Phụ nữ hy sinh càng nhiều thì càng cô đơn
Mẹ tôi luôn hi sinh tất cả vì chồng vì con, vì thế mà mẹ vô cùng tuyệt nhưng cũng vô cùng xa cách. Nếu như có một điều ước gì đó trong cuộc đời này dành cho mẹ, tôi chỉ ước gì mẹ đừng bao giờ hi sinh. Nếu mẹ không hi sinh thì chắc có lẽ mẹ đã không cô đơn nhiều đến như thế.
Trao đi ít hơn thì sẽ nhận lại nhiều hơn
Là con gái, tôi suốt ngày nghe bố và anh trai mình nói phải cố gắng để được một phần như mẹ, nếu không thì sẽ ế suốt đời, không ai lấy và sẽ không thể được hạnh phúc. Thế nhưng, gần tới tuổi băm, tôi thi thoảng vẫn đứng nhìn cái bóng lưng đẫm mồ hôi đã có phần còng xuống của mẹ và tự hỏi: Liệu sống như mẹ thì có hạnh phúc hay không?
Tôi băn khoăn tự hỏi “liệu sống như mẹ thì có hạnh phúc không?”. Ảnh minh họa
Mẹ luôn hi sinh tất cả vì chồng vì con. Vì thế mà mẹ vô cùng tuyệt nhưng cũng vô cùng xa cách. Nếu như có một điều ước gì đó trong cuộc đời này dành cho mẹ, tôi chỉ ước gì mẹ đừng bao giờ hi sinh. Nếu mẹ không hi sinh thì chắc có lẽ mẹ đã không cô đơn nhiều đến như thế.
Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh từ ngày tôi còn bé, mẹ dán hai miếng cao dán trắng hai bên thái dương, tay còn cắm kim truyền mà vẫn lọ mọ vào bếp cơm nước cho chồng con để rồi đến bữa thì đổ mình xuống giường, không nuốt nổi miếng cơm nhưng nghe tiếng cả nhà ăn cơm xong thì vẫn gọi với ra, bảo để bát đấy lát mẹ rửa.
Nếu mẹ đừng hi sinh đến thế, đừng trao đi nhiều đến thế thì có lẽ mẹ đã nhận lại được nhiều hơn. Chồng và các con trai của mẹ sẽ biết nghĩ khi mẹ ốm mệt mà chăm sóc mẹ hay ít ra cũng mua được cho mẹ một tô cháo.
Nếu mẹ biết nghĩ cho mình một chút, có vài ba cái áo đẹp, có một đôi dép không hàn nhựa rồi thỉnh thoảng đi thăm người này người kia, tham gia vào các hội nhóm tìm niềm vui cho mình. Như thế, chồng mẹ và những đứa con của mẹ sẽ được nhìn thấy cả những khi mẹ xinh đẹp, mẹ cười nói rộn ràng, cả nhà ai cũng sẽ vui hơn là nhìn thấy gương mặt mẹ buồn bã vì những việc không tên mỗi ngày. Ai cũng biết ơn khi mẹ hi sinh nhưng ai cũng muốn được trông thấy mẹ tự tin vui vẻ.
Video đang HOT
Nếu mẹ đừng hi sinh đến thế, ngày phụ nữ, mẹ đừng ngồi ở nhà làm hết việc nhà rồi chờ đợi một bó hoa trong khi chồng mẹ đi liên hoan với cơ quan, các con mẹ tổ chức với bạn hay đem hoa tặng cô giáo hết rồi mẹ lại khóc. Thà rằng mẹ cứ quẳng cái giẻ lau nhà xuống, để mặc bát đĩa chất trong bồn, tham gia các cuộc vui với bạn bè của mẹ ngoài kia thì mẹ đã chẳng buồn đến thế, mọi người trong nhà cũng không có cảm giác tội lỗi đến vậy. Cả nhà, ai cũng sẽ nhìn thấy nhau vui.
