Phụ huynh tự ý sử dụng thuốc nhỏ mũi, trẻ 11 tháng bị ngộ độc cấp
Thấy con bị ngạt mũi, gia đình đã mua thuốc nhỏ mũi Naphazolin về nhỏ. Sau 2 tiếng, bé xuất hiện da tái, chân tay lạnh…
Ngày 7/11, thông tin từ Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang cho biết, bệnh viện đang điều trị tích cực cho bệnh nhi B.G.N. (11 tháng tuổi, ở huyện Việt Yên, Bắc Giang) bị ngộ độc do dùng thuốc nhỏ mũi Naphazolin.
Trước đó, bệnh nhi được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, da tái, chân tay lạnh, vã mồ hôi, hạ thân nhiệt, nhịp tim nhanh, rối loạn nhịp thở nghi do ngộ độc thuốc.
Theo lời kể của gia đình, bé N. bị ngạt mũi nên buổi chiều cùng ngày người nhà đã mua thuốc nhỏ mũi Naphazolin về nhỏ cho bé. Khoảng 2 tiếng sau khi nhỏ mũi, bé có hiện tượng da tái toàn thân, chân tay lạnh, vã mồ hôi nên gia đình đã đưa trẻ đến Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang cấp cứu.
Các bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhi.
Video đang HOT
Tại bệnh viện, qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán xác định trẻ bị ngộ độc Naphazolin có trong loại thuốc mà gia đình đã nhỏ mũi cho bé. Các bác sĩ đã nhanh chóng truyền dịch, dùng thuốc lợi tiểu, ủ ấm, lau khô toàn thân và theo dõi sát sao các dấu hiệu sinh tồn.
Sau 10 tiếng kể từ khi nhập viện, tình trạng trẻ đã ổn định, nhịp tim nhịp thở đều, thân nhiệt tăng lên 36,6 độ C và ăn ngủ tốt.
Theo các bác sĩ, trẻ nhỏ sức đề kháng còn yếu nên dễ mắc bệnh viêm đường hô hấp trên, nhất là vào thời điểm giao mùa như hiện nay. Do nghẹt mũi, khó thở, trẻ thường quấy khóc và bỏ bú khiến các bậc phụ huynh lo lắng và tự ý dùng thuốc nhỏ mũi cho trẻ mà không theo chỉ dẫn của bác sĩ khiến trẻ bị ngộ độc, thường gặp nhất là thuốc nhỏ mũi chứa thành phần Naphazolin – đây cũng là một loại thuốc nhỏ mũi được nhiều gia đình sử dụng cho trẻ hiện nay.
Bệnh viện đã từng tiếp nhận điều trị một số trường hợp ngộ độc thuốc nhỏ mũi Naphazolin do sự chủ quan của các bậc phụ huynh, khi tự ý dùng thuốc cho trẻ mà không theo chỉ dẫn của bác sĩ. Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo:
Tuyệt đối không dùng thuốc nhỏ mũi Naphazolin cho trẻ dưới 6 tuổi.
Để thuốc tránh xa tầm tay của trẻ bởi nếu trẻ uống nhầm thuốc thì sẽ bị ngộ độc gây nguy hiểm tới tính mạng của trẻ.
Không nên dùng thuốc liên tục và nhiều lần/ngày để tránh tình trạng xung huyết trở nặng. Khi dùng thuốc nhỏ mũi Naphazolin trong vòng 3 ngày mà tình trạng bệnh của trẻ không cải thiện thì cần ngừng sử dụng thuốc và sớm đưa trẻ đi khám bác sĩ.
Đặc biệt, để tránh những tai biến đáng tiếc có thể xảy ra, khi trẻ bị bệnh, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở khám, chữa bệnh uy tín để được bác sĩ khám và tư vấn điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc dùng cho trẻ và cần sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Vì sao thuốc trị nghẹt mũi chỉ nên dùng ngắn ngày?
Tôi rất hay dùng thuốc naphazolin nhỏ mũi cho con mỗi khi cháu bị nghẹt mũi. Nhưng lần nào cũng được khuyến cáo là chỉ dùng trong 3 ngày. Xin hỏi lý do vì sao?
Trịnh Vân Anh (Hưng Yên)
Ảnh minh họa
Chị Vân Anh thân mến! Naphazolin là một thuốc thuộc nhóm giao cảm. Với cơ chế kích thích thụ thể alpha adrenergic ở niêm mạc mũi, thuốc làm co mạch do vậy giảm phù nề, giảm thoát dịch, tăng thông khí ở mũi, giảm nghẹt mũi, giảm sung huyết mũi. Thuốc được chỉ định trong điều trị các triệu chứng như nghẹt mũi, sổ mũi, viêm mũi.
Tuy nhiên, thuốc không nên dùng kéo dài quá 3 ngày, bởi có nguy cơ quen thuốc nếu sử dụng nhiều lần trong ngày hoặc dùng liên tục trên 1 tuần và hiện tượng sung huyết hồi ứng, làm cho nghẹt mũi nhiều hơn, viêm mũi do thuốc sau khi ngừng thuốc. Ngộ độc do quá liều (khi dùng tại chỗ liều quá cao hoặc uống nhầm) có thể gây ức chế hệ thần kinh trung ương như hạ thân nhiệt, tim đập chậm, ra mồ hôi, buồn ngủ, co giật, hôn mê, đặc biệt ở trẻ em. Do đó, thuốc nhỏ mũi naphazolin được khuyến cáo không nên dùng cho trẻ dưới 6 tuổi.
Các thuốc nhóm này thuộc nhóm thuốc không kê đơn nhưng thuốc không an toàn như những gì người sử dụng vẫn nghĩ. Trên thực tế, thuốc đang bị lạm dụng và sử dụng một cách bừa bãi, nhất là trẻ em. Khi bị nghẹt mũi, chảy nước mũi, trẻ thường khó chịu, quấy khóc, khó ngủ. Điều này khiến nhiều bậc cha mẹ tự ý cho con dùng thuốc với tâm lý cho con nhanh khỏi. Tuy nhiên, thuốc chỉ làm giảm triệu chứng chứ không khỏi nguyên nhân gây bệnh.
Trong thư không thấy chị nhắc đến tuổi của con nhưng tốt nhất chị nên tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra chị có thể giúp con giảm nghẹt mũi bằng cách: giữ ẩm cho mũi, uống nhiều nước, sử dụng nước muối xịt mũi, kê cao đầu khi ngủ...
Chúc bé mau khỏe!
10 tháng năm 2020, cả nước xảy ra 81 vụ ngộ độc thực phẩm Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 10-2020, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm với 373 người bị ngộ độc. Tính chung 10 tháng năm 2020, cả nước xảy ra 81 vụ ngộ độc thực phẩm với 2.040 người bị ngộ độc, trong đó có 21 người tử vong. Ảnh minh họa Trong 2 tháng cuối năm 2020, cơ...