Phòng chống lao: Lo nhiều hơn mừng?
Nước ta vẫn chưa thoát khỏi danh sách các nước có bệnh lao là gánh nặng quốc gia dù có nhiều tiến bộ, thành tựu trong công tác phòng và điều trị lao, được thế giới ghi nhận, đánh giá cao trong những năm vừa qua.
Sau hơn 10 năm tích cực phòng chống lao, Việt Nam vẫn trong danh sách các nước mà lao là gánh nặng quốc gia với thứ hạng cao thêm 1 bậc (từ 13 lên vị trí 12). Và nếu theo như kết quả của chương trình phòng chống lao, tỉ lệ phát hiện lao mới bắt đầu giảm trung bình là 0,8% – 1,7% trong 5 năm. Tính toán cho thấy xu hướng hàng năm tất cả thể bệnh giảm 4-5%. Vậy những nguyên nhân nào đe dọa việc hoàn thành mục tiêu giảm 50% vào 2015 và thanh toán bệnh lao 15 năm sau đó?
Tỉ lệ phát hiện bệnh nhân lao còn thấp
Bệnh lao có xu hướng gia tăng ở người trẻ (15-34 tuổi) do đại dịch HIV/AIDS, sự chuyển dịch từ nông thôn ra thành thị… (Ảnh: Matthieu Zellweger)
Báo cáo Hoạt động giai đoạn 2007-2011 của chương trình chống lao chỉ rõ: “Công tác phòng chống lao tại Việt nam dựa trên việc phát hiện thụ động với người nghi lao có triệu chứng ho khạc đờm trên 2 tuần”.
Trên thực tế, theo điều tra, tỉ lệ phát hiện bệnh nhân lao phổi AFB dương tính chỉ là 53% nếu dựa trên triệu chứng ho khạc đờm trên 2 tuần. Như vậy, còn tới 47% trường hợp mắc lao phổi AFB dương tính có các triệu chứng khác (có thể phát hiện qua chụp X-quang) không được phát hiện tại các cơ sở của chương trình phòng chống lao quốc gia. Điều này cho thấy cần phải đưa X-quang vào chương trình phòng chống lao.
Cùng với các thể lao khác, tỉ lệ phát hiện bệnh nhân lao nói chung hiện chỉ là gần 60%. Điều này có nghĩa là còn tới hơn 75.000 người (tương đương với 2 lần số dân của 1 quận đông nhất Hà Nội)mang vi khuẩn lao “vô tư” chung sống với cộng đồng, mặc sức lan truyền vi khuẩn cho người khác cho đến khi phát bệnh (vì hệ miễn dịch kém đi hoặc do quá trình lão hóa, mắc các bệnh mãn…).
Nguồn lực tỉ lệ nghịch với số bệnh nhân lao
Theo ước tính của tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ mắc lao phổi AFB dương tính là 90/100.000 dân. Trong khi đó, theo điều tra dịch tễ lao của nước ta ngay sau đó (2006-2007), tỉ lệ này là 145/100.000 dân (tương đương với khoảng 125.000 người bệnh), cao gấp 1,6 lần so với ước tính. Và hơn thế, tỉ lệ mắc lao phổi AFB dương tính này chỉ chiếm khoảng 50% tổng số người mắc lao. Và báo cáo mới nhất vào năm 2011 của WHO, tỉ lệ này vẫn giữ nguyên.
Như vậy, trong 5 năm tới sẽ có khoảng gần 1 triệu người dân mắc lao và gần 100.000 trong số đó sẽ chết oan uổng vì không được phát hiện bệnh lao và cứu chữa kịp thời.
Chưa kể, mỗi năm có khoảng 10% bệnh nhân kháng thuốc nhưng chỉ có 2-3% trong số này được quản lý và điều trị. 7-8% còn lại tích lũy trong 5 năm sẽ là 1 con số không nhỏ.
Rõ ràng, gánh nặng bệnh lao tại Việt Nam đang ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, nguồn lực hiện đang là một vấn đề lớn.
