Phụ huynh TP.HCM cho con học nấu ăn với chi phí 400.000 đồng/buổi
Đăng ký cho trẻ tham dự các lớp học nấu ăn chuyên nghiệp thay vì bếp gia đình với chi phí khoảng 400.000 đồng/buổi, phụ huynh kỳ vọng con tự đáp ứng nhu cầu cơ bản của chính mình.
Chị Thúy Hằng (TP.HCM) dự chi khoảng 4 triệu đồng cho con trai tham gia khóa học nấu ăn, làm bánh mùa hè.
“Bản thân tôi đã tham gia lớp nấu ăn cùng bạn bè trước đó. Khi tôi hỏi ý con, thấy con thích, hai mẹ con đồng hành cùng nhau vào học làm bếp. Giờ đây, mẹ và con là bạn học rồi. Tôi thấy đây là trải nghiệm rất thú vị”, chị Thúy Hằng chia sẻ với Zing.
Sẵn sàng chi tiền để cùng con trải nghiệm
Chị Thúy Hằng cho biết riêng năm 2022, kỳ nghỉ hè của các con đến trễ hơn, thời gian để con nghỉ ngơi, thăm thú, trải nghiệm không nhiều. Nữ phụ huynh trăn trở khá nhiều trong việc tìm cho con trai 9 tuổi lớp học ngoại khóa bổ ích, giúp con giải tỏa căng thẳng sau thời gian học tập miệt mài, bù lại lượng kiến thức mà con chưa tường tận trong khoảng thời gian học online mà không gây áp lực lên con.
Tìm về với niềm yêu thích của chính mình, chị đề xuất cho con đến học làm bánh cùng mẹ. Và bé Khang – con trai chị Hằng – yêu thích việc vào bếp từ buổi học đầu tiên.
Chị Thúy Hằng đã chi hơn 4 triệu đồng cho con trai tham gia khóa học nấu ăn. Ảnh: NVCC.
“Học phí cho lớp nấu ăn này khoảng 400.000 đồng/buổi. Mỗi buổi, các con học làm một món ăn, loại bánh khác nhau. Bây giờ, khi thích ăn món bánh nào, con sẽ quan tâm đến việc học hỏi để tự tay tạo ra món ăn hơn là xin ba mẹ cho tiền mua chiếc bánh được làm sẵn. Theo tôi, bỏ ra số tiền này hoàn toàn hợp lý vì con có cơ hội trải nghiệm làm ra món ăn, còn có sản phẩm mang về khoe với các thành viên trong gia đình. Bé đã học được hơn 10 buổi rồi và vẫn rất thích thú”, chị Hằng chia sẻ.
Chị Hằng nhấn mạnh đối với việc nuôi dạy con trẻ thời hiện đại, ba mẹ hoàn toàn không ép buộc con làm điều gì theo ý mình mà đưa ra gợi ý để con lựa chọn rồi đồng hành cùng con. Đối với khóa học nấu ăn, bé Khang thật sự yêu thích và cố gắng. Là con trai, con không khéo léo, tỉ mỉ như phần lớn bạn nữ trong lớp. Đổi lại, con rất tâm huyết với các sản phẩm, có ý thức tuân thủ những lưu ý của giáo viên.
Cùng chung mối quan tâm, chị An Hồ (TP.HCM) cũng đăng ký cho cả 2 cô con gái 8 và 9 tuổi theo học lớp nấu ăn tại trung tâm Star Kitchen. Cứ đến mỗi buổi học, 3 mẹ con lại hào hứng cùng nhau đến lớp. Mẹ và con lên ý tưởng mới, tích cực thử nghiệm, sáng tạo, làm các món ăn truyền thống trở nên đặc biệt, thích mắt hơn.
“Cho con đi học nấu ăn không chỉ là trải nghiệm làm ra món ăn mà còn để con có thêm bạn bè, sự tương tác thực tế, biết làm việc nhóm, thay vì cứ chăm chú vào điện thoại, máy tính cả ngày. Theo tôi, kiến thức sách vở không thể nào bằng thực hành được. Các con vào bếp rồi sẽ biết để làm ra thức ăn hàng ngày con ăn đôi khi không đơn giản. Từ đó, con có ý thức tiết kiệm, ngăn nắp hơn và thêm quý trọng, biết ơn công sức của người làm ra món ăn cho mình”, chị An Hồ tâm sự.
