Phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa
Ngày 23/10/2019, Bộ Tài chính ban hành Công văn số 12708/BTC-TCDN bãi bỏ Công văn số 4544/BTC-TCDN ngày 18/4/2019 về phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Bộ Tài chính cho biết, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện cổ phần hóa theo hướng dẫn tại Công văn 4544/BTC-TCDN ban hành ngày 18/4/2019, đã gặp nhiều vướng mắc. Vì vậy, Bộ Tài chính ban hành Công văn số 12708/BTC-TCDN bãi bỏ Công văn 4544/BTC-TCDN ngày 18/4/2019.
Theo đó, từ ngày 23/10/2019, việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, trong đó bao gồm cả phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp, sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Cụ thể, việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất khi cổ phần hóa thực hiện theo Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần; Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/1/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai; Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài sản công.
Theo Tapchitaichinh.vn
Forimex: Thành viên Sagri để "tuột" khu đất hơn 3,6 ha tại Phú Quốc ra sao?
Đó là khu đất có diện tích 36.617,6 m2 (3,6 ha) tại Ấp 2, xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc, Kiên Giang của CTCP Lâm nghiệp Sài Gòn (Forimex), vốn là một trong những tài sản được UBND Tp.HCM giao cho công ty (lúc đó là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sài Gòn) để tiến hành cổ phần hóa.
Địa chỉ trụ sở chính của Forimex tại số 8 Hoàng Hoa Thám, Phường 7, Quận Bình Thạnh, Tp. HCM
CTCP Lâm Nghiệp Sài Gòn (Forimex - Mã CK: FRM) - thành viên của Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn - TNHH MTV (Sagri) - tiền thân là Công ty Lâm sản Thành phố, được thành lập vào tháng 3/1993.
Video đang HOT
Sau 7 năm hoạt động, tháng 8/2000, công ty sáp nhập thêm một số xí nghiệp và đổi tên thành Công ty Lâm nghiệp Sài Gòn. Đến năm 2010, công ty hoạt động theo mô hình trách nhiệm hữu hạn một thành viên với tên gọi Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sài Gòn.
Năm 2015, công ty chuyển đổi thành mô hình cổ phần (chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần vào năm 2016) và tiến hành bán đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO). Mức giá đấu bình quân là 10.103 đồng/cổ phần. Tới năm 2017, Forimex niêm yết trên UPCOM với mã FRM, giá chào sàn là 10.200 đồng/cổ phần. Quy mô vốn điều lệ 117 tỷ đồng.
Theo bản công bố thông tin tóm tắt, cơ cấu cổ đông của Forimex thời điểm lên sàn khá cô đặc, khi 4 cổ đông lớn đã chiếm tới 96,21% tổng số cổ phần, bao gồm: Sagri (26,21%), CTCP GTNFoods (35,04%), Nguyễn Thị Mai Lan (16,85%) và Trịnh Thị Hương (18,11%).
Trong đó, CTCP GTNFoods (Mã CK: GTN) trước đó có tên là CTCP Đầu tư và Sản xuất Thống Nhất, là cổ đông chiến lược của Forimex khi thực hiện cổ phần hóa. Các cổ đông lớn là cá nhân vừa nêu cũng có nhiều mối liên hệ với GTNFoods.
Nắm giữ cổ phần chi phối tại Forimex nên nhiều thành viên của GTNFoods cũng đảm nhiệm các vị trí quan trọng tại công ty này tại thời điểm lên sàn (năm 2017).
Cụ thể, ông Tạ Văn Quyền - Chủ tịch HĐQT Forimex - là Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc GTN Foods. Ông Trần Việt Thắng - Phó Chủ tịch HĐQT Forimex - là Thành viên Ban Kiểm soát của GTN Foods.
Đại diện phần vốn Sagri là bà Nguyễn Thị Tuyết Mai (sinh năm 1980) và ông Quang Tường Thụy (sinh năm 1979) đều tham gia HĐQT, tuy nhiên, chỉ với tư cách là Thành viên HĐQT không điều hành.
Trong đó, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai là Trưởng phòng Nhân sự Hành chính Sagri, còn ông Quang Tường Thụy là Phó Trưởng phòng Tài chính Kế toán Sagri.
Cơ cấu cổ đông Forimex chốt ngày 8/8/2017
Vi phạm trong chuyển nhượng 36,6 ha đất Phú Quốc
Bên cạnh lĩnh vực kinh doanh chính, điểm nhấn của Forimex phải kể tới quỹ đất lên tới hàng trăm ha. Trong đó nổi bật lên khu đất tại địa chỉ Ấp 2, xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc, Kiên Giang có diện tích 36.617,6 m2 (3,6 ha).
Được biết, vào tháng 6/2018, Sở Tài nguyên - Môi trường Kiên Giang cho Forimex thuê khu đất để trồng cây lâu năm, trong hợp đồng có điều khoản "không được chuyển giao quyền sử dụng cho bên thứ ba...".