Mặc dù chương trình chống lao bao phủ 100% vùng lãnh thổ nhưng có tới 50% cán bộ làm công tác chống lao tuyến huyện chưa được đào tạo, còn ở tuyến xã/phường 100% là kiêm nhiệm và rất nhiều nơi không có cán bộ phòng chống lao. Sở dĩ có tình trạng này là do cán bộ chống lao đang già đi mà không có lực lượng kế cận thay thế bởi chẳng ai muốn làm việc trong 1 môi trường có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhưng thu nhập lại rất thấp.
“Đơn thương độc mã”
Video đang HOT
Trong chuyến thăm bệnh viện Phổi TƯ giữa tháng 3 vừa qua, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thực sự bất ngờ khi biết rằng từ 1956 đến nay, bệnh viện chưa hề được chính phủ đầu tư nâng cấp (Ảnh: M.D)
Nếu giai đoạn trước 2012, chương trình phòng chống lao nhận được sự quan tâm rất lớn từ các tổ chức nước ngoài, trong đó có sự hỗ trợ rất lớn từ chính phủ Hà Lan, thì kể từ nay (2012), theo Phó thủ tướng chính phủ Nguyễn Thiện Nhân “Ta phải tự cứu ta” vì các nguồn tài trợ sẽ không còn.
Tuy nhiên, ngay cả ở giai đoạn trước, cộng đồng đều xem chống lao là của ngành y tế. Ngay cả chính phủ, quốc hội, truyền thông cũng đều gần như “đứng” ngoài cuộc.
Nhưng ngay cả trong ngành y tế thì sự hưởng ứng của các bệnh viện công lập thành phố và TƯ cũng rất hạn chế (như TPHCM, vùng có số người mắc lao cao nhất cả nước, cũng chỉ có hơn 50% bệnh viện tham gia) còn khối y tế tư nhân thì lại càng không mặn mà. Trong khi đó, điều tra cho thấy có hơn 40% người bệnh tự mua thuốc chống lao tại quầy thuốc, khoảng 30-40% người bệnh đến khám cơ sở y tế tư nhân.
Về tình trạng lao kháng thuốc, ngoài nguyên nhân là do người bệnh thiếu hiểu biết, tự ý bỏ điều trị, nguồn lực y tế không đủ thì việc thiếu kiểm soát, quản lý thuốc chống lao trôi nổi trên thị trường của các cơ quan chức năng cũng góp phần làm gia tăng bệnh nhân lao bị kháng thuốc.
Sự kỳ thị – Rào cản vô hình
Có thể dễ dàng nhận thấy là việc điều trị lao là hoàn toàn miễn phí với nhiều phương tiện xét nghiệm hiện đại (kỹ thuật GenExpert cho phép phát hiện vi khuẩn lao trong đờm, phát hiện tính nhạy cảm với thuốc rifampixin trong 100 phút với độ nhậy và đặc hiệu rất cao, rút ngắn hàng chục lần về mặt thời gian so với phương pháp nuôi cấy cũ) và sử dụng thuốc mới (phương pháp điều trị hóa trị ngắn ngày có kiểm soát (DOTS)) đặc biệt người bệnh được điều trị tại nhà, nhận thuốc thuận tiện…. Tuy nhiên, tỉ lệ tử vong lao là khá cao (cứ 20 phút có 1 người chết vì lao, cao gấp đôi so với TNGT).
Một trong những nguyên nhân là do sự hiểu biết của người dân về bệnh lao còn hạn chế nhưng nguyên nhân chính có lẽ là xã hội kỳ thị với bệnh nhân lao (bệnh dễ lây qua đường hô hấp), khiến người bệnh mặc cảm, thường giấu bệnh và chỉ đến viện khi bệnh đã rất nặng. Và không chỉ người lạ, ngay chính người thân cũng sợ hãi khi phải tiếp xúc, chăm sóc người bệnh mà không hiểu rằng hoàn toàn có thể ngăn chăn được việc lây và mắc bệnh bằng các loại thuốc dự phòng và cách vệ sinh đúng trong sinh hoạt hằng ngày.
“Người bệnh không nhận ra quyền được chữa bệnh miễn phí. Quan trọng hơn, không nhận ra trách nhiệm với cộng đồng, nếu không chữa sẽ lây ra cộng đồng”, PGS. TS Đinh Ngọc Sỹ, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương kiêm Chủ nhiệm Chương trình Chống lao quốc gia, cho biết.
Người bệnh đã vậy nhưng ngay chính cả bác sĩ làm trong ngành lao cũng phải giấu nghề nghiệp của mình. Một bác sĩ giấu tên cho biết: “Khi ai đó hỏi tôi làm ở chuyên khoa nào, chữa bệnh gì, tôi chỉ nói là chữa ho bởi nếu nói chữa lao sẽ ngay lập tức nhận được ánh mắt e ngại….”.
Truyền thông chưa được chú trọng
PGS nhận định sẽ chú trọng nhiều hơn vào tuyên truyền cho cả người không bị bệnh, người sống cạnh người bệnh và các nhà hoạch định chính sách (Ảnh: N.H)
Tại hội nghị của ngành lao mới đây, từ khuyến nghị của WHO về công tác tuyên truyền lao là một “cấp cứu sức khỏe quốc gia” cho các nhà chính trị (Đảng, Quốc hội) và lãnh đạo địa phương , Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ: “Quốc hội có bàn về lao mấy đâu. Suýt nữa chương trình phòng chống lao bị đưa ra khỏi chương trình quốc gia vào năm ngoái (2011 – PV)” bởi “Cái này là do các đồng chí (Bộ Y tế – PV) nói “khẽ” quá, không cung cấp đủ thông tin”.
Ngoài ra, trong khi ngộ độc thực phẩm, tai nạn giao thông được nhắc tới thường kỳ trên các phương tiện truyền thông dù tỉ lệ tử vong thấp hơn rất nhiều so với lao thì tuyên truyền cho lao chưa được chú trọng.
“Ngày trước mới chỉ truyền thông cho người bệnh. Đúng nhưng chưa đủ, cần phải truyền thông cho người không bị bệnh, người ở cạnh người bệnh và các nhà chính sách hoạch định để có cái nhìn đúng hơn về bệnh, xóa bỏ rào cản”, PGS.TS Đinh Ngọc Sĩ đánh giá.
Những thách thức về tài chính
Những tháo gỡ về tài chính và sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính Phủ sẽ giúp những bác sĩ trẻ yên tâm với công tác phòng chống lao quốc gia hơn (Ảnh: N.H)
Để phòng chống lao, trong giai đoạn 94-98, chương trình cần 31 triệu Euro còn giai đoạn 2007-2011 cần 38 triệu đô trong đó sự hỗ trợ của riêng chính phủ Hà Lan lần lượt là 71 triệu Euro và 10 triệu Euro. Tuy nhiên, sự hỗ trợ của chính phủ Hà Lan, Quỹ toàn cầu… đều đã kết thúc vào năm 2011. Chính phủ chỉ hỗ trợ được 25 triệu trong khi dự trù cho hoạt động của chương trình trong giai đoạn tiếp theo hiện cao gấp nhiều lần so với giai đoạn cũ, nếu muốn đạt được được các mục tiêu đề ra. Và Tổ chức y tế thế giới đã đưa khuyến cáo về sự khủng hoảng thường xuyên của ngân sách hiện nay.
Theo PGS.TS Đinh Ngọc Sĩ, tài chính hiện nay chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu của chương trình phòng chống lao.
Trước những khó khăn này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện nhân khẳng định: Việc chờ đợi tài trợ nước ngoài lúc này là không khả thi bởi thế giới đang trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế và cách duy nhất là “Chúng ta phải làm lấy” nếu không muốn rơi vào bế tắc.
