Phụ huynh không còn “giật mình” khi nhận được tin xuất hiện F0 trong trường học
Nhiều phụ huynh rất phấn khởi khi con em mình được đến trường trở lại. Họ xác định, phải sống chung và cố gắng thích nghi với dịch bệnh và cũng không còn quá lo lắng nếu xuất hiện F0 trong trường học.
Với học sinh, đặc biệt là học sinh cuối cấp, việc quay trở lại trường học trực tiếp sau một thời gian dài học online là niềm vui lớn khi trước mắt các em phải đối diện với kì thi chuyển cấp quan trọng.
Trong niềm phấn khởi đó, em Vũ Diệu Hương – Học sinh lớp 9H, trường THCS Trưng Vương Hà Nội không giấu được cảm xúc khi được quay trở lại trường, gặp thầy cô và các bạn.
Em Vũ Diệu Hương cùng phụ huynh.
“Em thấy rất vui vì sau 9 tháng mới được quay trở lại trường học. Em đang là học sinh cuối cấp, đây là quãng thời gian quan trọng nhất của cấp học, thời gian chạy nước rút, quyết định bản thân có thể đỗ vào cấp 3 hay không”, em Hương chia sẻ.
Thế nhưng, sau 2 ngày học trực tiếp tại trường, lớp Hương có bạn mắc Covid-19. Nhận được thông tin đó, Hương cũng như các bạn trong lớp khá lo lắng, nhưng em đã trấn tĩnh lại để lắng nghe ý kiến chỉ đạo từ nhà trường.
“Nhận tin trong lớp có F0, bên cạnh sự lo lắng thì em cũng cố gắng bình tĩnh để nghe giải pháp từ trường, cô chủ nhiệm. Sau đó chúng em ở nhà theo dõi sức khỏe và học online 7 ngày. Với em đây là điều không thể tránh khỏi trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp. Chúng em luôn nhắc nhau, phải có ý thức thật tốt để đảm bảo phòng, chống dịch”, Hương nói.
Anh Vũ Nhật Tân (Kim Ngưu, Hà Nội) có con đang theo học tại một trường THCS ở Hà Nội cho hay, sau khi nhà trường có kế hoạch cho các con được đi học trở lại, anh thường xuyên sắp xếp công việc đưa, đón con gái tới trường và về nhà. Học sinh đi học trở lại được 2 tuần thì hôm nay là buổi thứ 3 anh đưa đón con, do trong lớp có F0, con gái anh phải ở nhà học online và theo dõi sức khỏe.
Là phụ huynh khi nhận được thông tin trong lớp có con mắc Covid-19, anh Tân không tránh khỏi cảm giác giật mình và lo lắng: “Lo nhất là không biết nhà trường sẽ xử lý như thế nào, sức khỏe của con ra sao, rồi việc học tập của con có bị gián đoạn không”.
Sau một tuần con gái ở nhà tiếp tục học online và nay quay trở lại trường, anh Tân cũng thấy nhẹ lòng hơn.
“Hiện giờ tôi cũng dần quen và thích nghi với tình hình mới rồi và cũng chấp nhận việc có F0 trong lớp, trong trường học của con”, anh Tân nói.
Cũng theo anh Tân, bây giờ phải chấp nhận sống chung với dịch chứ không thể bắt các con học online mãi được.
Do học sinh chỉ học nửa ngày nên ngày nào cũng vậy, cứ đến gần 11h trưa, ông Vương Ngọc Quang (Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại đến trường đón cháu về giúp vợ chồng con trai. Ông Quang chia sẻ, thời gian đầu mới đi học, gia đình cũng rất lo lắng do tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Về nhà, ông thường hỏi han cháu về tình hình học tập ở lớp rồi tình hình dịch bệnh, lớp có bạn nào là F0 không. Cùng với đó, ông luôn dặn dò cháu, giờ ra chơi nên ngồi một chỗ nghỉ ngơi chứ không ngồi tập trung và giao tiếp với bạn bè nhiều.
Video đang HOT
Ông Vương Ngọc Quang (Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại đến trường đón cháu về giúp vợ chồng con trai.
