Phòng ngừa đau mắt mùa bão lũ
Những ngày qua, miền Trung nhiều nơi ngập trong biển nước. Bên cạnh những thương vong mất mát về người và tài sản, đồng bào vùng lũ lụt còn phải đối mặt với nguy cơ bệnh tật.
Những hiểu biết sau đây về các bệnh mắt dễ gặp phải trong hoàn cảnh bão lũ sẽ giúp nhân viên y tế, đồng bào miền Trung phòng ngừa, giảm nhẹ được những phiền toái do bệnh mắt trong hoàn cảnh hiện nay.
Vì sao trong lũ lụt dễ mắc bệnh đau mắt?
Lượng mưa lớn liên tục trong vòng mấy tuần, cùng độ dốc địa hình lớn rửa trôi rất nhiều chất bẩn của môi trường. Nước ngập làm lắng đọng và hòa tan các chất độc hại, chất gây kích ứng và dị ứng… Vì thế, các bệnh lý liên quan đến nước bẩn trong đó có bệnh mắt sẽ dễ dàng bùng phát trong lũ và sau lũ 10 ngày.
Môi trường vùng nước ngập hay trong bão lũ có độ ẩm gần như tuyệt đối, nhiệt độ môi trường từ 20 – 30 độ C khiến các vi sinh vật gây bệnh cho mắt sẽ hoạt động mạnh mẽ hơn, gây bệnh nhiều hơn, trong khi đó nước bẩn sẽ là môi trường lan truyền bệnh dễ dàng nhất. Do vậy phòng ngừa bệnh mắt luôn phải đi kèm vệ sinh mắt với vệ sinh môi trường.
Viêm kết mạc và mắt hột đặc biệt sẽ gia tăng ở cộng đồng thiếu nước sạch. Ngoài ra, mưa lụt có thể gây bệnh viêm hắc võng mạc hoại tử do ký sinh trùng mang tên Toxoplasma Gondii, vốn rất dễ lây truyền qua nước bẩn như đã từng xảy ra ở Braxin.
Lứa tuổi dễ mắc các bệnh mắt thuộc 2 nhóm yếu và nhạy cảm là trẻ em dưới 15 tuổi và người lớn trên 65 tuổi.
Hình ảnh đau mắt hột.
Viêm kết mạc
Video đang HOT
Trên thực tế, viêm kết giác mạc (VKM) vẫn là bệnh phổ nhất trong mùa bão lũ ở miền Bắc, miền Trung và mùa nước nổi ở miền Nam.
VKM là dạng viêm nhiễm nặng nhất do adenovirus. Sự lây truyền thường xảy ra ở những quần thể nhỏ, có sự tiếp xúc gần giữa các cá nhân. Thường biểu hiện ở một bên mắt (2/3 các trường hợp), không có biểu hiện toàn thân. Sau một thời gian ủ bệnh khoảng 8 ngày, mắt trở nên đỏ, gỉ mắt lẫn với nước kèm theo cảm giác có dị vật trong mắt. Các dấu hiệu khác có thể thấy như sưng đau hạch trước tai, kết mạc sụn mi có hột nổi lên. Hai biểu hiện này gợi ý cao độ bệnh nhân bị VKM do adenovirus và giúp cho định hướng chẩn đoán lâm sàng.
VKM luôn kèm theo đỏ mắt và có thể có giả mạc. Các biểu hiện khác là hơi sợ sáng, sưng phù kết mạc, xuất huyết nhẹ dưới kết mạc. Mắt còn lại cũng bị bệnh, thường sẽ xảy ra sau 4-5 ngày kể từ ngày khởi phát, biểu hiện nhẹ nhàng hơn so với mắt thứ nhất do cơ thể đã bắt đầu có miễn dịch chống lại virus.
Điều trị: Chủ yếu là điều trị triệu chứng bằng nhỏ nước muối sinh lý nhiều lần, tra nhỏ kháng sinh hoặc kháng sinh có kèm cortisol trong thời gian ngắn, bệnh có xu hướng giảm dần và khỏi hẳn sau 7-10 ngày. Nếu kéo dài hơn, kèm theo chói mắt, sợ sáng, nhìn mờ là đồng nghĩa với có biến chứng. Bệnh nhân lúc này được khuyên nên đi khám và điều trị tại cơ sở chuyên khoa.
