Phóng viên Anh thâm nhập lò đẻ mướn tỷ đô ở Ấn Độ
Mặt trái của lợi nhuận gần một tỷ USD mỗi năm mà ngành công nghiệp đẻ mướn ở Ấn Độ đem lại là nỗi đau về thể xác và tinh thần của những người phụ nữ được coi là “máy đẻ”.
Ba phụ nữ đẻ mướn tại khu nhà tạm dành cho những người như họ ở thành phố Anand, cách Ahmedabad khoảng 70 km về phía nam. Ảnh: Mansi Thapliyal/Reuters.
Sau khi nghe nhiều chuyện về ngành công nghiệp đẻ thuê ở Ấn Độ, Julie Bindel, phóng viên Guardian quyết định sang quốc gia này để tìm hiểu.
Vừa đặt chân đến Ahmedabad, thành phố lớn nhất bang Gujarat, cô liền thuê lái xe chở đến một trong những bệnh viện cung cấp dịch vụ thụ tinh trong ống nghiệm. Họ rẽ vào một con phố đông đúc và nhìn thấy tấm biển trên tường đề chữ “Những em bé trong ống nghiệm”.
Bindel theo lối cầu thang tiến vào khu vực lễ tân tối tăm, chật hẹp. Liếc vào căn phòng kế bên, cô nhìn thấy một cái cáng và mấy cái giá xếp đầy đĩa kim loại có nắp dùng để cấy vi khuẩn, kẹp fooc-xép và kim tiêm dưới da.
Bác sĩ Rana dẫn cô vào phòng làm việc không có cửa sổ. Chưa kịp ngồi xuống thì bác sĩ này đã đề cập ngay đến thay đổi chính sách mới đây ở Ấn Độ.
Tháng 10/2015, chính phủ yêu cầu các bệnh viện phụ sản ngừng chuyển phôi cho những người nước ngoài đã đăng ký dịch vụ đẻ mướn. Động thái này được đưa ra sau khi có đề xuất thay đổi về luật. Theo đề xuất này, chỉ các cặp vợ chồng Ấn Độ, hoặc chí ít một trong hai người phải có hộ chiếu Ấn Độ, mới được đăng ký dịch vụ đẻ mướn.
Khi biết Bindel và người phụ nữ giả làm em gái chồng cô đều không có hộ chiếu Ấn Độ, bác sĩ Rana khuyên họ sang Thái Lan.
“Giá ở bên đấy gấp đôi giá ở đây nhưng họ sẽ lựa chọn giới tính cho thai nhi, nên rất nhiều người từ Ấn Độ đã sang đấy”, bác sĩ nói.
Vốn là người tham gia nhiều chiến dịch đấu tranh chống lạm dụng tình dục phụ nữ, đặc biệt là buôn bán tình dục, Bindel cảm thấy ghê tởm khi nghe đến chuyện “cho thuê tử cung”, hay đẻ mướn.
Chứng kiến nhiều phụ nữ ăn vận lịch sự bước vào bệnh viện đăng ký dịch vụ đẻ mướn, cô thấy xót xa cho những phụ nữ vì tiền mà phải chấp nhận mang bầu hộ người khác. Nhiều người bị chính chồng mình hoặc bọn ma cô ép buộc phải làm việc này.
Nhìn nhân viên lễ tân đang tươi cười giúp các cặp vợ chồng điền vào tờ khai đăng ký dịch vụ, Bindel lại mường tượng ra sự đau đớn và tủi nhục mà những phụ nữ đáng thương kia phải nếm trải nhưng cuối cùng vẫn chỉ bị coi là cái máy đẻ không hơn không kém.
Phận “máy đẻ”
Việc sử dụng dịch vụ đẻ mướn đối với các cặp vợ chồng có nhu cầu ở Ấn Độ không phải là điều gì đáng xấu hổ, nhưng với những phụ nữ chấp nhận mang thai hộ người khác thì ngược lại. Nhiều người buộc phải rời khỏi nhà trong thời gian mang thai vì xã hội không coi đó là việc làm kiếm tiền chính đáng, đặc biệt là ở vùng nông thôn.
Việc mang thai hộ để kiếm tiền bị coi là bất hợp pháp ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Anh, Pháp, Đức, Italy và Tây Ban Nha. Tuy nhiên, ở Ấn Độ, ngành công nghiệp đẻ mướn được coi là hợp pháp, đem lại hơn một tỷ USD mỗi năm.
