Phụ huynh không đóng quỹ lớp bị ‘dọa’ phải chuyển trường cho con, phòng GD-ĐT lên tiếng
Những hình ảnh chụp tin nhắn cuộc tranh luận về việc nộp 400.000 đồng tiền quỹ lớp lan truyền trên Facebook được xác định là của nhóm phụ huynh có con đang theo học tại một trường mầm non tư thục tỉnh Thái Bình.
Những ngày gần đây, mạng xã hội Facebook xôn xao câu chuyện phụ huynh có con 2 tuổi học tại một trường mầm non tư thục không đồng ý đóng 400.000 đồng tiền quỹ bị các phụ huynh khác yêu cầu phải chuyển lớp, chuyển trường cho con.
Những tranh luận qua tin nhắn được chủ tài khoản M.M đăng tải trên Facebook ẢNH CHỤP MÀN HÌNH FACEBOOK
Cụ thể, trên Facebook, tài khoản M.M viết: “Hôm nay, em xin được phép flex cho mọi người xem con em đi học lớp mầm non 2 tuổi. Một hôm đẹp trời, em được thêm vào nhóm lớp của con em và em thấy trong nhóm lớp đang thu quỹ 400.000 đồng (400 ngàn đồng nhé quý vị) và những khoản chi ở dưới ảnh. Mọi người có thể xem ảnh em đăng. (Em xin nhắc lại đây là khoản thu ngoài do phụ huynh tự đứng lên đề xuất thu, còn tất cả các khoản thu, tiền quỹ nhà trường quy định nha em đã đóng đủ)”.
“Em không đồng ý đóng quỹ, và trong nhóm mọi người có nói, nếu em không đồng ý đóng quỹ thì con em có thể chuyển trường. Nếu em không đóng quỹ lớp thì con em có thể chuyển lớp. Nếu con em không thể chuyển lớp đồng nghĩa là con em sẽ bị ra rìa… Một năm em đã phải đóng cho con em mỗi đứa 2,7 triệu đồng tiền đầu kỳ, nên các khoản thu bất hợp lý khác ngoài nhà trường thu em xin phép không đóng. (Vấn đề này em nói về hội phụ huynh của lớp con em chứ không do nhà trường nhé, nên mọi người đừng hiểu lầm)”, theo bài đăng của chị M.M.
Bài đăng của chị M.M kèm theo những ảnh chụp màn hình tin nhắn cuộc tranh luận gay gắt giữa chị và các phụ huynh.
Những tranh luận gay gắt liên tiếp ẢNH CHỤP MÀN HÌNH FACEBOOK TÀI KHOẢN M.M
Nội dung tin nhắn liên quan đến khoản 400.000 đồng tiền quỹ lớp được gọi là “kế hoạch thu chi quỹ phụ huynh” gồm: quỹ thăm hỏi hiếu hỉ tang với giáo viên trường; quỹ cho hoạt động ngoại khóa; quỹ dự phòng tăng học sinh (3 em); sinh nhật cho các bạn học sinh trong lớp…
Chị M.M từ chối đóng 400.000 đồng tiền quỹ lớp vì cho rằng “chưa hợp lý”. Tuy nhiên, các phụ huynh khác phản ứng gay gắt với quyết định của chị M. Thậm chí, có người nói rằng nếu chị M. không đồng ý đóng quỹ thì có thể cho con chuyển trường, chuyển lớp, hoặc không chuyển lớp thì nếu lớp tổ chức sinh nhật cho bé nào thì bé không đóng quỹ “ra ngồi một góc”.
Video đang HOT
Qua tìm hiểu, những tranh luận là từ các phụ huynh có con đang học tại lớp Cherry, Học viện AnhXtanh (H.Đông Hưng, tỉnh Thái Bình).
Ngày 12.10, chị M. đã lên gặp hiệu trưởng để trình bày và hiệu trưởng nhận định quỹ này không hợp lý.
Trả lời phóng viên Báo Thanh Niên vào ngày 14.10, ông Trần Đức Cường, Trưởng phòng GD-ĐT H.Đông Hưng (tỉnh Thái Bình), cho biết ông đã nắm được thông tin sự việc. Ông Cường nói: “Tôi đã chỉ đạo chủ trường phải gặp gỡ nhóm phụ huynh đó, phân tích cho họ hiểu về vấn đề nộp quỹ lớp, đồng thời không nên dùng lời lẽ phản cảm như vậy khi giao tiếp”.
