Phú Yên: Nông dân vỡ nợ vì nhân viên nông vụ kê khống, bỏ túi tiền tỉ
Hàng trăm hộ dân trồng mía ở xã Sơn Phước, huyện Sơn Hòa (Phú Yên) tá hỏa khi phát hiện mình phải gánh nợ hàng trăm triệu đồng.
Nhiều người đã làm đơn tố cáo nhân viên nông vụ tự nâng khống số lượng mía giống, tiền phân bón và công chăm sóc… để chiếm đoạt tiền .
Để hỗ trợ nông dân, Công ty TNHH Công nghiệp KCP- Việt Nam (100% vốn nước ngoài) đầu tư mía giống, tiền phân bón, công chăm sóc cho nông dân để tái sản xuất. Theo quy định, đến mùa thu hoạch, nông dân bán mía nguyên liệu cho công ty và được khấu trừ các khoản đầu tư trước khi thanh toán tiền mía. Lợi dụng sự chủ quan của một số nông dân, ký biên bản giao nhận tiền mà không kiểm tra số liệu, ông Lê Như Hiệp, nhân viên nông vụ thuộc Công ty TNHH Công nghiệp KCP- Việt Nam (KCP) đã “áp dụng” các chiêu thức để chiếm đoạt tiền.
Bà La O Thị Dẻo, nông dân ở xã Sơn Phước, huyện Sơn Hòa cho biết: “Vào tháng 3/2011, gia đình mượn của KCP 20 tấn mía giống, sau khi thu hoạch gia đình phát hiện nhân viên nông vụ Lê Như Hiệp đã nâng khống lên 30 tấn nên gia đình phải gánh chịu khoản nợ này”.
Trạm thu mua nông vụ nơi làm việc của ông Lê Như Hiệp và đơn tố cáo của người dân
Tương tự, ông Sô Minh Tría cũng ở xã Sơn Phước thu hoạch nhập về KCP trên 18 tấn mía cây. Tuy nhiên khi thanh toán tiền mía bán cho KCP, ông Tría bị nông vụ trừ gần 12 triệu đồng, trong khi đó chỉ mượn tiền nhà máy để tái sản xuất có 5 triệu đồng.
Video đang HOT
Không chỉ ông Tría, bà Dẻo, mà nhiều hộ dân khác sau khi thu hoạch mía vụ 2011-2012 mới tá hóa phát hiện ông Lê Như Hiệp tự ý nâng khống lượng mía giống, tiền phân bón… để chiếm đoạt số tiền lớn.
Ông Sô Minh Lộc, Phó chủ tịch UBND xã Sơn Phước, huyện Sơn Hòa cho biết: Sau khi nhận đơn tố cáo của bà con, chúng tôi tiến hành kiểm tra thì tình hình đúng như vậy. Ông Hiệp đã nâng khống để rút tiền từ nhà máy, vì trong hợp đồng có 4 bên ký xác nhận gồm chủ mía, nhân viên nông vụ, nhân viên giám sát và UBND xã. Để lừa dân, trong phiếu ông Hiệp chỉ ghi bằng số mà không ghi bằng chữ. Khi mọi thủ tục xong, ông Hiệp “phù phép” lấy bút sửa số để lấy tiền dân. Ví dụ 8 tấn thành 18 tấn…
Sau khi sự việc xảy ra, UBND xã Sơn Phước tiếp tục kiểm tra, phát hiện trong số 113 hộ nông dân trong xã được KCP cho mượn hơn 773 tấn giống mía và 213,8 triệu đồng, thì có đến 78 tấn mía giống được ông Hiệp nâng khống. Ngoài ra ông này còn tự lập ra 31 hồ sơ “ma” đầu tư cho 31 nông dân trồng mía trên diện tích hơn 54ha để chiếm đoạt trên 540 tấn mía giống và 5,8 triệu đồng.
Ông Cao Minh Hòa, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa cho biết, đã có văn bản yêu cầu KCP giải quyết sự việc. Nếu công ty đề nghị hỗ trợ điều tra, huyện sẽ giao các ngành chức năng làm rõ.
Theo ông K.V.S.R Subbaiah, Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, trong thời gian làm nông vụ, ông Lê Như Hiệp đã nâng khống mía giống, tiền phân bón và công chăm sóc của gần 130 nông dân, chiếm dụng gần 1 tỉ đồng.
Vụ việc chỉ bị phơi bày khi đến mùa thu hoạch, KCP thu hồi lại số tiền đầu tư, thì nhiều nông dân phát hiện ra số nợ quá lớn so với thực tế. Hiện ông Hiệp đã thừa nhận hành vi sai phạm và hứa sẽ hoàn trả lại khoảng tiền chênh lệch do kê khống.
Công an huyện Sơn Hòa, Phú Yên cho biết, cơ quan này đang tiếp tục mở rộng điều tra làm rõ vụ việc. Ông Hiệp đã từng bị khởi tố về hành vi đánh bạc quy mô lớn dưới nhiều hình thức.
Theo ANTD
Nhiều nhân viên y tế kê khống, trục lợi tiền bảo hiểm y tế
Kê khống toa thuốc bảo hiểm y tế để trục lợi, không đi khám bệnh vẫn được kê toa cấp thuốc... là những chiêu nhằm chiếm dụng quỹ BHYT của nhiều nhân viên y tế.
