Phòng bệnh lây từ chó
Chó là loài vật gần gũi với con người hơn các loài động vật khác nhưng chó có thể gây bệnh cho người, điển hình là bệnh dại và bệnh sán chó.
Cần vệ sinh tay chân sạch sẽ bằng xà phòng ngay sau khi chơi đùa với chó mèo. Ảnh: fatherly.com
Chó là động vật được con người thuần dưỡng sớm nhất, được nuôi trong nhà nhiều nhất. Tất nhiên, chúng cũng gần gũi với con người hơn hẳn các loài động vật khác. Tuy nhiên, chó có thể gây bệnh cho người, điển hình là bệnh dại và bệnh sán chó.
Bệnh dại
Bệnh dại là bệnh do virus gây ra. Ban đầu bệnh xảy ra ở động vật như chó mèo, cáo, cầy, dơi… sau đó ngẫu nhiên truyền sang người, thường là do bị chó cắn hay mèo cào. Virus truyền từ động vật sang người chủ yếu bằng nước dãi khi động vật cắn, cào, liếm hoặc hiếm hơn là qua niêm mạc mũi, mắt khi hít phải virus lơ lửng trong không khí ở các hang dơi hay virus lang thang với bụi trong các môi trường bị nhiễm bẩn. Thời gian ủ bệnh kéo dài 2 tuần đến 2 năm (trung bình là 40 ngày). Do thời gian ủ bệnh kéo dài như vậy nên nhiều trường hợp bệnh nhân và người nhà đã quên thời điểm bị chó mèo liếm, cào, cắn. “Lợi dụng” khoảng thời gian ủ bệnh kéo dài, người ta đã chế tạo ra vắc xin tiêm phòng để tạo miễn dịch trước khi bệnh xuất hiện.
Biểu hiện
Các biểu hiện của người mắc bệnh dại trong thời kỳ toàn phát là: Lo âu, trằn trọc, sốt. Tại nơi virus xâm nhập có cảm giác kiến bò, tê bì, ngứa, rát. Một biểu hiện điển hình và chắc chắn mắc bệnh dại là chứng “sợ nước, sợ gió” (vì sự co thắt các cơ thanh quản, họng gây đau đớn, thần kinh bị kích thích mạnh, thở từng hồi, nói như đứt hơi, mắt long sòng sọc, tai nghe rất thính…). Bệnh nhân có thể bị liệt, ngừng hô hấp, tuần hoàn và tử vong trong một bối cảnh nặng nề, rất đáng thương tâm. Các trường hợp bệnh dại ở trẻ em thường là không điển hình, dấu hiệu “sợ nước, sợ gió” không rõ. Bệnh cảnh của trẻ chủ yếu là lơ mơ, mê sảng trong bối cảnh của một hội chứng màng não (sốt, nôn, cứng gáy, li bì…). Bệnh dại diễn biến xấu nhanh và tử vong trong vòng 1 tuần lễ.
Chưa có phương pháp điều trị bệnh dại khi đã lên cơn (tỷ lệ tử vong là 100% khi đã lên cơn). Khi bị chó mèo cào cắn cần rửa sạch vết thương ngay bằng xà phòng, không khâu vết thương, tiêm phòng uốn ván nếu xét thấy cần thiết, sau đó tham vấn ý kiến của bác sĩ hay nhân viên y tế dự phòng cách theo dõi và tiêm phòng bệnh dại. Tiêm phòng vắc xin cho tất cả chó nuôi trong gia đình.
Xử trí khi bị chó cắn
Bắt buộc tiêm phòng vắc xin cho tất cả các trường hợp bị chó nghi mắc bệnh dại cắn và những trường hợp sau đây:
- Sau khi cắn chó bỏ chạy mất.
- Chó bị đập chết ngay.
- Chó chết hoặc đột nhiên biến mất trong vòng 1 tuần lễ sau đó.
Theo dõi sau khi bị chó cắn:
- Vết thương xa thần kinh trung ương (tức ngoài vùng đầu mặt, cổ): Nhốt chó theo dõi 1 tuần, thấy chó vẫn bình thường thì không cần phải tiêm.
- Vết thương ở gần thần kinh trung ương: Vừa tiêm vắc xin vừa theo dõi. Nếu chó chết trong vòng 1 tuần thì tiêm tiếp. Nếu chó sống>1 tuần thì ngừng tiêm.