Theo ông Cường, sự việc xảy ra từ một nhóm nhỏ trong một lớp, phía nhà trường đã gọi điện cho từng phụ huynh, chiều nay (14.10) họ sẽ tổ chức họp phụ huynh để làm rõ vấn đề này đồng thời thống nhất tư tưởng cho phụ huynh.
Ông Cường nhấn mạnh, trong buổi họp phụ huynh chiều nay, chủ trường sẽ nhấn mạnh không đồng ý với những khoản quỹ lớp thu ngoài nhà trường. Phía nhà trường cũng sẽ giải thích rõ để các phụ huynh hiểu vấn đề này, giải quyết những vướng mắc.
Trưởng phòng GD-ĐT H.Đông Hưng đồng thời phân tích, trong Thông tư số 55 năm 2011, Bộ GD-ĐT quy định ban đại diện cha mẹ học sinh không được phép lập quỹ riêng.
Khi phóng viên Báo Thanh Niên đặt vấn đề ban đại diện cha mẹ học sinh được ví như cánh tay nối dài của nhà trường để thực hiện thu những khoản không đúng quy định, ông Trần Đức Cường nêu quan điểm, điều này có thể từng xảy ra tại một số trường công lập. Tuy nhiên, đây là trường tư thục, nhà trường không cần phụ huynh phải đầu tư, huy động bất kỳ thứ gì khác.
TPHCM: Không thu quỹ trường, lớp, mọi khoản thu đưa lên hệ thống quản lý
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM nhấn mạnh trách nhiệm của hiệu trưởng trong lạm thu và yêu cầu không được thu quỹ lớp, quỹ trường, tất cả đưa lên hệ thống quản lý để Sở giám sát.
Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM - phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Hoa Hoa).
Không thể nói hiệu trưởng không biết về lạm thu
Tại Hội nghị giao ban cấp tiểu học, THCS của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TPHCM ngày 4/10, ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD&ĐT - nhấn mạnh tới công tác thu chi đầu năm học và tổ chức liên kết đào tạo.
Theo ông Hiếu, TPHCM là địa phương đầu tiên có Nghị quyết 04/2023/NQ-HĐND về các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn năm học 2023-2024.
Đây là cơ sở pháp lý để nhà trường triển khai thực hiện một số nội dung giáo dục trên tinh thần dịch vụ, cung ứng dịch vụ.
Ông nhấn mạnh: "Không có khái niệm quỹ lớp, quỹ trường. Tôi đề nghị Phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GD&ĐT TPHCM) hướng dẫn tất cả các khoản thu của trường đều phải được thực hiện thu trên hệ thống không dùng tiền mặt, để Sở quản lý được việc trường thu như thế nào".
Người đứng đầu Sở GD&ĐT TPHCM cũng thẳng thắn chỉ ra sai sót không ít trường mắc phải là thu số "chẵn". Ông cho hay, để tổ chức thu, Sở GD&ĐT đã yêu cầu trường xây dựng dự toán thu - chi cụ thể về những nội dung gì, sau khi dự toán xong mới tính ra số học sinh của lớp, trường để quy ra con số thu cụ thể.
Do đó, tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, trường nào thu "chẵn" số tối đa 300.000 đồng/học sinh/tháng là Phòng Kế hoạch - Tài chính sẽ xuống kiểm tra xem cách dự toán của trường như thế nào và sẽ xử lý nếu không làm rõ.
Ông Nguyễn Văn Hiếu đề nghị các phòng GD&ĐT tham mưu với UBND quận, huyện, TP Thủ Đức chấn chỉnh xử lý các trường hợp thu không đúng quy định.
Theo ông, Sở GD&ĐT đã có hướng dẫn, tập huấn do đó thu sai là phải xử lý.
"Trong trường học, tất cả việc thu của Ban đại diện cha mẹ học sinh thì hiệu trưởng cần nắm rõ để bàn bạc, đảm bảo sự đồng thuận trong phụ huynh học sinh. Nếu ngó lơ hoặc không quan tâm chỉ đạo thì lỗi lớn của hiệu trưởng nhà trường", ông Hiếu cho hay.
