Phong tục đón Tết kỳ lạ ở vùng cao phía Bắc
Tục “cướp giọng gà”, ăn trộm cầu may hay “niêm phong” nhà bằng giấy đỏ… ngày nay vẫn được nhiều dân tộc duy trì mỗi độ xuân về.
Tục gọi trâu về ăn Tết của người Mường
Từ mấy ngày trước Tết, người Mường ở Hoà Bình chuẩn bị sẵn mõ để qua giao thừa đốt đuốc đi gọi vía trâu. Họ tin rằng, đó là cách trả ơn vật nuôi trung thành đã vất vả giúp gia chủ cấy cày. Ngoài ra, người Mường ở đây cũng treo bánh ống lên các dụng cụ sản xuất như cày, bừa, đòn gánh để mời “những người bạn đồng hành” này về ăn Tết với gia đình. Họ quan niệm, con trâu hay cái cày cũng cần được nghỉ Tết sau một năm vất vả trên đồng ruộng.
Tục gõ mõ gọi trâu của người Mường. Ảnh: Bình Minh.
Lễ hội gội đầu của người Thái trắng
Người Thái trắng ở Sơn La tiến hành lễ hội gội đầu từ trưa ngày cuối cùng trong năm. Tất cả già làng, trưởng bản, từ già đến trẻ hò nhau xuống bờ sông để tổ chức lễ gội đầu với mong muốn xua đi tất cả những gì không may mắn trong năm. Họ còn chuẩn bị những bát nước gạo đã được ngâm cho chua nhẹ rồi xối từ từ lên tóc, gợi lên mọi điều tốt đẹp cho ngày mai bước vào năm mới thật tinh khôi. Lễ gội đầu kết thúc là đến cuộc vui đua thuyền giữa nam và nữ. Người ta tổ chức ném còn, xòe vòng… Trai gái được dịp vui chơi thoả thích.
Người Cao Lan &’niêm phòng’ nhà bằng giấy đỏ
Công việc đầu tiên để chuẩn bị cho việc đón mừng năm mới của người Cao Lan là tục dán giấy đỏ (tiếng Cao Lan là Chí dịt) trong nhà. Khoảng trước Tết 2 ngày là ngày “niêm phong” cho tất cả những gì thuộc về gia đình. Từ cái cuốc, cái xẻng, con dao, cái cày, cái bừa, cây cối quanh nhà, chuồng trại… đều được dán giấy đỏ để các vật này được “nghỉ Tết”. Toàn bộ ngôi nhà bỗng nhiên nhuộm sắc đỏ rực rỡ. Theo quan niệm của người Cao Lan, giấy đỏ biểu trưng cho niềm vui, sự tốt lành. Dán giấy đỏ lên những nơi quan trọng là bắt đầu cho một năm mới với mong muốn an khang thịnh vượng.
Người Lô Lô đi ăn trộm lấy may
Video đang HOT
Người Lô Lô đón Tết. Ảnh: vietnamtourism.
Người Lô Lô ở Hà Giang quan niệm thời khắc bước sang năm mới, nếu ai đó mang về nhà được một chút gì thì năm mới gia đình sẽ gặp nhiều điều tốt lành, ăn nên làm ra. Do đó, họ đi lấy trộm cầu may nhưg không lấy nhiều hay những vật có giá trị lớn, mà chỉ là củ hành, củ tỏi, thanh củi… Người đi lấy may không đi công khai, không rủ nhau đi, không muốn chủ nhà bắt được. Ai cũng đi âm thầm, lặng lẽ, gặp người quen cũng không chào hỏi. Thế nhưng nhỡ có bị chủ nhà bắt được thì họ cũng không bị trách móc gì.
Đàn ông H’Mông phải dậy sớm nấu cơm
Sáng mùng 1, đàn ông H’Mông phải dậy nấu cơm và làm mọi việc trong nhà thay vì cả năm đàn bà con gái trong nhà đã làm. Người H’Mông quan niệm, con trai là trụ của gia đình nên tất cả mọi việc trong gia đình phải chịu trách nhiệm để giữ được truyền thống cho cả năm. Sáng sớm mùng 1 Tết, ai dậy thì cứ âm thầm mà dậy, không được gọi nhau, vì nếu mà gọi nhau, sâu bọ nghe thấy sẽ đồng loạt “nhỏm dậy” phá hoại ngô, lúa.
