Phòng trọ nước ngập gần 1m, dân ôm gối ra gầm cầu ngủ
Nhiều người dân thuê trọ trên đường Lương Định Của ( quận 2, TPHCM) phải ôm đồ tháo chạy ra khỏi nhà vì nước ngập sâu cả mét. Nước ngập khiến cuộc sống của người dân nơi đây bị đảo lộn hoàn toàn.
3 ngày nay, nhiều hộ dân thuê trọ trên đường Lương Định Của (phường An Phú, quận 2, TPHCM) rất khốn khổ khi chịu cảnh nước ngập đến nửa người, cuộc sống bị đảo lộn.
Bà Phùng Thị Tuyết (63 tuổi, quê Bến Tre) thuê trọ trên đường Lương Định Của cho biết: Trận mưa lớn chiều 26/9 khiến nước tràn vào dãy trọ và gây ngập sâu gần 1 mét, nhiều tài sản có giá trị để trong phòng chưa kịp đưa lên cao đã kịp nước nhấn chìm.
Cũng theo bà Tuyết, 2 ngày nay, khi nước mới bắt đầu rút được chút ít thì trời lại đổ mưa khiến cả dãy trọ vẫn chìm trong biển nước.
Hiện tại mọi sinh hoạt của gia đình bà Tuyết đều quanh quẩn trên chiếc giường được kê lên cao, riêng bà Tuyết phải luôn để mắt đến 2 đứa cháu ngoại vì sợ chúng rơi xuống dưới.
Khu trọ của công nhân trên đường Lương Định Của (quận 2, TPHCM) bị nước bủa vây
Ngoài phòng trọ của bà Tuyết, khu vực này có khoảng 20 phòng trọ khác cũng chịu chung số phận.
Một số phòng do bị ngập nước nên chủ nhân đã khóa cửa và bỏ đi nơi khác.
Hiện tại, do khu vực này bị ngập sâu nên các sinh hoạt cá nhân như tắm giặt, vệ sinh… đều không thể thực hiện. Đến 21h tối 28/9, nhiều công nhân thuê trọ ở đây đã phải ôm gối, mền ra ngoài ngủ tạm.
“Bây giờ trong phòng ngập hết rồi chỗ đâu ngủ, 3 ngày nay em còn không có nước để tắm, giờ ra gầm cầu ngủ tạm mai tính tiếp”, một người thuê trọ ở đây nói.
Theo nhiều người dân thuê trọ, nguyên nhân khiến khu trọ này bị ngập sâu là do các công trình xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm xung quanh mọc lên khiến nước bị chặn không thể thoát ra sông Sài Gòn.
Đa số những người thuê trọ ở đây đều là công nhân của các công trình xây dựng và người lao động nghèo.
Video đang HOT
Đường Lương Định Của nhìn về trung tâm quận 1 giống như khúc sông tối 28/9
Một chiếc ô tô chạy nhanh tạo sóng trên đường
Xe chết máy phải dẫn bộ trên đường Lương Định Của
Dãy trọ trên đường Lương Định Của cách đây 3 hôm có đầy đủ người ở, hôm nay thì đã đi lánh nạn hết
Những chiếc xe của người thuê trọ bị ngâm nước
Tất cả đồ đạc được kê lên cao
Nước ngập đến nửa phòng trọ
Nhiều người trụ lại phòng và sinh hoạt trên gác, dưới đã bị ngập nước nên không thể tắm giặt, đi vệ sinh
Một công nhân phải gom đồ ra ngoài vì phòng đã bị ngập sâu.
Đình Thảo
Theo Dantri
Hàng nghìn xe "ngâm" trong nước ngập: Ai bồi thường?
Cơn mưa cực lớn ngày 26/9 tại TPHCM vừa qua đã nhấm chìm hàng nghìn ô tô, xe máy trong nước khiến các xe đều hư hỏng nặng. Vấn đề người dân quan tâm lúc này là chi phí sửa xe có được chủ bãi xe, chủ đầu tư chung cư bồi thường hay không; phía bảo hiểm sẽ giải quyết như thế nào?
Để làm rõ vấn đề này, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi cùng luật sư Nguyễn Đức Chánh, Giám đốc Công ty luật Đức Chánh (TPHCM).
Hàng ngàn xe máy, ô tô bị nhấn chìm trong các tầng hầm gửi xe sau cơn mưa chiều 26/9 (ảnh: Đình Thảo)
- Thưa luật sư, cơn mưa chiều tối 26/9 đã "nhấn chìm" hàng nghìn ô tô, xe máy, khiến các phương tiện hư hỏng nặng. Trong đó, nhiều người gửi xe trong bãi xe nhưng chủ bãi trông giữ cho rằng đây là thiên tai nên không bồi thường. Điều đó có đúng không?
- Theo quy định tại khoản 1 Điều 562 Bộ luật Dân sự năm 2005 về nghĩa vụ của bên giữ tài sản là "bảo quản tài sản như đã thoả thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ".
Như vậy, trước tiên xác định việc để xảy ra việc tài sản gửi giữ bị hư hỏng thì trách nhiệm bồi thường thuộc về bên giữ tài sản, tức là chủ bãi xe.
Tuy nhiên, cũng theo khoản 4 của cùng điều luật này thì nghĩa vụ của bên giữ tài sản là "phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất mát, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng" .
Vì vậy, cần xác định trong trường hợp này có thuộc trường hợp bất khả kháng hay không? Nếu có thì sẽ loại trừ trách nhiệm dân sự cho chủ bãi xe. Nếu không thì chủ bãi xe phải bồi thường.
- Vậy theo ông trong trường hợp mưa to gây ngập bãi xe, để xe bị ngâm nhiều tiếng đồng hồ trong nước, làm hư hỏng xe như trong ngày 26/9 vừa qua thì có thuộc trường hợp bất khả kháng không?
- Theo Điều 161 BLDS 2005 thì: "Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép".
Tuy nhiên, quy định này là để xác định "thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự".
Còn hiện BLDS 2005 không định nghĩa thế nào là sự kiện bất khả kháng cũng như chưa có văn bản hướng dẫn hay quy định rõ các trường hợp cụ thể về sự kiện bất khả kháng như mưa, giông, bão, lốc, lụt, sấm sét, hạn hán, động đất, chiến tranh, phá hoại...
Vì vậy, việc xác định như thế nào là sự kiện bất khả kháng rõ ràng ít nhiều phụ thuộc vào nhận định chủ quan của mỗi người.
Việc xác định "cơn mưa lịch sử ngày 26/9/2016" có phải là sự kiện bất khả kháng hay không cũng vậy. Nếu đứng góc độ người gửi tài sản thì cho rằng chủ bãi xe phải lường trước mùa mưa ở TPHCM cũng như phải có biện pháp khắc phục để không xảy ra tình trạng ngập xe gây hư hỏng. Nhưng đứng dưới góc độ của người giữ xe thì cho rằng với cơn mưa lớn như vậy thì dù đã làm hết khả năng vẫn không thể khắc phục được việc ngập nước, dẫn đến hư hỏng xe của khách.
Vì vậy, chỉ có thể đưa vụ việc ra tòa án thì tòa có thẩm quyền phân định đây có thuộc trường hợp bất khả kháng hay không. Nếu tòa đã phán quyết thì đây có thể là án lệ để áp dụng cho các trường hợp tương tự về sau.
- Đối với những xe lưu giữ trong tầng hầm của các tòa nhà, chung cư và bị hư hỏng do ngập nước, chủ đầu tư có trách nhiệm bồi thường không, thưa luật sư?
- Như đã phân tích ở trên, nếu chủ đầu tư hoặc người giữ tài sản ở chung cư đã thực hiện nhiều biện pháp có thể để khắc phục nhưng không thể, thì loại trừ trách nhiệm dân sự trong trường hợp này.
Ngược lại, thì vào mùa mưa này ở TPHCM hay có hiện tượng mưa to, gây ngập thường xuyên nên bên giữ tài sản phải có trách nhiệm lập phương án dự phòng và sử dụng biện pháp chống ngập tầng hầm để bảo quản tài sản cho bên gửi một cách tốt nhất. Nên nếu bên giữ tài sản chưa làm tròn trách nhiệm của mình thì không thể loại trừ trách nhiệm dân sự được.
Chẳng hạn, chủ đầu tư hoặc người giữ tài sản ở chung cư thông báo cho người gửi biết để di chuyển xe đi nơi khác nhằm tránh thiệt hại xảy ra. Nếu người gửi tài sản biết nhưng do chủ quan thì người giữ tài sản không phải bồi thường.
Ngược lại, chủ đầu tư hoặc người giữ tài sản ở chung cư không thông báo hoặc chủ quan, không có phương án bơm nước... dẫn đến việc tầng hầm bị ngập, xe bị hư hỏng thì theo tôi đây không phải là sự kiện bất khả kháng để loại trừ trách nhiệm dân sự.
- Một số bạn đọc cũng thắc mắc là xe ô tô bị hư hỏng do đi trên đường ngập thì có được bồi thường không, thưa ông?
- Nếu chủ xe có mua bảo hiểm vật chất thì chủ xe có quyền yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường thiệt hại, ngoại trừ trường hợp trong hợp đồng bảo hiểm có thỏa thuận khác. Vì thiệt hại này không nằm trong các trường hợp loại trừ bảo hiểm. Còn mức bồi thường thiệt hại về tài sản sẽ được xác định theo thiệt hại thực tế và theo mức độ lỗi của chủ xe cơ giới.
- Xin cảm ơn ông!
Tùng Nguyên (thực hiện)
Theo Dantri
TPHCM: Tăng diện tích không gian mở để hạn chế ngập lụt Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, đối với những nơi có địa hình thấp trũng (dưới đỉnh triều cường 1,5m), cần xây dựng với mật độ thấp, tăng diện tích không gian xanh và không gian mở (ít nhất 30% diện tích) để trữ nước mưa, hạn chế ngập lụt đô thị, hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực...