Phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm
Hiện nay, dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội cơ bản đã được kiểm soát, nhưng do quy mô chăn nuôi còn nhỏ lẻ, thời tiết diễn biến bất thường… nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất lớn.
Để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, ngành Nông nghiệp Hà Nội yêu cầu các địa phương hướng dẫn người dân chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Tổng vệ sinh tiêu độc môi trường phòng, chống dịch cúm gia cầm tại xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Đăng Khôi
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, từ đầu năm đến nay, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản kiểm soát tốt. Tuy nhiên dịch cúm gia cầm vẫn bùng phát lẻ tẻ tại một số địa phương như dịch cúm gia cầm A/H5N6, vừa qua lại xảy ra tại thôn Viên Ngoại (xã Viên An, huyện Ứng Hòa) tại một hộ chăn nuôi, làm chết và tiêu hủy 15.305 con gà hậu bị (trên 3 tháng tuổi).
Video đang HOT
Về vấn đề này, bà Đặng Thị Tươi, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa cho biết, ngay sau khi có ổ dịch cúm gia cầm, huyện đã chỉ đạo các đơn vị quyết liệt xử lý nhanh gọn, không để dịch lây lan diện rộng; đồng thời, chính quyền địa phương theo dõi, giám sát chặt chẽ đàn vịt đẻ, gà đẻ tại các khu chuồng nuôi tách biệt, nếu có biểu hiện ốm, chết nghi do cúm gia cầm thì lập tức tiêu hủy. “Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đã cấp 200kg hóa chất Hankon WS và 100.000 liều vắc xin để huyện bao vây và phun khử trùng tiêu độc ổ dịch”, bà Tươi thông tin.
Nhận định về tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trong thời gian tới, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Nguy cơ tái phát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm rất cao do ảnh hưởng của thời tiết; việc tái đàn, tăng đàn lợn, đàn gia cầm ở các hộ dân đang gia tăng. Các ổ dịch cúm gia cầm xảy ra nhỏ lẻ, hầu hết xảy ra trên đàn gia cầm thương phẩm…
Hiện nay, tổng đàn gia cầm của thành phố rất lớn (33,5 triệu con), chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao (chiếm hơn 60% tổng số hộ chăn nuôi). Ngoài ra, nhận thức của người dân về chăn nuôi an toàn sinh học và chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm còn hạn chế… Mục tiêu tăng trưởng ngành Nông nghiệp năm 2020 đạt từ 4,12% trở lên, trong đó lĩnh vực chăn nuôi đạt mốc tăng trưởng 7,47%. Để thực hiện mục tiêu này, một trong những giải pháp quan trọng đó là làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Theo ông Nguyễn Duy Đáng, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thạch Thất: Hiện tổng đàn gia cầm của huyện là 1,1 triệu con; đàn lợn 70.305 con; đàn trâu, bò 7.458 con. Để bảo vệ đàn gia súc, gia cầm, huyện đã tổ chức 3 đợt tổng vệ sinh tiêu độc môi trường, phòng, chống dịch bệnh và phun thuốc diệt ruồi, côn trùng mùa nắng nóng. Huyện cũng yêu cầu các xã giám sát dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi, phát hiện sớm các ổ dịch để xử lý, bao vây, khống chế, không để dịch lây lan; quản lý chặt chẽ việc tái đàn lợn; áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học kết hợp sử dụng chế phẩm vi sinh để hạn chế dịch bệnh…
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết: Sở tiếp tục chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội phối hợp với các địa phương tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trong mùa hè, nắng nóng; đôn đốc kiểm tra, giám sát dịch bệnh, phát hiện sớm, báo cáo, khoanh vùng và xử lý kịp thời khi có ổ dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xảy ra. Các huyện triển khai tốt đợt tiêm phòng đại trà và bổ sung hằng tháng, bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt từ 80% tổng đàn trở lên và lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng để đánh giá hiệu quả tiêm phòng; giám sát lưu hành của vi rút; triển khai công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường… nhằm hạn chế mầm bệnh phát sinh.
Bắc Kạn chủ động ngăn chặn dịch bệnh trên đàn vật nuôi
Từ đầu mùa đông tới nay, tại Bắc Kạn liên tiếp xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, gây nhiều thiệt hại, trong đó có chủng cúm trên gia cầm có khả năng lây sang người.
Với sự tích cực, đồng bộ, Bắc Kạn đã khoanh vùng, xử lý tốt các ổ dịch, tuy nhiên do thiếu kinh phí tiêm phòng cho nên công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương này vẫn còn nhiều khó khăn.
Tiêm phòng cho gia cầm tại trang trại của Hợp tác xã Trần Phú, xã Hảo Nghĩa, huyện Na Rì.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Kạn, kinh phí mua vắc-xin hằng năm hiện rất thiếu, chỉ đủ mua cơ số vắc-xin phòng bệnh lở mồm long móng (LMLM) tiêm cho đàn trâu, bò. Đối với đàn lợn, gia cầm, người nuôi phải tự bỏ kinh phí mua vắc-xin và tiêm theo hướng dẫn. Mỗi mũi tiêm cho lợn và gia cầm giá không quá cao, nhưng người nuôi cho rằng thời gian chăn nuôi ngắn, thường chỉ từ ba đến bốn tháng cho nên nhiều hộ chủ quan, không tiêm phòng dẫn đến nhiễm bệnh. Chưa kể, nhiều hộ dân không tiêm phòng cho đàn trâu, bò theo khuyến cáo dẫn tới nhiều ổ dịch tái bùng phát.
Ngày 19-11-2019, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh xét nghiệm mẫu bệnh phẩm đàn gia súc của hộ ông Hoàng Văn Tu, thôn Đồng Luông, xã Quảng Chu (Chợ Mới) đã cho kết quả mẫu bệnh phẩm dương tính với vi-rút LMLM type O. Chưa đầy một tháng sau, dịch bệnh đã lây lan ra 96 con trâu, bò ở 30 hộ tại chín thôn thuộc bốn xã của huyện Chợ Mới. Đến tháng 12-2019, Bắc Kạn phát hiện một ổ dịch cúm A/H5N6 trên đàn gia cầm của hộ anh Bùi Văn Nhuận, phố Ngã Ba, thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bạch Thông kiểm tra, lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm. Kết quả, các mẫu bệnh phẩm dương tính với vi-rút cúm gia cầm subtype H5N6.
Tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi tại Bắc Kạn tiếp tục diễn biến phức tạp khi tháng 1-2020, dịch bệnh LMLM xảy ra tại huyện Chợ Đồn làm 24 con trâu, bò mắc bệnh do các hộ chăn nuôi không tiêm phòng. Ngoài ra, các bệnh truyền nhiễm khác như bệnh tụ huyết trùng, lép-tô, niu-cát-xơn... xảy ra tại một số địa phương.
Để ngăn ngừa dịch bệnh lan rộng trên đàn vật nuôi, tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương khoanh vùng, dập dịch, hỗ trợ nhân dân khôi phục tái đàn. Huyện Bạch Thông đã thu gom, tiêu hủy hơn 300 con gia cầm các loại của hơn 20 hộ dân trong phạm vi 300 m trở lại tại ổ dịch cúm gia cầm subtype H5N6; phun khử trùng tiêu độc... Nhờ đó, đến ngày 3-2, huyện đã đủ điều kiện công bố hết dịch cúm này trên địa bàn. Việc tuyên truyền, khuyến cáo, hướng dẫn, nhất là các hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi quy mô lớn được đẩy mạnh đã tạo ra chuyển biến. Anh Phan Văn Tuân, Giám đốc Hợp tác xã Trần Phú, xã Hảo Nghĩa (Na Rì) cho biết, các hộ thành viên thực hiện tốt việc vệ sinh chuồng, trại chăn nuôi gia cầm, thường xuyên phun thuốc khử trùng tiêu độc hai lần/tháng, chủ động tiêm phòng vắc-xin, hạn chế người ra, vào khu chăn nuôi để bảo đảm không lây nhiễm dịch bệnh.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã chỉ đạo, phối hợp các địa phương khoanh vùng ổ dịch, không vận chuyển gia súc, gia cầm ra vào vùng có dịch; không bán chạy, giết mổ gia súc ốm, chết trong vùng dịch. Hướng dẫn các hộ dân có trâu, bò ốm tiến hành cách ly con ốm, không chăn thả ra bãi chăn, đồng cỏ chăn nuôi chung với đàn vật nuôi của các hộ khác. Tiến hành điều trị trâu, bò ốm bằng cách rửa vết loét bằng nước chanh, giấm, khế chua,... bổ sung thức ăn là những loại cỏ mềm, cháo loãng. Triển khai phun thuốc khử trùng tiêu độc tại vùng dịch và vùng uy hiếp. Đến nay, số vật nuôi mắc bệnh đã được điều trị kịp thời, không để lan ra diện rộng. Từ 15-1 tới nay, toàn tỉnh không phát sinh ổ dịch tả lợn châu Phi mới; có 97 xã, phường, thị trấn đã công bố hết dịch, 19 xã đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới.
Tuy nhiên, khó khăn đối với Bắc Kạn là ý thức của nhiều hộ dân chưa cao khi không thực hiện tốt việc tiêm phòng vắc-xin theo khuyến cáo của ngành chuyên môn. Cả năm 2019, tỉnh mới tiêm phòng vắc-xin LMLM được 72.386/104.400 liều đạt 69% kế hoạch; tiêm phòng đối với gia cầm cũng không đạt như kế hoạch. Do vậy, đầu tháng 2-2020, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành phương án phòng, chống dịch bệnh trên động vật; chỉ đạo ngành chuyên môn, các địa phương rút kinh nghiệm, thực hiện tốt việc tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi đợt một năm 2020 từ ngày 1-3 và cả năm.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn Nguyễn Ngọc Cương cho biết, chúng tôi yêu cầu ngành chuyên môn, các địa phương phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho gia súc, gia cầm. Trước mắt, để ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm, ngành tổ chức các đoàn kiểm tra đến các địa phương; củng cố hệ thống y tế cơ sở; chủ động bố trí kinh phí giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại các vùng nguy cơ cao... Tuy nhiên, về lâu dài, Bắc Kạn cũng kiến nghị các bộ, ngành quan tâm hỗ trợ kinh phí vắc-xin, thuốc tiêu độc khử trùng cho địa phương.
TUẤN SƠN
Nghệ An khống chế thành công ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 đầu tiên UBND huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) vừa công bố hết dịch cúm gia cầm A/H5N6 trên địa bàn xã Quỳnh Hồng, sau 21 ngày địa phương này tập trung phòng chống dịch. Tiêu hủy gia cầm bị dịch cúm A/H5N6 trên địa bàn xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Quang An Sau 21 ngày tập trung phòng chống dịch, bằng các giải...