Phó thủ tướng cũng thừa nhận “thiếu sót” khi chưa quan tâm tới lao như vấn đề kỹ thuật cao của ngành và đề xuất một lối ra tài chính cho chương trình Phòng chống lao cần bao gồm nhiều biện pháp như: hợp tác ngành dọc (theo khuyến nghị của WHO), tiếp cận theo đặc điểm địa phương (sự hỗ trợ của địa phương), khuyến khích y tế tư tham gia phát hiện và điều trị lao tập trung vào các vùng lãnh thổ có tỉ lệ mắc lao cao nhất (Đông Nam Bộ – Tây Nam Bộ – Duyên hải Nam Trung bộ có tỉ lệ mắc lao chiếm 60% cả nước hoặc thêm Đồng bằng Sông Hồng vào nhóm, với tỉ lệ mắc lao là 18%) luân phiên bác sĩ để đáp ứng nhu cầu nhân lực….
Tính khả thi của mục tiêu
Sau khi xem xét chiến lược giai đoạn 2011-2015 và đến 2030, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo:
Nên rà soát lại chiến lược chống lao.
Phải xem xét 4 khuyến cáo của quốc tế.
Xem lại tính khả thi của các mục tiêu đã đề ra như liệu có thể giảm được 50% số người mắc lao đến 2015? Nếu không làm được thì hạ mục tiêu. Cần bổ sung chỉ tiêu giảm người tử vong vào kế hoạch.
Về tái cơ cấu kinh tế, Bộ Y tế cần xem xét những bệnh gì gây tác hại cho xã hội cần ưu tiên.
Tiết kiệm kinh phí bằng cách huy động nguồn lực xã hội, y tế tư nhân.
Muốn giảm lao nhanh phải tập trung vào các vùng trọng điểm (3 hoặc 4 vùng chiếm từ 60 – 78% số người mắc lao cả nước)”.
Giảm chi phí phát hiện và chữa trị lao bằng công nghệ mới.
Quyết liệt trong chính sách nhân lực (luân phiên người).
Phải có mục tiêu chống lao ở từng địa phương, trở thành 1 chỉ tiêu kinh tế – xã hội để đốc thúc việc hoàn thành các chỉ số đặt ra.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị đánh giá công tác phòng chống lao giai đoạn 2007-2011, PGS. TS Đinh Ngọc Sĩ chia sẻ: “Mong muốn của chúng tôi là xác định được nhiệm vụ, mục tiêu trong 5 – 10 năm nữa trên cơ sở khoa học, được chính phủ, quốc hội chấp nhận”.
Mặc dù công tác phòng chống lao còn muôn vàn khó khăn với nhiều nguyên nhân cần được tháo gỡ nhưng với sự quan tâm của Chính phủ, rõ ràng là trong nỗi lo đã lấp ló những hy vọng và cả những niềm tin.
Thu Phương
Theo Dân trí
Chống lao: "Lao đao" vì thiếu nghiêm trọng bác sĩ
"Cứ 10 người dân Việt Nam thì có 4 người nhiễm lao" nhưng vẫn còn nhiều người nhiễm chưa được phát hiện trong cộng đồng. Bệnh lao đang đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người dân, tuy nhiên số lượng bác sĩ và cán bộ phòng chống lao đang thiếu hụt nghiêm trọng.
Trên 40% dân số đã nhiễm lao, Việt Nam xếp thứ 12 trong số 22 nước có số lượng bệnh lao nhiều nhất thế giới. Mỗi năm nước ta có 30.000 người chết vì bệnh lao, con số mới nhiễm lên đến gần 200.000 người. Trong khi đó tình trạng lao đa kháng thuốc đang diễn biến ngày một khó lường hơn. Hiện nay tỷ lệ lao đa kháng thuốc là 2,7% với khoảng 5.000 - 6.000 bệnh nhân. Số bệnh nhân này có nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị đúng theo phác đồ.