Ở bệnh viện nơi Bindel đến, những phụ nữ nhận được gần 6.400 USD cho mỗi ca đẻ mướn. Số tiền này với họ là khá lớn. Năm 2012, thu nhập bình quân một tháng ở nước này chỉ có 215 USD và cứ 5 người lại có một người thu nhập dưới chuẩn nghèo quốc gia. Trong khi đó, bệnh viện có thể thu được số tiền lên đến hơn 25.000 USD từ các cặp vợ chồng đến đăng ký dịch vụ. Chi phí dịch vụ đẻ mướn ở Ấn Độ thấp hơn khoảng 5 lần so với ở Mỹ.
Trong khi phụ nữ nhận mang thai hộ thường xuất thân từ những gia đình nghèo, trứng thường được nhận từ phụ nữ có tuổi lên đến 25, với trình độ học vấn cao và được sàng lọc kỹ càng để tránh các bệnh di truyền.
Khi đến bệnh viện, những phụ nữ này được hướng dẫn về chế độ ăn uống và chịu sự giám sát để đảm bảo họ uống thuốc đầy đủ và giữ gìn vệ sinh cá nhân.
Video đang HOT
Người ta cho xây cả một khu nhà riêng làm chỗ ở tối đa cho 10 phụ nữ trong suốt thai kỳ bằng tiền góp từ một vài bác sĩ sản khoa.
Một phụ nữ đẻ mướn chụp ảnh tại một bệnh viện cung cấp dịch vụ đẻ mướn ở New Delhi. Ảnh: Sajjad Hussain/AFP.
Trong vai một phụ nữ đang tìm thuê người đẻ hộ và người hiến trứng, Bindel đến 4 bệnh viện ở Gujarat, một trong những bang được coi là sùng đạo nhất và cũng là trung tâm của ngành công nghiệp đẻ mướn của Ấn Độ, để tiếp cận những phụ nữ làm nghề đẻ mướn.
Cô muốn góp phần tích cực hơn vào chiến dịch đấu tranh nhằm chấm dứt tình trạng này.
Thông thường, bác sĩ sẽ cấy phôi vào tử cung cho nhiều người cùng một lúc và sẽ tiến hành loại bớt phôi nếu nhiều thai cùng đậu. Tương tự, người ta cũng có thể cấy nhiều phôi vào tử cung một người và loại bớt phôi không mong muốn nếu xảy ra hiện tượng đa thai.
Hàng năm có khoảng 12.000 người đến Ấn Độ để thuê người mang thai hộ. Phần lớn họ đến từ Anh. Bệnh viện thứ hai mà Bindel đến nằm ở vùng ngoại ô yên tĩnh của thành phố Ahmedabad.
Sau khi tiếp cô, nhân viên lễ tân dẫn cô đến chỗ người quản lý để lấy thông tin bệnh sử. Cô nói với quản lý rằng muốn tìm người hiến trứng và đẻ hộ. Người này trả lời sẽ giúp cô.
Bindelhỏi liệu những người đẻ hộ có ở trong khu nhà dành riêng cho họ như cô nhìn thấy trên tivi trong suốt thời gian mang thai hay không. Người này lắc đầu nhưng cho biết cô có thể trả tiền để giữ họ trong khu nhà đó suốt 9 tháng.
“Nếu cô muốn tiết kiệm tiền thì đưa cho họ ít tiền để họ về nhà dưỡng thai”, người quản lý nói.
Đến bệnh viện nào Bindel cũng hỏi về mức thù lao cho những phụ nữ mang thai hộ. Không ai cho nói con số chính xác, nhưng có một bác sĩ tiết lộ rằng số tiền họ nhận được cho công việc kéo dài 9 tháng này tương đương với thu nhập của họ trong 6 năm.
Bindel có mặt ở bệnh viện một ngày trước khi diễn ra lễ hội Diwali, lễ hội ánh sáng của người theo đạo Hindu. Lúc đó là 11 h và bệnh viện đang rất nhộn nhịp.
Một nhóm phụ nữ đang nộp đơn xin mang thai hộ. Mấy người trong số họ hình như không biết chữ nên đang nhờ nhân viên lễ tân giúp điền vào tờ khai. Có cả những người ăn vận lịch sự đi cùng chồng đang chờ để đặt lịch hẹn. Mỗi tháng có ít nhất 150 phụ nữ đến bệnh viện để điều trị hiếm muộn bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.
Sau khi có được mọi thông tin cần thiết về Bindel, người quản lý nói rằng bệnh viện không thể giúp cô toại nguyện.
