Phó Tổng thống Iran nhiễm Covid-19 ngồi sát Tổng thống khi họp nội các
Một ngày trước khi được xác nhận nhiễm bệnh, Phó Tổng thống Iran Masoumeh Ebtakar tham dự cuộc họp nội các và ngồi cách Tổng thống Hassan Rouhani chỉ vài ghế, không ai trong cuộc họp đeo khẩu trang.
Hình ảnh được phóng viên BBC đăng tải về cuộc họp hôm 26/2 cho thấy Phó Tổng thống nước này phụ trách các vấn đề của phụ nữ và gia đình Masoumeh Ebtakar ngồi cách ông Rouhani vài quan chức. Không ai trong cuộc họp đeo khẩu trang.
Hôm 27/2, bà Ebtakar được xác nhận nhiễm Covid-19 và hiện được cách ly tại nhà. Những người từng tiếp xúc với bà này gần đây đang được xét nghiệm và sẽ có kết quả vào ngày 29/2.
Bà Ebtakar là quan chức thứ 7 của Iran nhiễm chủng virus corona mới. Một người trong số đó, cựu đại sứ Iran tại Vatican Hadi Khosroshahi qua đời chỉ một ngày sau khi nhập viện.
Bà Ebtakar ngồi cách Tổng thống Rouhani chỉ vài ghế. (Ảnh: Twitter)
Elham Sheikhi, một vận động viên chuyên nghiệp và là thành viên của tuyến bóng đá nữ Iran thiệt mạng vài ngày sau khi mắc bệnh. Cô này mới chỉ ngoài 20.
Từ vài ca nhiễm đầu tuần trước, chỉ trong chưa đầy 2 tuần, số người nhiễm Covid-19 tại Iran tăng mạnh tới 245 trường hợp. 26 người trong số đó thiệt mạng.
Hầu hết các ca nhiễm bệnh được ghi nhận tại thành phố Qom, điểm đến của những người hành hương dòng Shiite.
Tuy nhiên, một số chuyên gia quốc tế ước tính số ca nhiễm tại Iran thực tế có thể lên tới hơn 1.000 trường hợp. Tỷ lệ qua đời của bệnh nhân nhiễm nCoV ở nước này cũng rất cao, tới 20%, gấp nhiều lần so với con số 3% của Trung Quốc.
Liên tục trong vài ngày gần đây, các nước Bahrain, Lebanon, Afghanistan, Oman, Iraq, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Pakistan và Kuwait đều ghi nhận các ca nhiễm Covid-19. Hầu hết bệnh nhân đều trở về từ Iran.
Một số tờ báo hôm 27/2 loan tin Ngoại trưởng Áo, Alexander Schallenberg đang được xét nghiệm Covid-19 sau khi trở về từ Iran và có các triệu chứng bệnh.
Bất chấp tình hình dịch bệnh gia tăng, Iran vẫn tuyên bố họ kiểm soát được dịch bệnh, khẳng định mức độ dịch đang bị thổi phồng bởi những kẻ thù gieo rắc sự hoảng loạn.
Tehran và 22 thành phố khác ra lệnh đóng cửa trường học cho tới ngày 21/3. Tất cả các sự kiện văn hóa và thể thao bị hủy bỏ trong 1 tuần tới.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, Seyed Abbas Mousavi cho biết nước này sẽ nhận 20.000 bộ dụng cụ xét nghiệm coronavirus từ Trung Quốc trong hôm nay 28/2. Số lượng các phòng xét nghiệm virus cũng tăng từ 2 tới 22 vào cuối tuần tới.
Hôm 27/2, lãnh tụ tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei có cuộc gặp mặt với các quan chức y tế hàng đầu nước này, khích lệ họ trong cuộc chiến khó khăn sắp tới và bày tỏ dịch bệnh sớm đi qua.
Ali Ebrazeh, một quan chức y tế tại Qom cho biết thành phố đã chuẩn bị thành lập một bệnh viện dã chiến và quân đội Iran sẽ tới hỗ trợ nếu các ca bệnh tăng nhanh.
“Nếu các biện pháp phòng ngừa không được tuân thủ ở Qom, sẽ cần thêm 2000-3000 giường bệnh”, ông này cho hay.
Dịch Covid-19 tấn công Iran vào thời điểm đất nước 80 triệu dân đang phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng về kinh tế, một phần do lệnh trừng phạt từ Mỹ nhằm bóp nghẹt chương trình hạt nhân của Tehran.
Cách giới chức nước này xử lý cuộc khủng hoảng hiện cũng có thể làm trầm trọng hơn chỉ trích của người dân sau cuộc biểu tình kinh tế đông đảo hồi tháng 11 .
“Chính phủ Iran dường như không nắm bắt được phạm vi hoặc mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát dịch Covid-19″, Eurasia Group – một công ty tư vấn rủi ro chính trị nói trong một thông báo gửi cho khách hàng cách đây vài ngày.
