Phu trầm cược mạng sống với giấc mộng kỳ nam
Lao theo giấc mộng đổi đời với nghề đi địu tìm kỳ nam, những phu trầm ở Khánh Hòa chốc lát đã bỏ mạng để lại mẹ già, vợ cùng con thơ.
Trong ngôi nhà ọp ẹp, dựng bằng tấm bạt cũ kỹ ở xã Vạn Long ( Vạn Ninh), ông Trần Văn Quý Em (50 tuổi) bảo suốt 25 năm qua vẫn chưa thôi ám ảnh khi chứng kiến ngày anh trai Trần Văn Quý tử vong. “Nhiều chuyện đi rừng có thể quên, nhưng tôi sẽ nhớ mãi hình ảnh anh trai kẹt trong hốc đá”, ông nói.
Suốt 25 năm qua, người phu trầm vẫn không thôi ám ảnh khi chứng kiến anh trai kẹt trong hốc đá. Ảnh: Xuân Ngọc.
Người đàn ông dáng dong dỏng, đôi mắt trũng sâu kể, nhóm trai làng 8 người đến cánh rừng Gia Lai tìm kỳ nam, hồi tháng 7/1992. Trưa hôm đó, anh trai ông – bầu trưởng (người đứng đầu nhóm ) – ngửi mùi thơm của trầm xông ra từ hốc đá rộng gần 1m, dài hơn 3 m, cạnh con suối. Nghi có kỳ nam ở trong, ông liền báo mọi người, rồi lao xuống.
Gần 30 phút sau, giọng nói văng vẳng, mừng rỡ của anh ông dội ra từ miệng hầm báo có “hàng” nhưng cũng là lúc mọi người nghe tiếng “rầm” rất lớn. Hàng tấn đá bất ngờ trên cao đổ dồn xuống.
“Anh tôi chỉ kịp trườn đầu ra khỏi miệng hầm, người kẹt lại. Anh nói có gì đó chèn lên khiến toàn thân đau nhức, cử động hay xoay trở đều không được”, người em nhớ giây phút người anh mắc kẹt.
Rừng sâu, mất hơn chục ngày mới ra ngoài. Không thể tìm người giúp sức, nhóm phu trầmcầm xà beng, búa đục từng lớp đá, song sau nhiều giờ tảng đá vẫn không nhúc nhích. Phía trên nơi ông Quý gặp nạn từng phiến đá rất lớn, nếu sơ sẩy sẽ đổ sập.
Kiệt sức, trời cũng vừa tối, họ đành ngồi quây quần, động viên nạn nhân. Các thành viên trong nhóm chăm ông Quý từng thìa cơm, cháo đến giọt nước. Đêm đến, mưa lất phất. Mọi người hạ cây, dựng cọc tứ phía che chắn. Họ quấn từng điếu thuốc rê, hút chống lạnh. Nhìn anh trai thoi thóp mà không cứu được, nước mắt trong ông Em lại trào ra.
Những ngày sau đó, người em cố đi kiếm thợ chuyên chẻ đá đến giúp nhưng rừng sâu không bóng người. “Suốt 7 ngày, chúng tôi tìm mọi cách cứu nhưng đành bất lực. Anh ấy không còn đủ sức chống chọi liền gọi mọi người đến, chỉ nơi đã giấu 300 gram kỳ nam dưới gốc cây cổ thụ do nhóm tìm được trước đó, vì sợ cướp”, ông Em nhớ lại.
Giọng thều thào, đứt quãng, người anh bảo với ông Em chia đều cho các thành viên, căn dặn mang phần của mình về cho mẹ, chăm sóc bà ấy. “Tôi đưa mọi người đi, nhưng không đưa về được, xin lỗi”, ông Em hồi tưởng lời cuối của anh trai.
Xé vạc áo anh trai đang mặc, phu trầm quấn lên đầu làm khăn tang, mang kỷ vật trở về. Cả nhóm lấy đá dựng tạm bia mộ cho người đã khuất. Sau lần ấy, đêm đêm, ông Em vẫn thường choàng tỉnh giấc vì mơ thấy cảnh anh trai mất. Mỗi năm, cứ đến ngày giỗ, ông lại băng rừng, thắp cho anh nén nhang.
Đứng lặng trước hiên nhà nhìn chiều tàn, cụ Lê Thị Lùn – mẹ của ông Em – nhớ về người con trai đã mất khi còn khá trẻ. Khẽ lau di ảnh con, người mẹ già buông tiếng thở dài: “Từ khi nó mất, nhà tôi vắng vẻ hẳn”.