“Chính phủ vừa ban hành lệnh cấm dịch vụ đẻ mướn để bảo vệ quyền con người. Có lẽ là vì những đứa trẻ được sinh ra không được đối xử tử tế”, một bác sĩ nói. Cô chưa thấy đứa trẻ nào được sinh ra nhờ dịch vụ lại bị bố mẹ ngược đãi, nhưng cũng có trường hợp đứa trẻ bị bỏ lại. Năm 2012, một cặp vợ chồng người Australia đã để lại một trong hai đứa trẻ song sinh cho người để mướn Ấn Độ vì không đủ khả năng nuôi hai bé cùng lúc.
Sáng hôm sau, Bindel có lịch hẹn khám tư vấn với bác sĩ Mehta ở bệnh viện thứ ba. Sau khi điền vào mấy tờ khai gồm các câu hỏi về tiền sử vô sinh, cô phải trả lệ phí là 1.500 rupiah (hơn 21 USD). Cô nói với bác sĩ rằng cô bạn Lisa đi cùng sẽ là người đứng tên đặt dịch vụ và sẽ giao lại em bé cho cô. Bindel tiếp tục hỏi về việc hiến trứng và quy trình chọn người hiến tặng.
“Người hiến trứng được giấu tên. Chỉ cần nói cho chúng tôi biết cô muốn có em bé như thế nào, chẳng hạn như về chiều cao và màu tóc. Cô phải tin tưởng chúng tôi. Người hiến trứng sẽ không biết ai sẽ nhận trứng của họ và cô cũng sẽ không biết mình nhận trứng từ ai. Người nhận mang thai hộ sẽ gặp cô. Chúng tôi sẽ cho cô xem danh sách bọn họ để cô chọn”, bác sĩ Mehta nói.
Cả bốn bác sĩ mà cô gặp ở Gujarat đều nói rằng không nên đưa những phụ nữ mang thai hộ rời khỏi gia đình họ trong suốt thai kỳ. Tuy nhiên, họ có thể sắp xếp việc này nếu cô đồng ý trả thêm tiền.
“Chúng tôi có thể sắp xếp việc này nếu cô muốn, nhưng cô phải trả tiền. Chúng tôi không muốn tách họ khỏi gia đình. Sống biệt lập từ 2-9 tháng sẽ ảnh hưởng đến tinh thần của họ”, bác sĩ Mehta nói.
Bindel đã nghe chuyện về những phụ nữ bị chồng hay đám ma cô ép phải mang thai hộ. Cô hỏi bác sĩ Mehta có biết chuyện này không.
“Chúng tôi không thuê những phụ nữ mang thai hộ mà không có sự đồng ý của chồng họ. Chúng tôi cũng không trả hết tiền trước khi sinh. Chúng tôi nhận tiền từ cô nhưng chỉ trao tiền cho họ sau khi họ giao đứa bé cho cô. Chúng tôi trả tiền cho họ thành nhiều đợt để đảm bảo đứa bé sinh ra khỏe mạnh”.
Bác sĩ Mehta cũng nói rằng họ cố gắng tránh để người mang thai hộ không nảy sinh tình cảm quyến luyến với đứa bé bằng việc cho họ uống thuốc ngăn tiết sữa.
“Họ sẽ không tiết sữa và sẽ không được xem mặt đứa bé”, Mehta nói.
Tuy nhiên, cũng có những phụ nữ bán sữa của họ sau khi sinh. Sữa được bơm ra bằng ống hút và chuyển cho người nhận đứa bé. Có người đồng ý cho bú lấy tiền, dù điều này có thể khiến họ nảy sinh tình cảm với đứa bé.
Hiệp hội hỗ trợ sinh sản Ấn Độ dự định sẽ lên tiếng phản đối chính phủ về đề xuất thay đổi luật mới đưa ra.
“Dịch vụ điều trị vô sinh bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm đem lại cho đất nước hàng triệu đô la”, bác sĩ Rana nói.
Bindel gặp bác sĩ Amin tại một bệnh viện ở phía đông thành phố Ahmedabad. Bệnh viện nằm trong một tòa nhà cũ nát kẹp giữa một gara ôtô và cửa hàng đồ điện. Phòng làm việc của vị bác sĩ này trông bừa bộn và không có cửa sổ. Trên tường treo đầy tranh trẻ mới sinh và thư cảm ơn từ khách hàng.
Bác sĩ Admin cho cô xem hình một vài người nhận mang thai hộ và báo giá trứng hiến tặng. Nếu người hiến tặng là người da trắng thì trứng có giá từ 3.500 đến hơn 4.200 USD. Nếu người hiến tặng là người Ấn Độ thì giá trứng là hơn 1.400 USD.
