Phong phú ẩm thực xứ Dừa
Trong chuỗi giá trị của cây dừa, ẩm thực là một trong những điểm nhấn đặc sắc làm nên nét riêng của xứ Dừa.
“Liên hoan ẩm thực xứ Dừa” là hoạt động nằm trong khuôn khổ Lễ hội Dừa (LHD) lần thứ V năm 2019 với 300 món ăn, nước uống được chế biến từ nguyên liệu dừa, kết hợp cùng các nguyên liệu khác. Đây là lần đầu tiên hoạt động này quy tụ số lượng món ăn, nước uống từ nguyên liệu dừa nhiều nhất từ trước đến nay.
Các loại bánh thân thuộc mang hương vị xứ Dừa.
Hoạt động dự kiến sẽ diễn ra vào lúc 9 giờ 30 ngày 17-11-2019, tại khu vực đường 3-2, gần sân khấu chính LHD. Tham gia dự kiến có 300 đội (mỗi đội 2 thành viên, thực hiện một món ăn hoặc nước uống) là cán bộ, hội viên, phụ nữ các xã, phường, thị trấn và 3 đơn vị Hội Phụ nữ khối lực lượng vũ trang (Công an, Quân sự, Bộ đội Biên phòng). Trong 300 món dự liên hoan có 200 món ăn mặn, 80 món bánh và 20 món nước uống, chè…
Đặc trưng hương vị xứ Dừa
Video đang HOT
Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Võ Ái Hòa, thành viên Tiểu ban hoạt động lễ hội, Trưởng ban giám khảo cho biết, liên hoan nhằm phát động rộng rãi trong nhân dân, đặc biệt là giới nữ sưu tầm, chế biến và giới thiệu nét đặc sắc của nghệ thuật ẩm thực và các món ăn độc đáo từ nguyên liệu dừa hoặc có liên quan đến dừa. Các món ẩm thực được kết hợp giữa khẩu vị và phong cách chế biến công phu, tinh xảo phục vụ đông đảo thực khách nhân dịp LHD. Đây cũng là dịp gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về tài nội trợ giữa các chị em phụ nữ trong tỉnh.
“So với nhiều lần tổ chức trước đây, không chỉ có số lượng món ẩm thực nhiều nhất 300 món ăn, món bánh, nước uống (lần nhiều nhất trước đây là 189 món), mà các món cũng đa dạng, không trùng lắp (món ăn chính quen thuộc có thể giống nhưng món phụ đi kèm thì khác). Ví dụ như món tép rang dừa có 6 đội đăng ký dự thi nhưng khác nhau về phần phụ như: tép rang dừa ăn với xôi đậu phộng, tép rang dừa ăn cùng cháo đậu đỏ, hay tép rang dừa ăn với cháo trắng lá dứa…” – bà Võ Ái Hòa thông tin thêm.
Nguyên liệu thường được dùng nhiều nhất trong ẩm thực là nước dừa nguyên chất, nước cốt dừa, cơm dừa, củ hủ dừa. Ngoài ra, một số bộ phận của dừa được dùng để trang trí món ăn như: lá dừa, cọng dừa, hoa dừa… Tuy chỉ là một nguyên liệu để kết hợp cùng các nguyên liệu khác nhưng chính vị béo, thơm, ngọt thanh rất đặc trưng của dừa đã tạo nên hương vị riêng cho từng món ăn, nước uống.
Bên cạnh các món quen thuộc như: tép rang dừa, bánh xèo hến nước cốt dừa, bánh canh tép nước cốt dừa, thịt heo kho nước dừa, tôm luộc nước dừa, mắm kho dừa, ốc bươu um dừa, gỏi hải sản củ hủ dừa…, còn có những món mới ra mắt tại liên hoan như: thịt chuột rô ti nước cốt dừa, thịt trâu xào lá cách nước cốt dừa, tàn ong um lá cách nước cốt dừa, chình um nước cốt dừa trong trái bí…; các món bánh quê hấp dẫn như: bánh bắp nước cốt dừa, bánh bò hấp nước cốt dừa, bánh chuối đập nướng chấm nước cốt dừa, bánh lá nước cốt dừa, mứt dừa, xôi dừa cuốn bánh phồng…
Hào hứng tham gia lễ hội
Hiện các đội trong tâm thế rất hào hứng, sẵn sàng cho ngày tham dự để “trổ tài” chế biến ẩm thực của mình. Lực lượng tham gia liên hoan sẽ mặc trang phục áo bà ba cùng góp mặt trong Ngày hội áo bà ba được tổ chức buổi sáng cùng ngày.
Chị Nguyễn Thanh Hiền – Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Châu Thành cho biết: Huyện tham dự 37 đội với 37 món gồm: 25 món mặn, 2 món nước uống và 10 món bánh ngọt. Những món ăn, nước uống đơn vị tham gia đều là những món quen thuộc, gần gũi, đã từng được các chị em nấu, làm cho gia đình, người thân, bạn bè thưởng thức. Hầu hết nguyên liệu được sử dụng từ đặc sản, đặc thù của địa phương nên rất gần gũi, dễ tìm. Điển hình như đội Tân Phú, nơi đây thì đặc sản hến rất ngon, thường được đưa vào ẩm thực phục vụ du lịch như: bánh xèo hến, bánh canh hến nên đơn vị đã chọn hai món đặc sản này để tham dự liên hoan, đồng thời, cũng để giới thiệu đến du khách các món ăn đặc trưng của địa phương.
