Phụ nữ Đà Nẵng hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19
Sáng 5/10, Hội Liên hiệp Phụ nữ phối hợp với Hiệp hội Nữ Doanh nhân thành phố Đà Nẵng và Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) tổ chức chương trình “ Siêu thị mini 0 đồng – Đà Nẵng, thành phố tình người” nhằm chia sẻ khó khăn với người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Ban tổ chức hỗ trợ người dân lấy các suất quà.
Theo đó, Ban Tổ chức sẽ trao hơn 1.500 suất quà (mỗi suất trị giá 300.000 đồng) cho phụ nữ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có hoàn cảnh gia đình khó khăn, mất sức lao động, mất việc làm, lao động nhập cư, người ở trọ… bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh kéo dài.
Trong sáng 5/10, Ban Tổ chức tiến hành trao 300 suất quà cho gia đình hội viên phụ nữ khó khăn thuộc quận Hải Châu theo nhiều khung giờ (tại địa điểm số 2 Phan Châu Trinh). Số quà còn lại sẽ được Ban Tổ chức trao trực tiếp tại từng quận, huyện trong ngày 5 – 6/10. Để đảm bảo phòng dịch COVID-19, người dân đến nhận quà đều được đo thân nhiệt, rửa tay bằng nước sát khuẩn, đeo khẩu trang và xếp hàng giãn cách đúng theo Thông điệp 5K của Bộ Y tế.
Bà Lê Thị Nam Phương, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân thành phố cho biết, Chương trình “Siêu thị mini 0 đồng – Đà Nẵng, thành phố tình người” góp phần phát huy tinh thần tương thân tương ái, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, chung tay cùng chính quyền thành phố phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.
Video đang HOT
Theo bà Nam Phương, trong 8 tháng năm 2021, Hiệp hội Nữ doanh nhân Đà Nẵng đã tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện có ích cho cộng đồng như mô hình “Nồi cháo yêu thương hàng tháng tại Bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng”; ủng hộ 30 triệu đồng hỗ trợ người dân Bắc Giang chống dịch; gửi tặng đội ngũ tuyến đầu tại Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh thành phố 30 triệu đồng; trao tặng 100 suất quà tại quận Sơn Trà, quận Liên Chiểu…
Người dân khó khăn đang tự lấy các suất quà tại “ Siêu thị 0 đồng”.
Hiệp hội còn giúp tiêu thụ 2 tấn dưa hấu, 18.000 quả trứng gà cho người dân xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra; ủng hộ 20 triệu đồng (100 suất quà) cho chương trình Siêu thị 0 đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh và 10 triệu đồng cho các hoạt động đẩy lùi dịch bệnh của Hội Nữ doanh nhân tỉnh Bình Dương…
Hà Nội: Trao tặng 480 suất quà cho nữ lao động di cư có hoàn cảnh khó khăn
Ngày 18/9, Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hà Nội phối hợp với Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng - LIGHT và Tổ chức Oxfam tại Việt Nam triển khai chương trình hỗ trợ nhóm nữ lao động di cư làm các nghề tự do có hoàn cảnh khó khăn.
Ban tổ chức trao 480 suất quà tặng các đơn vị tiếp nhận. Ảnh: TTXVN phát
Ban tổ chức đã trao tặng 480 suất quà, mỗi suất 500.000 đồng tới các nữ lao động di cư đang tạm trú tại 11 phường thuộc 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hoàng Mai và Hai Bà Trưng, gồm các phường Phúc Tân, Chương Dương, Phúc Xá, Thịnh Liệt, Định Công, Thanh Trì, Bạch Đằng, Phố Huế, Trương Định, Vĩnh Tuy, Minh Khai.
Được nhận suất quà hỗ trợ, chị Lại Thị Hồng Nga (quê Thái Bình), thuê trọ tại phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng xúc động nói: "Tôi bán hàng rong, còn chồng tôi thì làm nghề tự do. Dịch bệnh kéo dài nhiều tháng nay đã làm cho chúng tôi bị mất việc làm. Tôi còn phải thường xuyên điều trị bệnh nên cuộc sống rất khó khăn. Tôi xin cảm ơn những tấm lòng hảo tâm đã hỗ trợ vợ chồng tôi trong lúc khốn khó này".
