Phòng tránh bệnh rối loạn mỡ máu
Rối loạn mỡ máu (RLMM – hay còn gọi là rối loạn lipip máu, tăng cholesterol) là một dạng bệnh thuộc nhóm bệnh lý rối loạn chuyển hóa khá phổ biến hiện nay. Đây là mối lo ngại của nhiều người và đang có xu hướng ngày càng tăng.
Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Bích Vân đang tư vấn cho bệnh nhân bị rối loạn mỡ máu cách uống thuốc và chế độ ăn uống hợp lý. Ảnh: Gia Nhi
* RLMM gây nhiều bệnh nguy hiểm
Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Bích Vân, Trưởng khoa Nội tim mạch, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết, RLMM là nguy cơ chính của nhiều bệnh nguy hiểm như: xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim… Những người có hàm lượng cholesterol máu cao có tỷ lệ mắc bệnh mạch vành cao hơn 2-3 lần so với người bình thường. Điều đáng lưu ý là không chỉ người béo phì mới có nguy cơ mắc bệnh RLMM mà những người gầy, ốm cũng có thể mắc.
Nguyên nhân chính của RLMM là do cơ thể được cung cấp năng lượng dư thừa gây tích tụ mỡ do gia tăng quá nhiều chất béo gây bệnh. Những chất béo này sẽ đọng lại, gắn vào thành mạch máu và kéo theo một chuỗi quá trình sau đó để tạo thành những vệt mỡ, những mảng xơ vữa mà hậu quả của nó là làm hẹp lòng mạch máu lại. Lòng các mạch máu bị hẹp sẽ làm giảm việc cung cấp máu cho các cơ quan quan trọng. Nếu ở động mạch vành sẽ gây bệnh thiếu máu cục bộ, nhồi máu cơ tim, tắc mạch nhiều nơi. Nếu ở động mạch não sẽ gây chóng mặt, tai biến mạch máu não như đột quỵ. Nếu là ở mạch máu tay, chân sẽ gây tê lạnh đầu ngón chân, tay, đau buốt khi đi lại… Những biến chứng mạch máu này đều rất nguy hiểm vì có thể dẫn đến tử vong hoặc tàn tật.
Ngoài ra, một số ít trường hợp RLMM gặp ở một số gia đình mang tính di truyền. Bệnh nhân thường tuổi còn trẻ, mỡ máu rất cao, có khả năng gây xơ vữa động mạch sớm.
* Cách phòng tránh RLMM
Video đang HOT
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bích Vân, bệnh RLMM có thể phòng ngừa được bằng cách tập thể dục thường xuyên, ít nhất 30 phút/ngày; tránh béo phì và có chế độ ăn uống hợp lý. Nên ăn nhiều chất xơ như: rau, củ, quả, ăn nhiều cá và thịt trắng.
Hạn chế các thức ăn có chứa chất béo và cholesterol như: bơ, thịt đỏ, mỡ động vật, dầu chiên nhiều lần, hải sản, lòng đỏ trứng (không ăn quá 3 quả/tuần và phải ăn cách ngày), nội tạng và da của các loại động vật. Giảm các thức ăn nhanh như: hamburger, bánh có nhân thịt, thịt rán, bánh kem… Hạn chế uống rượu, bia, các loại nước ngọt có ga, hút thuốc lá. Nếu bị thừa cân, béo phì phải tăng cường tập thể dục, thực hiện chế độ giảm cân để phòng ngừa bệnh mạch vành. Tránh để tích tụ mỡ ở một số cơ quan trong cơ thể.
“RLMM không gây tác hại tức thời nhưng về lâu dài sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy, việc phòng ngừa và phát hiện sớm là rất quan trọng. Thông thường trên 18 tuổi nên đi kiểm tra RLMM 1 năm/lần để có hướng điều chỉnh kịp thời. Còn với những bệnh nhân có bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, đái tháo đường, xơ vữa động mạch cần xét nghiệm mỡ máu định kỳ mỗi 6 tháng”- bác sĩ Bích Vân khuyến cáo.
Hiện nay, việc kiểm tra mỡ máu được thực hiện rất phổ biến và dễ dàng ở các bệnh viện trong tỉnh bằng cách xét nghiệm máu. Trước khi đi xét nghiệm cần nhịn đói 8 giờ đồng hồ để cho kết quả chính xác.
Gia Nhi
Theo Báo Đồng Nai
Cẩn trọng cơn đau ngực cấp tính báo động bệnh mạch vành nguy hiểm
Bệnh nhân 69 tuổi (Thường Tín, Hà Nội) đang ngồi bỗng dưng lên cơn đau ngực dữ dội. Khi gia đình đưa đến viện, bệnh nhân được chụp động mạch vành, phát hiện tổn thương xơ vữa gây tắc mạch, đã phải đặt stent để "thông" dòng chảy thông thoáng cho mạch vành.