Video đang HOT
Mong con có kỹ năng cơ bản để tự chăm sóc bản thân
Những phụ huynh như chị An Hồ, chị Thúy Hằng quan niệm rằng con trẻ nên được trải nghiệm nhiều môn học, tự bản thân con sẽ tự tìm ra sở thích, thế mạnh của mình. Tuy nhiên, khi thời gian mùa hè có hạn, các phụ huynh quyết định chỉ cho con học nấu ăn cùng với tiếng Anh. Phần thời gian còn lại, ba mẹ cùng con cái có thể trò chuyện, lắng nghe nhau nhiều hơn.
Cha mẹ mong trẻ học cách tự phục vụ và chăm sóc người khác. Ảnh: NVCC.
Theo chị An Hồ, không chỉ là một cách để con trẻ thư giãn sau giờ học căng thẳng, việc cho con học nấu ăn từ sớm cũng là phương thức giáo dục trẻ về kỹ năng tự phục vụ và cách chăm sóc mọi người xung quanh.
Thế hệ nào cũng có những áp lực khác nhau, đối với các con, áp lực đến từ sự đầy đủ, tốc độ sống cùng kỳ vọng. Vừa lo con bị áp lực, vừa sợ con thiệt thòi, điều mà nhiều phụ huynh mong mỏi nhất khi cho con theo học nghề bếp chuyên nghiệp từ nhỏ vẫn là để con mình có thói quen ăn uống tốt hơn thay vì yêu thích đồ ăn nhanh không tốt cho sức khỏe.
Thêm vào đó, con biết quý trọng công sức làm ra món ăn, biết phụ giúp ông bà, cha mẹ những công việc đơn giản, gỡ xuống các mác “cậu ấm cô chiêu” mà nhiều người thường dùng khi nhắc đến những đứa trẻ được sinh ra giữa thời hiện đại.
Chị Thu Trang (TP.HCM) năm nay cũng cho cô con gái nhỏ Bảo Anh (học lớp 5) theo học khóa nấu ăn mùa hè được tổ chức tại trường học. Chị tin đây sẽ là nền móng cho kỹ năng và ý thức chăm sóc bản thân.
“Dù con còn nhỏ tuổi, tôi luôn hướng con đến sự tự lập. Nấu ăn là kỹ năng cơ bản nhưng rất quan trọng. Con theo học nấu ăn, thích thú với việc vào bếp cũng sẽ biết tự làm ra những món ăn đơn giản cho chính mình. Khi về nhà, con biết giúp đỡ mẹ trong việc bếp núc, ít nhất là rửa rau, cho thấy con phát triển ý thức từ khóa học. Về sau, con còn có thể tự mình chăm sóc cho ông bà, bố mẹ nữa”, chị Thu Trang nói.
Vĩnh Phúc: Quê nghèo oằn mình đóng phí trông trẻ
Đại dịch khiến cuộc sống của nhiều người dân thêm vất vả. Đã vậy, một số trường mầm non tại huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc còn có dấu hiệu lạm thu khiến phụ huynh thêm phần cực nhọc.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ Trường Mầm non Phương Khoan. Ảnh tư liệu của Phòng GD&ĐT huyện Sông Lô.
Phụ huynh bức xúc
Tiền trông ngoài giờ (thứ 7, Chủ nhật, trông trẻ trong hè, đón sớm, trả muộn, trông trưa bán trú) là khoản kinh phí phụ huynh phải đóng cho nhà trường.
Tại Vĩnh Phúc, kinh phí này đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 11/2021 với khung giá từ 3.000 - 5.000 đồng/trẻ/giờ. Từ đó, căn cứ vào tình hình thực tế tại các địa phương, Phòng GD&ĐT sẽ thống nhất mức thu với các nhà trường trong huyện.