Người mang thai hộ vẫn ở nhà họ và được giám sát suốt thai kỳ.
“Tôi không để họ ở trong khu nhà chung. Tôi cho rằng các ông chồng sẽ giám sát họ tốt hơn. Họ cũng tham gia vào việc này và biết phải chăm sóc vợ mình như thế nào. Ngoài ra, nếu những phụ nữ này ở một mình, họ sẽ giao du với bạn bè và chúng tôi khó mà kiểm soát được họ. Kể cả khi họ sống trong khu nhà chung đó thì cũng khó mà biết được điều gì sẽ xảy ra”, bác sĩ Amin nói.
Bindel hỏi liệu những phụ nữ này có bị bạo hành gia đình suốt thai kỳ hay không.
“Hiếm lắm, nhưng không phải không có. Năm ngoái có người bị chồng đánh. Cô ấy đến chỗ chúng tôi khóc lóc nên chúng tôi phải cho cô ấy tá túc. Sau khi sinh chúng tôi mới để cô ấy về”, bác sĩ Amin kể.
Những phụ nữ làm thuê cho bệnh viện của bác sĩ Amin thường thuộc tầng lớp trung lưu trở lên.
“Chúng tôi mới thuê ba cô gái có trình độ học vấn cao, xuất thân từ các gia đình thuộc tầng lớp thượng lưu. Khoảng 25% những người chúng tôi thuê đều thuộc tầng lớp này. Khoảng 85% đến từ các gia đình khá giả”.
Những phụ nữ đẻ mướn đang tĩnh dưỡng tại một cơ sở ở thành phố Anand. Ảnh:Mansi Thapliyal/Reuters.
Bindel nghi ngờ điều này. Nghiên cứu của một nhóm luôn gây sức ép đối với chính phủ có tên gọi Stop Surrogacy Now (tạm dịch: Hãy chấm dứt ngay việc đẻ mướn) cho biết ngoài các trường hợp hiếm gặp, còn lại phần lớn phụ nữ làm nghề đẻ mướn đều xuất thân từ những gia đình nghèo thuộc tầng lớp hạ lưu trong xã hội.
Bác sĩ Amin cũng nói cho Bindel biết về thay đổi chính sách mới đây và không quên kể về trường hợp một bệnh viện ở Hyderabad đã giúp một cặp đồng tính có được 5 em bé bằng việc mướn 5 phụ nữ đẻ thay.
Ở Ấn Độ, các cặp đồng tính bị cấm sử dụng dịch vụ mướn người đẻ thay từ năm 2013, nhưng điều này vẫn diễn ra ở Delhi và nhiều nơi khác trên đất nước. “Bởi ngành công nghiệp này chưa có sự điều tiết của nhà nước”, một bác sĩ giải thích.
Khi Bindel chuẩn bị rời bệnh viện, bác sĩ Amin chỉ vào bức ảnh một phụ nữ da trắng bế một đứa trẻ da nâu treo trên tường rồi nói: “Cô này đã xin trứng từ một người Ấn Độ”.
“Thế cô ấy có chồng hay người yêu là người Ấn Độ hay không?” Bindelhỏi lại bác sĩ.
“Không, cô ấy muốn một đứa con có tóc đen”, bác sĩ Amin trả lời. Khuôn mặt bác sĩ tươi tỉnh hẳn lên khi nhận tiền tư vấn từ tay Bindel rồi chỉ cô cửa ra.
Ngọc Anh
Theo VNE
Trẻ thụ tinh trong ống nghiệm sẽ có nguy cơ chết sớm?
Các nhà khoa học đã phát hiện ra một mối nguy cơ mới có thể ảnh hưởng lớn đến công nghệ thụ tinh trong ống nghiệm.
Telegraph dẫn lời các chuyên gia về lĩnh vực sinh học tiến hóa đã cảnh báo trong một bài nghiên cứu gần đây rằng, trẻ em được sinh ra từ công nghệ thụ tinh trong ống nghiệm (In vitro fertilization - IVF) có thể sẽ có tuổi thọ ngắn hơn và sức khỏe kém hơn khi so sánh với những đứa trẻ thông thường. Nguyên nhân của hiện tượng này là vì công nghệ hỗ trợ sinh sản đã làm bỏ qua quá trình chọn lọc tự nhiên vô cùng quan trọng trong cơ thể.
Người lớn tuổi nhất thế giới được sinh sản bằng kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm là một phụ nữ người Anh tên là Louise Brown. Hiện nay, bà cũng chỉ mới 37 tuổi. Chính vì thế, sẽ phải mất một thời gian khá lâu nữa để lý thuyết trên có thể được kiểm chứng rõ ràng.
