Phú Quang bức xúc rút tên khỏi Trung tâm bản quyền
Cho rằng cách thu tiền tác quyền của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả Việt Nam (VCPMC) không minh bạch, nhạc sĩ Phú Quang vừa có thông báo rút tên mình khỏi trung tâm.
Nhạc sĩ Phú Quang cho biết đã nhiều lần chất vấn, đề nghị và lên tiếng trước truyền thông về việc thu và trả tiền bản quyền cho các nhạc sĩ của VCPMC. Và hành động của nhạc sĩ Phó Đức Phương trong liveshow Khánh Ly vừa qua như giọt nước tràn ly khiến ông không muốn hợp tác tới VCPMC nữa.
“Tôi đã có buổi làm việc với nhạc sĩ Phó Đức Phương. Kể từ ngày 1/9 xin ngừng việc ủy quyền cho trung tâm VCPMC dưới mọi hình thức. Tôi sẽ là người tự chịu trách nhiệm về bản quyền đối với tác phẩm âm nhạc cũng như lời thơ của các nhà thơ mà tôi sử dụng trong tác phẩm của mình trước pháp luật” – nhạc sĩ Phú Quang nói.
Nhạc sĩ Phú Quang.
Cũng theo tác giả ca khúc Em ơi Hà Nội phố, trước quyết định này của ông, phía VCPMC đã đồng ý và đề nghị nhạc sĩ Phú Quang không thông báo quyết định này rộng rãi trên truyền thông. “Tính tôi thẳng và chưa bao giờ nói sai điều gì nên báo chí hỏi tôi sẽ nói. Không thể nói VCPMC làm việc tốt lắm trong khi thực tế còn nhiều bất cập”.
Liên quan đến việc bản quyền liveshow Khánh Ly lùm xùm thời gian qua, nhạc sĩ Phú Quang chia sẻ rằng sở dĩ ông lấy tiền bản quyền có 1 triệu đồng/bài trong khi đại diện gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ủng hộ để VCPMC đòi con số ban đầu là 16 triệu/bài là để mọi người thấy nhạc sĩ nghèo nhưng vẫn ưu ái với đơn vị tổ chức.
Theo nhạc sĩ Phú Quang, điều ông không hài lòng với cách làm việc của VCPMC là thu tiền đơn vị tổ chức một kiểu nhưng trả tiền cho nhạc sĩ kiểu khác.
Ví dụ như các tác phẩm của ông từ khi ủy quyền cho VCPMC thu thì chỉ duy nhất có một bài nhận được hơn 1 triệu đồng. Trong khi đó các bài khác nhận được những tiền tác quyền rất khác nhau là 500.000 đồng, 300.000 đồng, 200.000 đồng, 100.000 đồng, thậm chí có bài chỉ được trả 10.000 đồng. Thêm vào đó, bản sao kê tiền thu từ VCPMC khi được nhạc sĩ yêu cầu không rõ ràng thu từ chương trình gì, ở đâu…
“Liveshow Bằng Kiều khi nhận được thông tin từ đơn vị tổ chức nói họ nộp 4 triệu đồng/bài của tôi cho VCPMC tôi có hỏi đại diện VCPMC nhận được câu trả lời là đơn vị tổ chức vẫn đang quỵt tiền. Sau đó hai ngày, đại diện VCPMC thông báo với tôi rằng họ đã thu tiền nhưng vì chương trình nhân đạo này kia nên tác phẩm của tôi thu 700.000 đồng một bài thôi.
Tôi dẫn chứng ra để nói rằng họ có giấy tờ trong tay thích làm gì thì tùy họ. Cách làm việc của VCPMC là lập lờ đánh lận con đen. VCPMC sống được nhờ các nhạc sĩ chứ không phải là bố thí cho họ. Về nguyên tắc tài chính, VCPMC thu gì, chương trình nào, ở đâu thì phải thống kê cho nhạc sĩ nắm được” – nhạc sĩ Phú Quang nói.
Nhạc sĩ Phú Quang cho biết từ tháng 9, cụ thể ở 3 đêm nhạc với tên gọiHà Nội và em khi thu chớm đông sang diễn ra ngày 19, 20, 21/9 tại Nhà hát Lớn với sự tham gia của Ngọc Anh, Hồng Nhung, Tùng Dương, Tấn Minh, Trần Mạnh Tuấn, Bùi Công Duy thì những ca khúc được thể hiện nếu phổ thơ ai, ông sẽ chịu trách nhiệm trả tiền tác quyền đối với các tác giả đó.
