Phó Thủ tướng yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ chủ động
Tại hội nghị tổng kết điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2015, định hướng điều hành năm 2016 của Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 25/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đề nghị Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để ổn định vĩ mô.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh. (Ảnh: Ngọc Thiện/TTXVN)
Phó Thủ tướng cho rằng những kết quả mà kinh tế Việt Nam đạt được trong năm 2015 cũng phản ánh kết quả của cả nhiệm kỳ 2011-2015, khi Đảng, Nhà nước đã chuyển hướng từ tăng trưởng nhanh, bền vững sang ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đổi mới mô hình tăng trưởng từ đầu năm 2011.
Theo đó, kinh tế tăng trưởng tốt, quý sau cao hơn quý trước. Năm 2015, có khả năng GDP tăng trưởng vượt kế hoạch Quốc hội giao. Đi liền với đó, kinh tế vĩ mô ổn định, tái cơ cấu chuyển đổi mô hình tăng trưởng bước đầu thu được kết quả quan trọng. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, ngoại giao phát triển tốt hơn, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Phó Thủ tướng cho rằng trong thành quả chung của đất nước “sự đóng góp của ngành ngân hàng rất lớn.” Điều đó thể hiện ở các lĩnh vực: Mặt bằng lãi suất giảm nhanh và khá lớn, tăng trưởng tín dụng vượt kết hoạch, tỉ giá phù hợp diễn biến thị trường và ổn định, phù hợp với mặt bằng lãi suất, tái cơ cấu tổ chức tín dụng đạt mục tiêu tích cực, xử lý nợ xấu vượt mục tiêu đề ra.
Video đang HOT
Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, kết quả đó là nhờ ngành ngân hàng đã đánh giá và dự báo tình hình tốt hơn, kiên trì mục tiêu điều hành đặt ra từ đầu nhưng đã có sự chủ động, linh hoạt. Khi có các biến động, ngành ngân hàng kịp thời đưa ra thông điệp cho thị trường kèm với giải pháp phù hợp để ổn định tâm lý, giữ vững niềm tin của thị trường.
Nhìn về dài hạn, Phó Thủ tướng cho rằng đất nước sẽ có nhiều thuận lợi để phát triển, nhưng trong ngắn hạn năm 2016 thì điều hành chính sách tiền tệ và tài chính vĩ mô sẽ khó hơn vì nhiều áp lực về lạm phát thấp, sự biến động của giá dầu thô, xu hướng của các quốc gia sẽ không nới lỏng giá trị đồng tiền và sức ép nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong nước.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh: “Ngành ngân hàng bảo đảm tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm để phục vụ cho sản xuất phát triển. Nâng cao chất lượng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nhất là đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả cạnh tranh của doanh nghiệp.”
Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cũng phải chú trọng và kiểm soát chặt chẽ cho vay bất động sản, bảo đảm hiệu quả đồng vốn. Ngân hàng Nhà nước củng cố bảo đảm an toàn hệ thống sau tái cơ cấu tổ chức tín dụng.
“Hiện nay ta mới làm một bước, còn việc bảo đảm hệ thống an toàn, lành mạnh và hiệu quả thì cần nhiều thời gian chứ không phải một sớm một chiều. Đặc biệt cần quan tâm tới áp dụng kỹ năng quản trị ngân hàng theo chuẩn mực quốc tế”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nói.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành tỷ giá theo thị trường, nhanh nhạy, kịp thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, dần dần điều hành chính sách tín dụng theo tín hiệu của thị trường, hạn chế điều hành theo mệnh lệnh hành chính./.
Theo VietnamPlus
Tín dụng vượt chỉ tiêu, nợ xấu tiếp tục giảm
Tăng trưởng tín dụng vượt xa chỉ tiêu ban đầu, nợ xấu tiếp tục giảm xuống dưới mốc 3%...
Theo Ngân hàng Nhà nước, từ quý 1/2015, hệ thống không còn tồn tại hai số liệu nợ xấu (số liệu theo báo cáo của tổ chức tín dụng và số liệu theo kết quả giám sát của Ngân hàng Nhà nước).
Sáng 24/12, Ngân hàng Nhà nước tổ chức họp báo về kết quả điều hành chính sách tiền tệ năm 2015 và một số định hướng cho năm 2016.
Thông tin đưa ra tại họp báo cho biết, tính đến 21/12/2015, tín dụng đã tăng 17,17% so với đầu năm, cao hơn mức tăng cùng kỳ các năm 2011-2014 (bình quân khoảng 12,6%), và cao hơn chỉ tiêu dự kiến khoảng 13-15% đưa ra đầu năm nay.
Với diễn biến trên, Ngân hàng Nhà nước ước tính tăng trưởng tín dụng cả năm nay có thể đạt khoảng 18%.
Theo cơ quan điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng năm nay tăng cao hơn và đã hỗ trợ cho việc đạt tăng trưởng kinh tế vượt mục tiêu của cả năm 2015, nhưng vẫn đảm bảo phù hợp với sức hấp thụ vốn của nền kinh tế, đi đôi với an toàn và chất lượng tín dụng.
Cụ thể, báo cáo cho biết, kể từ sau tháng 9/2015 (hạn cuối buộc các tổ chức tín dụng phải bán lại nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam - VAMC, gắn với mục tiêu giảm nợ xấu xuống dưới 3%), nợ xấu của hệ thống tiếp tục giảm trong tháng 10 và 11/2015.
Tháng 9/2015, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ở mức 2,93%, tháng 10 còn 2,91% và đến 30/11/2015 giảm còn 2,72%.
Theo Ngân hàng Nhà nước, từ quý 1/2015, hệ thống không còn tồn tại hai số liệu nợ xấu (số liệu theo báo cáo của tổ chức tín dụng và số liệu theo kết quả giám sát của Ngân hàng Nhà nước), và nợ xấu đã được minh bạch hơn.
Theo Đại biểu nhân dân
Năm 2015: Chính sách tiền tệ tạo sự ổn định cho kinh tế vĩ mô 'Nhìn lại chính sách tiền tệ 5 năm qua, chưa bao giờ Việt Nam đạt được sự đồng thuận đến như vậy, từ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các bộ ban ngành, các doanh nghiệp đều hưởng ứng chính sách tiền tệ giúp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đồng thời bảo...