Cụ bà bảo, từ ngày con trai mất ngôi nhà trở nên vắng vẻ. Ảnh: Xuân Ngọc.
Đau ốm triền miên, nhưng mỗi lần ai nhắc đến người con đã mất, cụ bà lại trào nước mắt. Bà bảo, chồng bỏ đi biền biệt, một tay bà chăm sóc 6 người con. Ông Quý là con cả, thương mẹ vất vả chẳng màng đến con chữ, đi làm mưu sinh từ bé. Khi lớn, thấy trai làng đổ xô vào rừng tìm trầm, ông liền xin hai anh em theo cùng. “Trước mỗi chuyến đi, nó đều thỏ thẻ: Con trúng được kỳ nam thì mẹ sẽ đỡ khổ”, bà Lùn nhớ lại.
Cụ bà nói vẫn nhớ như in ngày con trai thứ từ rừng trở về, bước vào nhà chân nặng trĩu, phờ phạc, tay cầm chiếc balô cũ, trên đầu vấn chiếc khăn tang. Người mẹ im lặng, mắt buồn. Nghe con trai thét lên, giọng run run: “Anh con mất rồi”, bà như chết lặng.
Video đang HOT
Tận bây giờ, tâm trí người mẹ ấy không ngừng thổn thức, bao đêm chiêm bao vẫn thấy con bị kẹt trong hốc đá và mãi không ra được. Bà giật mình thức giấc, mồ hôi vã ra. “Mỗi lần nghe câu chuyện về phận đời phu trầm, tôi lại thấy lạnh sống lưng”, cụ bà 78 tuổi nói.
Từng đi địu một thời, ông Trần Thóc (77 tuổi) vừa dừng cuộc điện thoại hướng dẫn con trai khu vực dễ có kỳ nam ở rừng, ông quay sang bảo vẫn quay quắt nhớ nghề. Lão ông nay không đủ sức đi địu, bởi đôi chân bị tắc nghẽn động mạch, mất cảm giác nhiều năm trước, nói rằng không quên chuyến đi đệnh mệnh hàng chục năm trước.
Ông kể, tháng 2/1982, đoàn ông có 16 người ở Vạn Ninh đi tìm trầm cánh rừng huyện Buôn Hồ (Đăk Lăk). Tới nơi, họ chia thành hai nhóm, mỗi bên tám người. Trong đó, hai anh em của ông được phân làm bầu trưởng mỗi nhóm.
Chia tay nhóm bạn tại rừng, hẹn gặp tại quê nhà, nhưng hơn tháng sau, nhóm ông trở về, 8 người còn lại không thông tin. Thời gian sau, ông cùng các phu trầm khác trở lại khu rừng cũ tìm thì thấy 8 ngôi mộ bằng đá.
“Chuyến đi đó, kỳ nam rất nhiều, người nào cũng balô lớn hơn 10 kg. Nhóm anh trai tôi mất tích suốt 35 năm, chưa lần hay tung tích. Mọi người cứ nghi cả nhóm bị thổ phỉ giết, cướp hàng”, ông Thóc nói.
Theo ông, nghề đi địu thuở trước lắm gian nan, phu trầm đối mặt với nhiều hiểm nguy, thường gặp cướp hay mang thương tật trở về. Trường hợp ông Võ Văn Phát ở cùng xã bị cướp bắn khi không chịu giao kỳ nam phải cưa chân trái, dựa dẫm vợ con suốt đời là một nhân chứng sống cho nghề phu trầm.
Cách nhà ông Thóc khoảng một km là căn nhà nhỏ dựng sát cánh đồng của bà Đặng Thị Hưởng (68 tuổi). Chuyến đi tìm trầm 35 năm trước đã cướp đi sinh mạng chồng bà và 7 người trong làng. Khi ấy, bà mới 33 tuổi, một mình phải gồng gánh nuôi 8 người con, trong đó con út mới sinh được 20 ngày tuổi.
Nhớ thương chồng, bà treo tấm ảnh hai người chụp chung tại phòng khách để nhìn mỗi ngày. Nhắc đến lời hứa hẹn của chồng: “Anh đi chuyến này trở về sẽ có tiền để chăm sóc em và các con”, giọng bà nghèn nghẹn. Bà bảo, lần đó là chuyến đi địu đầu tiên của chồng, nhưng không ngờ đấy là lần cuối.