Theo ông Quang, điều mà cả gia đình quan tâm nhất bây giờ là con, cháu mình được đi học an toàn. Dịch bệnh chưa biết khi nào mới kết thúc, nếu cứ ở nhà học online thì sẽ rất thiệt thòi. Các cháu nên được đến trường để giao tiếp với bạn bè, được tiếp thu kiến thức trực tiếp từ thầy cô sẽ tốt và hiệu quả hơn rất nhiều so với học online.
“Được đến trường đi học, các cháu rất vui. Hôm nay, nghe thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị cho học sinh đi học bán trú, nhiều gia đình rất phấn khởi. Bởi thực tế, nhiều nhà neo người, không thể đưa đón con đi học được hàng ngày. Có nhà phải thuê người đưa con đi học buổi sáng, buổi chiều đón con về. Đầu giờ chiều đưa đi và chiều muộn lại đón về. Nếu được học bán trú thì các cháu sẽ tập trung học tốt hơn, gia đình cũng đỡ tốn kém và vất vả hơn trong việc đưa, đón con hàng ngày”, ông Vương Ngọc Quang chia sẻ.
Được đi học trở lại không chỉ là niềm vui của các em học sinh mà còn là niềm vui chung của nhiều bậc phụ huynh.
Gần 11h trưa có mặt tại cổng trường THCS Trưng Vương để đón cháu, bà Nguyễn Thanh Thủy (Hàng Bài, Hà Nội) cho biết, từ khi các cháu đi học bà thấy phấn khởi hơn vì khi đến trường, các cháu được học thầy, học bạn và được tiếp thu kiến thức tốt hơn là học ở nhà.
Bà Nguyễn Thanh Thủy chờ đón cháu trước cổng trường THCS Trưng Vương.
Cháu đi học, cả gia đình đều rất lo lắng vì bây giờ F0 quá nhiều, nhiều người mắc bệnh không có triệu chứng nên rất khó phát hiện. Gia đình luôn dặn dò cháu phải tuyệt đối tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch của nhà trường như: thực hiện 5K, đeo khẩu trang, khử khuẩn, hạn chế tiếp xúc.
Về phía gia đình, sẽ tăng cường bổ sung các vitamin C, vitamin tổng hợp, cho cháu ăn uống đủ chất để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
“Gia đình luôn chuẩn bị tinh thần, bất cứ ai cũng có thể bị mắc Covid-19, đặc biệt là cháu mới quay trở lại trường. Nếu điều này xảy ra thì sẽ tự cách ly cẩn thận, tránh lây nhiễm ra cộng đồng. Dịch bệnh còn tiếp tục phức tạp, cho nên chúng tôi xác định, phải sống chung và cố gắng thích nghi với dịch bệnh”, bà Nguyễn Thanh Thủy nói.
Cũng như các phụ huynh khác, bà Thủy mong muốn, tới đây, học sinh sẽ được học bán trú trở lại để các em có thêm nhiều thời gian tiếp thu kiến thức ở trường và giảm sự vất vả cho phụ huynh khi cứ phải cắt cử, thay phiên nhau đưa đón con nhiều lần trong ngày.
Trường học căng mình dạy học 'on off', áp lực vì nỗi lo F0
Kết thúc tuần học đầu tiên, do tâm lý lo lắng khi xuất hiện các ca F0 trong trường học, nhiều phụ huynh e ngại việc cho con em quay trở lại trường.
Bắt đầu tiết dạy vào buổi sáng thứ Hai, lớp 9A3 của cô Hồng Lương chỉ có 31/45 học sinh tới trường học trực tiếp. Hai trong số những em phải chuyển sang học online là học sinh thuộc diện F0; số còn lại là F1 hoặc những em được cha mẹ xin cho học trực tuyến tại nhà.
Bản thân cô Lương cũng không bất ngờ về điều này.
"Không thể chậm trễ hơn được nữa, quan điểm của nhà trường và các giáo viên là dù chỉ có một em tới lớp, thầy cô cũng sẽ dạy trực tiếp một cách nghiêm túc và có trách nhiệm. Do đó, không thể vì lớp có quá ít học sinh mà chúng tôi nản lòng", nữ giáo viên THPT ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho hay.
Học sinh không thể tới lớp, cô Lương được nhà trường trang bị hệ thống camera ghi hình tiết dạy, sau đó kết nối với thiết bị dạy học trực tuyến để các em không tới trường vẫn có thể theo dõi bài giảng tại nhà.