Video đang HOT
Nhạc sĩ Phú Quang và ca sĩ Tùng Dương – người sẽ xuất hiện trong 3 đêm nhạc tới “Hà Nội và em khi thu chớm đông sang”.
Liên quan đến việc bản quyền cho nhà thơ, nhạc sĩ Phú Quang cho biết dù có những khi chỉ sử dụng 2 câu hoặc 2 từ trong một bài thơ vào bài hát của mình nhưng ông luôn tôn trọng tác giả và thực hiện nghĩa vụ đóng tiền bản quyền cho họ đầy đủ ở VCPMC mỗi khi tổ chức đêm nhạc nhưng thực tế có ít người nhận được tiền.
“Có khi biết chuyện tôi bực quá phải xúi nhà thơ đến VCPMC đòi tiền như trường hợp Thái Thăng Long đến quý 4 năm 2013 thì mới đòi được tiền trong khi VCPMC từ năm thành lập đến nay chương trình nào cũng đòi tiền bản quyền cho nhà thơ” – tác giả ca khúc Đâu phải bởi mùa thucho biết.
Theo Zing
Tác quyền: Phải đòi đến cùng!
Cuộc tranh chấp thu - trả tiền tác quyền giữa nhà tổ chức chương trình biểu diễn của ca sĩ Khánh Ly và Trung tâm Bảo vệ tác quyền âm nhạc Việt Nam (VCPMC) thời gian qua đã đẩy vấn đề thực thi nghĩa vụ tác quyền âm nhạc trở thành điểm nóng trong tuần. Mỗi bên tranh chấp đều đưa ra những lý lẽ riêng của mình trong khi đó cơ sở pháp lý để giải quyết xung đột xem ra chưa đầy đủ.
Hình ảnh nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc VCPMC, tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng - trông thật tội nghiệp trong những ngày qua khi đích thân đến tận sân khấu liveshow Khánh Ly ở Hà Nội và Đà Nẵng để đòi tác quyền cho các nhạc sĩ. Có người ác miệng gọi ông là "Chí Phèo đi ăn vạ". Tại sao phải đến mức như vậy?
Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Tôi nhận được rất nhiều phản hồi cho rằng họ kính phục việc làm này của tôi, bởi vì nó chứng tỏ tôi là người tận tâm, có trách nhiệm đến tận cùng. Tôi nhiệt huyết và hiểu luật.
Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị gửi tới các địa phương yêu cầu phải bảo vệ quyền tác giả một cách quyết liệt, phải kiểm tra thường xuyên và đột xuất, phải thành lập những bộ phận theo dõi và hỗ trợ triệt để cho việc bảo vệ quyền tác giả. Vì trách nhiệm của mình trước pháp luật, vì trách nhiệm đối với các tác giả, tôi phải làm đến cùng. Việc này quá đúng với tinh thần chỉ thị của Thủ tướng.
Có nhiều người băn khoăn vì cách hành xử của VCPMC, rằng có cần thiết phải làm thế không?
Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Tôi khẳng định là cần thiết. Nếu một tổ chức chịu trách nhiệm trước pháp luật đến tận cùng với toàn bộ nhiệt huyết và nhận thức của mình thì phải làm như vậy.
Cái gì chưa làm được thì phải làm đến cùng. Thực tế cho thấy hoạt động này không nghiêm túc, chưa chuẩn mực, không đúng quy định của luật pháp. Nó làm cho những gì đang diễn ra trong lĩnh vực biểu diễn, đặc biệt là ở miền Bắc, cực kỳ rối ren, cực kỳ tiêu cực. Nếu mọi việc đã tương đối nghiêm túc rồi thì việc gì chúng tôi phải khổ ải như vậy?
Nếu VCPMC có đầy đủ cơ sở pháp lý để buộc đơn vị biểu diễn thực thi nghĩa vụ tác quyền theo yêu cầu của mình đưa ra sao không thử kiện ra tòa dân sự?
Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Điều đó cũng tốt, đưa ra kiện cũng là một cách nhưng sẽ tốt hơn nếu chưa cần kiện mà bằng hành động, thái độ, trách nhiệm, chúng tôi ngăn chặn được ngay những hành vi xâm phạm luật pháp. Tôi cho rằng ngăn chặn được ngay thì tốt hơn là thụ động chờ đến lúc tòa án phân xử đúng sai. Ở đây, ban tổ chức chương trình liveshow Khánh Ly ngang nhiên vi phạm, tổ chức biểu diễn khi chưa có hợp đồng nào được ký kết với đơn vị đại diện cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm.
Như ông nói, rất nhiều vụ vi phạm bản quyền đã diễn ra nhưng sao phải chờ đến liveshow Khánh Ly, VCPMC mới làm căng như vậy?
Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Tại sao phải làm vụ Khánh Ly ra nhẽ? Bởi vì ngay đêm diễn vào tháng 5/2014, đơn vị tổ chức liveshow Khánh Ly đã thực hiện nghĩa vụ bản quyền rất nghiêm túc, trong khi bây giờ họ lại cố tình vi phạm, thế thì chúng tôi phải làm bằng được. Vụ việc này đáng phải làm.
Bên thu tiền bao giờ cũng muốn thu nhiều, bên đóng tiền luôn tìm cách để đóng mức thấp nhất nên luôn tạo ra mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột. Làm sao để hài hòa lợi ích giữa tác giả với người sử dụng tác phẩm cũng như nhu cầu hưởng thụ của công chúng?
Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Việc đưa giá ra là quyền của chủ tài sản và họ có lý của mình khi đưa ra mức giá đó. Người sử dụng cần hiểu giá đó để xác định xem có dùng hay không? Không thể dựa vào ý kiến đắt - rẻ một cách chủ quan mà phải dựa vào pháp luật.
Chẳng hạn 5% tác quyền cho ca khúc nhạc giấy mà VCPMC đưa ra là không có cơ sở, nói cách khác là tự đặt ra và cách thu khoán 75% số ghế mà chẳng cần biết số vé của đêm diễn đã bán được bao nhiêu cũng là cách tính không khoa học?
Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Chúng tôi thay mặt các nhạc sĩ đưa ra mức giá phù hợp dựa trên cơ sở Nghị định 61 của Chính phủ (quy định các nhà tổ chức các chương trình ca nhạc trích 15%-21% doanh thu trả nhuận bút cho nhạc sĩ sáng tác, nhạc sĩ phối khí, người dàn dựng chương trình, biên đạo múa, họa sĩ thiết kế...). Việc chúng tôi tính toán mức 5% doanh thu x 75% số ghế là hết sức tế nhị, dễ thực hiện và thực tế là chúng tôi đã làm được việc này một cách nghiêm túc ở TP.HCM từ 7-8 năm nay.
Ở phía Bắc, do tình trạng vi phạm bản quyền phổ biến hơn nên chúng tôi chia sẻ, chỉ thu 65% số ghế. Đó là sự chia sẻ đầy hiểu biết nhưng nhiều đơn vị vẫn đưa ra lý do nọ kia để không đóng tiền.
Có nhiều yếu tố làm nên giá trị đêm diễn chứ không phải ca khúc của nhạc sĩ tên tuổi lớn. Chẳng hạn giá trị đêm diễn liveshow Khánh Ly không phải ở ca khúc Trịnh Công Sơn mà ở tên tuổi Khánh Ly. Nhà tổ chức cũng đã bỏ ra rất nhiều tiền để mời được Khánh Ly về diễn, thực tế thì lượng vé phát hành cũng thấp. Sao VCPMC không xem xét để thương lượng mà áp đặt mức giá cứng nhắc như vậy?
Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Vấn đề là họ không thương lượng. Họ đến chỗ chúng tôi ngúng nguẩy ra giá 1,5 triệu đồng/bài rồi đi chứ không bàn bạc một cách nghiêm túc. Chúng tôi cũng hiểu khó khăn của nhà tổ chức liveshow Khánh Ly ở Hà Nội hôm 2/8 vì không bán được vé nên chúng tôi chỉ ghi vào biên bản là thu 5% doanh thu x 40% số ghế.