Nhà cách quốc lộ chừng 300 m, mỗi tiếng còi xe lớn, hay người gọi gõ cửa lúc nửa đêm bà đều vùng dậy, xem có phải chồng, song không phải. Hàng chục năm qua, bà vẫn chờ chồng về nhưng chẳng thấy bóng. “Mỗi lần các cháu hỏi ông đâu, nước mắt tôi lại chảy dài”, bà lão chia sẻ.
Trong tâm trí vợ phu trầm vẫn luôn nghĩ chồng còn sống, ngày nào đấy sẽ quay về. Ảnh: Xuân Ngọc.
Cùng chung cảnh ngộ mất chồng trong chuyến đi đó, trong cơn nấc nghẹn bà Trần Thị Bảy (69 tuổi) hồi tưởng, những năm 70-80 thế kỷ trước nơi đây nghèo lắm, mọi người đói khổ đến xanh xao, vàng vọt. Thu nhập từ làm nông không đủ nuôi gia đình, trong khi trầm hương giá rất cao, tính bằng vàng. Thời ấy, thanh niên trong làng đua nhau vào rừng tìm trầm, kỳ nam mong đổi đời.
Bà Bảy quê ở Bến Tre, lấy chồng về Khánh Hòa sống và sinh được 4 con (ba trai, một gái). Chồng bà theo nghề địu rất sớm. Từ ngày lấy nhau, ông cứ đi suốt, chỉ ở nhà với bà một tuần sau mỗi chuyến đi và mỗi lần vào rừng ít khi dặn dò. “Không hiểu sao lần này, ông ấy lại nói ở nhà cố nuôi dạy các con thật tốt”, bà nói.
Lúc ấy, bà vừa sinh con út gần 3 tháng tuổi, nên mọi người khuyên ông ở nhà, nhưng chồng bà không chịu, rồi biền biệt. Từ đó, mình bà gồng gánh nuôi các con. Cũng như những phụ nữ khác tại địa phương, bà chỉ hay chồng đi cùng nhóm rồi bị thổ phỉ sát hại trong rừng ở Đăk Lăk, nhưng không tìm thấy xác .
Xuân Ngọc
Theo VNE
Cuộc chiến giành lãnh địa trong rừng của giới phu trầm
Ngoài chống chọi với khắc nghiệt của núi rừng, phu trầm ở Khánh Hòa còn đối mặt với lằn ranh sinh tử trong các cuộc xung đột để được địa bàn khai thác.
Người đi địu ở Vạn Ninh đổ xô vào rừng Gộp Ngà ở huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) tìm kỳ nam năm 2012. Ảnh: Thành Nguyễn.
Tháng 10/1987, tiết trời rừng già huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi ẩm ướt. Nhóm phu trầm ông Lê Văn Xuân (54 tuổi, xã Vạn Phước, huyện Vạn Ninh) với gần 20 người lần theo bản đồ sau gần tuần băng qua các ngọn đồi mới tìm được địa điểm có nhiều cây dó bầu lâu năm, nghi có kỳ nam. Nơi đây, địa hình hiểm trở, vực chênh vênh, song dân địu tập trung đông.
Vừa tới nơi, họ chạm mặt dân bản địa, bị đuổi khỏi rừng. Tranh cãi gay gắt, hai nhóm quyết định xử theo "luật rừng". Mỗi bên chọn ra người giao đấu. Bên nào thua, nhóm đó tức khắc phải xuống núi và tuân thủ quy định của bên thắng cuộc.
"Nếu chúng tôi thắng thì được đi cùng khai thác. Còn họ thắng, nhóm tôi buộc phải bỏ lại toàn bộ tài sản, vật dụng mang theo và rời khỏi rừng", ông Xuân nói và cho biết, dân địu mỗi lần gặp người địa phương thường tránh, vì khi xích mích cả làng kéo đến, hậu quả khó lường.
Quy định giao đấu những người bên ngoài đứng xem, không được can thiệp và phải tuân thủ luật chơi. Đánh nhau gần 20 phút, phu trầm lúc ấy là anh Long (dân địu hay gọi anh cả), người to, cao tầm 1m8 hạ gục được đối thủ.
Tuy thắng cuộc, nhóm ông vẫn nơm nớp lo vì sợ bị trả thù. Trong lúc họ tìm trầm luôn có người gác trại vì sợ bị đánh úp, nhất lúc trời tối. Hơn 15 ngày khai thác, nhóm ông Xuân trúng được rất nhiều trầm và gần chục kg kỳ nam. Lúc trở về, họ không đi lối cũ mà tìm đường vòng đến Quảng Nam, tránh bị cướp.