Một người đàn ông H’Mông trong trang phục truyền thống. Ảnh: wordpress.
Người Pu Péo hò nhau “cướp” giọng gà
“Đón giọng gà” hay “Cướp giọng gà” là phong tục rất độc đáo của người Pu Péo ở Hà Giang. Khi giao thừa đến, sắp sang năm mới, người ta phải canh chừng mấy chú gà trống. Thấy gà vừa vỗ cánh, chuẩn bị gáy là người ta đốt ngay một quả pháo, ném vào chuồng gà. Lũ gà giật mình, nhảy lên thi nhau gáy. Ngay lập tức, mọi người hò nhau hát vang trời để át tiếng gà gáy. Người Pu Péo quan niệm: tiếng gà gáy vừa hay, vừa thiêng liêng, đánh thức cả ông mặt trời dậy. Vì thế, ai át được tiếng gà thì sang năm mới sẽ hát hay, gặp nhiều may mắn, hạnh phúc.
Theo Vnexpress
Bí ẩn "nèm yêu" của người Mường Phú Thọ
Vợ chồng giận nhau, có quan hệ ngoài luồng, hàng xóm láng giềng chửi nhau vì những chuyện không đâu, hoặc việc làm ăn không được suôn sẻ... chỉ cần làm "nèm" để khơi gợi lại tình yêu, xóa bỏ mọi hận thù.
"Nèm" trở thành chỗ dựa tinh thần cho những ai đang gặp phải chuyện không vui.
Diện kiến thầy "nèm" xứ Mường
Trong thế giới người Mường hiện vẫn tồn tại những nét văn hóa bùa ngải linh thiêng và bí ẩn. Để tìm hiểu thực hư câu chuyện, chúng tôi tìm về thị trấn Tân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, nơi tập trung nhiều người Mường sinh sống và có nhiều thầy bùa, thầy "nèm" vẫn đang "hành nghề" bùa chú. Hỏi về "nèm" yêu, hầu như những người dân trong vùng đều tin tưởng rằng "nèm" yêu là có thật. Họ chỉ đường cho chúng tôi tìm vào nhà 2 thầy bùa có tiếng của vùng là Hà Văn Nhã và Hà Văn Giành.
Ông Nhã và ông Giành vốn là hai anh em cùng cha khác mẹ, được những người mẹ của mình truyền cho cách làm "nèm" của người Mường Hòa Bình. Ông Nhã cho biết, ông bắt đầu học "nèm" từ năm 22 tuổi. Hai vị sư phụ của ông chính là mẹ nuôi Hà Thị Nghi và mẹ kế Hà Thị Tám, những thầy bùa nổi tiếng đời trước. Hàng năm, bắt đầu từ mùng 1 cho đến mùng 10 Tết, ông Nhã cùng các học trò quây quần bên sư phụ để nghe truyền dạy các khẩu quyết và cách thức "nèm". Đầu tiên phải học thuộc thần chú bằng tiếng Mường mà không sai một từ, cứ thế học trong vài năm đến khi thuộc làu làu. Tuy nhiên không phải cứ học thuộc thần chú là làm được "nèm", mà phải đợi đến khi người thầy qua đời, nếu thầy truyền lại bí quyết vào giấc mơ cho người nào thì người đó sẽ làm được "nèm" và ông Nhã chính là người đã nhận được bí quyết làm "nèm" từ giấc mơ về người mẹ nuôi của mình.
Cũng như ông Nhã, ông Giành được học "nèm" từ năm 22 tuổi, nhưng đến tận năm 45 tuổi, ông mới làm được "nèm". Trước đó ông cũng đã từng thử nhiều lần nhưng đều không hiệu nghiệm.
Theo ông Giành, quan trọng nhất khi làm "nèm" là phải đúng ngày, đúng giờ, tức là con trai thì phải làm lễ vào mùng 1, con gái phải làm lễ ngày rằm và phải đúng ngày sinh âm lịch của người làm "nèm". Thông thường người đi làm "nèm" phải mang áo của người cần làm đến trước một ngày để ông ghi lại tên tuổi, ngày sinh và để đúng 12h ngày rằm, hoặc ngày mùng 1 thì làm lễ, như thế "nèm" mới có hiệu nghiệm.