Bệnh sán chó
Bệnh sán chó là bệnh xảy ra do trứng giun từ chó xâm nhập vào cơ thể người phát triển và gây bệnh. Ai cũng có thể mắc bệnh sán chó, nhưng đối tượng có nguy cơ cao nhất vẫn là trẻ em. Các nghiên cứu cho thấy tỉ lệ trung bình người có huyết thanh dương tính – nghĩa là bị nhiễm sán chó ở khu vực nông thôn là 14,2-37% và thành thị là 2-5%.
Video đang HOT
Tác nhân gây bệnh
Đó là một loại giun thân tròn, thường được gọi là giun đũa chó hay mèo, phát triển trong đường tiêu hóa của chó, đẻ trứng rồi theo phân bài tiết ra ngoài môi trường (có khoảng 15.000 trứng giun trong 1 gram phân chó) và hóa thành phôi sau 1-2 tuần. Phôi là giai đoạn có thể gây bệnh cho người nếu vô tình “rước” chúng vào cơ thể qua đường ăn uống do tay bẩn, do thức ăn bị nhiễm bẩn. Trứng giun chó dưới dạng phôi sau khi vào cơ thể người phóng thích ra ấu trùng nhỏ li ti. Các ấu trùng này chui qua thành ruột vào máu. Theo dòng máu, chúng tỏa đi khắp các bộ phận trong cơ thể. Đáng lưu ý nhất là thần kinh trung ương, gan, phổi và mắt. Ấu trùng có thể sống sót trong cơ thể người sau nhiều tháng. Điều may mắn là hệ thống miễn dịch của cơ thể tiêu diệt chúng qua các phản ứng viêm. Tuy nhiên, tổ chức tế bào của các mô bị ấu trùng xâm nhập cũng chịu nhiều tổn thương. Trong cơ thể người, ấu trùng giun chó không phát triển đến giai đoạn trưởng thành, nhưng có thể biến thành bào nang hoặc vôi hóa gây tổn thương các mô mà chúng hiện diện. Ấu trùng giun chó chỉ phát triển giai đoạn trưởng thành ở trong lòng ruột non của chó hoặc mèo mà thôi.
Biểu hiện
Biểu hiện của bệnh sán chó tùy thuộc vào số lượng ấu trùng và các cơ quan mà chúng xâm nhập. Sau đây là các dấu hiệu có thể gặp ở người mắc bệnh sán chó:
- Sốt, mệt mỏi, ngứa ngáy, nổi ban.
- Đau vùng bụng, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, gan lớn, lách lớn.
- Nhức đầu, sa sút trí tuệ, co giật, hôn mê.
- Ho và thở như người bị hen suyễn.
- Đột nhiên giảm thị lực, thường là một bên và có thể dẫn đến mù lòa.
- Ngoài ra có thể gặp các biểu hiện của viêm cơ tim, viêm thận, viêm não – màng não, viêm tủy, viêm thần kinh ngoại biên, viêm các dây thần kinh sọ não.
- Xét nghiệm thấy bạch cầu ái toan tăng cao (có thể đến 70%, bình thường: 1- 3,5%). Các globulin miễn dịch như IgE, IgG, IgM trong máu đều tăng.
Hướng điều trị và cách phòng bệnh
Thời gian điều trị có thể là 7, 14, hoặc 21 ngày tùy từng trường hợp. Bệnh nhân sẽ được chỉ định các loại thuốc đặc trị bệnh sán chó và các thuốc làm giảm triệu chứng nhức đầu, ngứa ngáy, đau bụng, ho hen, co giật, lú lẫn…
Để phòng bệnh sán chó cần:
- Luôn luôn vệ sinh sạch sẽ môi trường nuôi chó mèo.
- Tập cho chó mèo đại tiện đúng nơi và phân phải được chôn lấp kỹ hoặc cho vào túi nylon bỏ vào thùng rác.
- Không cho trẻ chơi nghịch với đất cát nơi có chó mèo phóng uế.
- Vệ sinh tay chân sạch sẽ bằng xà phòng, đặc biệt ngay sau khi chơi đùa với chó mèo và trước khi ăn uống.
- Tẩy giun định kỳ cho chó mèo nuôi trong nhà, thường là 2 lần/ năm./.