Không xếp môn tự chọn vào chính khóa
Đối với việc xếp thời khóa biểu các môn học thuộc chương trình đề án của thành phố, chương trình liên kết, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM nhấn mạnh, việc xếp các lớp trên tinh thần tự nguyện là mấu chốt của vấn đề mà hiện nhiều trường đang vướng.
Trong các văn bản chỉ đạo hướng dẫn đầu năm, Sở GD&ĐT đã yêu cầu các khoản thu dịch vụ phải được sự đồng thuận của phụ huynh. Các cơ sở cần sắp xếp lớp theo nguyện vọng của phụ huynh học sinh.
Trường nào chưa chỉ đạo chặt chẽ hoặc phụ huynh chưa có sự đồng thuận phải cân nhắc, trao đổi với phụ huynh hiểu rõ.
Tin nhắn đề nghị của một giáo viên tại TP Thủ Đức cho biết không học liên kết học sinh phải ra khỏi lớp (Ảnh: Phụ huynh cung cấp).
"Trong hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, khi giáo viên đã dạy hết giờ nghĩa vụ rồi (23 tiết/tuần) mà còn dư giờ theo giờ chính khóa (35 tiết/tuần), trường chủ động thực hiện chương trình đề án của thành phố, chương trình liên kết trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh học sinh", ông Hiếu nói thêm.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM cũng làm rõ: Trong khái niệm dạy học 2 buổi/ngày, không có khái niệm buổi nào là buổi chính mà việc xếp thời khóa biểu cần đảm bảo khoa học, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của từng đối tượng học sinh, cần đan xen các tiết học để đảm bảo hài hòa với năng lực tiếp thu của học sinh.
Giám đốc Sở cho rằng xếp thời khóa biểu là một nghệ thuật, cần xếp làm sao học sinh vừa sức với tiếp thu, phù hợp với năng lực, lứa tuổi tâm sinh lý để các em không bị quá tải.
Có hiện tượng lạm dụng thuyết trình
Ông Nguyễn Văn Hiếu thừa nhận thời gian qua có tình trạng giáo viên lạm dụng hình thức thuyết trình trong dạy và học khi đổi mới phương pháp. Môn nào, tiết nào giáo viên cũng bắt học sinh chuẩn bị bài thuyết trình ở nhà để vào lớp trình bày.
Theo ông, đổi mới phương pháp dạy học là phải giảm tải, tạo hứng thú cho học sinh. Lạm dụng các phương pháp đổi mới dạy học sẽ gây áp lực cho học sinh, gây ra phản cảm nặng nề trong việc dạy và học.
Do vậy, giáo viên các bộ môn phải có sự phối hợp với nhau, thống nhất bao nhiêu tiết thuyết trình trong một tuần, một tháng sẽ vừa sức với học sinh, tránh tình trạng không lạm dụng.
Ông Nguyễn Văn Hiếu nêu rõ, việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin khác với giao bài tập về nhà. Khi nhà trường đổi mới phương pháp dạy học với phương pháp lớp học đảo ngược, sử dụng phần mềm LMS trong quản lý dạy học thì có nội dung giám sát, giao nhiệm vụ, chuẩn bị bài, nghiên cứu bài học khác với giao bài tập về nhà.
"Hiện nay, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở bậc tiểu học, giáo viên không được giao bài tập về nhà để giảm áp lực cho học sinh. Tuy nhiên, học sinh ở nhà cũng phải nghiên cứu, chuẩn bị bài cho tiết học mới và phương pháp mới song cần phải vừa sức", ông Hiếu nói.
Yêu cầu 1 trường học hoàn trả hơn 700 triệu quỹ phụ huynh Thanh tra Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu Trường THPT Lê Minh Xuân hoàn trả hơn 715 triệu đồng quỹ phụ huynh. Đây là số tiền trường này thu theo uỷ quyền của Ban đại diện cha mẹ học sinh trong hai năm học 2020 và 2021. Theo đó, trong biên bản họp đầu năm học 2020 - 2021 giữa Trường THPT Lê Minh...