Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi ngừng giao tranh tại Sudan
Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ), người đứng đầu Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA), ông Martin Griffiths ngày 17/4 cho biết giao tranh tại Sudan là sự “thụt lùi thảm họa” đối với người dân nước này và “cần phải chấm dứt”.
Khói bốc lên tại khu dân cư ở Khartoum, sau giao tranh giữa quân đội Sudan và lực lượng bán quân sự RSF, ngày 16/4/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo Phó Tổng thư ký LHQ, trước khi các cuộc giao tranh hiện nay bùng phát, đã có khoảng 1/3 dân số Sudan, tức 16 triệu người, đang cần hỗ trợ nhân đạo. Ông Griffiths bày tỏ lo ngại sâu sắc về việc số người thương vong đang ngày một gia tăng khi giao tranh tiếp diễn. Ông nhấn mạnh: “Những thông tin về việc các bệnh viện và cơ sở hạ tầng điện nước ở Sudan bị tấn công là rất đáng báo động”.
Tuyên bố của OCHA nêu rõ: “Các cuộc giao tranh đang ngăn cản mọi người, đặc biệt ở các thành phố, tiếp cận với lượng thực, nước sạch, giáo dục, nhiên liệu và các dịch vụ cơ bản khác cho gia đình mình”. Phó Tổng thư ký Griffiths nhấn mạnh giao tranh đang làm nghiêm trọng thêm tình hình vốn đã bấp bênh, buộc các cơ quan của LHQ và các đối tác nhân đạo phải tạm ngừng rất nhiều trong số hơn 250 chương trình hỗ trợ tại Sudan.
Có thể cảm nhận rõ ngay lập tức tác động của việc này, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh lương thực và hỗ trợ dinh dưỡng tại một đất nước mà khoảng 4 triệu trẻ em và bà mẹ đang mang thai và cho con bú ở trong tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng.
Ông Griffiths cũng bày tỏ lo ngại trước thông tin về các nhân viên viện trợ nhân đạo thiệt mạng tại Sudan, cũng như các cơ sở nhân đạo bị tấn công, làm ảnh hưởng đến các nỗ lực đưa hàng cứu trợ đến tay người đang cần. Ông nhấn mạnh: “Cần chấm dứt giao tranh”, đồng thời khẳng định người dân phải được tiếp cận an toàn tới các dịch vụ, hàng hóa thiết yếu và viện trợ nhân đạo, các bệnh viện và cơ sở hạ tầng cung cấp điện, nước cần được bảo vệ.
Video đang HOT
Trong diễn biến khác cùng ngày, Nhà Trắng ra tuyên bố kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức tại Sudan. Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, ông John Kirby cho biết: “Chúng tôi lên án bạo lực leo thang ở Khartoum và nhiều nơi khác tại Sudan. Chúng tôi kêu gọi giữa quân đội Sudan và Các Lực lượng phản ứng nhanh (RSF) bán quân sự ở nước này ngừng bắn ngay lập tức và vô điều kiện”.
Quan chức trên cũng cho biết nhà chức trách Mỹ đang liên hệ trực tiếp với Tư lệnh quân đội Sudan, Tướng Abdel Fattah Al-Burhan và Chỉ huy của RSF, Tướng Mohamed Hamdan Dagalo và “kêu gọi chấm dứt thù địch ngay lập tức và vô điều kiện”.
Trong khi đó, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel ngày 17/4 cho biết Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã trao đổi với hai vị tướng trên và bày tỏ “lo ngại sâu sắc” về số dân thường thương vong trong xung đột tại Sudan, đồng thời nhấn mạnh rằng họ có trách nhiệm đảm bảo sự an toàn cho người dân, các nhân viên ngoại giao và các nhân viên nhân đạo. Ông kêu gọi “sớm đạt ngừng bắn, cho phép viện trợ nhân đạo được đưa tới tay người đang bị ảnh hưởng của giao tranh, đoàn tụ các gia đình Sudan bị ly tán, và cho phép cộng đồng quốc tế tại Khartoum đảm bảo sự hiện diện an toàn của mình”.
Theo số liệu mới nhất, giao tranh trong 3 ngày qua đã khiến hơn 200 người thiệt mạng và 1.800 người bị thương. Tình hình an ninh tại quốc gia châu Phi này đang diễn biến phức tạp, trong khi sân bay quốc tế tại Khartoum vẫn đang đóng cửa.
Cuộc đối đầu của hai vị tướng trong giao tranh ở Sudan
Người dân tại thủ đô Sudan vào sáng 15/4 đã chứng kiến giao tranh dữ dội giữa quân đội và lực lượng bán quân sự có tên Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF).