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đà Nẵng
Theo tuoitre.vn
Bài thuốc chữa chảy máu cam ở trẻ em
Y học cổ truyền gọi chảy máu cam là nục huyết, thường gặp ở trẻ em. Một số bài thuốc đông y gia truyền dưới đây sẽ giúp giảm phòng trị chảy máu cam cho trẻ em.
Hiện tượng chảy máu cảm ở trẻ
Chảy máu cam (hay chảy máu mũi) xuất hiện khi các mạch máu nhỏ ở mũi bị vỡ và chảy máu. Đây là hiện tượng hết sức phổ biến, xuất hiện nhiều nhất ở trẻ 2-10 tuổi. Không rõ vì lý do gì, chảy máu mũi thường xảy ra nhiều hơn vào buổi sáng. Đa số trường hợp không tìm thấy nguyên nhân rõ ràng. Tuy nhiên, chấn thương vẫn là lý do phổ biến nhất vì niêm mạc mũi được nuôi dưỡng bởi nhiều mạch máu nhỏ nằm rất nông, ngay sát bề mặt.
Chảy máu mũi được chia thành 2 loại, chảy máu mũi trước và chảy máu mũi sau.
Chảy máu mũi trước
Chiếm khoảng 90% trường hợp. Xuất phát từ phía trước mũi. Vị trí hay bị chảy máu nhất là đám rối Kieselbach ở phần dưới của vách ngăn mũi. Khu vực này chứa nhiều mạch máu nhỏ rất dễ vỡ khi xì mũi hay khi có chấn thương cục bộ (ngoáy mũi, day mũi).
Rất phổ biến ở những vùng khí hậu hanh khô hay môi trường khô (dùng lò sưởi, máy điều hòa kéo dài). Tình trạng khô niêm mạc khiến vách ngăn mũi có vảy, nứt nẻ và chảy máu.
Thường chảy máu một bên. Máu mũi chủ yếu chảy ra phía trước (nếu có chảy xuống họng thì số lượng cũng ít). Chảy máu dai dẳng, khối lượng không nhiều. Thường ngừng chảy máu sau khi áp dụng các biện pháp sơ cứu. Trường hợp nặng cần &'đốt' điểm mạch bằng nitrat bạc hoặc hóa chất khác.
Chảy máu mũi sau
Chiếm khoảng 10% trường hợp, thường liên quan tới các mạch máu ở cao hơn và sâu hơn của mũi.
Tuy không phổ biến ở trẻ em nhưng chảy máu mũi sau nguy hiểm hơn và khó kiểm soát hơn và thường cần được chăm sóc y tế. Thường xuất hiện ở người cao tuổi, người huyết áp cao hay trong chấn thương vùng mũi mặt.
Thường chảy máu cả hai bên. Máu mũi chảy ra phía sau và chủ yếu đi xuống họng. Máu chảy nhiều, có thể nguy kịch. Kiểm soát bằng nhét bấc mũi hoặc thắt mạch máu.
Một số bài thuốc đông y gia giảm phòng trị chảy máu cam
Nếu trẻ em người khỏe mạnh mà chảy máu cam
Dùng bài Tử sinh hoàn gia giảm gồm: lá sen tươi 12g, ngải diệp tươi 10g, trắc bá diệp tươi 12g, sinh địa 20g, rễ cỏ tranh 12g. Sắc uống hoặc tán nhỏ hòa nước uống.
Công dụng:lương huyết chỉ huyết... Trị chứng huyết nhiệt vong hành, nôn ra máu, chảy máu cam, sắc mặt nhợt, miệng khô, cổ ráo, mạch huyền...
Trong bài: bá diệp thanh nhiệt lương huyết, sinh địa lương huyết dưỡng âm, sinh tân; lá sen chỉ huyết tán ứ; ngải diệp hòa huyết chỉ huyết; rễ co tranh mát huyết thanh nhiệt cầm huyết. Các vị phối hợp thành bài chữa các chứng chảy máu cam do nhiệt.
Nếu chảy máu cam mà ho khàn, miệng khô khát, mũi khô phế nhiệt
Phối hợp bài Tả bạch tán Tiểu nhi dược chứng trực quyết gia giảm gồm: tang bạch bì 16g, địa cốt bì 12g, cam thảo 8g, gạo tẻ 20g, ngó sen 10g...