Ở những năm học trước, tiền trông trưa bán trú đối với trẻ mầm non của Vĩnh Phúc dao động quanh mức 100 - 150 nghìn đồng/trẻ/tháng. Sau khi có Nghị quyết 11, tiền trông trưa của trẻ đã được nâng lên.
Mức phí trông trưa cao nhất áp dụng tại các thành phố của tỉnh, nơi có điều kiện kinh tế cao có thể lên tới hơn 250 nghìn đồng/trẻ/tháng. Ở những huyện có điều kiện kinh tế khó khăn, mức thu sẽ thấp hơn và được hướng dẫn cụ thể bởi Phòng GD&ĐT.
Sông Lô là huyện có điều kiện kinh tế khó khăn của tỉnh Vĩnh Phúc, tuy nhiên, thời gian qua, nhiều phụ huynh có trẻ ở độ tuổi mầm non đã than phiền về dấu hiệu lạm thu của một số trường trên địa bàn.
Theo phản ánh của phụ huynh, là huyện nghèo nhưng đầu năm học này họ phải đóng khoản phí trông trưa lên đến 200 nghìn đồng/trẻ/tháng. Trong khi, huyện giáp ranh là Lập Thạch, hay các huyện có điều kiện kinh tế tốt hơn như Yên Lạc, Bình Xuyên lại chỉ thu dao động quanh mức 170 - 180 nghìn đồng/trẻ/tháng.
Chị K. có con đang học tại Trường Mầm non Bạch Lưu (một trong những xã xa xôi nhất của tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, dịch bệnh kéo dài khiến cuộc sống của người dân quá vất vả. Thế nhưng, đầu năm học giáo viên chủ nhiệm thông báo các khoản đóng góp lên tới hơn 4 triệu đồng/cháu/năm học.
Số tiền này chưa tính tiền ăn hàng tháng của trẻ. Điều mà chị và nhiều phụ huynh bức xúc là tại sao các huyện khác có kinh tế phát triển hơn mà họ lại thu tiền trông trưa của trẻ thấp hơn so với huyện nghèo Sông Lô?
Tại Văn bản số 1068 ngày 20/10/2021 của Phòng GD&ĐT huyện Sông Lô về việc hướng dẫn bổ sung các khoản thu ngoài ngân sách năm học 2021 - 2022, thì phòng này đã thống nhất mức thu tiền trông trẻ ngoài giờ (khối mầm non và tiểu học) là 3 nghìn đồng/học sinh/giờ.
Nếu chiếu theo văn bản này, với thời gian trông trẻ ngoài giờ là 2 - 2,5 tiếng (với trẻ mầm non) và bình quân 21 - 22 ngày/tháng thì tiền trông trưa dao động quanh mức 165 nghìn đồng/học sinh/tháng. Không hiểu các trường căn cứ vào văn bản nào để ra thông báo thu số tiền 200 nghìn đồng/trẻ/tháng.
Sự lấp liếm của hiệu trưởng?
Trước phản ánh của phụ huynh học sinh, Báo GD&TĐ đã liên hệ với Phòng GD&ĐT huyện Sông Lô và hiệu trưởng một số trường mầm non để làm rõ vấn đề.
Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu thông tin tại phòng GD&ĐT và liên hệ với một số trường mầm non trên địa bàn như Phương Khoan, Tam Sơn, Bạch Lưu... thì các nhà trường đều có câu trả lời giống nhau là: Nhà trường đang chờ phòng duyệt phương án thu chi tài chính, hiện nhà trường chưa thu khoản tiền trông trưa của trẻ.
Thậm chí đến Trưởng phòng GD&ĐT Sông Lô Trần Thái Mai cũng không biết về việc nhà trường thu tiền trông trưa của trẻ với mức 200 nghìn đồng/học sinh/tháng.
Theo phản ánh, tại Trường Mầm non Phương Khoan, phụ huynh đã nộp tiền cho giáo viên chủ nhiệm trong đó có cả tiền trông trưa của trẻ. Thế nhưng khi trả lời Báo GD&TĐ, bà Nguyễn Thị Hiền Hanh - Hiệu trưởng trường này - lại cho biết, nhà trường chưa được duyệt các khoản thu chi của năm học.
