Phụ huynh, giáo viên Trung Quốc mệt mỏi vì chính sách ‘giảm kép’
Trung Quốc ban hành chính sách ‘giảm kép’ để giảm gánh nặng học tập cho học sinh. Tuy nhiên, áp lực của phụ huynh và giáo viên lại tăng gấp đôi.
Kể từ tháng 9, nhiều trường học tại các thành phố lớn ở Trung Quốc bắt đầu áp dụng chính sách “giảm kép”. Cụ thể, học sinh tiểu học và THCS sẽ được giảm gánh nặng làm bài tập. Việc học thêm ngoài giờ cũng bị hạn chế so với trước đây.
Feng Yusheng, học sinh lớp 2 tại một trường tiểu học công lập ở Quảng Châu, Trung Quốc, cho biết em đã cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt từ chính sách mới này.
“Trong những ngày qua, bài tập về nhà duy nhất của em là đọc lại các đoạn văn trong sách giáo khoa và tự ôn bài”, Feng nói với ThinkChina .
Trước đây, nữ sinh từng nghẹt thở trong “núi” bài tập về nhà và loạt bài kiểm tra ở trường. Mỗi ngày, em phải học đến tối muộn, không có thời gian giải trí, xem tivi.
Nhưng hiện nay, mọi chuyện đã khác. Dù năm học mới chỉ bắt đầu vài tuần, tất cả học sinh đều cảm nhận được tác động của chính sách mới.
Chính sách “giảm kép” giúp học sinh vơi bớt áp lực bài vở. Ảnh: Global Times.
Giảm gánh nặng cho học sinh
“Giảm kép” là chính sách được Bộ Giáo dục Trung Quốc đề xuất nhằm giảm bớt gánh nặng cho học sinh. Chính sách này được chính thức áp dụng năm học mới 2021, bắt đầu từ những thành phố lớn như Bắc Kinh, Quảng Châu, Quảng Đông, Thượng Hải, An Huy…
Theo đó, học sinh lớp 1 và 2 không cần làm bài tập về nhà bằng hình thức viết, chỉ đọc bài và tự ôn lại bài cũ. Đối với học sinh từ lớp 3 đến lớp 6, nhà trường chỉ được phép giao lượng bài tập vừa phải, sao cho các em hoàn thành trong vòng 1 giờ.
Nội dung mới này cũng nhắm vào các cá nhân, tổ chức dạy thêm ngoài trường học. Cụ thể, họ sẽ không được dạy thêm ngoài trường vào các ngày lễ lớn, hoặc trong các kỳ nghỉ hè, nghỉ đông.
Chính phủ Trung quốc yêu cầu các cơ sở dạy thêm phải soạn chương trình dựa trên kiến thức chính khóa và phải đăng ký giấy phép hoạt động dưới danh nghĩa là tổ chức phi lợi nhuận. Mọi hoạt động huy động vốn hoặc góp tiền sẽ bị cấm.
Cuối tháng 8, Bộ Giáo dục Trung Quốc ban hành thêm hướng dẫn về tăng cường công tác quản lý thi cử cho các trường cấp cơ sở. Cụ thể, trường THCS và THPT phải tổ chức các kỳ thi khoa học, hợp lý. Trường tiểu học không được phép tổ chức thi viết cho học sinh lớp 1 và lớp 2.
“Cuộc chiến” giáo dục mới của phụ huynh
“Giảm kép” là tin vui đối với nhiều học sinh vì các em không còn phải chịu áp lực bài vở, thi cử. Tuy nhiên, đối với không ít phụ huynh, đây lại là nỗi lo vì họ phải đối mặt một “cuộc chiến” giáo dục mới.
Video đang HOT
Bà Liang, mẹ của học sinh Feng Yusheng, nói với Zaobao China rằng lớp 1 và 2 là giai đoạn quan trọng trong hành trình học tập của trẻ. Bà lo lắng nếu không có nền tảng vững chắc, trẻ sẽ gặp khó khăn khi đối mặt các chương trình học trong tương lai.