Tuy nhiên, việc vừa dạy học trực tuyến, vừa dạy học trực tiếp, theo cô Lương, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Không giống như trước đây, các bài giảng được thiết kế phù hợp với cách thức học trực tuyến, giờ đây khi kết hợp "on - off", những học sinh không đến trường ít nhiều sẽ bị hạn chế trong việc tiếp thu bài giảng theo giáo án dạy trực tiếp của giáo viên. Giáo viên cũng không thể "phân thân" để dạy riêng cho những em này theo cách thiết kế của bài giảng trực tuyến.
Do đó, giáo viên sẽ vất vả hơn khi phải dạy bổ sung miễn phí cho những học sinh học trực tuyến vào một số buổi nhất định trong tuần.
Giáo viên vất vả hơn khi phải vừa dạy học trực tiếp, vừa dạy học trực tuyến (Ảnh minh họa)
Chưa kể, theo cô Lương, giáo viên cũng "rất mệt" khi phải vừa dạy học trên bục giảng, vừa theo dõi học sinh thông qua màn hình máy tính.
"Khi đang giảng bài, giáo viên không thể theo dõi hết xem các em học online có đang lắng nghe được hay không. Nhiều khi vì gián đoạn kết nối, các em không nghe rõ lời cô hoặc không thể nhìn thấy chữ viết trên bảng. Nếu học sinh không tự giác phản ánh hoặc hỏi lại giáo viên, thầy cô cũng không thể nắm bắt được. Việc quan tâm đến những nhóm đối tượng này bị hạn chế nên dù giáo viên phải làm việc vất vả hơn, nhưng rất có thể vẫn có học sinh bị bỏ rơi phía sau", cô Lương nói.
Còn cô giáo Hoàng Minh Trang, đồng nghiệp của cô Lương lại gặp phải khó khăn khác khi nhiều ngày trong tuần phải "chạy sô" giữa hai hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến.
"Đôi khi, vừa kết thúc tiết dạy trực tiếp cho khối 7, giáo viên phải chuyển ngay sang dạy học trực tuyến cho khối 6. Việc phải đảm nhiệm "nhiều vai" như thế khiến giáo viên gặp một chút quá tải vì phải liên tục vận dụng các phương pháp và kỹ thuật dạy học khác nhau, dù rằng nhà trường cũng đã rất chu đáo chuẩn bị phòng máy để thầy cô không bị chậm trễ khi chuyển giao giữa các tiết dạy".
Áp lực rất lớn lên hiệu trưởng
Trường học được mở cửa trong nỗi ám ảnh chưa dứt về Covid-19. Ảnh minh họa: Trương Thanh Tùng
Hiệu trưởng một trường tư thục ở Hà Nội cho biết, khi học sinh đi học trở lại, khó khăn lớn nhất vẫn là chuyện thuyết phục phụ huynh đồng ý cho con em tới trường.
"Nếu như thầy cô gặp khó khăn vì lượng công việc tăng lên do phải vừa dạy học trực tuyến, vừa dạy học trực tiếp, thì với lãnh đạo nhà trường, cái khó là nỗ lực để vận động học sinh tới lớp. Do đó, thời gian qua, một mặt nhà trường vẫn phải tiếp tục tuyên truyền với phụ huynh về công tác phòng chống dịch của nhà trường, mặt khác cũng phải giúp phụ huynh yên tâm, tin tưởng và nhận thấy giá trị của việc cho học sinh tới trường học trực tiếp".
Tuy nhiên, theo vị này, điều đó là không dễ do cần phải có thời gian để thay đổi quan điểm của những phụ huynh và học sinh còn e ngại.
Chia sẻ với VietNamNet, ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An cho hay, là người đứng đầu ngành giáo dục Nghệ An, bản thân ông cũng rất trăn trở khi số ca F0 trong ngành tăng những ngày gần đây, dù số tăng mỗi ngày không nhiều.
"Hiện, tính đến thời điểm này, khoảng 300-400 trường hợp giáo viên và học sinh diện F0, nhưng chúng tôi đã rất lo và yêu cầu rà soát, thực hiện nghiêm túc việc phòng chống dịch".
Ông Thành cho hay, khi quan điểm hiện nay là phải sống chung một cách an toàn với F0, Sở GD-ĐT trao quyền tự chủ quyết định cho các trưởng phòng, hiệu trưởng các đơn vị trên cơ sở tham vấn ý kiến của Ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp huyện, thị.
"Cũng cần phải chia sẻ với các hiệu trưởng bởi họ là người chịu áp lực nhất, sau đó tới các Trưởng phòng GD-ĐT rồi mới tới Ban Giám đốc Sở GD-ĐT", ông Thành chia sẻ.
"Khi học sinh đi học trực tiếp thì thực sự áp lực về trách nhiệm lớn hơn nhiều. Thật sự cá nhân tôi cũng phải lo lắng hằng ngày. Bởi dù việc kiểm soát dịch bệnh của các nhà trường làm rất bài bản, nhưng nếu phía gia đình không cùng trách nhiệm thì rất khó.
Với tư cách là giám đốc Sở, tôi đã từng trao đổi trên nhiều diễn đàn với các phụ huynh rằng dù đến trường hay chưa thể đến trường thì nhà trường đều có giải pháp để đảm bảo quyền lợi và chất lượng học tập cho các con. Tuy nhiên, có những gia đình, có người F0 và học sinh là F1 nhưng phụ huynh vẫn giấu để cho đến trường hoặc chưa cách ly đủ đã cho đi học và rất phức tạp khi lỡ con trở thành F0".
Ông Thành cho hay, một trong những lo lắng của ông là hiện nay việc tiêm phòng vắc xin đã cơ bản nhưng lại có thể phát sinh sự chủ quan của cộng đồng, cha mẹ học sinh, thậm chí ngay cả những người trong ngành giáo dục. "Nhiều gia đình vẫn cho các cháu đi liên hoan, du lịch, tham gia các hoạt động tập trung đông người ở bên ngoài. Như vậy nhà trường cũng không thể kiểm soát nổi, dẫn tới thiệt thòi cho chính bản thân và cả lớp của các cháu", ông Thành nói.
"Hiệu trưởng hoặc giáo viên chủ nhiệm chỉ cần chủ quan, lơ là một chút có thể ảnh hưởng bao nhiêu học sinh, toàn trường và lan rộng ra cộng đồng thì cũng nguy hại. Bởi một trường ít thì khoảng một nghìn, nhiều thì trên hai nghìn học sinh, nếu có dịch sẽ lan tỏa ra bao nhiêu gia đình. Đó là việc mà tôi rất lo, mặc dù chưa xảy ra. Thật lòng cứ cuối mỗi buổi, các trường hoặc địa phương báo về mọi thứ an toàn thì tôi mới thở phào được, còn không thì lo lắm", ông Thành nói.
Sở GD-ĐT Nghệ An đã bố trí đường dây nóng do một lãnh đạo văn phòng phụ trách liên lạc thường xuyên và một Phó Giám đốc Sở thường trực phụ trách. Dù vậy, đích thân ông Thành vẫn phải tham gia, chỉ đạo nóng.
"Mỗi ngày, chuyện gọi các trưởng phòng giáo dục để chỉ đạo công tác phòng chống dịch là chuyện hết sức bình thường. Thậm chí, khi có thông tin sự việc xảy ra, có những hôm, kể cả 11-12h đêm, vẫn liên hệ chỉ đạo giải quyết. Giai đoạn này, tôi cũng yêu cầu các Hiệu trưởng, Trưởng phòng GD-ĐT để máy điện thoại ở chế độ liên lạc được mọi lúc. Thậm chí, có những buổi tối vẫn phải triệu tập mọi người lên Sở để hội ý, họp thống nhất ra văn bản, quyết định ra chỉ đạo xử lý các tình huống".
Ông Thành cũng cho hay, dù khó khăn, nhưng một điều rất may mắn, ngành giáo dục của nhận được sự chia sẻ, ủng hộ của toàn bộ hệ thống chính trị, lãnh đạo của các huyện, thị trên địa bàn tỉnh và sự đồng lòng, hỗ trợ của phần lớn phụ huynh. Cũng theo ông Thành, chưa có học sinh nào của tỉnh bị chuyển biến nặng hay tử vong.
COVID-19 khiến gần 20 triệu học sinh tạm dừng đến trường; hơn 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn Trước thực tế có khoảng 70.000 sinh viên đại học chưa thể tốt nghiệp ra trường do dịch bệnh, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị các trường đại học, cao đẳng tích cực hơn nữa đưa sinh viên trở lại trường học tập. Theo số liệu vừa được đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm...