Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu mục tiêu kép tái cơ cấu khối DNNN
Cho ý kiến về Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2016-2020, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Đề án phải hướng tới mục tiêu “kép” là xử lý tồn đọng, yếu kém của hoạt động tái cơ cấu trong giai đoạn 2011- 2015 và đẩy mạnh hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong 1 lần thị sát, xử lý khó khăn yếu kém của Công ty cổ phần nhiên liệu sinh học miền Trung (thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) tại Quảng Ngãi.
Ngày 20.1, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về đổi mới và phát triển doanh nghiệp cùng lãnh đạo các bộ, ngành đã nghe Bộ Tài chính báo cáo về việc xây dựng Đề án tái cơ cấu DNNN trong giai đoạn 2016- 2020.
Được biết, Đề án này cũng như các đề án tái cơ cấu khác của lĩnh vực kinh tế sẽ phải hoàn thành và trình Chính phủ xem xét, phê chuẩn trong Quý I.2017.
Khắc phục các tồn tại của giai đoạn 2011- 2015
Theo Bộ Tài chính, mục tiêu tới năm 2020, DNNN sẽ có cơ cấu hợp lý hơn, tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; quốc phòng, an ninh, lĩnh vực độc quyền tự nhiên, ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội mà các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư.
Cơ quan xây dựng Đề án cũng đặt mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp…; DNNN đầu tư vào các lĩnh vực khoa học, công nghệ, hoạt động trong những ngành mang tính chiến lược, có tính chất dẫn dắt, định hướng xây dựng nền kinh tế tri thức… Hoạt động của khối này phải được quản lý, giám sát chặt chẽ, công khai, minh bạch, bình đẳng với các thành phần kinh tế khác.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết Đề án này chỉ mang tính chất là khung khổ hoạt động, sau khi Chính phủ thông qua thì các bộ, ngành và các tập đoàn, tổng công ty phải xây dựng từng Đề án tái cơ cấu DNNN thuộc lĩnh vực mình quản lý.
Gợi ý cho Bộ Tài chính bổ sung, hoàn thiện Đề án, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan này phân tích sâu hơn kết quả của quá trình tái cơ cấu DNNN thời gian qua để nhận định rõ những nhược điểm, các mục tiêu không đạt được để tập trung khắc phục trong thời gian tới như tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ còn nhiều, vấn đề sắp xếp DNNN hoạt động trong các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế, hay việc nâng cao hiệu quả hoạt động, năng suất lao động, hàm lượng khoa học kỹ thuật, sức cạnh tranh của DNNN.
“Đề án phải hướng tới mục tiêu “kép” là xử lý tồn đọng, yếu kém của hoạt động tái cơ cấu trong giai đoạn 2011- 2015 và đẩy mạnh hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp ngày hôm nay tại Trụ sở Chính phủ.
Video đang HOT
Cụ thể, DNNN dẫn dắt cho nền kinh tế thì phải có năng lực quản trị tiên tiến về công nghệ, nhân sự, tài chính, đầu tư và có chiến lược hoạt động, có năng suất lao động cao hơn trước. Bộ Tài chính cũng như các Bộ liên quan tiếp tục đánh giá tính hiệu quả của hành lang pháp lý trong quản lý và hoạt động của DNNN để vừa bịt kín các “kẽ hở” vừa tháo gỡ khó khăn, tạo động lực cho DNNN phát triển trong bối cảnh không sử dụng ngân sách nhà nước cho tái cơ cấu DNNN.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ quan tâm tới việc tổ chức thực hiện Đề án nhằm đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả, hiệu lực, phát huy được vai trò của DNNN đối với nền kinh tế.
“Tái cơ cấu ngân hàng đã có Ngân hàng Nhà nước làm đầu mối thực hiện. Nhưng với tái cơ cấu DNNN hiện nay tự các Bộ, các Tập đoàn, Tổng công ty thực hiện và được đánh giá không đầy đủ. Tới đây, tái cơ cấu DNNN được thực hiện theo hệ thống dọc thì việc phân cấp, phân quyền phải thể hiện rõ ràng, gắn kết chặt chẽ với việc xử lý các doanh nghiệp, dự án yếu kém”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề.
Bổ sung cho yêu cầu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về xác định rõ những yếu kém của DNNN cần phải được khắc phục, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp viện dẫn số liệu của Bộ cho biết: “Thời gian qua, các DNNN làm được 2 đồng thì “ăn” 1 đồng. Nhiều Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước dành tới 90% lợi nhuận để chi trả cho vấn đề lương bổng. Thế nên mục tiêu tăng tỷ suất lợi nhuận trên vốn sở hữu không đạt được”.
Không chỉ vậy, “có những Tập đoàn trước khi cổ phần hóa chỉ có 5 phòng chức năng nhưng sau cổ phần hóa lên tới 15 phòng do cổ phần hóa không thực chất, vốn nhà nước vẫn còn nhiều”, vẫn theo ông Doãn Mậu Diệp.
Vụ trưởng Vụ Tiền lương – Lao động (Bộ LĐTBXH) Tống Thị Minh cho biết thêm một nghịch lý nhân sự có chất lượng cao thì bị trả lương thấp còn lao động trình độ thấp thì lại được trả lương cao. DNNN có số lượng lao động lớn, lương trung bình người lao động là 7 triệu đồng/người/tháng, cao hơn mức bình quân của các khối doanh nghiệp khác.
“DNNN trả lương cho lao động trình độ thấp cao gấp 1,3 lần so với thị trường bên ngoài và trả lương cho lao động trình độ cao thì lại thấp hơn bên ngoài”- bà Tống Thị Minh bức xúc nói.
Do đó, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp đề nghị Đề án cần đặt ra các mục tiêu cụ thể, định lượng về tái cơ cấu DNNN trong 5 năm tới. Còn bà Tống Thị Minh thì kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung pháp luật về công chức, viên chức, đổi mới cơ chế giá vốn cho DNNN theo hình thức thuê vốn đi kèm các điều kiện ràng buộc để DNNN tự chủ trong trả lương cho cán bộ, nhân viên.
Đối với vấn đề sắp xếp DNNN, Thứ trưởng Bộ KHĐT Đặng Huy Đông nêu trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ công ích cũng nên để doanh nghiệp tư nhân cạnh tranh với DNNN.
“Trong hoạt động công ích mà do DNNN đang thực hiện như chỉnh trang đô thị, cấp nước. Nếu có doanh nghiệp tư nhân đệ đơn xin tham gia đầu tư, kinh doanh với kế hoạch kinh doanh bài bản, hiệu quả hơn thì chính quyền phải ủng hộ và DNNN phải “nhường sân” cho doanh nghiệp tư nhân. Cơ chế này sẽ thể hiện đúng tinh thần DNNN chỉ tham gia lĩnh vực tư nhân khong làm được”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông nói.
Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho tái cơ cấu DNNN
Lãnh đạo các Bộ như Xây dựng, Giao thông vận tải, NNPTNT đề nghị Đề án cũng như các văn bản hướng dẫn thực hiện cần làm rõ các quy định về xác định giá trị DNNN để tránh làm mất vốn nhà nước.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn thì thấy băn khoăn: “Chúng ta đang xây dựng một cơ quan quản lý vốn nhà nước mà khi cơ quan này hoạt động thì các bộ, ngành, địa phương không còn quản lý lĩnh vực này nhưng Đề án vẫn xây dựng theo hướng phân cấp cho các bộ, ngành địa phương”. Ông Hà Công Tuấn cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm của người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Để Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện Đề án, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan này bám sát Nghị quyết số 05 của Hội nghị Trung ương 4 về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế liên quan tới các nội dung đổi mới cơ chế kiểm soát viên, kiểm soát nội bộ, phân biệt rõ loại doanh nghiệp giữ 100% vốn nhà nước và cơ chế kiểm soát phù hợp nguồn vốn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp.
