cô liêu.
Đam mê phượt thì nhất định phải đi và khám phá 9 cung đường đèo đẹp và gian nan nhất miền Bắc này Khám phá trọn những cung đường quanh co, đổ dốc khắp những con đèo này thì bạn cũng có thể tự gọi mình là phượt thủ rồi đó! Khi còn trẻ là lúc ta còn khỏe, còn đam mê rực cháy, là lúc ta phải đi để trải nghiệm. Và với những người lỡ say đắm màu xanh của núi đồi Đông Bắc,...