Phức tạp hành vi mua bán trái phép hóa đơn
Theo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an TP Hồ Chí Minh (Phòng Cảnh sát Kinh tế), tội phạm mua bán trái phép hóa đơn ngày càng phức tạp, là nguồn của nhiều loại tội phạm nguy hiểm khác như tham nhũng, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới…
Những con số “khủng” từ các vụ mua bán trái phép hóa đơn
Thời gian gần đây, đặc biệt là thời điểm ngành Thuế chuyển đổi hình thức quản lý từ hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử, tình hình tội phạm mua bán trái phép hóa đơn tại các tỉnh, thành trên cả nước nói chung, tại TP Hồ Chí Minh nói riêng có chiều hướng gia tăng, diễn biến hết sức phức tạp, quy mô ngày càng lớn với thủ đoạn tinh vi, có tổ chức. Mới đây nhất, Công an quận 10, TP Hồ Chí Minh đã triệt phá đường dây mua bán trái phép hóa đơn trị giá trên 1.200 tỷ đồng, với 5 đối tượng bị khởi tố, bắt giữ về tội “Mua bán trái phép hóa đơn”.
Cơ quan điều tra tống đạt quyết định khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Xuân Vinh cầm đầu đường dây mua bán hóa đơn trái phép.
Trước đó, qua công tác nắm tình hình và phối hợp với các cơ quan chức năng, Công an quận 10 phát hiện trên địa bàn có một số đối tượng lợi dụng cơ chế thông thoáng trong thành lập, đăng ký doanh nghiệp để thành lập hàng loạt công ty “ma” thực hiện hành vi mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT), thu lợi bất chính nên đã chỉ đạo xác lập chuyên án để tập trung lực lượng, biện pháp đấu tranh. Ngày 11/1/2024, Công an quận 10 đã tổ chức phá án, triệt phá đường dây mua bán trái phép hóa đơn do đối tượng Nguyễn Xuân Vinh (sinh năm 1978, cư trú tại phường 13, quận 10) cầm đầu.
Kết quả điều tra ban đầu xác định, Nguyễn Xuân Vinh và đồng phạm đã thành lập, quản lý, điều hành 26 công ty “ma” trên địa bàn quận 10 và các địa bàn lân cận nhằm mua bán trái phép hóa đơn GTGT, thu lời bất chính. Từ năm 2020 đến nay, thông qua 12/26 công ty “ma”, Vinh và đồng phạm đã xuất trên 3.700 hóa đơn GTGT cho hàng trăm doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành, với tổng trị giá ghi khống hơn 1.200 tỷ đồng, thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng.
Thủ đoạn của các đối tượng là mua lại pháp nhân công ty do các đối tượng khác thành lập hoặc thu gom chứng minh nhân dân của nhiều cá nhân. Sau đó, lợi dụng chính sách thông thoáng trong đăng ký thành lập doanh nghiệp để mạo danh lập ra các công ty “ma” mua bán trái phép hóa đơn GTGT, che giấu tung tích, lai lịch bản thân. Quá trình khai báo thuế, Vinh và đồng phạm khai khống giá trị hàng hóa mua vào gần bằng giá trị hàng hóa bán ra nhằm mục đích không để cơ quan chức năng nghi ngờ, phát hiện…
Trước đó, ngày 23/10/2023, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cũng đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án hình sự: “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn” và “Trốn thuế” xảy ra tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trên cả nước, đề nghị truy tố 22 bị can. Đường dây này do bị can Hoàng Đặng Ngọc Mỹ Trang cầm đầu, chỉ đạo các bị can khác thực hiện mua bán khống 34.000 hóa đơn trị giá hơn 4.000 tỷ đồng.
Theo Công an TP Hồ Chí Minh, sau thời gian điều tra, đầu tháng 3/2023, Công an TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra, bắt giữ những người liên quan trong đường dây trên. Khám xét 9 địa điểm tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai, Công an TP Hồ Chí Minh đã thu giữ 70 con dấu doanh nghiệp, nhiều ổ cứng máy vi tính, điện thoại, rất nhiều hóa đơn, chứng từ ghi khống nội dung, giá trị.
Video đang HOT
Các bị can mua bán hóa đơn trái phép do Nguyễn Xuân Vinh cầm đầu.
Tại Cơ quan CSĐT, những người trong đường dây này khai nhận, từ năm 2018 đến khi bị bắt, đã sử dụng CMND, CCCD (của người thân, mua ở tiệm cầm đồ) thành lập nhiều “công ty ma” tại TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai. Sau đó, nhóm này thông qua mạng xã hội giới thiệu, chào bán hóa đơn GTGT. Khi có khách liên hệ mua, các đối tượng trong đường dây này sẽ ghi khống nội dung, giá tiền (theo yêu cầu của khách), mức giá thỏa thuận là 1,5% – 2% trên trị giá hóa đơn chưa thuế. Hoàng Đặng Ngọc Mỹ Trang đã chỉ đạo, sắp xếp đường dây mua bán hóa đơn khống, phân công nhiệm vụ cho các “mắt xích”. Nhóm này đã thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng và gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước số tiền rất lớn. Ngoài ra, đối tượng Trang còn móc nối với một số công chức quản lý thuế và các cán bộ ngân hàng có liên quan để thực hiện hành vi mua bán hóa đơn của mình.
