Phương pháp giảm đau dạ dày tại nhà ai cũng có thể áp dụng
Đau dạ dày là triệu chứng phổ biến trong cuộc sống hiện đại, xảy ra khi niêm mạc dạ dày bị tổn thương hoặc viêm nhiễm với các nguyên nhân thường gặp có thể bao gồm stress, ăn uống không điều độ, sử dụng quá nhiều các chất kích thích như cà phê, rượu bia…
Đau dạ dày thường đi kèm với các triệu chứng như buồn nôn, khó tiêu, ợ hơi, và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.
Trong Đông y, đau dạ dày thường được gọi với các tên gọi như Vị quản thống, Tâm phúc thống, tâm Vị thống…
Đây là một tình trạng được phân loại theo các nguyên nhân khác nhau như tỳ vị hư hàn, can uất khí trệ, ăn uống tích trệ… Theo Đông y, việc điều trị đau dạ dày không chỉ dựa vào thuốc mà còn có thể kết hợp với các phương pháp tự nhiên, dễ thực hiện tại nhà giúp giảm đau và hỗ trợ tiêu hóa.
Dưới đây là những cách giảm đau dạ dày tại nhà, kết hợp giữa phương pháp Đông y và các biện pháp tự nhiên.
Chườm ấm giảm đau dạ dày
Chườm ấm là phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả trong việc giảm đau dạ dày. Bằng cách chườm một túi nước ấm hoặc gối sưởi lên vùng bụng trên, nhiệt độ sẽ giúp giãn cơ, thúc đẩy tuần hoàn máu và làm giảm cơn co thắt dạ dày.
Hơi ấm cũng giúp làm dịu hệ tiêu hóa, tăng cường chức năng của tỳ vị, từ đó hỗ trợ tiêu hóa và giảm đau nhanh chóng. Phương pháp này có thể giảm đau dạ dày trong hầu hết các nguyên nhân và đặc biệt có tác dụng đối với trường hợp đau do thể tỳ vị hư hàn.
Chườm ấm vùng bụng trên giúp giảm đau dạ dày.
Xoa bụng là một kỹ thuật đơn giản mà hiệu quả trong việc hỗ trợ tiêu hóa và giảm đau dạ dày. Để thực hiện, dùng tay hơi ấn nhẹ và xoa bụng theo chiều kim đồng hồ, từ trên xuống dưới, tập trung xoa ở quanh rốn và vùng thượng vị.
Động tác này giúp kích thích lưu thông máu, làm ấm bụng và giảm tình trạng đầy hơi, khó tiêu. Ngoài ra, việc xoa bóp nhẹ nhàng còn giúp giảm sự co thắt của dạ dày, từ đó làm dịu các cơn đau. Phương pháp này đặc biệt phù hợp với những người bị đau dạ dày do lạnh, tiêu hóa kém.
Ấn huyệt
Ấn huyệt là một phương pháp hiệu quả trong y học cổ truyền để điều trị nhiều bệnh tật khác nhau. Trong điều trị đau dạ dày ấn huyệt có thể giúp giảm đau, kích thích tiêu hóa và hỗ trợ điều trị nguyên nhân. Dưới đây là một số huyệt có tác dụng giảm đau dạ dày.
Huyệt túc tam lý : Nằm dưới đầu gối 3 thốn (khoảng bề ngang 4 ngón tay), bên ngoài xương ống chân. Huyệt này có tác dụng bổ ích Tỳ Vị, tăng cường chức năng tiêu hóa, cải thiện tình trạng viêm loét dạ dày, kích thích khí huyết lưu thông.
Huyệt trung quản : Nằm ở giữa bụng, trên rốn khoảng 4 thốn, trên đường giữa cơ thể. Huyệt trung quản là một huyệt tại chỗ có tác dụng làm giảm co thắt dạ dày, giúp tiêu hóa tốt hơn và giảm đau hiệu quả.
Huyệt lương khâu : Nằm trên mặt ngoài đầu gối đi lên khoảng 2 thốn. Huyệt này có tác dụng điều hòa chức năng của dạ dày, hỗ trợ trong việc điều trị viêm loét và đầy hơi.
Huyệt thái xung : Nằm trên mu bàn chân, ở kẽ giữa ngón chân cái và ngón thứ hai, từ kẽ ngón chân đo lên 1.5 thốn. Huyệt này có tác dụng sơ can, giải uất, giúp làm giảm căng thẳng, điều hòa khí huyết, cải thiện triệu chứng đau dạ dày do stress.
Huyệt thiên khu : Nằm cách rốn khoảng 2 tấc về hai bên. Đây là huyệt có tác dụng kích thích tiêu hóa, giảm đau bụng và giúp nhuận tràng.
Video đang HOT
Dùng thảo dược
Thảo dược từ lâu đã được sử dụng trong dân gian để giảm đau và hỗ trợ điều trị bệnh dạ dày. Để điều trị đau dạ dày, Đông y sẽ tùy từng chứng bệnh mà có phép điều trị riêng và bài thuốc thích hợp.
Tuy nhiên một số trường hợp đau dạ dày đơn giản có thể được giải quyết bằng các loại thuốc nam, thảo dược quen thuộc. Một số loại thảo dược thông dụng và dễ tìm tại nhà có thể kể đến như nghệ, lá mơ lông, lá khôi, gừng, nhọ nồi, nha đam, mật ong…
Bài tập cho người bệnh đau dạ dày
Ngày nay số người bị đau dạ dày có xu hướng ngày càng gia tăng và bệnh được coi là căn bệnh của xã hội hiện đại.
Việc thực hiện một số bài tập thể chất có tác dụng hỗ trợ giảm triệu chứng bệnh và tăng cường chức năng hệ tiêu hóa.
1. Vai trò của tập luyện với người bệnh đau dạ dày
Việc thực hiện các bài tập nhẹ nhàng có nhiều lợi ích với người đau dạ dày được ghi nhận:
- Tăng endorphin và cảm giác hạnh phúc: Giảm các triệu chứng căng thẳng có thể làm nặng thêm tình trạng đau dạ dày.
- Tăng tốc độ trao đổi chất và nhu động ruột: Giảm táo bón bằng cách giúp bạn đi đại tiện dễ dàng hơn so với khi bạn ít vận động.
- Kích thích hệ tiêu hóa và sản sinh vi khuẩn có lợi trong đường ruột, từ đó có thể giúp giảm béo phì và rối loạn chuyển hóa, giảm nguy cơ rối loạn tiêu hóa và ung thư dạ dày, đại tràng.
- Nếu bạn thừa cân, các triệu chứng viêm dạ dày như đầy hơi và trào ngược acid sẽ dễ xảy ra hơn. Tập thể dục không chỉ giúp bạn giảm cân và đốt cháy calo mà còn làm giảm viêm dạ dày.
- Tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể.
- Tập thể dục có thể giúp giảm tần suất xảy ra đau dạ dày. Đi bộ hỗ trợ tiêu hóa, thúc đẩy nhu động ruột, giúp giảm táo bón và giảm sự chướng hơi, đầy bụng. Đạp xe và bơi lội cũng mang lại những lợi ích tương tự. Các động tác kéo giãn, tư thế yoga và thái cực quyền cũng có thể làm dịu cơn khó chịu ở vùng dạ dày.
Tuy nhiên, các bài tập thể dục ở cường độ cao, luyện sức bền kéo dài theo một số nghiên cứu cho thấy có thể làm tăng nguy cơ đau dạ dày. Một số nghiên cứu khoa học cho thấy, dường như đau dạ dày tăng lên khi vận động viên bắt đầu một chế độ tập luyện mới hoặc tăng cường cường độ thói quen tập thể dục tiêu chuẩn của họ.
2. Những bài tập tốt cho người bệnh đau dạ dày
Những bài tập tốt cho người bệnh đau dạ dày là những bài tập có tác dụng hỗ trợ giảm tái phát, tăng cường chức năng dạ dày, giảm viêm, giảm đau...
2.1 Bài tập hít thở sâu và thở cơ hoành
Các bài tập thở sâu cũng có thể hữu ích để giảm tình trạng đau dạ dày, nhất là trong các trường hợp do căng thẳng, áp lực.