Còn đối với chị Vũ Thị Hoa (quê Nam Định), thuê trọ tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình, làm nghề thu gom phế liệu thì suất quà được nhận sẽ giúp chị duy trì cuộc sống đang rất khó khăn của mình.
Đến thăm, động viên và trực tiếp trao quà cho những phụ nữ lao động nhập cư tại các địa phương, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Lê Kim Anh cho biết, thời gian qua, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố và một số quận, huyện có đông lao động di cư đã tổ chức nhiều đoàn công tác đến các khu trọ để nắm bắt thực tế cuộc sống của các nữ lao động tự do, lao động di cư. Các đoàn công tác đã ghi nhận những khó khăn, vất vả của các nữ lao động khi bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Từ thực tế đó, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội đã tổ chức thăm, tặng quà, đưa ra khuyến nghị phù hợp, đề xuất cách thức triển khai chính sách an sinh dành cho đối tượng này...
"Giá trị mỗi phần quà tuy nhỏ, nhưng đó là tình cảm, sự sẻ chia với mong muốn giúp cho nữ lao động di cư phần nào vơi bớt vất vả trong cuộc sống. Chúng tôi mong các chị em sẽ cố gắng vượt qua khó khăn do tác động của dịch COVID-19, chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch để bảo vệ sự an toàn cho bản thân và tránh lây lan dịch bệnh cho cộng đồng", bà Lê Kim Anh chia sẻ.
Khi đợt dịch COVID-19 lần thứ tư xảy ra, từ ngày 27/4 đến 15/9, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội đã tập trung khai thác nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp để hỗ trợ phụ nữ yếu thế, lao động di cư tại các địa phương trên địa bàn Hà Nội. Đã có 7.338 suất quà với tổng giá trị trên 2,2 tỷ đồng được trao, hỗ trợ kịp thời cho các nữ lao động, phụ nữ yếu thế. Chương trình hỗ trợ nữ lao động di cư có hoàn cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19 sẽ tiếp tục được Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố triển khai trong tháng 10 tới.
Cũng trong ngày 18/9, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội tổ chức tọa đàm trực tuyến "Làm sạch từ gia đình", hưởng ứng chiến dịch "Làm cho thế giới sạch hơn" năm 2021.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Lê Kim Anh trao suất quà cho nữ lao động di cư gặp khó khăn. Ảnh: TTXVN phát
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho biết, những năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội luôn coi trọng việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về môi trường với sức khỏe của phụ nữ và gia đình. Bên cạnh đó, Hội cũng thường xuyên vận động hội viên, phụ nữ thực hiện các phong trào, cuộc vận động, các mô hình cụ thể, thiết thực để lôi cuốn đông đảo phụ nữ, người dân tham gia bảo vệ môi trường. Chiến dịch "Làm cho thế giới sạch hơn" cũng không thể thiếu vắng sự chung tay của các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố, góp phần xây dựng Thủ đô thân yêu thành đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại...
Tại tọa đàm, các cán bộ, hội viên phụ nữ đã được phổ biến, chia sẻ nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo về việc thực hành tái chế rác, xử lý rác tại gia đình. Nổi bật như: Cách làm đồ chơi cho trẻ em, cách phân loại rác, sử dụng rác làm phân hữu cơ; cách tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các thành viên gia đình và người dân; cách vận động nông dân không lạm dụng phân hóa học để bón cho cây trồng, thay thế bằng phân hữu cơ... Các mô hình, cách làm chia sẻ tại tọa đàm đều được đánh giá có tính ứng dụng cao và dễ dàng học hỏi, làm theo, nhân rộng...
Những bếp ăn nghĩa tình ấm lòng trong mùa dịch Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", gần 3 tháng qua, các "chiến sĩ" nơi tuyến đầu chống dịch của tỉnh Vĩnh Long đã và đang căng mình thực hiện nhiệm vụ, sớm đưa địa phương trở về trạng thái bình thường mới. Sẻ chia với những vất vả của lực lượng tuyến đầu, nhiều tổ chức, đoàn thể và người dân...