Nếu mẹ đừng hi sinh đến thế, đừng thao thức ngồi bên mâm cơm nguội ngắt chờ chồng về, đừng dành hết tất cả cho chồng mà hi sinh đi công việc, sự nghiệp và cuộc sống cá nhân của riêng mình thì con gái của mẹ cũng sẽ học được cách kiêu hãnh hơn, biết vì chính mình hơn và biết cách để trở nên hạnh phúc hơn.
Phụ nữ đừng hi sinh quá nhiều
Mẹ của tôi giờ đã gần sáu mươi, giờ mẹ mới bắt đầu tập sống cho mình. Buổi sáng, thay vì lục đục dậy sớm mua đồ cho cả nhà ăn sáng thì mẹ đi tập thể dục để giảm cân. Mẹ thôi không còn cặm cụi trong bếp, thức khuya đợi ai về, cũng không còn giành mọi việc cho mình. Mẹ tham gia vào hội phụ nữ, cùng họ đi du lịch, đi hát, đi chơi. Cả đời mẹ lựa chọn hi sinh, không một lời ca thán nhưng đến khi tuổi xế chiều, mẹ lại dạy tôi rằng, muốn hạnh phúc thì đừng hi sinh nhiều quá.
Phụ nữ càng đảm đang bao nhiêu thì càng khiến đàn ông vô tâm giống…khách trọ bấy nhiêu. Ảnh minh họa
Nếu muốn hi sinh thì ấy là vì hạnh phúc của chính bản thân mình chứ không phải mong chờ được sự đáp lại. Vì mong chờ nhận được sự đáp lại nên phụ nữ dễ rơi vào cảm giác bị bỏ mặc, buồn khổ khi không được người đàn ông của mình thấu hiểu và thông cảm. Những nỗi buồn và cả stress khi cứ quanh quẩn với bếp núc trong nhà sẽ khiến mình trở nên bực dọc, cáu kỉnh với mọi người trong nhà. Như thế, dù mình có hi sinh đến mấy, hình ảnh mọi người trong nhà nhìn thấy chỉ là một người cau có, hay cáu gắt mà cố tránh né. Mẹ dạy rằng đừng bao giờ ôm đồm hết mọi việc, đừng nhận căn bếp là của riêng mình.
Phụ nữ càng đảm đang bao nhiêu thì càng khiến đàn ông vô tâm, vô trách nhiệm giống khách trọ bấy nhiêu. Phải biết giao việc cho chồng, cho con để chồng con thấu hiểu được nỗi vất vả của mình, biết trân trọng mình hơn và gia đình thêm tương tác, gắn kết hơn. Cũng đừng hi sinh làm tất cả những việc bẩn thỉu, hôi hám trong nhà như chùi rửa vệ sinh, dọn dẹp, hay bếp núc. Bởi vì không ai muốn nhìn thấy mình bù xù tóc rối, ám đầy mùi hôi với áo quần xộc xệch. Phải biết làm đẹp cho chính mình, đừng tiết kiệm hết tất cả sắm sửa cho chồng con để đến khi có khách đến nhà, họ lại tưởng mình là người giúp việc.
Cũng đừng chọn cách lùi về phía sau, đánh mất quyền lên tiếng trong gia đình. Có thể nhún nhường, có thể mềm mỏng nhưng không có nghĩa là phó thác mọi quyết định cho chồng. Đừng hi sinh hết tất cả công việc sự nghiệp để chăm sóc chồng và gia đình chồng, để rồi không có cho mình lấy một đường lui nếu có chuyện không hay xảy ra.
Và tôi nhận ra rằng, khi mẹ thôi lựa chọn bớt hy sinh để dành thời gian cho mình thì nụ cười của mẹ rạng rỡ hơn, trong nhà cũng nhiều niềm vui hơn. Chúng tôi vẫn yêu mẹ và biết ơn mẹ như vậy dù mẹ giao phó gần hết việc nhà lại, ngay cả bố tôi cũng không hề phàn nàn gì mà còn vui vẻ hơn khi tự nhận mình khéo léo đảm đang không thua gì vợ.
