Phụ huynh “đốt tiền” cho con học hè, trẻ được gì?
Chưa nghỉ hè nhưng nhiều phụ huynh đã sấp ngửa đi tìm lớp học để bồi dưỡng kiến thức, đồng thời “khóa chân” con khi không có thời gian cai quản..
Hoa mắt với học hè
Tháng 8 tới, con chị Hoàng Thị Mai (Đông Ngạc – Bắc Từ Liêm – Hà Nội) sẽ vào lớp 6, chính vì vậy, chị Mai xác định luôn năm nay con sẽ không có nghỉ hè. Ngay từ cuối tháng 4, chị đã đôn đáo đi tìm các lớp học thêm tiếng Anh, Toán để bồi dưỡng cho con trước khi vào cấp 2.
Chị Mai cho biết: “Con nghỉ hè là “cơn ác mộng” đối với bố mẹ. Bố mẹ đâu có được nghỉ việc, không có ai trông con, nhốt con trong nhà 24/24h thì không đành, cho con về quê với ông bà thì không yên tâm. Chính vì vậy chỉ có cách tìm lớp cho học thêm, vừa nâng cao kiến thức, vừa quản được con”.
Chị Mai tiết lộ thêm, cứ hè đến là tốn kém vô cùng, ngoài các khóa học thêm kiến thức, con còn muốn được học bơi, học vẽ…, tính ra chi phí cũng lên tới 15-20 triệu đồng/3 tháng hè.
Một khóa học về kỹ năng sinh tồn và tự vệ của học sinh trong dịp hè. (Ảnh: IEDV)
Chị Nguyễn Thị Thu Hồng – phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Quan Hoa (Cầu Giấy – Hà Nội) cũng vừa chi gần chục triệu đồng cho hai con tham gia các khóa học dịp hè này.
Chị Hồng cho biết: “Con lớn học lớp 4, trong năm sức học hơi “đuối” nhất là môn Toán, nên hè này chủ yếu cho con học Toán để vào năm học đuổi kịp các bạn. Còn con bé năm nay lên lớp 1, ngay từ kỳ II lớp mẫu giáo lớn đã phải tìm lớp cho con học chữ, học Toán để xét vào lớp 1. Khóa học sẽ tiếp tục được duy trì và tăng cường thêm tuần 4 buổi khi con chính thức nghỉ hè”.
Chị Hồng cho biết thêm, các con chị rất muốn tham gia các khóa học võ, nhạc và MC. Trong năm chị cũng đã hứa sẽ tìm lớp cho các con học dịp hè nhưng nghĩ đi nghĩ lại chị thấy không yên tâm, sợ các con quên kiến thức sau mấy tháng hè nên lại phải “lỗi hẹn” với con.
Video đang HOT
Đừng “nhồi nhét” trẻ
Nói về vấn đề này, các chuyên gia giáo dục cho rằng, phụ huynh đã vô cùng sai lầm khi cố tình nhồi nhét kiến thức cho con trong những ngày nghỉ hè ngắn ngủi và quý giá.
Thạc sĩ Lê Thị Lan Anh – Viện trưởng Viện Phát triển giáo dục và trí tuệ Việt – phân tích, suốt 9 tháng, học sinh đã bị “giam” trong 4 bức tường của trường học, về nhà lại phải quay cuồng với bài tập. Thế giới của các con bị bó hẹp, những trải nghiệm với môi trường bên ngoài rất nghèo nàn. Nếu như 3 tháng hè, con tiếp tục phải sống trong “guồng quay” này thì rất thiệt thòi cho các con.
“Những kiến thức mà nhà trường đã trang bị cho các em suốt 9 tháng học như thế cơ bản là đã đầy đủ. Cha mẹ nên tìm các khóa học về kỹ năng sinh tồn, tự chủ, tự phục vụ bản thân giúp trẻ tương tác, rèn được ngưỡng chịu đựng của bản thân trong những hoàn cảnh không có bố mẹ…” – bà Lan Anh khuyên.
