Phối hợp đa trị liệu trong điều trị triệt để sẹo mụn
Mụn và sẹo do mụn để lại luôn gây mất thẩm mỹ, mục tiêu quan trọng của điều trị mụn là điều trị sớm, điều trị đúng cách để ngăn ngừa hình thành sẹo sau mụn.
Có nhiều loại sẹo mụn: Sẹo thâm sau mụn, sẹo lõm và sẹo lồi do mụn. Dựa trên hình dạng và cấu trúc, sẹo mụn có thể được phân loại đơn thành 3 dạng: sẹo hình phễu, hình lòng chảo và sẹo đáy phẳng.
Xác định dạng sẹo là một bước rất quan trọng trước khi lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp nhất cho từng bệnh nhân. Bên cạnh đó, tiền sử dùng thuốc, tiền sử bệnh nội khoa và các phương pháp điều trị đã áp dụng trước đây cần được quan tâm trước khi tiến hành can thiệp.
Có thể phân chia các phương pháp này thành 2 nhóm: Điều trị phẫu thuật và không phẫu thuật.
Video đang HOT
Điều trị không phẫu thuật:
- Lột da bằng hóa chất: Lột da mức độ nhẹ đến trung bình bằng hóa chất cho hiệu quả tương đối tốt trong điều trị nhóm sẹo nông. Axít trichloroacetic (20-35%) là hóa chất thường được sử dụng. Ưu điểm của phương pháp là tương đối đơn giản dễ áp dụng. Thời gian phục hồi chậm và hiện tượng sậm màu da sau lột làm hạn chế ứng dụng phương pháp này.
- Mài mòn và siêu mài mòn da: Là phương pháp lấy đi một phần của bề mặt da. Chỗ da bị mài mòn sẽ đóng một lớp vảy mỏng và tróc ra trong vòng 7-10 ngày sau. Cải thiện sẹo được thấy ngay sau khi da tróc mài. Mặt khác, tăng sinh collagen trong da vẫn liên tục diễn ra trong 3-6 tháng tiếp theo giúp tiếp tục nâng cao bề mặt sẹo. Chăm sóc da sau điều trị để phòng ngừa nhiễm khuẩn và bảo vệ chống nắng là 2 yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kết quả điều trị.
- Tiêm chất làm đầy da hoặc ghép mỡ tự thân: Đưa các chất từ bên ngoài vào lớp dưới da giúp nâng cao bề mặt da và làm đầy sẹo lõm. Các chất được sử dụng là collagen (từ người hay bò) hoặc axít hyaluronic (Hylafrom, Restylane). Phương pháp này hữu hiệu trong trường hợp điều trị những sẹo nông với số lượng ít.
Điều trị phẫu thuật:
- Cắt bỏ sẹo: Sẹo được cắt bỏ hoàn toàn cả chiều rộng và chiều sâu bằng thiết bị chuyên dùng. Phương pháp này giúp điều trị những sẹo sâu, khó cải thiện với điều trị mài mòn da. Nếu số lượng sẹo nhiều, thường phải thực hiện thành nhiều đợt, khoảng cách giữa 2 đợt khoảng 4 tuần.
- Cắt bỏ sẹo kết hợp nâng cao bề mặt da: Sẹo được cắt dọc theo chu vi xuống đến lớp mỡ dưới da. Toàn bộ cấu trúc sẹo sau đó được nâng nhẹ lên và khâu cố định vào da lành xung quanh bằng chỉ. Phương pháp này thường được dùng cho những trường hợp sẹo sâu và có diện tích rộng.
- Cắt bỏ mô sợi co kéo: Sẹo dạng lòng chảo hoặc dạng đáy phẳng sâu, đáy sẹo thường bị đính chặt vào lớp dưới da bởi các dải sợi xơ. Phẫu thuật cắt bỏ mô sợi co kéo bằng kim hay dao mổ hình tam giác giúp giải phóng đáy sẹo và cho phép đáy sẹo bung lên ngang bằng với bề mặt da. Có thể phối hợp thêm bào mòn da hay tiêm chất làm đầy sau phẫu thuật nếu kết quả điều trị chưa đạt như mong muốn.
Laser tái tạo bề mặt da:
Laser CO2 và Erbium-Yag thường được sử dụng. Hiệu quả bóc lớp nông bề mặt da đồng thời với kích thích tăng sinh collagen trong da của Laser với thời gian phục hồi sau điều trị ngắn khiến cho phương pháp này ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong điều trị sẹo, nhất là sẹo lõm do mụn.
Hiện nay có rất nhiều phương pháp được ứng dụng điều trị sẹo mụn. Vì vậy, việc lựa chọn phương pháp đơn trị liệu hay đa trị liệu là điều kiện quan trọng quyết định kết quả điều trị. Bên cạnh đó, việc can thiệp sớm khi sẹo mới hình thành cũng như kinh nghiệm và tay nghề của người thầy thuốc cũng góp một phần không nhỏ trong thành công của điều trị sẹo mụn, đặc biệt là sẹo lõm do mụn.
Theo VNE