Phương tiện lạc hậu, chống hàng giả, hàng kém chất lượng thế nào?
Là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn , Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng được đề nghị làm rõ một số vấn đề: phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế tạo; giải pháp quản lý thị trường… Đáng chú ý, đây đã là lần thứ ba Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời chất vấn trước Quốc hội trong nhiệm kỳ này – nhiều nhất trong số các bộ trưởng, trưởng ngành.
Nói thủy điện hoạt động cầm chừng là thiếu cơ sở!
Mở đầu, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) nêu câu hỏi: “Có ý kiến phản ánh công suất các nhà máy thủy điện Nhà nước rất lớn (ví dụ Nhà máy thủy điện Hòa Bình) nhưng hoạt động cầm chừng, trong khi ta lại đi mua điện của các nhà máy tư nhân, thậm chí nhập khẩu điện của Trung Quốc với giá cao. Phản ánh đó có đúng không?”. Trước câu hỏi khó và có phần bất ngờ này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định, không lý do gì chúng ta không khai thác triệt để các thủy điện lớn theo mục tiêu đã đặt ra khi xây dựng các công trình này. “Với Thủy điện Hòa Bình, từ khi vận hành đến nay, sản lượng bình quân một năm luôn đạt 9-10 tỷ kw/h, hoàn toàn không có chuyện vận hành cầm chừng. Với Thủy điện Sơn La, 3 năm qua, năm nào cũng phát điện vượt sản lượng thiết kế, mỗi năm phát trên dưới 10 tỷ kw/h…” – Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng dẫn chứng.
Với câu hỏi của một số ĐB về quản lý giá điện, xăng dầu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chia sẻ, Bộ Công Thương đang tích cực điều hành theo hướng đưa giá xăng dầu và điện về giá thị trường. Với giá điện, Chính phủ đã ban hành lộ trình, trong đó phấn đấu đến 2015, giá điện sẽ hoàn toàn theo cơ chế thị trường.
Đừng để Việt Nam thành bãi rác công nghệ
ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên Huế) đặt vấn đề: “Công nghiệp phụ trợ được xác định là khâu đột phá để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp trong nước, song nhìn vào thực trạng ngành công nghiệp phụ trợ ở nước ta chục năm nay thấy gần như… chưa có gì”. ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) hỏi: “Tại sao công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn hiện nay chủ yếu trông vào các sản phẩm nhập khẩu, trong khi công nghiệp chế tạo trong nước chủ yếu vẫn chỉ là… lắp ráp?”. ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) gay gắt: “Trong công nghiệp chế tạo, công nghiệp phụ trợ, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam đạt bao nhiêu %? Phải chăng Việt Nam chỉ là bãi rác để nước ngoài thuê địa điểm sản xuất, tận dụng lao động giá rẻ và ưu đãi đầu tư?”.
Trả lời nhóm câu hỏi về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương thừa nhận: “Thời gian qua, công nghiệp phụ trợ còn nhiều vấn đề. Hiệu lực của các chính sách còn thấp, chưa đầy đủ, hạn chế”. Tuy vậy, theo Bộ trưởng, việc ngành công nghiệp phụ trợ trong nước phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng có nhiều lý do khách quan. Trong đó, khó nhất là việc thu hút doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này, bởi đây là lĩnh vực đòi hỏi quy mô sản xuất lớn, vốn lớn, khả năng thu hồi vốn chậm, lãi suất không cao.
Hơn nữa, nhìn tổng thể ngành công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế nhưng không phải lĩnh vực nào cũng yếu. Trong công nghiệp sản xuất ô tô – lĩnh vực rất nhiều ĐB lo lắng, bi quan, song thực tế chỉ có công nghiệp sản xuất ô tô du lịch còn yếu, trong khi các sản phẩm khác đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Riêng với công nghiệp chế tạo xe máy, hiện không chỉ đáp ứng phục vụ nội địa mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.
Doanh nghiệp bán lẻ trong nước vẫn làm chủ thị trường
Video đang HOT
Về vấn đề quản lý thị trường, các ĐB quan tâm nhiều đến trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc quản lý, kiểm soát hàng lậu, hàng nhái, hàng giả nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân và quyền lợi người tiêu dùng. Trả lời các ĐB về vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thẳng thắn thừa nhận, đây là yếu kém đã tồn tại nhiều năm nay. Dù Nhà nước, các bộ ngành và chính quyền địa phương đã rất cố gắng kiểm soát nhưng hiện quả còn hạn chế. “Với việc ra đời Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, tôi dám chắc rằng công tác chống hàng giả, hàng nhái, hàng lậu sẽ được cải thiện hơn trong những năm tiếp theo” – Bộ trưởng cam kết.