Theo bà Lan Anh, sau khi kết thúc năm học, bố mẹ có thể cho con về thăm ông bà nội, ngoại một thời gian, sau đó chọn những khóa trải nghiệm vừa học vừa chơi. Có thể có hai hướng lựa chọn: Học kỹ năng mềm cho những bạn còn nhút nhát, như làm MC, thuyết trình, kỹ năng chống xâm hại, bạo lực… và các khóa phát triển tư duy não phải như âm nhạc, hội họa, tạo hình…
TS Vũ Thu Hương – giảng viên khoa Giáo dục tiểu học (ĐH Sư phạm Hà Nội) thì cho rằng, muốn học gì đi chăng nữa thì cha mẹ cũng phải hỏi ý kiến các con trước khi quyết định, để các con không có cảm giác bị thiếu tôn trọng.
“Đã từng có cháu rất bực bội nói với tôi là bố mẹ cháu suốt ngày bắt học, vừa nghỉ hè xong đã vội vã bắt cháu đi học các khóa học hè, các cháu thấy rất mệt mỏi. Theo tôi, cả năm trẻ phải ở trường học tập. Vì thế,việc rèn luyện kỹ năng sống và đạo đức của trẻ rất bị hạn chế. Hè là khoảng thời gian hích hợp nhất cho việc bù đắp những thiếu thốn này. Các cha mẹ tiếp tục nhồi nhét kiến thức sẽ khiến con mệt mỏi, nản, chán ghét việc học tập và học tập sẽ không hiệu quả” – bà Hương nói.
Nói về các khóa học kỹ năng đắt đỏ, bà Hương cho rằng: “Nếu như đó chỉ là những giờ vui chơi không thôi thì có lẽ hơi quá tốn kém. Quan trọng là con thu được những gì sau khi tham gia các khóa học này. Các cha mẹ cần cân nhắc về phương thức tổ chức và các biện pháp đảm bảo an toàn cũng như các bài học ý nghĩa mà các con sẽ nhận được của các đơn vị tổ chức”.
Theo Danviet
Học sinh phải học quá nhiều Toán và tiếng Việt
Tỉnh tổng thời lượng dành cho việc học Toán, tiếng Việt của học sinh tiểu học lên tới gần 62% tổng thời lượng các môn hiện nay. Thế nhưng thực tế học sinh Việt Nam vẫn rất dốt Văn?
TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội, tiếp tục góp ý về dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NVCC.
Nhìn vào bảng phân chia số tiết học giữa các môn ở bậc tiểu học theo dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, tôi có nhiều trăn trở. Thời lượng dành cho Toán, tiếng Việt quá lớn.
Cả 5 lớp bậc tiểu học đều dành số tiết nhiều nhất cho hai môn trên. Ở lớp 1, tiếng Việt có 420 tiết một năm, lớp 2 là 350 tiết, lớp 3 là 280. Trong khi đó các môn rèn luyện về thể chất, lối sống, cuộc sống quanh ta chỉ 70 tiết. Vì sao giai đoạn trẻ cần được chú trọng giáo dục để hình thành và phát triển hài hòa thể chất lẫn tinh thần lại phải học quá nhiều ở môn tiếng Việt?
Trong chương trình hiện hành của bậc tiểu học, ngoài thời lượng dành cho việc dạy nội dung chính môn tiếng Việt và Toán, những giờ học hướng dẫn thực chất cũng chỉ để làm bài tập hai môn này. Tỉnh tổng thời lượng dành cho việc học Toán, tiếng Việt của học sinh tiểu học lên tới gần 62% tổng thời lượng các môn hiện nay. Thế nhưng thực tế, học sinh Việt Nam vẫn rất dốt Văn?