Bà Liang hiểu mục đích của chính sách “giảm kép” là giảm bớt gánh nặng học tập và nâng cao các giá trị đạo đức, tinh thần. Tuy nhiên, nếu không có bài tập về nhà, trẻ sẽ mất đi cơ hội ôn tập và ghi nhớ những kiến thức đã học. Chưa kể, việc bỏ đi bài kiểm tra cũng khiến cha mẹ khó nắm được con mình đã tiếp thu bao nhiêu kiến thức trên lớp.
Để “tự cứu” mình và con, bà Liang cùng một số phụ huynh khác đã lập nhóm chat để mua sách tham khảo và thay phiên nhau hướng dẫn các bé học. Những phụ huynh này tự tạo bảng điểm tích lũy và treo thưởng cho những em đạt kết quả cao nhất theo từng tháng.
“Nếu Zhongkao (kỳ thi tuyển sinh THPT) và Gaokao ( kỳ thi tuyển sinh đại học) còn tồn tại, nỗi lo của chúng tôi sẽ không bao giờ vơi đi”, bà Liang nói.
Người mẹ này cũng bày tỏ lo lắng các phụ huynh sẽ phải chi nhiều tiền hơn cho dịch vụ giáo dục nếu việc dạy thêm ngoài trường bị kiểm soát chặt chẽ.
Giáo viên mệt mỏi vì phải chạy theo chính sách mới. Ảnh: Quartz.
Giáo viên áp lực gấp đôi
Chính sách mới đã trả lại vai trò giáo dục cho nhà trường và gia đình. Qua đó, giáo viên buộc phải nâng cao năng lực chuyên môn và đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn trước.
Bà Zhao, cô giáo tiểu học ở Quảng Đông, cho biết trước khi năm học mới bắt đầu, các giáo viên đã được triệu tập để nghe phổ biến về tầm quan trọng của chính sách “giảm kép”.
Cụ thể, họ được nhắc nhở điều chỉnh định hướng giáo dục và xóa bỏ tình trạng giao nhiều bài tập về nhà, hoặc yêu cầu cha mẹ mua tài liệu tham khảo. Các giáo viên cũng được yêu cầu tối ưu hóa và đổi mới phương pháp giảng dạy để nâng cao hiệu quả, chất lượng tiếp thu bài cho học sinh.
Là giáo viên lớp 3 có hơn 20 năm kinh nghiệm, bà Zhao bày tỏ quan điểm trung lập trước chính sách mới. Cô giáo nhận thấy chính sách này có lợi cho sức khỏe của học sinh và sẽ tạo lợi ích lâu dài. Tuy nhiên, khoảng cách về năng lực giữa các học sinh có thể lớn hơn trước.
Theo quan điểm của bà, những em tự giác, có động lực học tập cao sẽ tự tạo không gian, cơ hội học cho chính mình. Trái lại, những bạn lơ là, thiếu ý thức tự giác, có thể rơi vào tình trạng “trượt dài”.
Từ khi trường học áp dụng chính sách “giảm kép”, bà Zhao phải đổi mới phương pháp dạy. Mỗi khi soạn giáo án, bà luôn nghĩ cách thu hút học sinh và nâng cao chất lượng buổi học. Lượng bài tập về nhà cũng phải giảm bớt để phù hợp với học sinh lớp 3.
Ngoài ra, các trường học đã mở rộng các dịch vụ chăm sóc học sinh sau giờ học. Nhiều trường nhận trông trẻ đến 18h mỗi ngày khiến nhiều giáo viên áp lực hơn vì thời gian làm việc bị kéo dài. Một số người đến trường từ 7h và tan làm sau 19h.
Ông Xiong Bingqi, Giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục Thế kỷ 21, nhận định trong quá trình thực hiện chính sách mới, điều quan trọng là các trường cần phải giảm áp lực cho cả học sinh và giáo viên. Nếu giáo viên áp lực nặng nề, chất lượng giảng dạy sẽ không được cải thiện, gánh nặng học tập của trẻ sẽ khó giảm đi.