Ngoài mục tiêu kép tổng quát đã đề cập, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng tình với các bộ về việc Đề án cần đặt ra các mục tiêu định lượng cụ thể hơn như cổ phần hóa bao nhiêu DNNN, số lượng vốn nhà nước bán ra, tỷ lệ vốn nhà nước tại doanh nghiệp tới năm 2020 dự kiến còn bao nhiêu%, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu,…
Về hành lang pháp luật, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ rà soát lại hệ thống pháp luật quy định thể chế, chức năng quản lý nhà nước, đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp, hệ thống pháp luật liên quan tới cổ phần hóa, phương thức định giá DNNN, quản trị doanh nghiệp, giám sát nguồn lực đầu tư của DNNN… để tiếp tục sửa đổi, bổ sung.
Phó Thủ tướng yêu cầu Đề án cũng cần làm rõ các giải pháp huy động nguồn lực thị trường tham gia tái cơ cấu DNNN; phân công, phân quyền rõ ràng cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, các Bộ, địa phương trong quyết định các vấn đề liên quan tới tái cơ cấu DNNN, nhất là các vấn đề liên quan tới lao động dôi dư, đất đai.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhắc Bộ Tài chính quán triệt chủ trưởng của Đảng là “không lạm dụng từ tái cơ cấu, DNNN nào có khả năng phục hồi mới tái cơ cấu, không thì phải xử lý luôn”.
Theo Thành Chung (Chinhphu.vn)
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: 4 vấn đề thời sự cần giải quyết cho nông dân
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Nông dân Việt Nam 2016 tổ chức tại Hà Nội sáng 16.10, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết: "Diễn đàn có sự tham dự của nhiều chuyên gia, nông dân Việt Nam xuất sắc vừa được tôn vinh, vì thế tôi và nhiều đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành đến đây không phải chỉ để phát biểu mà quan trọng hơn là để lắng nghe".
Dân Việt xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc Toàn văn bài phát biểu của Phó Thủ tướng:
Trước hết, tôi rất vui mừng khi được tham dự Diễn đàn "Nông dân Việt Nam 2016" cùng các đồng chí lãnh đạo Hội Nông dân Việt Nam, lãnh đạo các Bộ, ngành, các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp và đặc biệt là những gương mặt nhà nông ưu tú vừa được tôn vinh. Diễn đàn này là một trong những hoạt động trọng điểm và thiết thực trong chuỗi các sự kiện chào mừng 86 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam, sẽ thảo luận và góp ý xây dựng cơ chế chính sách nông nghiệp nói chung, trong đó có chính sách đất đai, để thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Vấn đề tích tụ ruộng đất cũng chính là một vấn đề quan trọng mà Hội nghị Trung ương 4 khóa XII vừa thảo luận và kết thúc vài ngày.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Nông dân Việt Nam 2016. Ảnh: Đàm Duy
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tôi xin chúc mừng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và toàn thể bà con nông dân nhân dịp kỷ niệm 86 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14.10.1930 - 14.10.2016).
Thưa các vị đại biểu, thưa bà con nông dân!
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, khóa X đã khẳng định: "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn phát huy bản sắc dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước...". Trong nhiều văn bản quan trọng khác, Đảng và Nhà nước cũng đã nhấn mạnh và khẳng định vai trò quan trọng đặc biệt của giai cấp nông dân đối với quá trình phát triển đất nước và vai trò của nông nghiệp với nền kinh tế quốc dân.
Trong 30 năm qua dù trải qua những thời điểm khó khăn nhưng nông nghiệp Việt Nam vẫn phát triển với tốc độ khá cao theo hướng tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả, kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh. Tuy nhiên trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn chúng ta đã nhận ra nhiều vấn đề cấp bách để thảo luận, tìm ra giải pháp tháo gỡ.
Trong những vấn đề chung nhất có 2 mâu thuẫn nội tại phổ biến cần sớm tìm ra giải pháp giải quyết, đó là: Năng suất thấp - rủi ro cao; sản xuất nhỏ - thị trường lớn. Tôi rất muốn lắng nghe các ý kiến của Diễn đàn, phân tích sâu, nêu các giải pháp thúc đẩy để giải quyết 2 vấn đề này.