Sắc uống hoặc tán nhỏ uống. Trẻ nhỏ dưới 4 tuổi dùng liều 1/2 hoặc 1/3 người lớn.
Tác dụng: thanh tả phế nhiệt, bình suyễn chỉ khái, chỉ huyết... Trị ho khan ho cơn, chảy máu cam, ho suyễn, hư nhiệt sốt cao về chiều, trẻ em lên sởi bắt đầu bay mà có sốt, ho...
Gia giảm: nếu nóng như có sốt, gia hoàng cầm 10g; nếu ho đàm, gia xuyên bối mẫu 10g; nếu cảm sốt ho khan, gia lá dâu 12g hoặc ngưu bàng tử 12g, hạnh nhân 10g, thuyền thoái 8g.
Nếu chảy máu mà người gầy yếu miệng khô khát âm hư
Nên dùng bài Lục vị gia giảm gồm: thục địa 20g, hoài sơn 16g, đơn bì 16g, sơn thù 14g, phục linh 16g, trạch tả 14g, mạch môn 14g, ngũ vị 10g, ngưu tất 12g, tri mẫu 12g, huyền sâm 12g, hoàng bá sao đen 10g...
Sắc uống hoặc làm hoàn uống; nếu trẻ nhỏ dưới 4 tuổi, dùng liều 1/2 hoặc 1/3 người lớn. Tác dụng: bổ âm giáng hỏa cầm huyết... Chữa âm hư hỏa vượng chảy máu cam...
Gia giảm: Nếu trẻ em về đêm lạnh chảy máu cam tỳ thận khí hư gia nhục quế 2g, ngưu tất 12g, ban long 10g, gừng sao cháy, ngải diệp; giảm vị mát như tri mẫu, huyền sâm, hoàng bá.
Phòng tránh hiện tượng chảy máu cam
Để phòng ngừa bệnh lý chảy máu cam, các mẹ cần chủ động phòng tránh các nguyên nhân gây nên bệnh lý này.
- Khi trẻ bị viêm mũi, hay các bệnh về hệ tai-mũi-họng, các mẹ nên đưa trẻ đi khám và điều trị kịp thời. Luôn chú ý và nhắc nhở trẻ không nên ngoáy mũi, dụi mũi để tránh bị chảy máu cam cũng như tránh lây lan các vi khuẩn gây viêm vùng mũi;
- Chăm sóc vệ sinh mũi cho trẻ: Các mẹ nên chú ý rửa mũi cho trẻ thường xuyên bằng nước muối sinh lý. Không cần vệ sinh quá nhiều gây mỏng thành mũi, hoặc làm mất đi lớp nhầy bảo vệ niêm mạc mũi, gây tổn thương hoặc gây rát trong mũi trẻ, chỉ cần 2 lần/ tuần đối với các trẻ khỏe mạnh và nhiều hơn với các bé mắc các chứng bệnh viêm mũi theo chỉ định của bác sĩ;
- Chăm sóc bé và chú ý không để bé đưa vật gì vào trong mũi, dù là mềm hay nhỏ, bởi thành mũi của bé vẫn đang rất yếu nên rất dễ bị tổn thương. Tổn thương mũi còn ảnh hưởng đến khả năng đường hô hấp của trẻ và khả năng miễn dịch các bệnh truyền nhiễm;
- Bổ sung dưỡng chất, đặc biệt là vitamin C. Bổ sung thêm các loại rau củ quả, đặc biệt là các loại rau lá xanh, củ quả có vị chua và các loại quả có múi như cam, quýt, canh, bông cải xanh, cà chua, khoai tây, hoa kim châm, các loại cá như các trích, cá thu, các bơn vào bữa ăn hàng ngày để cung cấp đầy đủ vitamin C và canxi cho trẻ;
- Cung cấp nước thường xuyên cho trẻ để cân bằng độ ẩm của cơ thể với môi trường bên ngoài.
Theo www.phunutoday.vn
Đột phá xét nghiệm xem có cần tiêm vắc xin ngừa bệnh dại Hiện tại, bệnh dại không có thuốc chữa, khi đã phát là tử vong. Do đó, khi bị con vật nghi dại cắn, tốt nhất là tiêm vác xin phòng dại. Do đó, việc phát triển thành công xét nghiệm mới ở con vật và người bị cắn có mắc bệnh dại không được xem là một đột phá của ngành y thế...