Phó Tổng thư ký LHQ: Cuộc chiến tại miền Đông Ukraine ngày càng cướp đi nhiều sinh mạng
Theo phóng viên TTXVN tại New York, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) phụ trách các vấn đề chính trị Rosemary DiCarlo ngày 16/7 đã phát biểu trước Hội đồng Bảo an LHQ rằng cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine ngày càng cướp đi nhiều sinh mạng khi đề cập đến tình hình hiện tại của nước này.
Lực lượng dự bị quân đội Ukraine tham gia cuộc tập trận tại trung tâm huấn luyện quân sự ở vùng Chernigiv tháng 12/2018. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu của bà được đưa ra khi chỉ còn ít ngày nữa người dân Ukraine sẽ tiến hành bầu cử Quốc hội vào ngày 21/7. Bà DiCarlo nhận định cuộc chuyển giao chính trị hiện tại diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn ở miền Đông nước này. Tại vùng Donbass, những người dân hằng ngày phải đối mặt với nhiều thử thách. Bà cho biết mặc dù Nhóm tiếp xúc ba bên về Ukraine gồm Ukraine, Nga và Tổ chức An ninh Hợp tác châu Âu đã đạt được một số tiến triển cải thiện tình hình an ninh và nhân đạo cho Ukraine nhưng những nỗ lực nhằm đạt được thỏa thuận về ngừng chiến vẫn luôn thất bại,.
Những người dân thường Ukraine hiện bị nã đạn pháo hằng ngày, chưa kể nguy cơ vấp phải mìn. Chỉ tính từ ngày 30/6 tới nay, LHQ đã thống kê con số thương vong là 91 dân thường, bao gồm 13 người đã bị sát hại.
Phiên họp của Hội đồng Bảo an LHQ về Ukraine diễn ra đúng vào lúc một luật mới của Ukraine bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, tiếng Ukraine là ngôn ngữ chính thống duy nhất và phải dùng chính thức ở các cơ quan công quyền của nước này. Bà DiCarlo tỏ ý quan ngại về đạo luật này, đồng thời hoan nghênh tuyên bố của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ có phân tích kỹ càng về đạo luật mới.
Video đang HOT
Phó Tổng thư ký LHQ nhận định môi trường toàn cầu và khu vực hiện nay ngày càng trở nên mong manh cho nên nếu tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine thì đó cũng chính là cơ hội mang lại hòa bình và an ninh cho châu Âu.
Theo Hải Vân (TTXVN)
Tâm bão căng thẳng với Nga, Tân Tổng thống Ukraine nhẹ giọng
Tổng thống vừa đắc cử Ukraine Volodymyr Zelenskiy tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Nga trong việc thảo luận những điều kiện mới để cùng chung sống.
Ngày 28/4, Tổng thống đắc cử Ukraine Volodymyr Zelenskiy tuyên bố sẵn sàng đàm phán và thảo luận những điều kiện mới về việc cùng tồn tại giữa Ukraine và Nga.
Trên trang cá nhân, ông Zelenskiy nhấn mạnh sẵn sàng đàm phán, đồng thời bày tỏ hyvọng vào các động thái tích cực của Nga trong cuộc họp của Nhóm Normandy sắp tới. Tân Tổng thống Ukraine viết: "Về phần mình, chúng tôi sẵn sàng thảo luận những điều kiện mới về cùng tồn tại giữa hai quốc gia".
Tổng thống Zelenskiy cho rằng không nên gây áp lực đối với Ukraine và đây là con đường duy nhất để ngừng bắn và thực thi các thỏa thuận Minsk về miền Đông Ukraine.
Tín hiệu sẵn sàng đàm phán này được đánh giá là tích cực, trong bối cảnh mối quan hệ giữa Nga và Ukraine không có nhiều chuyển biến tốt đẹp sau khi ông Zelenskiy đắc cử.