Thở bằng cơ hoành giúp xoa bóp dạ dày và nội tạng trong khoang bụng (ruột), giúp giảm đau co thắt, đầy hơi, táo bón do có tác dụng kích hoạt phản ứng thư giãn của hệ thần kinh đối giao cảm, làm dịu các xung động thần kinh đến đường tiêu hóa.
Thở cơ hoành liên quan đến việc phình thót bụng thay vì nở ngực khi hít vào.
Thở sâu hỗ trợ giảm đau dạ dày.
Cách thực hiện:
Đặt một tay lên ngực và tay kia lên bụng. Hít vào qua mũi đếm từ một đến năm, cảm thấy bụng căng lên. Hít thở thêm, giữ hơi đếm thêm hai đến ba nhịp. Từ từ thở ra bằng miệng trong vòng đếm đến sáu.
Lặp lại tương tự trong năm đến bảy phút.
2.2 Xoa trung tiêu
Động tác này góp phần giúp làm ấm vùng bụng, giúp khí huyết nội tạng phía trong lưu thông tốt, đồng thời khi xoa tác động và huyệt trung quản sẽ giúp làm giảm đau, điều hòa chức năng bài tiết dịch vị và co bóp của dạ dày.
Cách thực hiện:
Bàn tay phải nắm lại úp trên bụng, tay còn lại đè chụp lên phía trên. Xoa từ phải sang trái theo chiều kim đồng hồ vùng bụng thượng vị (phía trên rốn), kết hợp day ấn huyệt trung quản sau khi kết thúc hết một vòng (xoa, day ấn nhẹ nhàng). Mỗi lần xoa làm từ 20 -50 vòng.
Vị trí huyệt trung quản: Huyệt trung quản nằm thẳng trên rốn 4 thốn hoặc nằm ở giữa đoạn nối giữa rốn và đường thẳng đi ngang qua bờ dưới sườn.
2.3 Bài tập ôm đầu gối vào ngực
Bằng cách ôm đầu gối vào ngực, sẽ tạo áp lực lên khoang bụng, từ đó có thể giúp giảm bớt sự khó chịu do đầy hơi. Khi bạn đang đau bụng, có lẽ bạn chỉ muốn cúi người về trước hoặc nằm cuộn tròn, nhưng làm điều đó có thể làm cho các triệu chứng trở tồi tệ hơn.
Khi nằm cúi ra trước hay cuộn tròn, acid trong dạ dày có nhiều khả năng di chuyển lên trên, gây ợ nóng, đắng miệng, thậm chí gây buồn nôn.
Vì vậy, nếu bạn bị đau trong khi tập bài tập này hãy cố gắng giữ thẳng phần thân trên ở mặt phẳng giường khi thực hiện đưa đầu gối vào ngực hoặc kê đầu, cổ và ngực bằng một cái gối ở dưới.
Cách thực hiện:
- Nằm ngửa, hai chân duỗi thẳng, hai tay để dọc tự nhiên theo cơ thể. Co đầu gối phải và đưa nó về phía ngực của bạn.
- Ôm đầu gối bằng cả hai tay đồng thời giữ lưng, vai và cổ không rời khỏi mặt phẳng giường. Khi thở ra, rướn người về trước, nâng vai lên và đưa trán hướng về phía đầu gối.
- Giữ một vài hơi thở. Thả ra, sau đó lặp lại với chân đối diện. Lặp lại tương tự thêm 18 - 20 nhịp.
2.4 Đạp xe đạp trên không
Bài tập này giúp thúc đẩy nhu động dạ dày ruột và thúc đẩy lưu thông máu. Mỗi sáng thức dậy, thực hiện 10 phút trước khi rời khỏi giường, thích hợp cho người bệnh viêm dạ dày mạn tính.
Cách thực hiện:
Nằm ngửa trên thảm, duỗi thẳng tay, úp lòng bàn tay xuống hai bên, co chân lên một cách tự nhiên.
Thực hiện động tác đạp chân tương tự như khi bạn đang đạp xe đạp: Một bên chân co sao cho phần đùi vuông góc với sàn và cẳng chân song song sàn.
Chân còn lại từ từ đẩy lên trên và ra xa chậm rãi cho đến khi góc giữa chân và mặt đất là 45 độ. Lần lượt một chân co, một chân duỗi, tao thành chuỗi cử động liên tục.
Thực hiện trong 7-10 phút mỗi lần tập.
2.5 Bài tập xuống tấn và lắc chân
Động tác này rất hữu ích trong việc làm giảm chứng khó tiêu và táo bón, giúp xoa bóp các cơ quan nội tạng trong ổ bụng, làm cho khí huyết lưu thông toàn thân, chi dưới linh hoạt, dẻo dai.
Tư thế: Đứng hai chân rộng bằng vai, xuống tấn, hai bàn tay đan vào nhau, lòng bàn tay hướng xuống đất.
Cách thực hiện:
Hít vào tối đa, đưa hai tay lên trời, giữ hơi và dao động thân mình, nghiêng bên trái trước, chân trái thẳng sang ngang, chân phải chùng; rồi nghiêng về bên phải.
Làm như vậy 2-6 lần rồi để tay xuống, thở ra triệt để. Làm lặp lại với bên còn lại từ 10-15 lần.
3. Những lưu ý dành cho người bệnh đau dạ dày khi tập luyện
- Thời điểm tập tốt trong ngày : Không thực hiện bài tập khi bụng no. Nguyên nhân do khi tập luyện có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu hoặc bị bệnh nặng hơn. Nên tập vào buổi sáng sớm hoặc sau khi ăn ít nhất hai tiếng. Kiên trì tập luyện mỗi ngày, dành khoảng 20 phút đến 40 phút.
- Đang ốm hay trong đợt cấp của bệnh:Trong trường hợp này, người bệnh không nên thực hiện bài tập như thường ngày nhưng có thể thực hiện bài tập xoa trung tiêu và hít thở sâu (thở hoành) để làm giảm kích thích thần kinh, tăng cường khí huyết nuôi dưỡng.
- Cách tập không gây hại dạ dày và sức khỏe: Tập thể dục có thể có lợi cho những người bị đau dạ dày vì nó có thể cải thiện sức khỏe tổng thể, giảm căng thẳng và giúp kiểm soát cân nặng. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải tham khảo ý kiến của bác sĩ hay chuyên gia về tiêu hóa trước khi bắt đầu thói quen tập thể dục vì một số loại bài tập có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng.
Nên lựa chọn các hoạt động thể dục nhẹ nhàng, cường độ thấp như đi bộ, chạy bộ nhẹ nhàng, yoga, bơi lội...
Khởi đầu bằng các bài tập có cường độ thấp và dần dần chuyển sang bài tập cường độ cao hơn khi cơ thể quen hơn. Ví dụ, đi bộ với tốc độ chậm và thả lỏng toàn bộ cơ thể mỗi lần từ 20 đến 30 phút, kiểm soát nhịp tập luyện ở khoảng 90-100 nhịp/phút.
Bạn có thể chọn đi bộ khoảng 2 km trong một môi trường đẹp, có thể giúp điều hòa hệ thần kinh trung ương, cải thiện chức năng hệ thống và tiêu hóa, đồng thời có tác dụng nhất định trong việc loại bỏ chướng bụng, ợ hơi và thúc đẩy quá trình lành vết loét. Khi tình trạng được cải thiện, có thể tăng cường lượng vận động phù hợp, trong quá trình luyện tập, mạch có thể đạt khoảng 120 đến 140 nhịp/phút. Tốt nhất nên tập thể dục từ 20 đến 40 phút mỗi ngày.
Ngoài ra, điều quan trọng là phải lắng nghe cơ thể bạn và từ đó tránh các bài tập gây đau hoặc khó chịu trong quá trình tập.
Bơi lội là hoạt động thể chất nhẹ nhàng phù hợp với người bệnh đau dạ dày.
Thuốc điều trị đau dạ dày Có nhiều nguyên nhân gây đau dạ dày. Các thuốc điều trị đau dạ dày cần nhắm vào nguyên nhân gây bệnh. Đau dạ dày là thuật ngữ dùng để mô tả cảm giác khó chịu ở bất kỳ vị trí nào vùng dạ dày. Đau dạ dày có thể âm ỉ hoặc dữ dội, liên tục hoặc ngắt quãng, lan khắp vùng...