Có lẽ, muốn hạnh phúc thì nên bớt hi sinh đi một chút.
Theo Afamily
Kiên quyết tự mình sinh con, đến giờ tôi mới nhận ra cuộc sống của mẹ đơn thân chẳng dễ dàng gì
Đã từng quyết giữ đứa con có được với anh và bước vào cuộc sống của một "single mom", nhưng giờ đây, khi một mình tự bươn chải để nuôi con khôn lớn, tôi chợt thấy bế tắc, cô đơn và cần một điểm tựa.
Tôi năm nay 33 tuổi, là người Bắc nhưng học xong lại vào Nam kiếm kế sinh nhai, sau những ngày tháng chật vật, tôi tìm được công việc kế toán ổn định tại một tập đoàn lớn. Đây cũng chính là nơi tôi gặp anh, người cho tôi những tháng năm rực rỡ nhưng cũng là người mang lại cho tôi nỗi đau và sự tủi hờn theo suốt cuộc đời.
Quyết định đến với cuộc sống mẹ đơn thân khi tình duyên lận đận nhưng giờ đây tôi lại đang cảm thấy bất lực và dần tự ti với tương lai. (Ảnh minh họa)
Anh hơn tôi 2 tuổi, đã có vợ và 2 con, cũng là sếp tại công ty tôi làm. Anh nghiêm nghị và lạnh lùng trong công việc nhưng lại vô cùng gần gũi, có thể cho người ta cảm nhận được sự ấm áp, sẻ chia và đồng cảm ở phía sau. Anh cũng chính là người hỏi han tôi đầu tiên về cuộc sống khi biết tôi là người ngoài Bắc mới vào.
Vì anh là người đã có gia đình, tôi luôn chủ động giữ khoảng cách để tránh bị đồng nghiệp hiểu lầm, song trải qua những buổi tiệc tùng cuối tuần của công ty, chúng tôi dần mở lòng với nhau rồi yêu nhau lúc nào chẳng hay. Và dù đã từng rất dằn vặt với mái ấm ở quê của anh song chỉ ít lâu sau, tôi đồng ý để anh chuyển từ chỗ ở công ty về sống chung nhà trọ với tôi.
Phải nói thêm, tôi là một người con gái rất lận đận về tình duyên, quãng thời gian sinh viên, đi làm cũng yêu 2-3 người, cũng đã từng dẫn nhau về ra mắt họ hàng song lại chia tay vì cảm thấy thiếu sự đồng điệu trong tâm hồn. Đó cũng là lý do tôi chấp nhận ở bên anh, bên một người chẳng biết sẽ đưa tương lai của mình đến đâu. Cứ thế, tôi và anh có khoảng thời gian không ngớt niềm vui. Bên anh, tôi đắm chìm trong hạnh phúc đến nỗi nhiều khi còn quên mất tình cảnh trớ trêu hiện tại.
Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, ngày biết tôi đang mang trong mình giọt máu của anh, anh nói tôi nên bỏ đứa bé vì hoàn cảnh không cho phép, nhưng tôi từ chối. Thế rồi, anh lẳng lặng chuyển về công ty ở, rồi liên tục lấy lý do để tránh mặt.
Những ngày sau đó là chuỗi thời gian đấu tranh tâm lý mãnh liệt trong tôi, có lúc tôi từng nghĩ đến việc bỏ đứa con máu mủ để bắt đầu lại, nhưng nghĩ đến phận con gái "ba chìm bảy nổi" trong tình yêu của bản thân, tôi quyết tâm giữ đứa trẻ và xin chuyển ra chi nhánh ngoài Bắc vừa làm vừa sinh con, bước vào chuỗi ngày của một bà mẹ đơn thân thực thụ.