Cơ quan Công an xác định, từ tháng 4/2017 đến tháng 3/2023, Hoàng Đặng Ngọc Mỹ Trang và đồng phạm đã sử dụng 41 công ty “ma” để mua, bán trái phép 34.292 hóa đơn GTGT cho 3.273 doanh nghiệp, đơn vị khác nhau trên 52 tỉnh trên cả nước, tổng trị giá trị hơn 4.000 tỷ đồng.
Từ tháng 3 đến tháng 6/2023, Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố 12 bị can. Trong đó, 3 bị can Hoàng Đặng Ngọc Mỹ Trang, Hoàng Ngọc Phượng Trân, Ngô Thị Bích Thủy bị khởi tố về tội: “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn” và 9 bị can khác về tội danh “Mua bán trái phép hóa đơn”; bị can Đỗ Thị Cát Trinh là cựu cán bộ thuế quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh).
Mở rộng điều tra, liên quan đến doanh nghiệp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, ngày 20/9/2023, Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố đối với 10 bị can tại TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Đồng Nai về tội “Trốn thuế” và “Mua bán trái phép hóa đơn”…
Nhiều phương thức, thủ đoạn mới
Thượng tá Lê Minh Hoài, Phó trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh cho biết: Thực tế tình hình tội phạm mua bán trái phép hóa đơn có chiều hướng gia tăng, diễn biến hết sức phức tạp, quy mô ngày càng lớn… Với hình thức hóa đơn điện tử, các đối tượng không cần gặp mặt trực tiếp vẫn có thể tiến hành mua bán hóa đơn, do đó tình trạng chào mời, mua bán hóa đơn diễn ra công khai trên các mạng xã hội như: Zalo, Facebook, Telegram… gây thiệt hại rất lớn cho ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh.
Các đường dây mua bán trái phép hóa đơn của các đối tượng không chỉ bán hóa đơn cho các doanh nghiệp để trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế, mà còn xuất bán cho các doanh nghiệp nhằm tạo doanh số để vay tiền ngân hàng, phát hành trái phiếu, chuyển tiền trái phép qua biên giới, hoặc các doanh nghiệp Nhà nước dùng để hợp thức hóa chứng từ nhằm thực hiện các hành vi tham nhũng.
Tiền và con dấu Cơ quan Công an thu giữ trong vụ mua bán hóa đơn do Hoàng Đặng Ngọc Mỹ Trang cầm đầu.
Hiện nay, khi gõ từ khóa “mua bán hóa đơn” trên công cụ tìm kiếm Google, người dùng có thể thấy hàng trăm trang mạng đang hoạt động mua bán hóa đơn rầm rộ, mỗi trang có tới hàng chục ngàn thành viên. Thậm chí, việc tin nhắn chào mời mua bán hóa đơn còn được gửi thẳng đến các số điện thoại.
Nói về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán trái phép hóa đơn trong tình hình hiện nay, lãnh đạo Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh cho biết các đường dây mua bán trái phép hóa đơn hoạt động với phương thức, thủ đoạn rất tinh vi, phức tạp, có sự tổ chức chặt chẽ và phân công nhiệm vụ cụ thể. Đầu tiên có thể kể là nhóm đối tượng thành lập doanh nghiệp, để thành lập các công ty “ma”, các đối tượng không trực tiếp đứng tên các doanh nghiệp mà sử dụng CMND, CCCD của người quen, người thân; thuê CMND của người khác hoặc mua CMND tại các tiệm cầm đồ, của các đối tượng bán trên mạng để thành lập các doanh nghiệp, tự ký tên giám đốc, kế toán rồi đăng ký chữ ký với cơ quan chức năng.