Ông Xiong dự đoán khi phụ huynh không hài lòng với các tiêu chuẩn giảng dạy, trường học không đáp ứng được nhu cầu của phụ huynh, tình trạng “dạy thêm chui” sẽ diễn ra nhiều hơn. Chìa khóa để thực hiện tốt chính sách này là giảm bớt gánh nặng ngoài lề cho giáo viên để họ tập trung toàn lực vào việc dạy học.
Theo ông, Bộ Giáo dục Trung Quốc cần cải cách hệ thống để chính sách mới đi vào hiệu quả. Cụ thể, các trường học cần được tự chủ hơn trong việc tổ chức lớp học và đánh giá học sinh. Điều này sẽ khơi dậy năng lượng dạy và học một cách triệt để.
Xiong Bingqi lo lắng nếu các trường học chỉ tập trung vào điểm số, không giúp trẻ phát triển toàn diện các kỹ năng, những vấn đề tồn đọng của nền giáo dục sẽ khó được giải quyết.
Cái khó lúc 15h30 của cha mẹ Trung Quốc
Theo chính sách mới, học sinh sẽ ra về lúc 15h30 nhưng phụ huynh vẫn làm việc đến 17-18h. Vậy ai sẽ là người trông trẻ trong thời gian chúng chờ bố mẹ?
Trung Quốc vừa công bố một số cải cách đối với vấn đề giáo dục và dạy thêm sau giờ học.
Đây được gọi là chính sách "giảm kép", làm giảm gánh nặng cho cả trẻ em và phụ huynh bằng cách rút ngắn thời gian làm bài tập về nhà và học thêm cho học sinh từ lớp một đến lớp 9.
Chạy đua học thêm
Theo Sixth Tone , đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc ban hành những cải cách tương tự. Năm 1990, Ủy ban Giáo dục - tiền thân của Bộ Giáo dục ngày nay - đã giới hạn thời gian học tập ở trường xuống còn 6 giờ/ngày đối với học sinh tiểu học và 8 giờ/ngày đối với học sinh trung học.
Một thập kỷ sau, vào năm 2001, Hội đồng Nhà nước đã nhắc lại tầm quan trọng của việc "giảm gánh nặng giáo dục".
Và vào năm 2018, Bộ Giáo dục tiếp tục thắt chặt quy định dạy thêm, nỗ lực hạn chế việc dạy học ngoài giờ.
Một cậu bé trở về nhà sau giờ học ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang. Hình ảnh được chụp vào ngày 2/9. Ảnh: People Visual.
Trước những lần cải cách nêu trên, phụ huynh, học sinh và giáo viên đều có phản ứng trái chiều. Lý do là bởi các nhà hoạch định chính sách vẫn chưa giải quyết được vấn đề "3h30 chiều". Tức là nếu trường học ra về lúc 15h30 nhưng phụ huynh vẫn phải làm việc đến 17-18h, ai sẽ là người trông trẻ trong thời gian chờ bố mẹ?
Mặc dù từ bề ngoài, chính sách mới là nỗ lực để giảm bớt bài tập ở trường và cho phép trẻ em có nhiều thời gian rảnh hơn. Thế nhưng, trong bản chất, chính sách đã chuyển gánh nặng chăm sóc trẻ em từ nhà trường sang cho gia đình.
Các gia đình có đủ khả năng kinh tế thuê bảo mẫu hoặc gia sư sẽ không quá quan ngại vấn đề nêu trên. Nhưng những gia đình còn lại, họ không có điều kiện thuê giáo viên, nhưng cũng không muốn nhìn con mình bị thụt lùi so với chúng bạn.
Trung Quốc bắt đầu hạn chế tình trạng dạy thêm ngoài giờ. Ảnh: Reuters .
Theo một cuộc khảo sát quốc gia vào năm 2016 về ngành dạy thêm do Hiệp hội Giáo dục Trung Quốc thực hiện, hơn 80% phụ huynh tin rằng học thêm là điều cần thiết đối với học sinh tiểu học và trung học cơ sở, và gần 60% sẵn sàng chi một nửa hoặc nhiều hơn một nửa thu nhập khả dụng của gia đình vào việc cho con đi học thêm.