Tại huyện Kiên Lương, Kiên Giang, các nhân viên bệnh việnhuyện và trạm y tế xã đã kê khống toa thuốc bảo hiểm y tế để trục lợi hơn 214 triệu đồng. Ở một trạm y tế tại Bình Thuận còn có chuyện lạ là không đi khám bệnh vẫn được kê toa, cấp thuốc.
Không khám bệnh vẫn cấp thuốc
Theo báo cáo của Trạm Y tế xã Hải Ninh (huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận), trong hai năm 2010 và 2011, đơn vị này đã tổ chức khám chữa bệnh ngoại trú cho gần 8.200 lượt người có thẻ bảo hiêm y tê (BHYT). Trạm đã mở sổ khám bệnh, sổ theo dõi cấp thuốc BHYT, lập phiếu thanh toán ra viện để làm chứng từ thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo quy định.
Tuy nhiên, mới đây, đoàn kiểm tra liên ngành của Sở Y tế và bảo hiêm xã hôi (BHXH) Bình Thuận phát hiện nhiều trường hợp bệnh nhân dù không đến khám chữa bệnh, vẫn có đơn thuốc. Các đơn thuốc trên được kê đơn bởi hai y sĩ Trần Thị Lê Mai, Trần Thị Thùy Thơ và BS trạm Tô Duy Khang.
Điều gây ngạc nhiên hơn là trong sổ theo dõi cấp phát thuốc BHYT, suốt năm 2010 và ba tháng đầu năm 2011, trên phiếu thanh toán ra viện và trong sổ theo dõi cấp phát thuốc BHYT, hầu hết đều không có chữ ký của bệnh nhân mà do các nhân viên của trạm ký. Theo thống kê, trạm đã thực hiện chi sai nguyên tắc (kê khống, ký thay bệnh nhân trên phiếu thanh toán...) với tổng số tiền hơn 235 triệu đồng.
Đại diện Trạm Y tế Hải Ninh phân trần rằng, không có việc kê đơn thuốc khống mà là do các trường hợp người quen đưa thẻ BHYT nên nể nang kê đơn, cấp thuốc và không cần bệnh nhân phải đến khám... Ngoài ra, do không nắm được các quy trình khám chữa bệnh nên còn để xảy ra nhiều vi phạm.
Kê khống 2.066 toa thuốc
Qua thẩm định hồ sơ thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT quý III năm 2011 tại bênh viên (BV) Đa khoa Kiên Lương, Kiên Giang, BHXH Kiên Giang phát hiện một số cá nhân mượn thẻ BHYT của nhiều người và giả mạo chữ ký để trục lợi quỹ BHYT. Ông Bùi Ngọc Sơn - Trưởng phòng giám định BHYT (BHXH Kiên Giang) cho biết, kiểm tra hồ sơ tại Khoa Y học cổ truyền của BV Kiên Lương, cơ quan BHXH nghi vấn 838 hồ sơ bảng kê chi phí khám chữa bệnh ngoại trú có dấu hiệu giả mạo chữ ký của người có thẻ BHYT trong thời gian từ tháng Bảy đến tháng 9/2011.
Nhân viên giám định BHYT đã gặp một số người dân có tên trong các toa thuốc nghi vấn và được biết là họ chưa hề đến BV nhận thuốc. Mở rộng rà soát các chứng từ thanh toán BHYT tại các phòng khám đa khoa khu vực và trạm y tế trên địa bàn huyện Kiên Lương, BHXH Kiên Giang phát hiện thêm 452 hồ sơ có dấu hiệu giả mạo chứng từ để thanh toán BHYT.
Trước sự việc trên, Thanh tra Nhà nước huyện Kiên Lương đã vào cuộc, xác định có 10 cá nhân dùng thẻ BHYT của người khác làm hồ sơ khám bệnh nhiều lần để trục lợi BHYT. Trong đó, tám người là nhân viên của BV Kiên Lương (người có toa thuốc nhiều nhất là bà Lê Thị Lai với 281 toa, số tiền trên 33 triệu đồng) một người là nhân viên Trạm Y tế xã Sơn Kiên, huyện Kiên Lương, bà Huỳnh Thị Thiên My lập khống 452 toa thuốc.
Người còn lại dù không phải là nhân viên y tế, ông Trịnh Xuân Quyết, nhân viên nhà máy xi măng Hà Tiên, nhưng đã cấu kết với các nhân viên trong BV Kiên Lương để mượn thẻ BHYT của người khác, rồi lập khống 898 toa thuốc với số tiền trên 109 triệu đồng. Tổng cộng, những người trên đã lập khống 2.066 toa thuốc nhằm trục lợi hơn 214 triệu đồng. Hiện tại, các cá nhân có liên quan đến những sai phạm trên đã bị đình chỉ công tác, một số người bị đề nghị khởi tố.
BV Kiên Lương cũng đã từng xảy ra tình trạng gian lận BHYT. Một số y bác sĩ ở đây thường xuyên bị "bệnh nặng, bệnh nhiều" bất thường. Qua kiểm tra, cơ quan BHXH phát hiện có đến 29 cán bộ tại BV vừa có tên trong danh sách nằm điều trị nội trú lại vừa có tên trong bảng chấm công... đi làm.
Theo Phụ nữ TPHCM