Video: Thứ trưởng Y tế Iran đổ mồ hôi, ho trong họp báo
SONG HY (Nguồn: New York Times)
Theo vtc.vn
Tỷ lệ tử vong vì virus corona cao bất thường ở Iran
Với số ca tử vong vì nhiễm virus corona được Iran công bố thời gian qua, tỷ lệ tử vong tại nước này lên đến 16%, vượt xa con số trung bình tại nhiều nước khác trên thế giới.
Iran đang là nước có số ca tử vong vì nhiễm virus corona cao nhất bên ngoài Trung Quốc đại lục. Người phát ngôn Bộ Y tế Iran, Kianoosh Jahanpour, ngày 25/2 xác nhận nước này có 15 bệnh nhân tử vong trong số 95 ca dương tính với chủng virus corona mới (SARS-CoV-2).
Theo nhận định của NBC News, điều này đặt ra nhiều câu hỏi về cách chính phủ Tehran đối phó cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng và liệu giới lãnh đạo Iran có thông tin đầy đủ hoặc đủ năng lực kiểm soát lây lan của dịch virus corona (được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gọi tắt là Covid-19).
Nhân viên chính phủ Iran phun thuốc khử trùng trên tàu điện ngầm ở thủ đô Tehran ngày 25/2. Ảnh: AP.
Tỷ lệ tử vong đến 16%
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc), số người tử vong vì nhiễm virus corona ở Trung Quốc đại lục là 2.715 trên tổng số 78.064 ca dương tính, tính đến hết ngày 25/2. Tỷ lệ tử vong ở Trung Quốc đại lục khoảng 2-3%. Còn tại Hàn Quốc, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (KCDC) tính đến sáng 26/2 ghi nhận 12 ca tử vong trên tổng số 1.261 ca nhiễm. Tỷ lệ tử vong vào khoảng 1%.
Trong khi đó, chính phủ Iran công bố 95 ca nhiễm tính đến hết ngày 25/2. Bộ Y tế Iran xác nhận có 15 ca tử vong trong số này. Truyền thông nhà nước sau đó thông tin đã có bệnh nhân thứ 16 qua đời. Tỷ lệ người nhiễm virus tử vong lên đến 16%, vượt xa con số của Hàn Quốc và tâm dịch ở Trung Quốc.
Giới chuyên gia y tế cộng đồng lo sợ Iran sẽ trở thành cầu nối cho một đợt bùng phát dịch bệnh khắp Trung Đông. Nước này vừa thiếu hụt khẩu trang y tế và dung dịch rửa tay sát khuẩn, lại có biên giới tiếp giáp với nhiều quốc gia mất ổn định vì chiến tranh hoặc bất ổn chính trị xã hội.
Ca dương tính đầu tiên với virus corona tại Iran được công bố tại thành phố Qom vào giữa tuần trước. Chỉ sau vài ngày, dịch bệnh đã lan đến ít nhất 7 tỉnh của nền Cộng hòa Hồi giáo. Hàng loạt quốc gia trong khu vực như Iraq, Kuwait, Bahrain, Afghanistan và Oman đã xuất hiện người nhiễm. Chính phủ các nước nói người nhiễm đều từng đến Iran.
Nhiều chuyên gia lo ngại Iran thiếu hụt trang thiết bị y tế có thể dẫn đến lây nhiễm quy mô lớn tại nước này và khu vực. Ảnh: AP.
Lo ngại về độ minh bạch
Diễn biến lây nhiễm quá nhanh dẫn đến nhiều ý kiến chỉ trích trong và ngoài Iran về cách chính phủ nước này ứng phó dịch bệnh. Mức độ minh bạch và chính xác trong cách Iran công bố thông tin bị hoài nghi, dù giới chức nước này đã bác bỏ mọi cáo buộc Tehran đang che giấu tình hình dịch bệnh.
Hiệu trưởng Đại học Khoa học Y thành phố Qom, Mohammad Reza Ghadir, tiết lộ trên sóng truyền hình quốc gia rằng Bộ Y tế Iran cấm công bố số liệu bùng phát virus corona ở địa phương. Khi được hỏi về số người đang được cách ly ở Qom, ông Ghadir nói Bộ Y tế Iran "yêu cầu chúng tôi không thông báo bất kỳ số liệu nào". Vị hiệu trưởng cho biết "phần lớn xét nghiệm được tiến hành tại Tehran và chỉ Tehran công bố kết quả".
Trước đó, một chính trị gia Iran tiết lộ số người tử vong tại thành phố Qom vì nhiễm virus corona cao hơn con số được chính phủ công bố. Tuyên bố này lập tức vấp phải phản ứng quyết liệt từ Thứ trưởng Y tế Iran Iraj Harirchi, lãnh đạo nhóm chuyên trách ứng phó dịch bệnh. Vị thứ trưởng một ngày sau cũng được xác nhận dương tính với virus corona.