Tổng thống Ukraine Zelenskiy sẽ gặp nhiều thách thức trong việc cân bằng mối quan hệ của Ukraine với Nga và phương Tây
Về phía Nga, ngay khi có thông tin chiến thắng của ông Zelenskiy, Điện Kremlin đã phát đi thông điệp cho rằng Nga không vội kỳ vọng vào những bước phát triển mới trong quan hệ giữa hai chính quyền, nhưng "sẵn sàng đàm phán và khôi phục mối quan hệ chiến lược giữa hai nước nếu thấy các thiện chí từ Kiev".
Căng thẳng giữa hai bên tiếp tục gia tăng khi Tổng thống Nga ký sắc lệnh đơn giản hóa việc cấp quyền công dân cho người Ukraine ở khu vực Donbass. Tiến thêm một bước, Moscow thông báo họ đang lên kế hoạch cung cấp quốc tịch Nga cho mọi người dân trên toàn nước Ukraine nếu có mong muốn.
Đây là phép thử thách đầu tiên dành cho Tân Tổng thống Ukraine và thế giới đang chờ đợi khả năng ứng phó của chính trị gia này. Bởi như Tổng thống Putin nhấn mạnh, các hành động của Nga không sai luật quốc tế và không có gì phải chỉ trích ở đây. Nga sẽ vẫn làm theo cách của họ, miễn là thượng tôn luật pháp.
Tỏ thiện chí ngồi vào bàn đàm phán với Nga là bước đi mới của ông Zelenskiy, cho thấy chính sách đối ngoại với Moscow có phần mềm mỏng và tích cực hơn thời kỳ ông Poroshenko còn tại vị. Tuy nhiên, sẽ còn nhiều khó khăn khi Mỹ và phương Tây chưa lên tiếng về quan điểm chính sách này.
Thời kỳ Poroshenko, Tổng thống này luôn tìm mọi cách đối đầu với Nga để kêu gọi, huy động những nguồn lực ủng hộ từ phía Mỹ và EU. Những sự ủng hộ ấy không mang lại kết quả tích cực, song nó đảm bảo cho sự tồn tại của chính quyền Kiev.
Ngoài ra, các nguồn tiền viện trợ vẫn được rót về Ukraine đều đặn. Mỹ hồi đầu tháng 3/2019 đã thống kê trong vòng 4 năm từ 2014 đến 2018, Washington đã tài trợ cho Ukraine đến 5 tỷ USD, bao gồm cả các đơn hàng trang thiết bị vũ khí, viện trợ tiền mặt và chi phí cho các hoạt động quân sự chung giữa hai quốc gia.
Còn trước đó, cuộc cách mạng màu Euromaidan bùng nổ với mục đích duy nhất lật đổ chính quyền thân Nga để dựng lên một chính quyền hướng Tây, nơi mà Mỹ có kỳ vọng thành lập một tiền tuyến chống Nga mạnh mẽ.
Giảm căng thẳng với Nga, huy động các nguồn lực từ Nga để giải quyết vấn đề trong nước là định hướng của ông Zelenskiy. Bước đi này phù hợp với nguyện vọng của người dân Ukraine, nhưng là đối lập với lợi ích Mỹ và phương Tây.
Ông Zelenskiy sẽ phải giải bài toán khó hơn thời kỳ ông Poroshenko, làm thế nào để giải quyết các mâu thuẫn với Nga nhưng không làm mất lòng "những người bạn" phương Tây của mình.
Minh Hoàng
Theo baodatviet
Bà Tymoshenko tuyên bố sẽ lấy lại Bán đảo Crimea cho Ukraine Ứng cử viên tổng thống Ukraine, cựu thủ tướng Yulia Tymoshenko tuyên bố trong trường hợp chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, bà sẽ lấy lại bán đảo Crimea về cho Ukraine từ tay Nga. Tuyên bố trên được bà Tymoshenko đưa ra tại một cuộc gặp mặt với các cử tri, và được đăng tải trên trang web...