Bệnh mắt hột hay viêm kết mạc có hột do Chlamydia
Viêm kết mạc có hột, biểu hiện ở hột đại xuất hiện cả ở kết mạc mi trên và mi dưới. Mắt cương tụ vừa phải nhưng viêm kết mạc thể này có xu hướng dai dẳng, gây cộm và khó chịu mạn tính. Nếu điều trị không kiên trì hay dùng sai thuốc, các hột viêm sẽ tồn tại đến vài tháng, cuối cùng vỡ để lại sẹo trên kết mạc. Di chứng có thể là khô mắt do sẹo kết mạc, lông quặm lông xiêu.
Ở dạng tái nhiễm liên tục do dùng nước bẩn, khăn mặt bẩn, chậu rửa chung, ruồi muỗi nhiều… viêm kết mạc có hột có tên là bệnh mắt hột, căn bệnh gây mù lòa chủ yếu ở thế kỷ XIX. Mù lòa chủ yếu do lông quặm, lông xiêu chọc vào giác mạc gây viêm loét, hóa sẹo hay loét thủng.
Ở dạng cấp tính như trong đợt bão lụt, không có nước sạch để dùng hay lây nhiễm qua đường mắt-mắt (bơi lội) hay cơ quan sinh dục-mắt (vi khuẩn còn gây viêm tiết niệu sinh dục cho cả nam và nữ), tổn thương ở mắt điển hình là viêm kết mạc có hột to. Dạng cấp tính ngày nay gặp nhiều hơn và phổ biến hơn trên người trẻ, cũng khá phổ biến đóng góp vào những bệnh nhân “đau mắt đỏ” trong mùa bão lũ.
Điều trị: Ngoài vệ sinh mắt và kiêng cữ để khỏi tái nhiễm thì vi khuẩn chlamydia nhậy cảm với kháng sinh tra nhỏ hoặc uống thuộc nhóm: phenicol, cycline, sulfamid, macrolite. Bệnh sẽ khỏi sau 4-6 tuần điều trị tra nhỏ tại mắt và uống thuốc.
Các viêm nhiễm mắt khác và biện pháp phòng ngừa
Viêm bờ mi, viêm kết mạc, viêm dị ứng, viêm kích ứng do hóa chất làm sạch nước (clo nồng độ cao), chắp lẹo… đều có thể gặp do vi sinh vật gây bệnh, chất độc và chất kích ứng… vốn rất dồi dào trong nước mưa- nước bẩn- nước tù đọng hay nước cặn. Do đó, nhu cầu tái lập cung cấp nước sạch để rửa mắt, rửa mặt là tối quan trọng trong việc phòng bệnh và chống lây lan bệnh mắt trong mùa mưa lũ.
Bên cạnh đó việc rửa tay thường xuyên bằng xà phòng cũng rất cần thiết. Nếu bắt buộc phải ngâm trong nước lụt, khi về ta có thể rửa mắt bằng nước muối hoặc xối rửa bằng kháng sinh tra nhỏ có chloramphenicol (cloroxit) 0,4%, gentamycine 0,3%. Nên tuyệt đối tránh việc dùng khăn mặt, chậu rửa chung.
Tuy bệnh mắt không phải là bệnh nguy hiểm đến sinh mạng nhưng là bệnh xuất hiện nhiều trong mùa mưa lũ. Để phòng bệnh cần chuẩn bị các dụng cụ thuốc men phòng dịch bao gồm nước javel, viên làm sạch nước, xô chậu, nước sạch đóng chai, một số thuốc sát trùng da và chloramphenicol – một kháng sinh phổ rộng dùng tốt cho cả viêm kết mạc dịch và phòng được bệnh mắt hột. Đây có thể coi như là một bộ kit phòng bệnh, xử lý môi trường tối cần thiết cho hoàn cảnh bão lũ.
