Phú Thọ: Cát tặc lộng hành, sông Lô “oằn mình” kêu cứu
Sông Lô (đoạn chảy qua ba xã Đức Bác, Tử Đà, Hạ Giáp thuộc huyện Phù Ninh, Phú Thọ) đang trở thành đại khai trường của cát tặc. Hàng chục tàu khai thác cát công suất lớn và hàng trăm sà lan chờ cát hoạt động, công khai suốt ngày đêm.
Điều đáng báo động là các tàu hút cát hoạt động ngay sát chân đê, gây sạt lở nghiêm trọng… Tuy nhiên, không thấy cơ quan chức năng nào xử lý.
Khai thác trái phép
Đi trên đê sông Lô đoạn từ km17 của xã Tử Đà đến km33 xã Hạ Giáp (huyện Phù Ninh) – hình ảnh mà người dân thường gặp là cảnh hàng trăm tàu hút, chở cát hoạt động tấp nập. Trước khi khai thác cát, những con tàu thường dùng máy xúc công suất lớn xả đất bãi bồi ven đê, sau đó múc vào những sà lan lớn rồi dùng máy chuyên dụng bơm hút lấy cát.
Tàu, thuyền đậu kín dòng sông Lô trên địa bàn xã Hạ Giáp.
Về đêm, hàng chục tàu cuốc công suất lớn hoạt động sáng cả khúc sông. Theo một thợ khai thác cát tại đây thì mỗi giờ một tàu cuốc khai thác trung bình 100m3 cát, sỏi. Sau khi trừ đi các chi phí, mỗi ngày mỗi tàu cuốc đem về lợi nhuận hàng chục triệu đồng. Chính vì lợi nhuận hấp dẫn như vậy, nên hoạt động khai thác cát trái phép ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Video đang HOT
Chị Nguyễn Thị Thanh – người dân xã Tử Đà – bức xúc nói: “Trước đây, bãi bồi khu vực sông này rất rộng. Người dân tha hồ canh tác, trồng ngô, tỉa lạc. Thời gian gần đây các tàu khai thác cát đã làm bãi bồi sạt lở nghiêm trọng. Nhiều ruộng lạc, vạt ngô bỗng dưng bị biến mất sau một đêm, khiến người dân rất bất bình”.
Không chỉ xâm hại bãi bồi, ngay sát bờ kè thủy lợi nắn dòng chảy cũng bị đội quân tàu cuốc biến thành khai trường khai thác cát. Ông Đào Trọng Trường – người dân xã Hạ Giáp – cho biết: “Ban ngày những tàu trên khai thác giữa dòng sông, nhưng tối đến họ áp sát vào bờ ngô, ruộng lạc hút bãi bồi. Bãi ngô nhà tôi trước kéo dài ra sông hàng chục mét, nhưng giờ thu hẹp lại rất nhiều. “.
Cơ quan chức năng bất lực?
Trao đổi với PV, ông Cao Tiến Hùng – Trạm trưởng trạm quản lý đường thủy nội địa TP.Việt Trì – cho biết: “Chúng tôi biết được tình trạng khai thác cát trên. Tuy nhiên khi đoàn tiến hành kiểm tra thì các tàu, thuyền khai thác nằm im nên khó bắt quả tang, đặc biệt các tàu này thường hoạt động vào ban đêm”. Cũng theo ông Hùng thì cơ quan chức năng chưa cấp bất cứ giấy phép khai thác cát nào tại khu vực sông này.
Máy múc cùng các loại máy khác thi nhau múc đất ven sông để khai thác cát.
Trái với trả lời của ông trạm trưởng trên, có mặt tại khúc sông này vào trưa 15.3 và suốt cả ngày 16.3, tại khu 3, xã Tử Đà đoạn bến phà Then liên tục có 3 chiếc tàu cuốc công suất lớn ngang nhiên khai thác cát dưới dòng sông, thậm chí còn có cả máy múc, máy cẩu đang đào đất bên bãi bồi.
Khi chúng tôi nêu thông tin này, ông Hùng cho biết: “Muốn xử lý tình trạng khai thác cát trộm này phải xin giấy phép cấp trên hoặc phải lập cơ quan liên ngành mới xử lý được”. Còn ông Vũ Minh Lý – Chủ tịch UBND xã Tử Đà cho rằng: “Các thuyền khai thác cát này đều hoạt động không phép. Xã đã nhiều lần tổ chức lực lượng vây bắt, nhưng cứ cán bộ xã xuất hiện thì chủ tàu lại cho thuyền chạy ra giữa sông.
Nên tổ công tác chỉ biết đứng nhìn. Vì xã không có phương tiện đường thủy để vây bắt”. Cũng theo ông Lý thì cách đây hơn một tuần, UBND xã đã làm văn bản báo cáo tình trạng khai thác cát trái phép gây sạt lở trên lên UBND huyện. Tuy nhiên, đến nay việc khai thác cát vẫn diễn ra công khai. Có hay không sự dung túng, tiếp tay cho các vi phạm trên?
Theo Lao Động
"Cát tặc" xứ Thanh lại lộng hành
Tình trạng khai thác, tập kết cát trái phép ven sông Mã diễn ra công khai trắng trợn như thách thức các cơ quan chức năng, nhất là Sở Tài nguyên & Môi trường Thanh Hóa.
Cách trung tâm TP Thanh Hóa chưa đầy 2 km, tại thị trấn Tào Xuyên, huyện Hoằng Hóa, luôn ồn ào với tiếng máy nổ của những chiếc thuyền máy đang thi nhau bơm cát lên bờ.
Ngay tại chân cầu Tào Xuyên, nhiều bãi cát dưới sông cứ ùn lên. Việc bơm hút cát và tập kết cát này diễn ra đã từ lâu nhưng dường như mọi "cố gắng" của UBND thị trấn Tào Xuyên là bất lực?
Còn ngay tại tiểu khu Nghĩa Sơn 3, thị trấn Tào Xuyên, những bãi cát nằm rải rác bên bờ sông Mã như "thách đố" các cơ quan chức năng.
Tập kết, khai thác cát trái phép nhưng Sở TN&MT Thanh Hóa vẫn thờ ơ. Ảnh T.Đ
Tại địa bàn thị trấn Tào Xuyên có tới 6 bãi tập kết cát, trong đó theo "báo cáo" của UBND thị trấn thì có 3 bãi đang nằm ngoài vùng quy hoạch của UBND tỉnh Thanh Hóa.
Cách thị trấn Tào Xuyên không xa, một bãi cát đã hình thành trái phép kéo theo việc hút cát tận thu ngay trên sông.
Riêng đối với bãi cát tại xã Hoằng Minh, nhiều người dân sống gần đó cho hay là, ngày nào cũng thấy, mấy chiếc thuyền bơm hút cát cứ ầm ầm, những chiếc biển báo đường sông thì nay cắm chỗ này, mai cắm chỗ khác và giờ thì nó đã "yên vị" ngay giữa bãi cát thênh thang. So với vị trí cũ của chiếc biển báo này thì nó cách "bờ" 100m.
Ông Phạm Bá Oai, chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa cho biết: "Nếu nói về trái phép thì không đúng, bởi vì tại thị trấn Tào Xuyên có 6 bãi, trong đó có bãi có phép, có bãi không có phép. Một số doanh nghiệp không có giấy phép nhưng vẫn khai thác, một số hộ thì không làm hồ sơ thuê đất. Nói chung, huyện khó quản lý lắm! Việc quản lý và xử lý vi phạm là huyện đều phối hợp với CA đường sông. Nhưng thực tế để bắt giữ các phương tiện thì quả là khó và không có bãi giữ phương tiện. Còn tại xã Hoằng Minh, chúng tôi sẽ chỉ đạo dứt điểm những bãi tập kết cát và khai thác trộm. Chúng tôi đã có báo cáo trình UBND tỉnh xem xét. Còn hiện dù chưa có chủ trương, vẫn phải xử lý nghiêm".
Thực tế đã cho thấy sự "bất lực" trong quản lý và xử phạt các địa điểm tập kết và khai thác trái phép trên địa bàn huyện Hoằng Hóa nói riêng và trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa nói chung.
Dư luận đang đặt ra câu hỏi là, liệu biện pháp "xử lý" của chính quyền huyện Hoằng Hóa có dám "mạnh tay" không? Hay chỉ là xử lý theo kiểu "tạm thời" vẫn cho doanh nghiệp "dễ thở" đến khi có quy hoạch của UBND tỉnh? Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa có trách nhiệm gì với vấn nạn "cát tặc" lộng hành?
Theo Nguoiduatin
Trộm cát vùng giáp ranh lộng hành Trên khúc sông Yên chảy qua đoạn tiếp giáp hai tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng, đội ghe trộm cát lộng hành khiến lòng sâu tại đây bị khoét sâu, tạo hàm ếch gây sạt lở ruộng vườn, hoa màu của nông dân. Sạt lở nghiêm trọng Từ cuối năm 2011 đến nay, người dân làng Diệm Sơn, xã Điện Tiến, H.Điện Bàn,...