Xe tăng lăn bánh trên đường phố và tiếng nổ súng rền vang ở nhiều địa điểm.
Tướng Abdel Fattah al-Burhan (phải) và Tướng Mohamed Hamdan Dagalo. Ảnh: CNN
Lực lượng trung thành với hai vị tướng đối địch nhau đang cạnh tranh giành kiểm soát Sudan. Người dân thường đang chịu nhiều tác động nhất trong diễn biến này khi tính đến 17/4 đã có ít nhất 97 dân thường thiệt mạng, hơn 590 người bị thương.
Trọng tâm của xung đột này là hai người đàn ông: lãnh đạo quân đội Sudan Tướng Abdel Fattah al-Burhan và chỉ huy của RSF Tướng Mohamed Hamdan Dagalo.
Trước đó, 2 nhân vật này là đồng minh. Họ đã hợp tác để lật đổ Tổng thống Sudan Omar al-Bashir năm 2019 và đóng vai trò then chốt trong cuộc đảo chính quân sự năm 2021.
Tuy nhiên, gần đây căng thẳng bùng phát trong quá trình đàm phán để hợp nhất RSF vào quân đội Sudan.
Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết cả hai vị tướng này đều tuyên bố sẽ không đàm phán ngừng bắn. Thay vào đó, họ còn "đấu khẩu" và đều yêu cầu đối phương phải đầu hàng.
Kênh CNN (Mỹ) cho biết sau khi Tổng thống Omar al-Bashir bị lật đổ, Sudan bị cai trị bởi một liên minh "bằng mặt mà không bằng lòng" giữa quân đội và các nhóm dân sự. Điều này chấm dứt vào năm 2021 khi lực lượng vũ trang giải tán chính phủ.
RSF là nhóm bán vũ trang nổi trội nhất tại Sudan. Lãnh đạo của RSF là Tướng Dalago. Chính cựu Tổng thống Bashir đã thành lập RSF vào năm 2013. Khi đó, nhóm bán quân sự này do ông Bashir giám sát và được dẫn dắt bởi Dagalo.
Tuy nhiên, cả quân đội và RSF quay lưng lại với ông Bashir từ tháng 4/2019 sau nhiều tháng biểu tình. Sau đó, ông được chỉ định làm phó lãnh đạo Hội đồng Chủ quyền chuyển tiếp cầm quyền Sudan cùng các lãnh đạo dân sự.
Nhiều quan chức ước tính lực lượng vũ trang Sudan có quân số khoảng 210.000-220.000 người trong khi RSF được cho có khoảng 70.000 thành viên nhưng được đào tạo và trang bị tốt hơn.
Hình ảnh qua vệ tinh SkySat cho thấy cảnh đổ nát và khói bốc lên trong xung đột giữa quân đội Sudan và lực lượng bán quân sự RSF tại cầu Kobar ở Khartoum, Sudan ngày 16/4. Ảnh: AFP/TTXVN
Thời điểm kết thúc xung đột Sudan vẫn khá mờ mịt. Cả hai phía đều khẳng định đã kiểm soát các địa điểm then chốt và giao tranh đã xảy ra ở nhiều nơi tại Sudan.
Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres ngày 16/4 đã kêu gọi các bên ở Sudan lập tức ngừng giao tranh và trở lại đối thoại. Tổng thư ký LHQ nhấn mạnh cam kết phối hợp với các lãnh đạo khu vực và các bên ở Sudan tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng này.
Tình hình tại Sudan làm dấy lên lo ngại trong khu vực. Các nước láng giềng Ai Cập và CH Chad đã đóng cửa biên giới với Sudan trong khi nhiều hãng hàng không của Ai Cập, Saudi Arabia và Qatar đã ngừng các chuyến bay tới Sudan. Liên minh châu Phi (AU), Liên đoàn Arab (AL), Cơ quan Liên chính phủ về Phát triển (IGAD, trong đó Sudan là thành viên) và cộng đồng quốc tế đã lên tiếng chỉ trích bạo lực và kêu gọi các bên đối thoại nhằm tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay.
Các nước châu Phi kêu gọi chấm dứt giao tranh ở Sudan Theo truyền thông khu vực và quốc tế, giao tranh giữa quân đội Sudan và phe vũ trang Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) ở trung tâm thủ đô Khartoum đã gia tăng cường độ sau khi các bên xung đột đồng ý mở các tuyến đường nhân đạo an toàn trong vài giờ ngày 16/4. Binh sĩ quân đội Sudan tại thành...