Lưu ý, trong sinh hoạt hàng ngày của bà con vùng lũ lụt còn có thể xảy ra những tai nạn mắt, cơn thiên đầu thống, viêm màng bồ đào… Trong những trường hợp này phải chuyển bệnh nhân về cơ sở chuyên khoa mắt gần nhất để được điều trị kịp thời.
Các bệnh sau mưa lũ và thuốc dùng
Trong vùng lũ, nguyên nhân gây tiêu chảy cấp thường gặp nhất là do nhiễm khuẩn, vì sau lũ điều kiện vệ sinh thấp kém, môi trường ô nhiễm và thiếu nước sạch. Hầu hết nhiễm trùng gây tiêu chảy cấp lây truyền qua đường phân - tay - miệng, qua nước và thức ăn nhiễm bẩn.
Biểu hiện
Biểu hiện lâm sàng ngoài việc tiêu chảy cấp, thường có kèm theo nôn mửa, đau bụng, sốt và các biểu hiện toàn thân khác tùy theo từng nguyên nhân. Sau đây là một số bệnh hay gặp nhất trong vùng bão lũ:
Tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn: Là bệnh nhiễm khuẩn, do các vi khuẩn dạng campylobacter gây ra. Đây cũng là nguyên nhân gây tiêu chảy quan trọng nhất trên toàn thế giới và ở mọi lứa tuổi.
Ổ chứa vi khuẩn là động vật, thường là ở gia súc và gia cầm như chó, mèo, chim, lợn, các động vật gặm nhấm... đều có thể là nguồn lây bệnh cho người. Nguyên nhân các vụ dịch xảy ra phần lớn liên quan đến thức ăn và nhất là thịt gia cầm không được nấu chín, sữa không được tiệt khuẩn và nước chưa được lọc sạch.
Bệnh do Rotavirus: Bệnh lây theo đường tiêu hóa qua thức ăn, nước uống nhiễm virut. Virut này chủ yếu gây bệnh cho trẻ em dưới 2 tuổi; thường xuất hiện sau 24 - 48 giờ, khởi phát đột ngột với các triệu chứng sốt cao hoặc không sốt, nôn nhiều, đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày, phân nhiều nước, đôi khi dẫn đến rối loạn nước và điện giải rất nhanh. Điều trị chủ yếu là điều chỉnh cân bằng nước và điện giải.
Bệnh do phẩy khuẩn tả: Bệnh lây nhiễm theo đường tiêu hóa, do ăn phải thức ăn, nước uống... bị nhiễm mầm bệnh trong quá trình nuôi trồng, chế biến, bảo quản... hoặc do ruồi nhặng, chuột gián... làm lây lan mầm bệnh.
Đặc biệt nguồn nước bị ô nhiễm là điều kiện lây truyền hết sức nguy hiểm. Bệnh thường xảy ra vào mùa hè, đặc biệt những vùng sau lũ lụt; không cung cấp đủ nước sạch, điều kiện vệ sinh môi trường không tốt. Nếu không điều trị kịp thời bệnh nhân sẽ tử vong vì shock không hồi phục.
Điều trị như thế nào?
Bù nước và điện giải là vấn đề quan trọng nhất, đặc biệt nếu tiêu chảy cấp xảy ra ở trẻ em, phải cho trẻ uống bù nước ngay vì ở trẻ em thể trọng cơ thể nhỏ, khi tiêu chảy bị mất nước và điện giải, sẽ nhanh chóng gây giảm khối lượng tuần hoàn và rối loạn nước điện giải.
Ngay tại nhà, cần bù nước bằng dung dịch oresol hoặc viên hydrite. Cần chú ý pha dung dịch bù nước phải theo đúng hướng dẫn sử dụng, không được chia nhỏ gói oresol hoặc viên hydrit để pha làm nhiều lần. Dung dịch bù nước đã pha nếu quá 12 giờ không uống hết phải bỏ đi.
Thuốc kháng tiết ở ruột non: Thuốc có tác dụng ức chế men encephalinase (là men phụ trách thoái hóa encephalin nội sinh ở não và ruột) làm ức chế tiết ở ruột do độc tố của vi khuẩn tả hoặc do viêm mà không làm giảm dịch tiết cơ bản khác. Thuốc hấp thu nhanh qua ống tiêu hóa, đạt đỉnh điểm sau khi uống 1 giờ, thời gian tác dụng khoảng 8 giờ. Thuốc đôi khi gây buồn ngủ, cần thận trọng khi dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú.
Các chất hấp phụ: Là những silicat thiên nhiên hoặc nhựa polyacryl thấm nước, có khả năng hút nước rất nhiều làm tăng độ đặc của phân. Thuốc không được hấp thu vào máu và được đào thải theo phân mang theo các chất mà chúng đã hấp phụ, do đó không dùng chung với nhóm làm giảm nhu động ruột. Ngoài ra cần chú ý dùng các thuốc khác cách xa thuốc này khoảng 2 tiếng. Một số thuốc hay dùng của nhóm này như gelopectose (gồm có pectin, cellulose, silice, dextrin - maltose, natri clorit), sacolen (thành phần có lactoprotein methylelic)...
Ngoài ra, trong Đông y còn hay sử dụng thuốc berberin là alcaloit chiết xuất từ các cây vàng đắng, hoàng liên, hoàng bá, hoàng đằng. Thuốc có tác dụng diệt ký sinh trùng amíp, một số vi khuẩn gây bệnh đường ruột. Bên cạnh đó, tùy thuộc vào nguyên nhân gây tiêu chảy mà có thể sử dụng kháng sinh, thuốc làm chậm nhu động ruột hoặc men tiêu hóa. Tuy nhiên chỉ có bác sĩ mới có quyền chỉ định dùng thuốc gì, không nên tự ý sử dụng thuốc để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Các biện pháp dự phòng sau lũ
Giữ vệ sinh về ăn uống: Cần đun sôi kỹ các loại thức ăn, nước uống trước khi sử dụng; rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn; dụng cụ, bát đũa cần rửa sạch để khô ráo; bảo quản thức ăn đã nấu chín bằng cách đậy lồng bàn, tránh ruồi, nhặng, gián, thạch sùng, bụi bặm làm nhiễm bẩn.
Bảo đảm nguồn nước sinh hoạt trong, sạch: Tốt nhất là hứng nước mưa để nấu nước uống và nấu ăn. Trường hợp phải dùng nước sông, suối, ao, hồ, kênh rạch thì phải làm trong và khử khuẩn nước rồi mới dùng. Có thể sử dụng phèn chua hoặc viên cloramin B để khử khuẩn nước. Nước đã khử khuẩn phải đun sôi mới được uống.
Vệ sinh môi trường: Ngay sau khi nước rút cần tổ chức tổng vệ sinh nhà cửa và khu vực xung quanh nhà, đường làng ngõ xóm. Thu gom rác, cây cối, xác động thực vật chôn lấp kỹ và xử lý đúng quy trình, phải rắc vôi bột phủ lên xác động vật trước khi lấp đất.
Việc điều trị tiêu chảy có rất nhiều thuốc và cũng có rất nhiều chú ý kèm theo. Trước khi tính đến việc dùng thuốc cầm tiêu chảy bao giờ cũng phải nghĩ đến việc bù nước và điện giải nhất là với trẻ em. Cần đến khám ở các cơ sở y tế khi đã dùng thuốc mà các triệu chứng không cải thiện hoặc tiêu chảy có kèm theo sốt, nôn, người bệnh có tình trạng mất nước mắt trũng, môi khô, ít nước tiểu, lú lẫn, lơ mơ... Người bị bệnh tiêu chảy vẫn ăn uống bình thường những loại thức ăn nấu chín dễ tiêu, tránh các thức ăn nhiều dầu mỡ, các chất tanh.
Vắc xin sởi đơn tiêm khi 9 tháng và sởi phối hợp tiêm lúc 12 tháng: Mẹ có 2 lựa chọn cho con nên cần phân biệt chúng khác nhau thế nào? Tiêm càng sớm càng tốt hay tiêm vắc xin phối hợp cùng một lúc phòng 3 bệnh nguy hiểm cho con là điều khiến nhiều mẹ lăn tăn. Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm, gây ra bởi virus lây qua đường hô hấp và thường gặp vào vụ Đông - Xuân. Trẻ em dưới 5 tuổi và người chưa được tiêm phòng...