“Hầu hết chị em đều có kinh nghiệm trong chế biến ẩm thực, đặc biệt là các món ăn, thức uống từ nguyên liệu dừa, trong đó, có một số chị đang phục vụ ẩm thực trong hoạt động du lịch nên rất hào hứng, tự tin tham gia. Với trang phục áo bà ba tham gia hoạt động Ngày hội áo bà ba và sau đó dự Liên hoan ẩm thực thì tất cả các chị đều đã sẵn sàng, vì áo bà ba đã là trang phục được sử dụng thường xuyên của nhiều chị em, một số chị có may thêm để làm mới hoặc “tăng cường” thêm áo” – chị Hiền cho hay.
Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Võ Ái Hòa cũng cho biết, các tiêu chí trọng tâm được Ban giám khảo hướng đến là trình bày bắt mắt, hấp dẫn, kế đến là hương vị đậm đà, thơm ngon theo đặc trưng riêng từng món, đặc biệt là giá trị món ăn từ nguyên liệu dừa, tạo nên nét riêng, khác biệt với các món ăn thông thường khác.
Ẩm thực là một phần không thể thiếu của cuộc sống. Ngày nay, khi đời sống ngày càng phát triển, việc thưởng thức ẩm thực cũng có “tiêu chuẩn” ngày càng cao hơn, hấp dẫn, ngon, an toàn. Từ đặc sản riêng, mỗi vùng miền đều có những món ẩm thực mang nét riêng của vùng ấy. Với Bến Tre, ẩm thực dừa là nét riêng không thể lẫn vào nơi khác, hương vị ngọt ngào quyến rũ của dừa làm nên những điều thú vị cho ẩm thực xứ Dừa.
Theo Cantho
Sò huyết đầm Ô Loan 'danh bất hư truyền' đất Phú Yên
Phú Yên có hai món ăn du khách nhất định không thể bỏ qua là mắt cá ngừ đại dương và sò huyết đầm Ô Loan. Đặc biệt, món sò huyết hiếm chỗ nào có thể sánh bằng.
Đầm Ô Loan thuộc huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Vùng đất này có nguồn lợi thủy hải sản đa dạng, phong phú như tôm, cua, cá, ghẹ, sứa, hàu... nhưng điều làm nên thương hiệu ở đây chính là sò huyết. Sò huyết đầm Ô Loan có thịt dày, ngon ngọt và đậm đà. Danh tiếng của món này không chỉ gói gọn riêng đất Phú Yên, mà nhiều du khách từ tỉnh khác hay nước ngoài khi ghé đến cũng đều tìm sò huyết để thử qua.
Sò huyết đầm Ô Loan to hơn nhiều so với nơi khác, xuất hiện thường xuyên trong năm và dễ dàng đánh bắt. Người dân khi bắt được sò thường đem về chế biến thành nhiều món như nướng mỡ hành, nướng mọi hay đem xào, rang muối ớt, sốt me với rau răm và cháo...
Sò huyết có thể được chế biến thành nhiều món như mỡ hành, rang muối ớt hay nấu cháo...
Để thưởng thức đủ vị ngon trứ danh của món này, bạn nhất định phải tìm đến đúng nơi để mua sò. Sò khi đó vừa được bắt lên, đem đi rửa sạch, chà lớp vỏ bên ngoài để không bị đóng cát, cặn. Tiếp đó tùy theo món mà chế biến hợp lý, nhưng nhiều người dân Phú Yên thường chọn rang muối ớt do vừa giữ được con sò nguyên vẹn, vừa có vị đậm đà dễ ăn.
Đặt chảo muối ớt lên bếp vặn lửa, đổ khoảng 20-30 con sò vào rang. Đảo liền tay cho đến khi muối khô lại, bám vào những con sò huyết và chúng cũng há miệng ra dần. Lúc này, người chế biến chỉ việc bắc chảo xuống, cho sò huyết vào đĩa và đem ra phục vụ khách.
Bạn có thể thưởng thức món này ở các quán ven đường thuộc tỉnh Phú Yên hoặc đi về phía bắc đầm Ô Loan, có khu ẩm thực cầu An Hải với nhiều kiểu nhà hàng nổi trên mặt nước. Giá một đĩa sò huyết vào khoảng 20.000-30.000 đồng.
Ngoài ra, bạn cũng có thể thử theo thuyền câu của ngư phủ ra chơi đầm khi màn đêm buông xuống. Sò huyết có thể được bắt và nướng ngay trên thuyền. Khi đó, bạn có thể vừa ăn sò huyết, vừa có thể nói đủ thứ chuyện và ngắm trời mây non nước, cảm giác thật sự rất thi vị.
Theo Vatc
Điểm danh những món bún ngon nổi tiếng ở Việt Nam Nước ta nổi tiếng với nền ẩm thực đa dạng và phong phú từ Nam chí Bắc. Đặc biệt là những món bún ngon ở khắp 3 miền như bún đậu, bún chả, bún bò, bún mắm,... Bún đậu mắm tôm Bún đậu mắm tôm là một trong những món bún ngon nhất của Việt Nam, là món ăn dân dã của đồng...