Chúng tôi coi trọng việc xin phép, nguyên tắc là phải xin phép, còn trả tiền thì hai bên có thể thỏa thuận, chúng tôi có khăng khăng đòi người ta phải trả tiền trước đêm diễn đâu. Nhiều người đặt vấn đề trả tiền tác quyền sau đêm diễn, chúng tôi đồng ý thôi. Kiểu gì chúng tôi cũng chiều.
Cơ quan quản lý ở đâu ?
Chính sách của nhà nước về sở hữu trí tuệ được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ là luôn bảo đảm hài hòa lợi ích của quyền tác giả và lợi ích xã hội: "Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ với lợi ích công cộng, khuyến khích, thúc đẩy hoạt động sáng tạo, khai thác tài sản trí tuệ nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân".
Luật Sở hữu trí tuệ cũng đề cao vai trò trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực thi nghiêm túc quyền tác giả theo tinh thần trên. Thế nhưng, trong các vụ tranh chấp, xung đột về tác quyền nổi cộm thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan gần như im lặng.
Giải quyết khiếu nại của VCPMC, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành công văn chỉ đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP yêu cầu ban tổ chức chương trình liveshow Khánh Ly phải thực hiện nghĩa vụ tác quyền trước khi chương trình diễn ra. Tuy nhiên, việc thực hiện nghĩa vụ tác quyền của ban tổ chức chương trình đã không diễn ra đúng như cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương yêu cầu. Vì sao?
Có lẽ các cơ quan quản lý cũng đang lúng túng trong cách xử lý khi mức phí tác quyền là mấu chốt của các vụ tranh chấp mà VCPMC đưa ra chưa có cơ sở về pháp lý.
Điều 7, Nghị định 61/NĐ-CP về chế độ nhuận bút (đang được VCPMC áp dụng trong cách tính thu tiền bản quyền tác phẩm âm nhạc hiện nay) cũng nêu rõ: "Việc trả nhuận bút phải bảo đảm hợp lý giữa lợi ích của tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm, lợi ích của bên sử dụng tác phẩm và lợi ích của người hưởng thụ tác phẩm, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước". Thế nhưng, cách tính phí tác quyền theo công thức mà VCPMC đang áp dụng là chưa phù hợp với quy định này.
Nghị định 61/NĐ-CP về chế độ nhuận bút, ban hành từ năm 2012, không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay nhưng chưa được thay thế bởi nghị định mới sát với tình hình thực tế hơn. Đây là lỗ hổng trong công tác quản lý nhà nước dẫn đến những tranh chấp xung đột dai dẳng về thực hiện nghĩa vụ tác quyền trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Bảo Hoàng, Giám đốc Công ty Viet Vision: Cần xem lại công thức tính
Công thức tính tiền tác quyền được VCPMC áp dụng hiện nay là 5% x 75% số ghế nhân với giá vé bình quân là không thỏa đáng. Bởi lẽ, cứ theo công thức này thì nhà đầu tư phải đối mặt với một áp lực khác là tiền tác quyền. Khi đưa ra giá vé, chúng tôi phải dựa trên những cơ sở đầu tư tương đương cho chương trình. Hơn hết, giá vé còn dựa trên sức hút của ca sĩ, mức độ đầu tư dàn dựng chương trình chứ không phải là ca khúc được sử dụng. Chính vì vậy, cứ dựa vào giá vé mà tính phí tác quyền là không hợp lý.
Ai cũng biết số lượng vé phát hành trong từng chương trình biểu diễn hiện nay rất vô chừng, không biết có thể tiêu thụ được bao nhiêu phần trăm trước khi chương trình diễn ra. Vì vậy, bất kỳ đơn vị tổ chức chương trình nào cũng mong muốn được đóng tiền tác quyền sau khi chương trình kết thúc. Bởi khi đó đã kết toán thuế, chúng tôi sẽ có tổng kết chính xác số lượng vé bán ra và tiền tác quyền thu cũng chính xác, rõ ràng và minh bạch hơn.
Theo Người lao động
'Hành xử của nhạc sĩ Phó Đức Phương không văn minh' "Nếu có cách ứng xử chuyên nghiệp và hiểu pháp luật thì không phải đi như xiết nợ như vậy", đại diện pháp lý cho ban tổ chức liveshow Khánh Ly nói. Những ngày qua, những lùm xùm xung quanh vấn đề thanh toán tiền bản quyền của các ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được sử dụng trong Liveshow...