Bà Hanh còn cho biết thêm, nếu phụ huynh phản ánh đã nộp tiền thì các anh cứ tìm hiểu ở phụ huynh còn thủ quỹ nhà trường chưa thu khoản tiền trông trưa này.
Tại Trường Mầm non Quang Yên, phụ huynh tên L. cũng cho biết, sau buổi họp phụ huynh đầu năm học, hầu hết phụ huynh đã đóng các khoản tiền theo thông báo của giáo viên chủ nhiệm, trong đó có cả tiền trông trưa là 200 nghìn đồng/tháng. Trước khi đóng tiền, giáo viên chủ nhiệm gửi cả bảng kê và thời gian đóng ghi trong văn bản.
Thông tin về việc đã nộp tiền cho nhà trường, phụ huynh tại Trường Mầm non Bạch Lưu quả quyết, khoảng 3 tuần sau khi bắt đầu năm học mới, phụ huynh được họp và thông báo các khoản tiền phải đóng trong năm.
Phụ huynh này đã nộp cho cô giáo chủ nhiệm và được ký vào sổ ghi chép của giáo viên này đưa. Ở Trường Mầm non Bạch Lưu, lớp càng nhỏ tuổi thì số tiền đóng càng cao.
Lý giải cho việc phụ huynh đã đóng tiền trông trưa cao hơn quy định nhưng nhà trường nói chưa triển khai thu, bà Hà Thị Kim - Hiệu trưởng Trường Mầm non Bạch Lưu - cho biết: Nhà trường chưa được duyệt phương án thu chi tài chính nên chưa thu tiền trực trưa của trẻ. Nếu nói nhà trường thu thì phải do thủ quỹ thu chứ giáo viên không được phép thu. Còn đây, chắc do một số phụ huynh tự nhờ cô giáo thu hộ...
Mặc dù phủ nhận việc nhà trường đã thu tiền và chuyển trách nhiệm cho giáo viên nhưng khi phóng viên đưa ra bản chụp các khoản thu của nhà trường, trong đó có tiền trông trưa của trẻ là 200 nghìn đồng/trẻ/tháng thì bà Kim thừa nhận văn bản in các khoản thu này đúng của nhà trường.
"Thời gian trước nhà trường phải nghỉ vì dịch Covid-19, cơ sở vật chất của nhà trường cũng được lấy làm khu cách ly. Tới đây, sau khi có phê duyệt phương án tài chính của Phòng GD&ĐT, nhà trường sẽ rà soát lại khoản thu này, nếu cao hơn quy định thì nhà trường sẽ thông báo và trả lại tiền cho phụ huynh" - bà Kim cho biết thêm.
Từ cách trả lời của Hiệu trưởng Trường Mầm non Bạch Lưu cùng thông tin phản ánh của phụ huynh, có thể thấy, việc thu tiền trông trưa của trẻ cao hơn quy định tại huyện Sông Lô là có thật.
Việc đổ lỗi cho giáo viên chủ nhiệm tự ý thu liệu có hợp lý? Nếu có việc giáo viên tự làm trái quy định thu chi thì cần xem xét xử lý kỉ luật. Khi đó, không biết sẽ có bao nhiêu giáo viên tại huyện Sông Lô bị kỉ luật về việc này?
Bên cạnh việc thu tiền trông trưa cao hơn quy định, một số khoản thu giữa các trường mầm non tại Sông Lô lại có sự chênh lệch khiến phụ huynh băn khoăn cho rằng nhà trường đang lạm thu.
Vụ bé trai lớp 6 nhảy từ tầng 22 chung cư xuống tử vong: Sao chỉ biết giật mình? Bé trai lớp 6 tại một chung cư ở Hà Nội nhảy lầu tự tử khiến dư luận, đặc biệt là các bậc phụ huynh giật mình. Tối qua 16.12, vào lúc 21 giờ, người dân sống tại chung cư Goldmark City (Hà Nội) phát hiện một bé trai nằm bất động. Theo đại diện ban quản trị chung cư, nạn nhân là...