Công ty nghiên cứu thị trường iResearch cũng đưa ra số liệu cho thấy thị trường dạy kèm riêng cho K-12 (từ mẫu giáo đến hết lớp 12) vào năm 2020 tại Trung Quốc là gần 900 tỷ nhân dân tệ (tương đương 139 tỷ USD), tăng gần gấp 3 lần kể từ năm 2013.
Để giải quyết vấn đề "3:30 chiều", nhà hoạch định chính sách đã thúc đẩy các nhà trường thiết kế nhiều hơn các chương trình chất lượng cao sau giờ học để thu hút học sinh tham gia cho đến khi cha mẹ các em đi làm về.
Thông điệp họ đưa ra rất đơn giản: Các dịch vụ giáo dục nên được cung cấp bởi nhà nước, không phải bởi các công ty tư nhân nơi chỉ dành cho những người giàu có.
Tuy nhiên, mặc cho các hoạt động ngoại khóa tại trường có hấp dẫn ra sao, các gia đình trung lưu và thượng lưu ở thành thị Trung Quốc vẫn không muốn từ bỏ hoàn toàn việc cho con học thêm. Họ nhắm đến các lớp học ngoài giờ khác như ngoại ngữ, thư pháp, thể thao và âm nhạc, những môn không chịu hạn chế bởi chính sách "giảm kép".
Trong khi đó, các gia đình thuộc tầng lớp lao động sẽ vẫn phải tiếp tục đối mặt với những khó khăn tài chính để cho con đi học hành một cách hiệu quả.
Xóa bỏ bất bình đẳng giáo dục
Theo Sixth Tone , rất nhiều người Trung Quốc có quan niệm rằng giáo dục là động lực thúc đẩy sự dịch chuyển xã hội.
Như 2 nhà kinh tế học Matthias Doepke và Fabrizio Zilibotti lập luận trong cuốn sách "Tình yêu, tiền bạc và cách nuôi dạy con cái" của mình, việc đầu tư cho con cái nhiều hơn chính là minh chứng của sự gia tăng thu nhập và phân chia rạch ròi giữa giàu - nghèo.
Ở các nước có tỷ lệ bất bình đẳng kinh tế cao, bậc cha mẹ thường cảm thấy áp lực hơn trong việc hỗ trợ và chuẩn bị cho tương lai cho con cái.
Ngược lại, ở các quốc gia có tỷ lệ bất bình đẳng tương đối thấp và các chính sách thân thiện hơn với gia đình, bậc cha mẹ thường tập trung nhiều hơn vào nhu cầu của con trẻ và tạo điều kiện cho chúng phát triển lành mạnh.
Điều này cho thấy vấn đề thực sự ở đây chính là tiêu chuẩn xã hội và định kiến về giai cấp. Tư tưởng này sẽ không biến mất nhờ chính sách giảm kép. Có lẽ các nhà chức trách Trung Quốc cần kết hợp chính sách giáo dục với một loạt các biện pháp xã hội khác nhằm xóa đói giảm nghèo, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, cải thiện điều kiện việc làm và các chương trình phúc lợi thân thiện hơn với gia đình.
Học sinh sau giờ học ở Quảng Châu vào ngày 25/9/2020. Ảnh: CFP.
Kể từ khi học kỳ mới bắt đầu, các thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải và Trùng Khánh đã yêu cầu giáo viên giám sát học sinh sau giờ học. Trong thời gian này, họ được phép kèm cặp học sinh làm bài tập về nhà, nhưng không được dạy bài mới cho học sinh.
Mặc dù những biện pháp can thiệp này có thể hữu ích trong việc giảm gánh nặng học tập của học sinh và giúp chăm lo các em cho đến khi cha mẹ đến đón, nhưng vẫn còn một chặng đường dài để xóa bỏ bất bình đẳng giáo dục.
Trung Quốc đưa 'tư tưởng Tập Cận Bình' vào chương trình tiểu học đến đại học Bộ Giáo dục Trung Quốc thông báo đưa "Tư tưởng Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới" vào sách giáo khoa. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh REUTERS Tư tưởng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về "chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới", thường được biết đến với tên gọi...