Tuy nhiên, bác sĩ và cán bộ phục vụ cho công tác phòng chống lao chỉ "đếm trên đầu ngón tay". Trong cuộc họp bàn về công tác phòng chống lao giai đoạn 2011 - 2015 diễn ra ngày 12/3 tại TPHCM, PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ, Giám đốc bệnh viện Phổi TƯ, Chủ nhiệm chương trình phòng chống lao quốc gia cho biết: "Tỷ lệ bác sĩ cho hoạt động chống lao hiện nay là 1,58/100.000 dân, tính chung cả lực lượng cán bộ chuyên trách là 12/100.000 dân".
Số lượng bác sĩ điều trị bệnh lao hiện đang thiếu hụt nghiêm trọng (ảnh: LN)
Nhiều địa phương đang thiếu nghiêm trọng bác sĩ phục vụ công tác phòng chống lao. Giám đốc bệnh viện Lao Phổi Đà Nẵng bày tỏ lo ngại: "Đã 10 năm nay chúng tôi chưa tuyển thêm được một bác sĩ nào. Sau thế hệ chúng tôi không biết còn ai sẽ làm lao nữa" hoặc "Thiếu cán bộ ở cả hai tuyến tỉnh và huyện, một phần do chính sách không được hưởng chế độ gì đặc biệt... nhân lực chống lao ngày càng ít đi do cơ chế hiện nay không ràng buộc, không có bác sĩ mới về", Giám đốc bệnh viện Lao và bệnh Phổi Hà Tĩnh chia sẻ.
Phân tích về tình trạng thiếu nhân lực, PGS Đinh Ngọc Sỹ cho biết: "Mặc dù ngành y tế đã cố gắng kêu gọi nguồn nhân lực cho phòng chống lao nhưng nguy cơ lây nhiễm cao, thu nhập thấp, lại có sự kỳ thị xã hội khiến đa số người không mặn mà. Cán bộ làm công tác chống lao đang "già đi" không có người thay thế trong khi bệnh lao đang "trẻ lại". Hiện có gần 50% cán bộ tại tuyến huyện là mới, chưa được đào tạo, nhiều huyện thuộc vùng sâu vùng xa không có cán bộ phòng chống lao".
Tình trạng trên đang tạo điều kiện thuận lợi cho sự bùng phát của bệnh lao trong cộng đồng, tuy nhiên chế độ cho người làm công tác được xem là rất khó khăn này lại đang bị "bỏ ngỏ". Thông tư 147 quy định với mức bồi dưỡng "còm cõi" cho người phòng chống lao ra ngày 12/2/2007 (chi cho cán bộ y tế theo dõi bệnh nhân trong 8 tháng điều trị miền núi 150.000 đồng, khác 100.000 đồng Chi cho cán bộ khám, phát hiện và đưa bệnh nhân đến huyện: Miền núi 30.000 đồng/xã/tháng, đồng bằng 20.000 đồng/xã/tháng.) đã hết hiệu lực ngày 31/12/2010 nhưng đến nay vẫn chưa ban hành văn bản mới.
Hiện chương trình phòng chống lao đang đề ra mục tiêu đến năm 2015 sẽ kéo giảm 50% số bệnh nhân hiện mắc so với ước tính năm 2.000, và sau 30 năm sẽ thanh toán bệnh lao ở Việt Nam. Tuy nhiên với lực lượng quá mỏng các bác sĩ, cán bộ cho công tác chống lao nhiều chuyên gia đánh giá "với mục tiêu trên, chương trình chống lao Quốc gia đang tự mang đá đè mình".
Vân Sơn
Theo Dân trí
Ho ra máu có thể là biểu hiện của lao phổi Tôi 27 tuổi, khoảng 3 tháng gần đây, tôi ho nhiều vào ban đêm, thỉnh thoảng có ra máu và thưng hay đau ở vùng ngực. Tôi đã đi khám, bác sĩ nghi ng tôi bệnh lao, cho thuốc uống gần 1 tháng nay ng vẫnng khá hơn. Mong bác sĩ cho hỏi, bệnh lao có khả nănging? Tôi cần phảm gì để...