Một phương thức khác để có được pháp nhân các công ty “ma” là các đối tượng mua lại các công ty tạm dừng hoạt động nhưng có mã số thuế tồn tại trên hệ thống từ 3 năm trở lên rồi làm thủ tục đăng ký hoạt động trở lại để mua bán hóa đơn. Nhóm đối tượng tìm kiếm khách hàng thường tham gia các hội nhóm, nhất là hội nhóm kế toán của các doanh nghiệp để móc nối với nhau tạo nên mạng lưới môi giới bán hóa đơn không chỉ ở TP Hồ Chí Minh mà còn rộng khắp cả nước. Ngoài ra, các đối tượng còn sử dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Telegram… để chào mời bán hóa đơn cho các doanh nghiệp…
Nhằm ngăn ngừa sử dụng hóa đơn giả mạo, vừa qua Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã phát đi cảnh báo với người nộp thuế về các hành vi vi phạm trong sử dụng hóa đơn. Nguyên nhân là do một số đối tượng lợi dụng sự thông thoáng của chính sách thuế để mua bán, sử dụng hóa đơn không hợp pháp, có hành vi gian lận khi sử dụng hóa đơn, chiếm đoạt tiền thuế. Cục Thuế TP Hồ Chí Minh lưu ý người nộp thuế những hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế và trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ thường gặp như: sử dụng hóa đơn, chứng từ giả; sử dụng hóa đơn điện tử không đăng ký với cơ quan thuế; sử dụng hóa đơn chứng từ khống, hóa đơn không phản ánh đúng giá trị thực tế phát sinh…
Theo các chuyên gia kinh tế, quy định chế tài xử lý hành vi sử dụng trái phép hóa đơn hiện nay chưa đủ mạnh, chưa tương xứng với hành vi và hậu quả mà tội phạm mua bán hóa đơn gây ra…
Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh nhận định, trong thời gian tới, tình hình kinh tế – xã hội trên địa bàn thành phố sẽ còn nhiều khó khăn, các hành vi trốn thuế, hành vi trốn thuế được sử dụng nhiều nhất là làm tăng chi phí đầu vào nhằm làm giảm số thuế GTGT phải nộp, để làm được điều này phải mua hóa đơn. Do đó, tình hình tội phạm mua bán trái phép hóa đơn vẫn sẽ có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn mới.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm mua bán trái phép hóa đơn, Phòng Cảnh sát kinh tế sẽ tham mưu cho Ban Giám đốc Công an thành phố xây dựng Quy chế phối hợp giữa Công an TP Hồ Chí Minh với Cục Thuế TP Hồ Chí Minh nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, trao đổi thông tin tội phạm, vi phạm pháp luật về thuế nói chung, tội phạm mua bán trái phép hóa đơn nói riêng.
Bắt đối tượng truy nã về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản sau 10 năm lẩn trốn
Nguyễn Đức Thanh lấy danh nghĩa Hội Nông dân xã ký hợp đồng với doanh nghiệp mua phân bón để cung ứng cho nông dân.
Tuy nhiên, sau khi nhận được phân bón, Nguyễn Đức Thanh không cung ứng cho nông dân mà đem đi bán, rồi thanh toán tiền mua hàng hơn 01 tỷ đồng cho doanh nghiệp
Ngày 23/01/2024, phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Nghệ An cho biết, vừa bắt giữ đối tượng Nguyễn Đức Thanh (SN 1963) trú tại xã Nghi Thạch, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An bị truy nã về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đối tượng Nguyễn Đức Thanh tại Cơ quan Công an
Theo hồ sơ vụ án, năm 2011, mặc dù không được phép thực hiện dịch vụ cung ứng phân bón cho nông dân trong xã, nhưng Nguyễn Đức Thanh vẫn lấy danh nghĩa Hội Nông dân xã Nghi Thạch để ký hợp đồng với một doanh nghiệp về việc mua phân bón để cung ứng cho nông dân. Tuy nhiên, sau khi nhận được phân bón, Nguyễn Đức Thanh không cung ứng cho nông dân mà đem đi bán. Đến hẹn thanh toán số tiền mua hàng hơn 01 tỷ đồng cho doanh nghiệp, Thanh không trả tiền, sau đó bỏ trốn khỏi địa phương.
Ngày 02/12/2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã ra Quyết định truy nã đối với bị can Nguyễn Đức Thanh về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Sau khi bỏ trốn, để tránh sự truy bắt của lực lượng chức năng, Nguyễn Đức Thanh đã xuất cảnh sang ra nước ngoài. Qua công tác nghiệp vụ, phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh nhận được thông tin, tháng 12/2023, đối tượng Thanh sử dụng hộ chiếu mang tên người khác nhập cảnh vào Việt Nam và đang lẩn trốn trong nước.
Sau một thời gian triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ, vào lúc 0 giờ 30 phút ngày 21/01/2024, tại huyện Quỳ Hợp, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường phối hợp với các đơn vị liên quan bắt giữ thành công đối tượng Nguyễn Đức Thanh.
Đối tượng đã được dẫn giải về trụ sở Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh để phục vụ công tác điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Bắt Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc Công ty CP Tài chính Vietnam Capital Dù không phải là tổ chức tín dụng, không có chức năng nhận tiền gửi tiết kiệm, nhưng các đối tượng đã huy động trái phép hàng trăm tỷ đồng, lấy tiền của người sau trả lãi cho người trước và đến nay mất khả năng chi trả. Chiều tối ngày 20/12, Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu,...