Ths.BS Tạ Xuân Trường, Trưởng khoa Nội tiết - Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp) cho biết, khoa vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân Phùng Thị Ch. (69 tuổi,Thường Tín - Hà Nội) vào viện vì cơn đau ngực cấp tính.
Bệnh nhân đã được chụp động mạch vành phát hiện thủ phạm gây đau ngực là do tổn thương xơ vữa gây hẹp 90-95% đoạn giữa của động mạch liên thất trước, bệnh nhân đã được đặt thành công một stent, lấy lại dòng chảy thông thoáng cho động mạch vành.
Theo BS Trường, ngày nay, bệnh mạch vành đã trở thành bệnh lý phổ biến và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Ngoài yếu tố nguy cơ do tuổi cao, việc hút thuốc lá, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, béo phì, lười vận động thể lực, căng thẳng tâm lý, ăn ít rau củ, yếu tố gia đình...cũng là những yếu tố nguy cơ làm gia tăng bệnh động mạch vành.
Trong bệnh động mạch vành thì bệnh động mạch vành do xơ vữa là chủ yếu. Khi các mảng xơ vữa ở thành động mạch này tăng dần kích thước gây hẹp lòng mạch từ từ hoặc nứt vỡ tạo huyết khối gây hẹp hoặc tắc lòng mạch đột ngột. Từ đó dẫn đến thiếu máu nuôi cơ tim, gây lên các cơn đau ngực, suy tim, thậm chí tử vong.
Để chuẩn đoán bệnh, các bác sĩ dựa vào tính chất của đau ngực của bệnh nhân, xét nghiệm, điện tâm đồ, siêu âm tim, chụp cắt lớp đa dãy động mạch vành và đặc biệt tiêu chuẩn vàng là chụp động mạch vành chọn lọc qua da.
Ảnh mạch vành trước can thiệp của bệnh nhân
Ảnh mạch vành sau can thiệp
BS Trường cho biết, để điều trị bệnh mạch vành, tuỳ tính chất (cấp hay mạn tính) và mức độ của tổn thương động mạch vành mà có thể chỉ cần điều trị nội khoa (dùng thuốc), can thiệp nong và đặt stent động mạch vành hay mổ làm cầu nối chủ - vành qua chỗ hẹp.
Chụp và can thiệp (nong và đặt stent) động mạch vành qua da là phương pháp được coi là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán chính xác có bệnh động mạch vành hay không và tổn thương động mạch vành đó là nặng hay nhẹ, phức tạp hay đơn giản để có phương án tối ưu cho việc điều trị.
"Với những trường hợp tổn thương động mạch vành nặng, có chỉ định tái thông thì can thiệp nong và đặt stent động mạch vành là một phương pháp được coi là an toàn và hiệu quả. Bệnh nhân sẽ được luồn dụng cụ đến vị trí động mạch vành bị tổn thương để xử lí qua một vết chọc mạch nhỏ tại động mạch quay ở cổ tay hoặc động mạch đùi ở vùng bẹn và chỉ cần gây tê tại chỗ chọc mạch", BS Trường cho biết.
Theo đó, với can thiệp này, bệnh nhân sẽ không phải chịu một cuộc gây mê cũng như phẫu thuật cưa xương ức và làm cầu nối mạch vành như phương pháp mổ mở truyền thống. Bệnh nhân cũng nhanh chóng phục hồi và ra viện sớm hơn nhiều (có thể ra viện ngay trong ngày) so với phương pháp mổ truyền thống.
Trung bình một ca chụp động mạch vành diễn ra trong khoảng 10 -15 phút, một ca can thiệp nong và đặt stent động mạch vành diễn ra trong khoảng 30 - 60 phút hoặc lâu hơn tùy thuộc mức độ phức tạp của tổn thương.
Để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh động mạch vành, xơ vữa động mạch, BS Trường khuyến cáo người dân ngừng hút thuốc, tăng cường vận động thể lực, giảm cân, tránh béo phì, ăn uống khoa học với nhiều rau xanh, trái cây, hạn chế đồ ăn nhanh. Ngoài ra cần kiểm soát tốt các bệnh tăng huyết áp, rối loạn chuyển hoá, tiểu đường... để giảm nguy cơ.
Tú Anh
Theo dantri
Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh Covid-19 cho nhân viên y tế Ngày 21-2, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đã tổ chức lớp tập huấn hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh Covid-19 cho hơn 100 nhân viên y tế của các bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện đa khoa khu vực, các trung tâm y tế cấp huyện, Bệnh viện đa khoa Cao su Đồng Nai và các bệnh viện, phòng khám ngoài...