Thêm một vấn đề được các ĐBQH đặc biệt quan tâm là sự thâm nhập ngày càng sâu của các doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường phân phối, bán lẻ Việt Nam, khi họ liên tục sáp nhập, thâu tóm doanh nghiệp bán lẻ trong nước. Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định: “Thực tế chứng minh doanh nghiệp trong nước vẫn đang làm chủ được thị trường nội địa và tiếp tục vươn lên mạnh mẽ”. Đến nay, cả nước có trên 900 cơ sở bán lẻ hiện đại thì số cơ sở do nhà đầu tư nước ngoài làm chủ chỉ có hơn 70 cơ sở. Tỷ trọng tiêu thụ hàng hóa năm 2014 của hệ thống bán lẻ ước tính gần 3 triệu tỷ đồng, trong đó số bán lẻ của doanh nghiệp nước ngoài chỉ chiếm tỷ trọng 3,4%.
ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh): Bộ trưởng trả lời có lúc như đối phó
“Tôi thấy Bộ trưởng nắm vấn đề khá rõ nhưng cách trả lời có lúc như đối phó. Như câu hỏi của tôi về hàng lậu, hàng giả hiện nay, Bộ trưởng cho là thiếu phương tiện kiểm định đến nỗi phân bón phải kiểm định bằng miệng thì tôi không đồng ý. Như thế thuốc trừ sâu thì kiểm định bằng gì? Cơ quan quản lý Nhà nước mà phương tiện lạc hậu đến mức thế thì không thể chấp nhận được. Như thế bao giờ mới chống được hàng giả, hàng kém chất lượng. Tôi muốn Bộ trưởng làm rõ vấn đề này để người dân tin tưởng, làm ăn, sản xuất đúng theo pháp luật. Bộ Công Thương cần phải đề xuất mua sắm những phương tiện cần thiết chứ không thể trả lời như vậy được”.
ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM): Có dung túng, tiếp tay hàng giả, hàng nhái?
“Hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng đang hàng ngày hiện diện ở ngay các chợ đầu mối trong nội địa dù lực lượng quản lý thị trường rất đông. Cần phải làm rõ trách nhiệm của lực lượng này. Đặc biệt là sự vô tư, khách quan trong thi hành công vụ chưa được làm rõ. Theo tôi, có sự dung túng, tiếp tay nhất định thì hàng nhái, hàng giả mới trôi nổi trên thị trường được. Tôi chưa hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Công Thương vì chưa làm rõ trách nhiệm, đặc biệt chưa thấy Bộ trưởng cam kết mạnh mẽ trước Quốc hội, trước cử tri”.
Theo_An ninh thủ đô
Có Chỉ thị 11, sẽ không còn mập mờ giá điện?
Với Chỉ thị 11, Bộ Công thương sẽ công khai tất cả chi phí đầu vào cũng như cách tính giá điện bán ra để người dân giám sát - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời tối 11/5.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng
Điện, giá điện và khả năng cung ứng điện luôn là một vấn đề nóng, nhất là mỗi khi mùa hè và mùa khô lại tới. Đại diện của Bộ Công Thương trong một cuộc họp báo định kỳ gần đây đã thừa nhận, để người dân còn thắc mắc băn khoăn về sự minh bạch của giá điện, giá xăng dầu là một thiếu sót của cơ quan quản lý.
Trong chuyên mục Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời tối 11/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã giải thích những thông tin liên quan đến vấn đề minh bạch giá điện.
- Một người dân có gửi thư về chương trình hỏi: "Trước đây, nghe báo chí nói nhiều nhưng tôi thực sự cũng không hiểu cái gọi là "thị trường phát điện cạnh tranh" là như thế nào. Thị trường của mấy công ty bán điện cạnh tranh với nhau bán cho EVN thì có liên quan gì đến những người dân như chúng tôi? Chúng tôi đang phải mua điện với một mức giá quy định khá cao, làm sao mà người dân biết được giá điện EVN mua như nào để biết rằng giá điện mình phải mua là có hợp lý không?"
Vận hành theo nguyên tắc cạnh tranh có nghĩa là các nhà máy điện phải phấn đấu để làm sao giảm được chi phí trong sản xuất, qua đó sẽ được ưu tiên tham gia cung cấp điện. Hiện nay, chi phí đó chiếm khoảng 70% giá điện bán cho người tiêu dùng. Có nghĩa là, nếu giá điện bán cho EVN càng thấp thì người tiêu dùng càng được hưởng lợi từ giá thấp đó.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua việc công bố công khai những nội dung liên quan đến giá điện cũng như tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành điện nói chung vẫn còn một số những bất cập, hạn chế. Chính vì vậy người tiêu dùng có nhu cầu cần phải được nắm rất rõ những chi phí, những yếu tố liên quan đến giá thành điện và đây chính là một trong những nguyên nhân và lý do vừa qua Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 11 ngày 22/4/2014 về công khai minh bạch giá điện.
- Việc ra một chỉ thị riêng về minh bạch hoạt động kinh doanh thị trường điện và xăng dầu là một động thái mạnh mẽ của Bộ Công Thương trước nhu cầu của người dân về việc này. Nhưng một thính giả khác biết về Chỉ thị 11 cho biết: "Cảm thấy băn khoăn không biết một người dân như tôi có được quyền lợi gì từ một chỉ thị như vậy"?
Chỉ thị 11 của Bộ Công Thương đã nêu rất rõ 3 nội dung chính, một là phải công khai những quy định về mặt pháp luật đối với vấn đề giá điện, giá xăng dầu. Thứ hai là công khai về chi phí của ngành điện cũng như các cơ sở sản xuất và kinh doanh xăng dầu, trong đó có cả những thông tin về tình hình tài chính, tình hình sản xuất kinh doanh, kể cả về thu nhập của cán bộ công nhân viên ngành điện, ngành xăng dầu. Thứ ba, Chỉ thị cũng quy định những cơ quan, những thiết chế, phương tiện thực hiện việc công khai hóa, minh bạch hóa. Qua những thông tin như vậy, một mặt người dân biết được những quy định của pháp luật về vấn đề này, qua đó sẽ có điều kiện kiểm tra, giám sát xem ngành điện và ngành xăng dầu có thực hiện đúng các quy định pháp luật hay không. Qua việc công bố công khai cơ cấu về giá điện cũng như giá xăng dầu, người dân có quyền, được lựa chọn giá hợp lý đối với mình.
Thứ ba, với việc công khai này, người dân có khả năng tự xem xét, tự quyết định xem mình sử dụng như thế nào đối với điện, xăng dầu cho tiết kiệm và hiệu quả. Tôi nghĩ rằng đấy là những lợi ích mà Chỉ thị 11 này mang lại.
- Một người dân hỏi rằng: "Từ trước tới nay, người dân thấy việc tính toán giá điện rất phức tạp, rất khó hiểu. Chúng tôi muốn hỏi Bộ trưởng rằng, sau khi Chỉ thị 11 được Bộ Công Thương ban hành thì người dân chúng tôi có thể cùng tham gia giám sát giá điện của EVN được hay không? Và bằng cách nào?"
Tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến của người dân vừa hỏi. Với cơ chế công khai, minh bạch như thế này, thực ra một trong những mục tiêu của việc ban hành Chỉ thị 11 của Bộ Công Thương, đó là tạo điều kiện cho người tiêu dùng có thể giám sát được hoạt động của các đơn vị sản xuất, kinh doanh điện và xăng dầu cũng như kể cả giám sát hoạt động quản lý nhà nước của các cơ quan quản lý nhà nước.
Vừa qua chúng ta đã làm được một số việc, tuy nhiên do chúng ta làm chưa có hệ thống, chưa liên tục, và nhiều nội dung cũng chưa được công bố một cách công khai đầy đủ, vì thế việc ban hành Chỉ thị 11 nhằm khắc phục những khiếm khuyết, những bất cập trong việc công khai, minh bạch trước đây, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận một cách đầy đủ, khách quan tình hình sản xuất kinh doanh của ngành điện, của ngành xăng dầu và đặc biệt là biết được là vì họ sao phải mua điện, mua xăng dầu với giá đó.
Chỉ thị quy định rất rõ, việc thông tin được thực hiện định kỳ và thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng và các trang web của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam...
- Hiện nay, chuẩn bị vào cao điểm mùa khô, nhu cầu dùng điện sẽ tăng cao. Trong khi có báo chí nói rằng khả năng cấp khí cho nhà máy Cà Mau ở phía Nam bị suy giảm. Bộ trưởng cho biết chúng ta có thiếu điện trong năm nay hay không và có nguy cơ bị cắt điện luân phiên trong mùa hè sắp tới hay không?
Có thể khẳng định rằng, chưa có lúc nào ngành Điện vận hành trong trạng thái tốt như thế này. Tốt có nghĩa là chúng ta có dự phòng. Bình quân hiện nay hệ số dự phòng khoảng 20% trên tổng nhu cầu điện. Như vậy có nghĩa rằng, trong tình hình bình thường, khi nhu cầu điện tăng bình quân chừng 10-11%, ngành Điện hoàn toàn có khả năng đáp ứng nhu cầu, và điều này cũng đúng với năm 2014 và kể cả năm 2015.
Tuy nhiên, có dự phòng và dự phòng với tỷ lệ như vậy nhưng nếu chẳng may nó xảy ra một sự cố lớn thì cũng có thể có thời điểm việc cung cấp điện có khó khăn, nhưng nhìn chung có thể đảm bảo. Điều này ngành điện đã khẳng định nhiều lần và hôm nay, tôi xin khẳng định lại cam kết đó của ngành Điện với người tiêu dùng cả nước. Chúng tôi cũng mong rằng người dân sẽ tham gia một cách chủ động, đầy ý thức xây dựng vào việc giám sát, kiểm tra hoạt động của ngành điện, ngành xăng dầu cũng như các cơ quan nhà nước có liên quan trong lĩnh vực sản xuất và cung ứng điện và xăng dầu.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Theo_VnMedia
1/4: Thường vụ Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Y tế Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến sẽ trả lời chất vấn giữa hai kỳ họp Quốc hội tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 1/4 tới đây. Phiên chất vấn được kết nối truyền hình trực tuyến với 63 đoàn đại biểu Quốc hội trên cả...