Các phu trầm gói hàng vào túi nylon cột chặt, ngày ngủ còn tối đến men theo sông Thu Bồn và không dám đi đường lộ cho đến khi đặt chân xuống đồng bằng. "Lần đấy, tôi sắm được 15 lượng vàng, rồi xây nhà mới", ông Xuân phấn khởi khoe.
Lần khác, hơn 25 năm trước, ông và các bạn trên đường trở về sau gần tháng tìm kỳ nam. Khi băng qua rừng Hòa Vang (TP Đà Nẵng), nhóm ông không may bị hàng chục người chặn đường đánh bị thương, cướp sạch hàng.
Từng phải đối mặt với hiểm nguy thời đi địu, ông Nguyễn Văn Dũng (52 tuổi, xã Vạn Phước, huyện Vạn Ninh) bảo chuyện vào rừng tìm trầm bị tranh giành lãnh địa là thường tình.
Năm 1980, ông cùng 5 người trong thôn đang khai thác trầm ở rừng già Đăk Lăk, bất ngờ nhóm địu khác xuất hiện. Phát hiện khu vực có nhiều cây dó bầu với thân khá lớn, nghĩ có kỳ nam nên họ tìm cách gây sự, ý định giành quyền khai thác.
Trời vừa nhập nhoạng tối, gần chục người lăm lăm dao, rựa nói giọng miền núi tìm đến lán trại của nhóm phu trầm Khánh Hòa. Gặp bầu trưởng, họ xưng là người địa phương, yêu cầu nhóm ông Dũng phải dở trại, rời rừng trước khi mặt trời mọc.
Trong giới phu trầm, đàn anh đi trước thường truyền cho người địu sau lúc tới nơi lạ phải nhẫn nhịn, tránh những xung đột. "Lần ấy, chúng tôi mới có được ít hàng, nếu trở về hoặc tìm địa điểm khác sẽ lỗ vốn", ông Dũng hồi tưởng và cho biết, sau lúc bàn bạc, bầu trưởng quyết định phải lên tiếng, trường hợp không tránh được đành phải đối mặt.
Sáng sớm hôm sau, những kẻ tranh giành trở lại. Thấy trại vẫn còn nguyên vẹn, toán người này lớn tiếng doạ "xử". Mọi người nhóm ông Dũng im lặng, song đã chuẩn bị sẵn để "đánh giáp lá cà".
Xảy ra cự cãi, hai bên xung đột, lao vào đánh nhau. Phần ít người hơn với mệt mỏi, nhóm ông Dũng yếu thế. Một số thành viên bị đánh tơi tả, thương tích buộc phải tháo chạy, bỏ lại điểm khai thác trầm. "Chúng tôi trở về mà lòng căm tức, nhưng cũng từ đó không gặp lại những người đó nữa", phu trầm chia sẻ.
Cựu phu trầm Võ Văn Phát bị nhóm cướp kỳ nam bắn, phải cưa chân trái. Ảnh: Xuân Ngọc.
Kể về hành trình tìm kỳ nam, cựu phu trầm Võ Văn Phát (67 tuổi, xã Vạn Phước, Vạn Ninh) vẫn nhớ chuyến đi sinh tử vào một ngày trung tuần tháng 4/1986.
Lần đó, ông cùng 5 người, trong đó có anh ruột là Võ Tuấn đến rừng già ở Gia Lai. Sau nhiều ngày lùng sục, họ phát hiện trong bụi lồ ô rậm rạp một thân cây dó bầu to lớn, đã mục. Cả nhóm túm tụm lại cùng cầm cuốc, dũm và rựa để khai thác. Hì hục đào, họ tìm được lõi kỳ nam nặng hơn 10 kg. Nhóm nhanh chóng tìm đường trở về.
Hôm đó, trời vừa tối, nhóm địu đến gần con suối, xung quanh những cây cổ thụ mọc san sát. Bầu trưởng bảo tạm nghỉ lấy sức, hôm sau tiếp tục đi. Chưa kịp dựng lán trại thì nhóm phu trầm khác tay lăm lăm những khẩu súng cạc-bin do Mỹ sản xuất, bắn nhiều phát chỉ thiên.
Nhóm ông Phát yếu thế, bị khống chế vào góc cổ thụ. Gã đàn ông thấp người, nước da đen bóng với bộ râu rậm, tới gần các phu trầm quát tháo, hăm doạ. "Hắn yêu cầu các thành viên giao những gì có trên người, nếu không sẽ bắn chết", ông Phát kể.
Núp ở phía xa, ông Phát đeo balô với hơn 10 kg kỳ nam lẻn vào rừng. Chạy hơn 10 m, ông bị họ phát hiện, bắn trúng chân trái. Chúng lao đến cướp hàng, rồi tẩu thoát.
Ông được mọi người sơ cứu, tìm lá cây rừng cầm máu, lấy võng dã chiến tìm nơi chữa trị. Lúc tỉnh lúc mê, song ông biết phải mất 4 ngày băng rừng mới đến được Bệnh viện tỉnh Quảng Ngãi. Được bác sĩ phẫu thuật cứu mạng, nhưng chân trái ông bị cưa đứt. "Họ nói nếu chậm trễ, sinh mạng tôi khó giữ được vì vết thương bị hoại tử và nhiễm trùng nặng", lão ông nhớ lại chuyến đi sinh tử.
Ngồi cạnh chồng, bà Trần Thị Lan (vợ ông Phát) trầm ngâm. Hôm đó, nửa đêm hàng xóm sang gọi cửa, nói có người điện thoại về báo chồng bà bị thương, được cứu đưa tới bệnh viện Quảng Ngãi. Bà lục được vài trăm nghìn trong nhà, rồi tức tốc bắt xe khách đi trong đêm.
Tới nơi thấy chồng nằm trên giường bệnh, chân trái bị cưa đứt khiến người vợ xót xa. Chăm sóc chồng ít hôm, bà tất tưởi trở lại nhà vay gần 20 triệu đồng lo viện phí. Hơn tháng, bà ở bệnh viện chăm chồng, việc nhà nhờ người trông coi. "Ông nhà nhiều lần chán nản, tôi cũng tuyệt vọng theo, nhưng nghĩ ổng còn sống trở về là may mắn rồi nên vợ chồng an ủi nhau", bà tâm sự.
Ông Phát bỏ rừng luôn lần ấy. Bị tàn phế, người đàn ông trụ cột gia đình sống dựa dẫm vào vợ con. Rồi mấy năm trước, ông bị tai biến nhẹ, mọi việc phải nhờ người khác.
Không chỉ đối mặt với nhóm địu khác, để yên ổn khai thác kỳ nam, giới phu trầm còn phải "lại quả" lực lượng chức năng. Tuy nhiên, nhiều cán bộ cũng phải trả giá, vướng vào lao lý khi ăn chặn kỳ nam của phu trầm.
Hồi tháng 9/2012, hàng nghìn người kéo về rừng Gộp Ngà huyện Khánh Sơn (Khánh Hoà) tranh giành đào trầm gây mất an ninh trật tự. UBND huyện thành lập đội liên ngành do công an huyện làm thường trực, ngăn chặn dòng người đổ về.
Một số thành viên của đội liên ngành làm ngơ cho phu trầm khai thác, thỏa thuận ăn chia 50:50 nếu đào được trầm hương. Cuối tháng đó có nhóm người đào được 1,5 kg trầm nên các thành viên trong đội tới lấy đem bán, hứa chia đôi.
Nhiều ngày sau, phu trầm không nhận được tiền đã làm đơn tố cáo. Công an Khánh Hòa vào cuộc điều tra, nhiều cán bộ công an huyện bị khởi tố.
Các cựu Công an huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) tại phiên tòa năm 2016. Ảnh: Xuân Ngọc.
Sau nhiều lần đưa ra xét xử, tháng 8/2016, TAND tỉnh Khánh Hòa tuyên phạt Nguyễn Thành Trung (nguyên trưởng Công an huyện Khánh Sơn) mức án 9 năm tù về tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Với tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Nguyễn Hồng Hà (cựu Đội trưởng CSGT) và Vũ Anh Trung (nguyên Đội trưởng Cảnh sát kinh tế - môi trường) cùng bị 5 năm 6 tháng tù; Trần Lệ Kiên (nguyên Đội phó Cảnh sát thi hành án hình sự - hỗ trợ tư pháp) nhận 5 năm tù; Luân Văn Nam lĩnh 2 năm 6 tháng tù.
Xuân Ngọc
Theo VNE
Gian nan giấc mộng kỳ nam của những phu trầm Bất chấp nguy hiểm rình rập, nhiều phu trầm ở Khánh Hòa vẫn lội khắp rừng sâu mong tìm được kỳ nam để nuôi mộng đổi đời. Hàng chục phu trầm tìm kỳ nam ở rừng Khánh Sơn (Khánh Hòa). Ảnh: Thành Nguyễn. Chiều muộn, ngồi nhấp ngụm trà trong ngôi nhà cấp 4, dựng trên bãi đất hẹp ở xã Vạn Phước...