Phụ huynh lơ là, nhiều trẻ bị tai nạn chấn thương sọ não, nguy kịch
Chỉ một tuần trở lại đây, Bệnh viện Nhi trung ương liên tục tiếp nhận 7 bệnh nhi có độ tuổi từ 2-14 tuổi nhập viện trong tình trạng nguy kịch do bị chấn thương sọ não.
Các bác sĩ khoa điều trị tích cực ngoại khoa đang chăm sóc cho bệnh nhi bị tai nạn chấn thương sọ não – Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Nguy cơ tử vong do phụ huynh lơ là
Em M.T. (14 tuổi, ngụ Hà Tĩnh) chưa đủ tuổi chạy xe gắn máy nhưng đã tự ý tập chạy xe, không may đâm vào cột điện bên đường. Sau tai nạn, T. nhập viện tại Bệnh viện Nhi trung ương trong tình trạng chấn thương sọ não, chấn thương bụng kín, phổi, tụ máu ở mắt và có nhiều vết xây xát trên cơ thể.
Một trường hợp khác là bé trai 17 tháng tuổi, ngụ Hưng Yên, nhập viện do chấn thương sọ não khi bị ngã từ tầng 2 xuống (độ cao khoảng 3,5m), đầu bé đập vào nền đất cứng…
Sau khi nhập viện, tất cả bệnh nhi đều được hỗ trợ thở máy, kiểm soát huyết áp, phẫu thuật chấn thương sọ não, chống nhiễm trùng và bổ sung dinh dưỡng. Tuy nhiên, hiện tình trạng của các trẻ đều rất nặng, nguy cơ tử vong cao.
Video đang HOT
TS.BS Đặng Ánh Dương – phó trưởng khoa phụ trách khoa điều trị tích cực ngoại khoa, Bệnh viện Nhi trung ương – cho biết chấn thương sọ não là tình trạng người bệnh bị sang chấn vào đầu gây tổn thương hộp sọ và các cấu trúc khác bên trong hộp sọ. Chấn thương sọ não có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt với trẻ em.
“Chấn thương sọ não ở trẻ em thường do bất cẩn trong sinh hoạt hoặc do tai nạn giao thông, thường gặp nhất là ngã cầu thang, do leo trèo, đi xe đạp, vật nặng va đập trúng đầu. Chấn thương sọ não nhẹ nhất là tụ máu dưới da đầu, khi sờ sẽ thấy một cục nhỏ dưới da đầu. Nặng hơn là các tổn thương ở xương sọ như nứt xương, lún xương sọ hay vết thương sọ não, thậm chí là các tổn thương trong hộp sọ như máu tụ ngoài, giập não”, bác sĩ Dương chia sẻ.
Luôn để trẻ trong tầm mắt
Theo BS Dương, trẻ nhỏ từ 1-6 tuổi là lứa tuổi thường dễ bị chấn thương sọ não do trẻ với bản tính hiếu động, nghịch ngợm và chưa có kiến thức, kỹ năng phòng tránh nên rất dễ bị tai nạn trong sinh hoạt hằng ngày.
Cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần hết sức quan tâm, chú ý đến trẻ, luôn đảm bảo trẻ ở trong tầm mắt của người lớn, nhất là trong dịp trẻ được nghỉ học ở nhà để phòng, tránh dịch bệnh COVID-19 như hiện nay.
“Tuyệt đối không cho trẻ tự ý leo lên gác cao, cửa sổ đang mở, các cửa sổ, bancông phải có rào chắn an toàn, cầu thang cần có lan can, tay vịn chắc chắn để phòng tránh trẻ vấp, ngã. Khi chở các trẻ lớn đi xe gắn máy nên đội mũ bảo hiểm cho trẻ”, bác sĩ Dương nhấn mạnh.
Gia đình và nhà trường cần hướng dẫn, giáo dục trẻ cách tham gia giao thông an toàn. Tuyệt đối không cho trẻ tập hay đi xe máy, xe đạp điện khi trẻ chưa đủ tuổi theo quy định của pháp luật.
Khi trẻ xảy ra chấn thương ở đầu, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần phát hiện kịp thời và đưa trẻ đi khám, tránh để chấn thương sọ não ở trẻ em dẫn đến di chứng nặng nề.
Sơ cứu đúng cách tránh nguy cơ liệt về sau
BS Đặng Ánh Dương cho biết khi trẻ bị ngã hay gặp tai nạn giao thông, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần đưa trẻ ra khỏi vùng nguy hiểm để tránh gây thêm thương tích cho trẻ. Quan sát vết thương toàn thân của trẻ, nếu thấy chảy máu ồ ạt thì cần băng ép cầm máu cho trẻ.
Bảo vệ cột sống của trẻ, không được di chuyển trẻ nhanh, mạnh như bế trẻ chạy, gập hay ngửa cổ, tránh để trẻ bị tổn thương cột sống cổ thứ phát, gây nên tình trạng liệt cho trẻ về sau. Nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Ngã vì điện giật, nam thanh niên nứt sọ 2 bên nguy kịch
Một nam thanh niên khi đang sửa điện trên trần nhà bất ngờ bị điện giật rơi từ độ cao 3 m xuống đất khiến chấn thương sọ não nặng, nứt sọ 2 bên vừa được cứu sống nhờ được tận dụng "thời gian vàng".
Sáng 8/10, bác sĩ Huỳnh Như Đồng - Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên - cho biết, đơn vị đã phẫu thuật thành công cho một bệnh nhân bị chấn thương sọ não nặng do bị điện giật khi sửa điện và rơi từ trên độ cao 3 m cao xuống đất.
Nam thanh niên bị chấn thương sọ não nặng được cứu sống sau khi ngã trên cao xuống (Ảnh: Huỳnh Văn).
Trước đó, vào cuối tháng 9, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân N.Q.T (20 tuổi, ngụ xã Ea Phê, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) trong tình trạng hôn mê do điện giật.
Bệnh nhân được chẩn đoán bị điện giật, chấn thương sọ não nặng, tụ máu ngoài màng cứng thái dương đỉnh 2 bên phải và trái lượng nhiều, nứt sọ thái dương 2 bên, tụ khí nội sọ.
Theo người nhà, bệnh nhân đã leo lên cao để sửa điện ở trần nhà và bị điện giật rơi từ độ cao 3m xuống đất gây hôn mê.
Trước tình trạng nguy kịch của bệnh nhân, các y, bác sĩ quyết định tận dụng "thời gian vàng" trong chấn thương sọ não để mổ cấp cứu nạn nhân. Bệnh nhân được mổ cả 2 bên não, lấy máu tụ ngoài màng cứng, đặt lại xương sọ.
"Sau ca mổ, bệnh nhân có tiến triển tốt, tỉnh táo và phục hồi tốt về lâm sàng. Nhờ cấp cứu kịp thời trong "thời gian vàng" nên bệnh nhân được cứu chữa không để lại tàn phế cho bản thân, gánh nặng cho gia đình và xã hội", bác sĩ Huỳnh Như Đồng thông tin thêm.
Cứu sống bé 9 tháng tuổi người Nhật chấn thương sọ não do ngã sofa Sau 15 phút ngã từ sofa xuống đất, đập gáy xuống nền cứng, bé trai 9 tháng tuổi người Nhật bắt đầu rơi vào tình trạng hôn mê. Ngày 7/8, Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin, bé trai K.U (9 tháng tuổi, người Nhật Bản) bị chấn thương sọ não do ngã từ sofa trong thời gian đang cách ly tại Việt...