Theo Pascal Gagneux, Phó Giáo sư của trường Đại học California, San Diego cho rằng, những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe và tuổi thọ có thể phát sinh do tinh trùng khỏe mạnh nhất đã không được lựa chọn trong quá trình thụ tinh trong ống nghiệm.
Đã có hơn 5 triệu trẻ em được sinh ra từ "ống nghiệm" trên toàn thế giới
Khi quá trình giao hợp hoàn tất, hàng triệu tinh trùng sẽ chiến đấu với nhau theo một cách thức rất đặc thù bên trong cơ quan sinh dục của phụ nữ. Từ đó, số tinh trùng sẽ được giảm xuống chỉ còn khoảng hơn một trăm. Và cuối cùng chỉ có tinh trùng khỏe mạnh nhất có thể tiếp cận được với trứng.
Nhưng trong kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, trứng có thể được đặt tùy ý giữa hàng triệu tinh trùng hoặc các nhà khoa học sẽ chọn ra một con tinh trùng bất kì và cấy vào trứng. Điều này sẽ làm dẫn đến nguy cơ có những tinh trùng yếu ớt hoặc phát triển không hoàn thiện có được cơ hội thụ tinh với trứng và cho ra đời những đứa trẻ không khỏe mạnh.
Thụ tinh trong ống nghiệm và những phương pháp hỗ trợ sinh sản khác vẫn còn ẩn chứa nhiều vấn đề phức tạp chưa được nghiên cứu sâu.
Tinh trùng muốn xuyên thủng màng sáng của trứng đòi hỏi phải trải qua quá trình biến đổi gọi là tiềm năng hóa (capacitation). Quá trình tiềm năng hóa cũng xảy ra trong điều kiện ống nghiệm (in vitro) khi tinh trùng được ủ trong chất dịch lấy ra từ tử cung hay ống dẫn trứng. Trước khi xảy ra quá trình này, tinh trùng động vật có vú ở trong tình trạng ít hoạt động mà chủ yếu là tích trữ năng lượng và chuẩn bị các điều kiện cho đến khi gặp trứng. Một tinh trùng có tiềm năng là tinh trùng có khả năng hoạt động và chuyển động của cơ quan vận chuyển. Cơ chế phân tử của quá trình tiềm năng hóa hiện chưa được biết nhiều. Người ta cho rằng chúng có thể làm thay đổi thành phần màng sinh chất của tế bào như làm giảm tỷ lệ photpholipid. Một quan điểm khác lại cho rằng kết quả của quá trình tiềm năng hóa là làm thay đổi tế bào chất trong phần đỉnh của tinh trùng.
Các nhà khoa học cho rằng, khi sử dụng kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, quá trình tiềm năng hóa của tinh trùng sẽ không diễn ra đầy đủ và đúng theo quy luật giống như môi trường tự nhiên. Vì tinh trùng và trứng là những hạt mầm ban đầu của sự sống, nên bất kì một sự thay đổi nào dù là nhỏ nhất cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống sau này của sinh vật.
Hoạt động thụ tinh trong ống nghiệm được sử dụng lần đầu tại Anh vào năm 1978. Từ thời điểm đó cho đến nay, đã có hơn 5 triệu trẻ em được sinh ra bằng kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm trên toàn thế giới.
Những thí nghiệm gần đây cho thấy, những con chuột được sinh ra bằng kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm sẽ xuất hiện hội chứng rối loạn chuyển hóa khi chúng lớn lên. Bên cạnh đó, một số con chuột đã xuất hiện tình trạng tiểu đường và béo phì kết hợp cũng như rối loạn chức năng nội tiết tố.
Một nghiên cứu trong năm 2015 của Trung tâm tim mạch của Thụy Sĩ ở Bern cũng phát hiện ra rằng, những trẻ em được sinh ra bằng công nghệ hỗ trợ sinh sản có sức khỏe tim mạch kém hơn so với các trẻ em bình thường.
Theo_Eva
Người ăn mày tặng vàng khuyến học cho trẻ nhà nghèo Một ông lão ăn mày 68 tuổi Ấn Độ làm gia đình 10 bé gái lặng người khi tặng mỗi em một đôi bông tai vàng, khuyến khích các bé đi học. Ông lão ăn mày tặng khuyên vàng cho các bé gái nhà nghèo. Ảnh: India Times Theo India Times, buổi trao tặng diễn ra hôm qua ở trường học Magpara, thành...