Phòng ngừa chó, mèo gây bệnh cho người
Trong thực tế, chó, mèo có thể gây bệnh cho người qua các con đường sau đây:
1. Do giun đũa Toxocara sp: Loại giun đũa này ký sinh trong đường tiêu hóa của chó, mèo. Trứng giun được thải ra ngoài theo phân. Sau một thời gian, trứng giun có thể lây nhiễm cho người theo đường miệng. Vào đến ruột người, trứng nở ra ấu trùng, ấu trùng này theo đường máu xâm nhập tất cả các cơ quan trong cơ thể và gây bệnh tại cơ quan đó. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, thường nhất là ở trẻ em bởi các em hay nghịch đất, cát, bò lê la dưới sàn nhà hoặc do hay ôm ấp, vuốt ve chó, mèo. Trong khi đó, trứng giun đã bám sẵn trên lông của chó, mèo và chó, mèo có sở thích lăn lộn, vùi mình trên cát, đất… Sau đó các em đưa tay lên miệng mút hoặc cầm nắm thức ăn nên vô tình nuốt phải trứng giun có khả năng lây nhiễm. Ấu trùng của giun có thể vào não gây liệt, vào mắt gây mờ mắt, mù; đến gan gây áp- xe gan; tới da tạo nên các vết bầm mà nhiều phụ huynh chỉ nghĩ rằng do trẻ hiếu động chạy nhảy nên ngã bầm da.
2. Do giun móc Ancylostoma caninum: Loại giun này có ở chó, mèo, sau đó xâm nhập vào cơ thể người qua da, tạo thành những đường ngoằn ngoèo dưới da gây đỏ ngứa.
3. Do sán dải Dipylidium caninum: Bình thường loại sán dải này ký sinh trong ruột chó, mèo. Chúng có thể lây truyền cho người qua đường miệng.
4. Do giun đầu gai Gnathostoma sp: Ký sinh ở chó, mèo, loại giun này muốn lây sang người phải qua các ký chủ trung gian khác như cá, lươn, tôm chưa nấu kỹ.
Một điều hết sức quan trọng cần chú ý là hầu như các loại giun sán này khi vào cơ thể người đều không thể trưởng thành trong đường ruột. Do môi trường bất lợi, chúng không trưởng thành và không thể đẻ trứng. Vì vậy, không thể phát hiện trứng giun chó, mèo khi xét nghiệm phân người mà việc chẩn đoán phải được thực hiện bằng sự kết hợp các triệu chứng lâm sàng với yếu tố dịch tễ, huyết thanh chẩn đoán miễn dịch, siêu âm, giải phẫu bệnh.
Video đang HOT
Thuốc tẩy giun, sán chỉ định cho giun đũa, giun móc, giun tóc, giun kim và sán dây (sán bò, sán lợn), sán lá. Còn loại ký sinh trùng lạc chỗ này do ở dạng ấu trùng nên rất khó tiêu diệt. Còn ở chó, mèo thì chúng trưởng thành nên dễ diệt trừ bằng thuốc. Cần áp dụng thêm một số biện pháp vệ sinh như:
- Rửa tay trước khi ăn, cắt ngắn móng tay.
- Rửa kỹ dưới vòi nước các loại rau ăn sống trước khi dùng.
- Giày dép đi ngoài đường không mang vào nhà.
- Không để chó, mèo vào phòng của trẻ.
- Thường xuyên tắm rửa cho chó, mèo để loại trừ trứng giun bám trên lưng.
- Những bãi cát cho trẻ chơi đùa hay những bãi biển có người tắm phải có rào chắn, không nên để chó, mèo phóng uế.
- Khi làm vườn, bón phân đất, chăm sóc cây kiểng nên dùng dụng cụ và mang bao tay khi tiếp xúc với đất, phân. Sau đó rửa tay bằng xà phòng.
Theo Bác sĩ Ngô Văn Tuấn
Người lao động
Quả lựu hỗ trợ trị giun sán
Quả lựu còn gọi là an thạch lựu, thạch lựu, thạch lựu bì. Bộ phận dùng làm thuốc gồm vỏ rễ, vỏ thân, vỏ cành.
Ảnh minh họa.
Chất pelletierine trong thạch lựu bì (vỏ quả) có tác dụng mạnh đối với giun móc, Isopelletierine, một thành phần trong vỏ cây tác dụng còn mạnh hơn. Tác dụng mạnh do chất tanin trong vỏ thạch lựu làm giảm sự hấp thu các chất alcaloid và làm tăng tác dụng của nó chống giun. Tác dụng kháng khuẩn: In vitro, thuốc có tác dụng ức chế đối với tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn, phẩy khuẩn tả, trực khuẩn lị, trực khuẩn mủ xanh, lao và nhiều loại nấm gây bệnh. Thuốc có tác dụng kháng virus cúm.
Sán dây: Vỏ rễ lựu tươi 60g, hạt cau 40g, nước 750mg. Cho vào nồi (không dùng nồi gang, nồi tôn) ngâm 6 giờ, rồi sắc còn 500ml, lọc bỏ bã. Uống buổi sáng khi đói, chia làm 2 lần cách nhau nửa giờ. Hai giờ sau khi uống thuốc thấy bụng cồn cào khó chịu thì uống một liều thuốc tẩy đến lúc buồn đi ngoài thì ngồi nhúng hẳn mông vào chậu nước ấm để sán ra hết. Trong khi uống nước thuốc cần nằm nghỉ và nhắm mắt.
Giun đũa, giun kim: Vỏ quả lựu 15g, hạt cau già 10g. Sắc 3 lần rồi cô lại còn 100ml, thêm đường vừa ngọt. Uống vào buổi tối trước khi đi ngủ (sau khi ăn 3 giờ), liên tục trong 3 ngày.
Lỵ kinh niên, phân có máu, mủ: Vỏ quả lựu, a giao, đương quy mỗi thứ 10g; hoàng liên, hoàng bá, gừng tươi, mỗi thứ 5g; cam thảo bắc 3g. Sắc 3 nước, cô lại còn 250ml, chia làm 4 lần uống trong ngày, uống 7 - 10 ngày.
Đái són, đái rắt: Vỏ thân lựu 20g, vỏ rễ dâu 20g, sắc uống.
Phỏng lửa hoặc phỏng nước sôi: Vỏ lựu rửa sạch, sấy khô, tán bột mịn, trộn đều với dầu mè thoa lên chỗ phỏng, ngày 3 - 4 lần
Lưu ý: Chỉ dùng ấm đất hoặc nồi, xoong nhôm, thép không gỉ để sắc thuốc vì lựu có hàm lượng tanin cao. Vỏ quả lựu cần sao khô, giã cho dập thành bột thô rồi mới sắc để rút hết chất thuốc. Nếu ăn nhiều quả lựu sẽ hại phổi, tổn hại răng. Khi dùng vỏ quả khô, vỏ thân, vỏ rễ khô thì phải bảo quản nơi khô ráo, không để lâu quá 2 năm. Người thể trạng hư yếu, phụ nữ có thai và trẻ em không nên dùng thuốc có lựu.
Theo BS Hoàng Xuân Đại
Kiến Thức
Cách phòng ngừa nhiễm giun sán Chống phát tán mầm bệnh, tăng cường vệ sinh cá nhân, không dùng phân chưa ủ kỹ để bón ruộng, tẩy giun 6 tháng một lần... để phòng ngừa giun sán. Tiến sĩ Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng trung ương cho biết, nhiễm giun đường ruột cho đến nay vẫn bị xếp vào nhóm bệnh...