Việc đánh giá học tập của học sinh cũng bị thiên về kết quả học tập của Toán, tiếng Việt. Ở cấp THCS, THPT hai môn này được coi là tiêu chí đánh giá học sinh giỏi, tiên tiến, trung bình. Các môn khác chỉ được tính tổng điểm. Ở cấp tiểu học, Toán, tiếng Việt còn có vị thế cao hơn nhiều. Đây là hai môn duy nhất có kiểm tra/thi cuối kỳ, cuối năm để đánh giá chất lượng học tập của học sinh. Các môn khác không thi, giáo viên chỉ cần đánh giá định tính.
Sự phân bố và đánh giá môn học thiên lệch dẫn đến việc học thêm học nếm, học lệch kéo dài suốt bao năm qua. Chương trình học ở trong trường không nặng nhưng vì muốn điểm cao, cha mẹ vẫn miệt mài cho con đi học lớp nâng cao Toán, tiếng Việt, Ngoại ngữ. Chính điều này đã khiến trẻ mệt mỏi.
Việc đánh giá đổ dồn vào môn Toán, tiếng Việt, Ngoại ngữ, các môn học còn lại mặc nhiên được coi là phụ cũng khiến trẻ em không được học tập các môn khác nghiêm túc.
Bảng phân bố số tiết giữa các môn học hiện nay của chương trình tiểu học Việt Nam.
Chúng ta vẫn biết giáo dục Việt Nam nặng kiến thức, ít thực tiễn. Một trong những nguyên nhân rõ nét là chúng ta đã biến các môn học thực tiễn thành môn phụ bằng chính sự đánh giá thiên lệch này. Học sinh Việt Nam tốt nghiệp đại học nhưng rất kém hiểu biết về Lịch sử, Địa Lý, Sinh vật... Hệ lụy rất rõ nét thể hiện ở chỗ chúng ta suy đoán và hành động nhiều khi rất cảm tính và phản khoa học.
Khi các môn không được đánh giá công bằng, chắc chắn hiện tượng môn chính, môn phụ sẽ xuất hiện và đóng đinh trong suy nghĩ của học sinh, giáo viên và phụ huynh. Từ đó, việc học lệch sẽ xuất hiện và để lại nhiều các hệ lụy.
Hát nhạc, Mỹ thuật, Thể dục, Lịch sử, Địa lý, Sinh vật... là những bộ môn tạo nên hiểu biết và văn hóa con người. Việc coi thường những môn học này chính là nguyên nhân tạo ra sự thiếu hiểu biết và kém văn hóa.
Bảng phân bố số tiết giữa các môn học trong chương trình tiểu học của Phần Lan.
Ở tiểu học của Phần Lan, tỷ lệ các giờ Toán và tiếng mẹ đẻ chỉ chiếm 52%, đặc biệt số giờ học của trẻ Phần Lan ít hơn trẻ Việt Nam 300 phút/tuần. Giáo dục Nhật Bản bên cạnh việc ưu tiên thời lượng lớn nhất dành cho môn tiếng Nhật (360 tiết/năm) thì các môn Thể dục, Cuộc sống đều có thời lượng nhiều thứ hai (135 tiết/năm), tương đương với Toán học.
Tôi nghĩ, có lẽ đã đến lúc chúng ta cần trả lại vị thế quan trọng cho những bộ môn vốn được mặc định ngầm là môn phụ. Khi đó, những vấn đề mà giáo dục Việt Nam gặp phải như thiếu tính thực tế, thiên lệch, thiếu hấp dẫn mới có thể được giải quyết.
Theo VNE
"Đừng bắt trẻ học bằng sự ép buộc chán chường!" Góp ý vào dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (GDPTTT) vừa được Bộ GDĐT công bố, TS Vũ Thu Hương - Giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội (ảnh) cho rằng, chương trình mới còn rất nặng nề, trong khi vấn đề sống còn là năng lực tự bảo vệ, chăm sóc bản thân lại bị coi nhẹ....