Nhưng vào tháng 3/2018, Phó Chủ tịch HĐQT Forimex Trần Việt Thắng đã ký hợp đồng chuyển nhượng kiêm hợp đồng đặt cọc khu đất trên với giá 280.000 đồng/m2. Liên quan đến sự việc này, đã có đơn tố cáo về việc Forimex bán đất giá bèo và cho biết giá thị trường ở thời điểm đó khoảng 3 triệu đồng/m2.
Ngày 24/9/2019, Thanh tra Tp. HCM đã có thông báo kết luận thanh tra về việc chấp hành các quy định pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, sử dụng tài chính; thực hiện dự án và chuyển nhượng dự án tại Sagri.
Trong đó, Thanh tra Tp. HCM cũng thực hiện thanh tra việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuộc "thửa số 137, tờ bản đồ số 14 có diện tích 31.684,2 m2, tại xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang" của Forimex. Nội dung thanh tra này được UBND Tp. HCM yêu cầu bổ sung theo Văn bản số 1215/UBND-NCPC ngày 24/12/2018.
Kết luận thanh tra đã chỉ ra vi phạm trong việc chuyển nhượng khu đất trên. Cụ thể, người đại diện vốn của Sagri đã thực hiện biểu quyết chuyển nhượng khu đất có tổng diện tích 36.617,6 m2 tại Forimex trước khi có tờ trình báo cáo xin ý kiến Hội đồng Thành viên Tổng công ty.
Điều này vi phạm Điều 49 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; vi phạm hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang.
Cổ đông chiến lược thoái lui sớm
Tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 (ĐHĐCĐ 2019) của Forimex, diễn ra vào ngày 23/4/2019, HĐQT công ty này đã trình cổ đông thông qua việc chuyển nhượng cổ phần của nhà đầu tư chiến lược (GTNFoods).
Nội dung đề nghị ĐHĐCĐ thông qua việc chấp thuận cho GTN Foods được chuyển nhượng toàn bộ 4,1 triệu cổ phần trước thời hạn 5 năm và sau thời hạn 3 năm được quy định tại Nghị định 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017.
Theo tờ trình của HĐQT, hợp đồng mua bán cổ phần số 28/2016/HĐMB-LNSG-TN ngày 27/1/2016 được ký kết trên quy định tại Nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 (Nghị định 59).
Cụ thể, hợp đồng quy định toàn bộ 4,1 triệu cổ phần của GTNFoods (khi đó là CTCP Đầu tư và Sản xuất Thống Nhất) sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 5 năm kể từ ngày Forimex được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu theo Luật Doanh nghiệp. Trường hợp đặc biệt cần chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số cổ phần này theo quy định trước thời hạn trên thì thực hiện theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, Nghị định 59 đã được thay thế bằng Nghị định 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2018. Theo đó, có quy định nhà đầu tư chiến lược không chuyển nhượng số cổ phần được mua trong thời hạn 3 năm (thay vì 5 năm như trước - PV).
Được biết, Forimex được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cổ phần lần đầu vào ngày 23/5/2016, nên tính đến nay công ty đã hoạt động được hơn 3 năm.
Kết quả biểu quyết thông qua việc chuyển nhượng cổ phần của GTNFoods
Kết quả biểu quyết cho thấy, loại trừ số cổ phiếu của GTNFoods không được tính, có 57,6% số cổ phần có quyền biểu quyết (tương đương 4,1 triệu cổ phần) đồng ý. Trong khi đó, có 42,21% số cổ phần có quyền biểu quyết (tương đương 3,07 triệu cổ phần) không đồng ý.
Cần lưu ý rằng, như VietTimes đã đề cập ở phần đầu bài viết, hai cổ đông lớn cá nhân sở hữu lượng lớn cổ phần Forimex cũng có mối liên hệ khá mật thiết với GTNFoods.
Không lâu sau khi nghị quyết được ĐHĐCĐ Forimex thông qua, ngày 11/6/2019, GTNFoods đã thoái toàn bộ 4,1 triệu cổ phần đang nắm giữ tại doanh nghiệp này. Sau đó, bà Nguyễn Thị Mai Lan cũng bán ra 292.800 cổ phiếu FRM, giảm tỷ lệ sở hữu về 4,11% và không còn là cổ đông lớn (từ ngày 20/9/2019).
Về Phó Chủ tịch HĐQT Forimex Trần Việt Thắng, sau những lùm xùm liên quan đến khu đất tại Phú Quốc, ông đã chủ động từ nhiệm khỏi Ban kiểm soát GTNFoods từ tháng 3/2019. Tuy nhiên, phải đến tận ĐHĐCĐ thường niên của GTNFoods vào cuối tháng 6/2019, các cổ đông mới thông qua việc miễn nhiệm đối với ông./.
Theo Viettimes.vn
Nhiều DNNN "sợ" lên sàn, còn DN tư nhân đủ sức lên sàn thì "phải đợi"? "Về phương diện nào đó, đúng là nhóm các doanh nghiệp có vốn tư nhân có vẻ đang bị "thiệt thòi" hơn về điều kiện niêm yết so với doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa", TS. luật Trần Đình Nhã, người có nhiều năm là đại biểu Quốc hội cũng như hoạt động trong lĩnh vực pháp chế và nghiên cứu...