Khi "nèm", phải đọc thần chú liền một hơi cho hết bài. Nếu bị đứt đoạn thì phải nghỉ lấy hơi đọc lại. Đọc thầm, tuyệt đối không cho ai nghe thấy, niệm đủ 3 lần mới hà hơi vào gạo, hoặc muối rồi bí mật bỏ vào nồi cơm, canh để ăn, tự khắc đôi vợ chồng sẽ yêu thương nhau. Nếu một cô gái hoặc một chàng trai thích một người mà có đủ tên tuổi, ngày sinh của người ấy thì ông cũng có thể làm "nèm" cho người ấy yêu lại.
Ông Nhã đang làm "nèm" yêu cho một đôi vợ chồng giận nhau bằng áo của chính họ.
Những trường hợp ông Nhã và ông Giành làm "nèm" chủ yếu là những cặp vợ chồng chán ghét nhau, vợ hoặc chồng có bồ bên ngoài. Nếu muốn vợ chồng yêu thương nhau, chỉ cần lấy gừng xát vào áo của người vợ, hoặc người chồng và làm "nèm", rồi mang về mặc như bình thường thì họ sẽ thấy yêu nhau hơn. Hoặc chỉ cần làm lễ và đọc thần chú bằng một cốc nước, người vợ đem về vuốt lên mặt mình, khi chồng nhìn vào mặt vợ sẽ thấy yêu vợ hơn rất nhiều. Để chứng minh, hai ông đưa cho chúng tôi xem những quyển sổ dày cộp với danh sách dài dằng dặc những người mà ông làm "nèm" từ đầu năm 2013 đến nay, từ Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An... đến cả những vùng xa xôi như Sài Gòn, Tây Nguyên.
Tiếp xúc với những người dân địa phương, phóng viên được biết: Ở xứ Mường này, ngoài ông Nhã, ông Giành cũng có một số thầy bùa nữa làm "nèm" hiệu quả. Từ trước đến nay, đa số các thầy "nèm" đều làm việc thiện, nếu làm "nèm" ác như vợ chồng bỏ nhau, hàng xóm bạn bè ghét nhau, mà nặng nhất là làm cho người khác chết thì sẽ gặp quả báo.
Ở xóm bên, trước đây có ông thầy "nèm" từng làm điều ác mà gặp họa. Một lần, ông này ra vườn định chặt buồng chuối về giấm thì thấy mất, ông ta liền về làm "nèm" cho kẻ trộm phải chết. Hôm sau ông ta mới phát hiện ra người chặt buồng chuối chính là cô con dâu, biết là không thể cứu được, ông ta chỉ bảo cô con dâu tắm rửa, ăn uống và nghỉ ngơi, tranh thủ chăm sóc các con, sau đó cô này chết còn ông ta về sau cũng chết vì bệnh trọng.
Những lá bùa bí ẩn
Để kiểm chứng sự thực của việc làm "nèm" yêu, chúng tôi tìm gặp bà D., cũng là người trong xóm, người mà được ông Nhã, ông Giành và những người dân địa phương khẳng định đã từng được làm "nèm" yêu để giữ gìn hạnh phúc gia đình.
Thầy bùa Hà Văn Giành khẳng định đã làm "nèm" thành công cho rất nhiều người và danh sách những người đến nhờ làm "nèm" yêu.
Bà D. kể: Cách đây mấy chục năm, bố mẹ bà chỉ có 2 cô con gái. Khi bà mới 15 tuổi, đã thích một chàng trai cùng làng, bố mẹ muốn chồng bà phải ở rể cùng các cụ vì nhà không có con trai, nhưng anh này lại không đồng ý. Sau nhiều lần tìm hiểu, các cụ đã ưng một anh công nhân, khi đó 21 tuổi, từ nơi khác đến làm việc ở nông trường gần nhà bà, anh này cũng đồng ý ở rể nhà bà. Khi 2 bên gia đình làm lễ cưới thì bà và chồng bà mới lần đầu gặp mặt nhau. Đến năm bà 20 tuổi, bà thấy chán cuộc sống vợ chồng vì không lấy được người mình yêu, người chồng hiện tại thì già và không thấy hợp, 2 ông bà hay cãi nhau lắm. Nhưng chẳng hiểu một thời gian sau, bà lại thấy cuộc sống gia đình hạnh phúc, yên ấm, không bao giờ cãi vã, to tiếng với nhau như lúc trước nữa. 2 vợ chồng yêu thương nhau hết mực và lần lượt sinh được 5 người con. Đến lúc chồng bà mất, người nhà bà mới nhờ ông Nhã đến cởi "nèm" yêu cho bà, lúc đấy bà mới biết bố mẹ mình trước đây đã nhờ ông này làm "nèm" yêu cho hai vợ chồng.
