“Phỏng vấn” cọp
Phóng viên: Thưa anh, năm của anh tới rồi, anh có tin vui không?
Cọp: Tại sao vui?
Phóng viên: Tại con người đôi khi chỉ có một phút giây, trong khi anh có hẳn 365 ngày.
Cọp: Tôi không cần nhiều ngày, tôi chỉ cần một ngày làm nên lịch sử.
Phóng viên: Vậy anh đã có lịch sử rồi còn gì nữa. Đó là lịch sử dược liệu.
Cọp: Ý nhà báo là sao?
Phóng viên: Ý tôi là có rất nhiều người, đặc biết là ở châu Á, không biết tới anh, nhưng biết tới “cao hổ cốt”. Đó là một vinh dự, lẫn vinh quang.
Cọp: Ôi, đó hoàn toàn là vinh quang ảo.
Phóng viên: Tại sao lại ảo?
Cọp: Tại nhà báo có biết vì sao “cao hổ cốt” quý không?
Phóng viên: Nghe đồn là…
Video đang HOT
Cọp: Đấy. Xin phéo được ngắt lời. Gần như tất cả những ai nghĩ “cao hổ cốt” quý đều “nghe đồn là…”. Chưa có cá nhân nào cam đoan những phẩm chất ấy có thực.
Phóng viên: Ôi, nếu “cao hổ cốt” chả ra gì, truyền thuyết về nó chả thể tồn tại lâu đến thế.
Cọp: Một truyền thuyết tồn tại lâu có khi chỉ vì một lý do đơn giản là con người ta… dại lâu, có vậy thôi nhà báo ạ.
Phóng viên: Anh hãy chứng minh lời mình nói đi.
Cọp: Cọp không nói. Cọp gầm.
Phóng viên: Vậy anh hãy chứng minh thứ mình gầm đi.
Cọp: Nhà báo có biết trong rừng, cọp thân nhất với ai không? Với gấu.
Phóng viên: Vì đi chơi với gấu?
Cọp: Vì chúng tôi đều to lớn như nhau, và đều có truyền thuyết như nhau. Chỉ khác ở chỗ cọp nổi tiếng bởi xương còn gấu nổi tiếng bởi mật.
Phóng viên: A, đúng, Mật gấu rất quý.
Cọp: Đã có một thời gian dài, biết bao người tin rằng mật gấu quý. Họ đồn về mật đầy đủ thứ, phong cho nó đủ loại danh hiệu, kể cả danh hiệu chữa được bệnh… ung thư.
Phóng viên: Đúng như thế.
Cọp: Hậu quả là gấu được nuôi tràn lan. Sau đó được… đè ra hút mật để bán. Bà con hớn hở mua mật ấy về, kẻ thì bôi, kẻ thì đắp, kẻ thì pha vào rượu uống.
Phóng viên: Sao nữa?
Cọp: Sau vài năm miệt mài bôi như thế, thiên hạ mới té ngửa ra rằng mật gấu cũng… thường thôi, cũng chả làm ra điều kỳ diệu gì. Mật gấu đùng đùng xuống giá. Và tai hại nữa, gấu cũng xuống theo.
Phóng viên: Xuống như thế nào?
Cọp: Họ chả biết xử lý với gấu ra làm sao. Nuôi thì tốn cơm, đuổi đi thì tiếc. Họ bèn cho gấu sống vật vờ, đã vậy còn vật vờ trong… ghẻ lạnh.
Phóng viên: Ác quá nhỉ?
Cọp: Điều an ủi duy nhất là người ác với gấu chưa chắc đã ghê hơn người ác với người.
Phóng viên: Buồn quá.
Cọp: Phải. Từ đó tôi mới suy ra phận mình. Nếu một ngày nào đấy, cọp được nuôi như gấu, nghĩa là cũng đông đúc… như gà, sau đó họ xẻ cọp ra lấy xương, nấu thành hàng trăm tấn “cao hổ cốt” bà con dùng cao đấy nhai ngấu nghiến, sau đó phát hiện ra… cuộc sống vẫn như xưa thì danh tiếng cọp tan tành.
Phóng viên: Nguy quá nhỉ?
Cọp: Nguy vô cùng. Đời cọp, cho tới phút này, chỉ còn cái tiếng. Mất cái tiếng ấy khéo mất hết. Cho nên tôi rút ra kết luận mình phải trốn chạy. Mình phải duy trì sự “hiếm hoi” của mình chớ có trở thành thông dụng.
Phóng viên: Anh yên tâm đi, cọp bao giờ cũng hiếm.
Cọp: Tôi không thể yên tâm được. Tôi kinh hãi khi nghĩ tới lúc người ta nuôi cọp một cách công nghiệp, nghĩa là chả khác gì… heo. Lúc ấy số phận cọp còn tồi tệ hơn gấu, bởi gấu có thể còn sống khi bị hút mực, mặc dù sống bèo nhèo, chứ chưa từng có chú cọp nào còn tồn tại sau khi bị khai thác tận xương.
Phóng viên: Anh cọp ơi, anh lo thế cũng phải. Nhưng anh yên tâm đi, có những người còn lo hơn anh nữa.
Cọp: Những người nào?
Phóng viên: Những người bán “cao hổ cốt”. Họ bán đắt, và họ làm giả cao thành công chỉ vì anh hiếm. Nên họ phải duy trì sự hiếm ấy, kiên quyết không cho cọp có tính “đại chúng” và tính “phổ thông”. Anh sẽ được hưởng lợi về điều đó.
Cọp: Nghĩa là những người bán cao sẽ giữ gìn tôi, trong khi chả quý gì tôi?
Phóng viên: Chính xác. Họ phải giữ cho anh đủ độ quý thì sự nghiệp của họ mới tồn tại. Đó là bi kịch pha hài kịch của đời anh. Anh sẽ mãi mãi ở trong rừng sâu, mãi mãi mờ mờ ảo ảo anh mới giá trị. Phải làm sao cho cả triệu người uống chai bia con cọp chỉ có vài người nhìn thấy cọp mà thôi. Toàn bộ bí quyết kinh doanh nằm trong đó.
Cọp: Vậy ngoài bí quyết kinh doanh ra, cuộc đời này không còn bí quyết gì khác hay sao?
Phóng viên: Còn chứ. Nhưng hiện giờ, con người đang nhìn anh chủ yếu dưới bí quyết này.
Cọp: Tôi giận con người quá.
Phóng viên: Họ chả sợ anh giận đâu, cọp ạ. Họ còn nhiều thứ sợ lớn hơn nhiều!.
Theo Lê Thị Liên Hoan