Bên cạnh ưu điểm về thị trường lao động giá rẻ, tài nguyên phong phú, sản xuất nông nghiệp của chúng ta đang gặp phải điểm nghẽn chưa giải quyết được trên diện rộng, đó là chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động nhìn chung còn thấp và không đều. Năng suất lao động, vấn đề phát triển không bền vững vì ô nhiễm môi trường nông thôn và chất lượng nguồn thực phẩm hàng hoá làm ra ở nhiều nước nhiều nơi vẫn chưa làm yên lòng thị trường, ngay cả với những người tiêu dùng trong nước.
Vấn đề ứng dụng khoa học công nghệ mới và thông tin thị trường ở sản xuất nông nghiệp đã được nhiều doanh nghiệp và nông dân giỏi ứng dụng thành công. Nhưng nhìn toàn cục nền nông nghiệp, chúng ta cũng phải nói một cách thẳng thắn rằng đây vẫn là khâu yếu.
Trong thời gian tới, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng sẽ mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra những khó khăn, thách thức gay gắt cho nền kinh tế nước ta và nông nghiệp nói riêng. Thách thức lớn nhất và trực tiếp nhất là sức ép cạnh tranh sẽ gay gắt hơn trên cả 3 cấp độ: Quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm. Dự báo các sản phẩm chăn nuôi, ngô, mía đường, thức ăn gia súc sẽ gặp bất lợi, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập và đời sống của người nông dân.
Trở lại các vấn đề chính của Diễn đàn, như đồng chí Lại Xuân Môn - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam đã phát biểu đề dẫn, tôi thấy có 4 vấn đề có tính thời sự: Một là bối cảnh hội nhập và những vấn đề đặt ra với người nông dân. Hai là vấn đề chất lượng và an toàn các mặt hàng nông sản Việt Nam. Ba là vấn đề liên kết nông dân và doanh nghiệp. Bốn là cơ chế chính sách cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Tham dự diễn đàn lần này không chỉ có các cán bộ, hội viên nông dân Việt Nam mà còn có nhiều chuyên gia, nhà khoa học có uy tín trong cả nước, nhiều doanh nghiệp lớn, và đặc biệt là có sự tham dự của nhiều nhà nông xuất sắc 2016 vừa được tôn vinh. Vì vậy, tôi và nhiều đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành đến đây không phải chỉ để phát biểu mà quan trọng hơn là để lắng nghe. Lắng nghe các ý kiến phân tích, phát biểu thẳng thắn, trách nhiệm cao, đặc biệt là những đề xuất giải pháp chính sách, để giải quyết các bài toán tam nông, đẩy mạnh tái cơ cấu nông ngiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành luôn trân trọng, đánh giá cao và sẽ tích cực nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Diễn đàn trong xây dựng, tổ chức thực hiện thể chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn Việt Nam.
Trong diễn đàn hôm nay, tôi cũng đề nghị chúng ta và cả nước hướng ứng lời kêu gọi của đồng chí Chủ tịch Hội đối với đồng bào miền Trung đang trải qua bão lũ. Chúng ta đang rất lo lắng, chia sẻ với những tổn thất, mất mát cả về người, tải sản và mùa màng của nhân dân chúng ta nói chung, trong đó có nhiều bà con các tỉnh miền Trung nói riêng. Chúng ta hãy chung sức, chung tay để đóng góp phần nào giúp bà con sớm ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất kinh doanh.
Để kết thúc, tôi xin nhấn mạnh rằng: Đảng, Nhà nước ta, nhân dân ta mãi mãi tự hào về người nông dân Việt Nam, mãi mãi tự hào về giai cấp nông dân Việt Nam.
*Tựa đề bài phát biểu của Phó Thủ tướng do tòa soạn đặt.
Theo Danviet
Từ chối xóa nợ, khoanh nợ gần 14.700 tỷ đồng tiền thuế Trước đề xuất của Bộ Tài chính xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt cho người nộp thuế 7.963 tỷ đồng và khoanh nợ cho những trường hợp thực tế đã giải thể, phá sản, bỏ kinh doanh 6.731 tỷ đồng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, đây là vấn đề quản lý thuế, không liên quan đến khó...