Đem thắc mắc về việc làm "nèm" và phải cởi "nèm" của bà D. đến hỏi ông Giành, chúng tôi được ông cho biết: "Bà D. chính là chị vợ của tôi. Đúng là trước đây gia đình bà D. có nhiều mâu thuẫn tưởng bỏ nhau nên bố mẹ bà D. đã nhờ thầy bùa làm "nèm" cho bà để hàn gắn gia đình. Sau khi chồng bà D. mất, ông Nhã có cởi "nèm" cho bà D., vì bà ấy bị làm "nèm" yêu nặng quá, tôi là em rể nếu cởi nèm cho bà D. sẽ không hiệu nghiệm mà cần có thầy khác cao tay hơn. Bình thường khi làm "nèm" yêu, thì vợ chồng thấy yêu thương nhau hơn thôi, còn vợ chồng bà ấy quấn quýt như hình với bóng, nếu không cởi thì bà ấy sẽ mất sớm theo ông ấy".
Ông Giành kể thêm: "Có ông mở nhà hàng ở dưới Hà Nội nhưng làm ăn bao lâu mà không có khách cũng lên nhờ tôi làm "nèm". Sau khi làm "nèm" xong, ông ta mang cốc nước về lau rửa bàn ghế và kê lại theo chiều tôi bảo thì từ đó ông ta ăn nên làm ra. Thi thoảng, ông ta vẫn gọi điện cho tôi để hỏi thăm sức khỏe. Việc trả tiền làm "nèm" là tùy tâm của khách, nhưng nếu khách muốn làm "nèm" ác thì dù có trả bao nhiêu chúng tôi cũng không nhận. Chúng tôi chỉ làm việc thiện, chứ làm ác không thể tồn tại lâu được".
Một câu chuyện về thầy "nèm" Hà Văn T. xảy ra chưa lâu và vẫn là đề tài bàn tán của người dân Tân Sơn mỗi khi rảnh rỗi. Thầy T. ở khu 4, thị trấn Tân Sơn có cô con gái đến tuổi lấy chồng nhưng với hình thức trung bình nên vẫn chưa tìm đâu được bến đậu. Ông T. đã quyết định "nèm" cho con gái mình với một người đàn ông trung niên giàu có làm nghề xây dựng, dù anh ta đã có gia đình. Tuy nhiên chỉ một thời gian sau, ông T. mất vì bệnh nặng, cô con gái vẫn bám chặt người đàn ông kia dù gia đình anh ta ra sức phản đối, ngăn cấm. Nhiều người cho rằng, ông T. đã làm việc thất đức, nên dù sau mấy năm chôn cất, thi thể ông ta vẫn còn nguyên, gia đình phải chôn lại và không biết bao giờ có thể cải táng được.
Hay như trường hợp của ông Hà Văn Th., vốn là một thầy bùa giỏi ở Tân Sơn, nhưng ông ta lại làm bùa cho nhiều người đàn bà đẹp mê mình. Có lẽ ở Việt Nam, ông được coi là người nhiều vợ nhất với tất thảy 10 người. Nhưng cuối đời, người ta lại chứng kiến ông sống và chết trong già nua, cô độc. Các bà vợ đều bỏ đi hết, đó là cái giá phải trả cho việc làm thất đức của ông.
Câu chuyện về "nèm" yêu và những người làm "nèm" dường như vẫn chưa có hồi kết khi vẫn còn nhiều người không gặp may mắn trong tình yêu, công việc tìm đến "nèm" như một giải pháp hữu hiệu về mặt tâm linh. Tuy nhiên hiệu quả thật sự của nó thì đến nay chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu, giải thích và chứng minh được.
Theo CAND
Khởi tố vụ cháy nhà Lang cuối cùng của người Mường Công an tỉnh Hòa Bình ra quyết định khởi tố vụ án vi phạm quy định trong phòng cháy-chữa cháy liên quan đến vụ cháy nhà Lang cổ. Bốn người có liên quan đều là cán bộ, công chức làm việc trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Ngôi nhà Lang bị đám cháy thiêu rụi. Ảnh: Bảo tàng Không gian văn hóa Mường...