Một mình ở Hà Nội với cái bụng ngày càng to nhưng tôi chẳng dám kêu ai, cũng không đủ can đảm để bước chân về quê. Tôi sợ ánh mắt gièm pha của hàng xóm, láng giềng, sợ những câu hỏi kiểu như: "Bố nó đâu?", "Lấy chồng bao giờ mà không cho ai biết?"... Chỉ nghĩ thôi đã thấy sợ vì không biết mình sẽ phải giải thích thế nào.
Một thời gian sau, đứa bé cũng chào đời, vì bố mẹ tôi đã ly hôn từ lâu nên cũng chẳng có mẹ đỡ đần trong quãng thời gian sinh nở. Tôi một mình vừa làm công việc của người vợ, vừa gánh trách nhiệm của người cha, tôi bước vào những ngày trắng đêm khi con mọc răng rồi lại lủi thủi một mình tay ẵm con, tay túi xách đến bệnh viện khi con sốt trong dòng nước mắt lã chã rơi vì tủi thân. Cũng chỉ mình tôi cùng con đi những bước đầu tiên, dạy cho con bi bô từng tiếng "ba", tiếng "mẹ".
Những lúc ốm đau, trái gió trở trời, tôi chỉ biết nằm khóc rồi nhìn con gắng gượng. Mỗi lần đưa con đi chơi, nhìn những mái ấm khác đủ đầy, trọn vẹn mà lòng tôi nghẹn đắng, thương con, thương cả cho mình. Những điều đó dù đã xác định tâm lý song khi nhìn vào thực cảnh vẫn không khỏi trống trải và chạnh lòng. Có lúc chới với và bất lực nhất, tôi gửi đến anh dòng tin nhắn, chỉ với hi vọng thật mong manh rằng, tôi sẽ nhận được lời động viên của anh. Song, anh vẫn im hơi lặng tiếng như chưa hề biết đến sự tồn tại của hai mẹ con tôi.
Tôi muốn đến với người đàn ông khác song lại không biết phải làm sao nếu bố đứa trẻ liên lạc nhận con, rồi tôi sẽ phải nói với đưa bé như nào đây? (Ảnh minh họa)
Khởi đầu cuộc sống mẹ đơn thân với sự tự tin bao nhiêu thì hiện tại tôi thấy mình yếu ớt và cần một chỗ dựa bấy nhiêu. Thời gian gần đây, một chàng trai cùng chi nhánh, ít hơn tôi 4 tuổi nhưng trưởng thành và thấu đáo đã ngỏ lời muốn được cùng tôi san sẻ gánh nặng, muốn con gái của tôi có được tình yêu thương của cả mẹ lẫn cha. Đó cũng là người cho tôi cảm giác tuổi thanh xuân quay trở lại với những đóa hoa ngày đặc biệt, những bữa tối rộn tiếng cười, những dòng tin nhắn quan tâm từ điều nhỏ nhặt.
Quả thực, tôi đã bắt đầu rung động trước sự quan tâm ấy, nhưng nếu đến với cuộc tình mới, liệu sau này tôi sẽ phải làm gì nếu anh - bố đứa trẻ - quay lại nhận con, rồi tôi phải giải thích với đứa con gái bé bỏng của tôi như thế nào? Liệu nó có vui vẻ bên người thương mới của mẹ nó? Tôi phải làm sao đây?
Theo Afamily
Nỗi cô đơn của các bà vợ thời hiện đại Có một điều rất lạ là nhiều chị em khi được hỏi về sự cô đơn trong gia đình thì họ ngơ ngác hỏi lại những câu như: "cô đơn là gì?"; "lâu rồi trong đầu mình không có khái niệm đó"; "Ôi dào, cô đơn á? Bận tối mắt lấy đâu ra thời gian mà cô với chả đơn chứ"... Lúc đầu...