Mức độ tin cậy trong cách Tehran công bố thông tin giải quyết khủng hoảng tụt giảm sau sự cố bắn nhầm máy bay thương mại Ukraine hồi tháng 1. Gần 3 ngày sau khi máy bay rơi, giới lãnh đạo Iran và lực lượng vũ trang nước này mới chính thức nhận trách nhiệm cho thảm họa khiến 176 người thiệt mạng.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 25/2 bày tỏ quan ngại trước "thông tin ám chỉ chính quyền Iran có thể đang che giấu những chi tiết quan trọng" về bùng phát virus corona tại nước này.
"Mọi quốc gia, trong đó có Iran, nên nói đúng sự thật về dịch virus corona và hợp tác với các tổ chức viện trợ quốc tế", ông Pompeo nhấn mạnh.
Thứ trưởng Y tế Iran, Iraj Harirchi (trái), được xác nhận dương tính với virus corona một ngày sau buổi họp báo kêu gọi người dân tin tưởng vào nỗ lực chống dịch của chính phủ. Ảnh: The Australian.
Vấn đề trong truy tìm ca nhiễm
Các chuyên gia y tế ngoài Iran nhận định tổng số ca nhiễm được Tehran công bố chính thức đang được cập nhật chậm hơn số ca tử vong được xác nhận. Điều này có thể vì giới chức Iran bỏ sót những ca không có bệnh lý nghiêm trọng trên khắp cả nước vì phần lớn xét nghiệm và chẩn đoán được tiến hành ở thủ đô. Những lý do khả dĩ khác bao gồm vấn đề trong chia sẻ thông tin và trang thiết bị y tế lỗi.
"Có thể là vấn đề về mặt báo cáo thông tin. Báo cáo ca nhiễm có thể chậm hơn báo cáo ca tử vong", bác sĩ Yanzhong Huang, chuyên gia tại Đại học Seton Hall (New Jersey, Mỹ), nhà phân tích y tế toàn cầu tại tổ chức Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), nhận định.
Việc Iran có đủ năng lực để thống kê số lượng người nhiễm trên toàn quốc vẫn còn là một ẩn số. Để làm được điều này, giới chức y tế cần tiếp cận mọi thị trấn và làng xã để tiến hành xét nghiệm, chứ không đơn thuần tập trung vào bệnh nhân có triệu chứng nặng được đưa đến bệnh viện lớn, theo bác sĩ William Schaffner, chuyên gia y tế dự phòng và bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Vandebilt (Tennessee, Mỹ).
"Điều này đòi hỏi đến tận khu dân cư và gõ cửa từng nhà, quyết liệt tìm kiếm ca nhiễm. Tôi không rõ họ có đủ năng lực cho điều đó hay không. Có nhiều nước thiếu khả năng và họ cũng không có truyền thống đó trong hệ thống y tế cộng đồng. Điều này đối với họ rất lạ lẫm", ông nhận định.
Một giả thuyết khác trong trường hợp Iran là nhóm bệnh nhân nhiễm virus corona. Có khả năng phần lớn ca nhiễm là người cao tuổi, vốn là nhóm dễ tổn thương hơn với dịch bệnh. Theo Schaffner, nếu virus lây nhiễm cho nhóm dân số là người cao tuổi, thường sẵn có nhiều vấn đề khác về sức khỏe, điều này có thể lý giải được tỷ lệ tử vong cao.
Một hướng giải thích khác, dù thiếu thuyết phục hơn, là các bệnh viện ở Iran quá tải và bệnh nhân không được điều trị kịp thời. Cá nhân ông Schaffner không tin đây là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tử vong cao vì Iran có hệ thống chăm sóc sức khỏe khá tiến bộ.
John Torres, chuyên gia mảng y tế của NBC, nhận định không có bằng chứng cho thấy thông tin di truyền của chủng virus thay đổi trong trường hợp Iran. Ngoài ra, những nơi khác trên thế giới cũng không phát hiện virus đột biến. Ông nhận định cách lý giải thuyết phục nhất cho tỷ lệ tử vong cao ở Iran là hệ thống truy tìm ca nhiễm của nước này đang có vấn đề.
Thứ trưởng Y tế Iran họp báo trước khi bị xác nhận nhiễm virus corona
Ngày 24/2, khi phát ngôn viên chính phủ Iran tự tin khẳng định rằng họ "không có vấn đề gì" với dịch Covid-19, Thứ trưởng Y tế Iraj Harirchi đứng cạnh liên tục lau mồ hôi.
Theo news.zing.vn
Bệnh nhân Thái nói dối khiến 30 y bác sĩ có nguy cơ nhiễm virus corona Một người đàn ông lớn tuổi khiến 30 nhân viên của Trung tâm y tế B.Care, thuộc quận Sai Mai của Bangkok, có nguy cơ nhiễm virus corona chủng mới khi phủ nhận từng đến Nhật Bản. Sau đó, người đàn ông này thừa nhận đã đi du lịch đến Nhật và có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona chủng...