Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định sức mạnh toàn dân trong phòng, chống dịch COVID-19
Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại Văn phòng Chính phủ, sáng 18/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo khẳng định sức mạnh toàn dân góp phần giúp Việt Nam kiểm soát tốt dịch trong thời gian qua.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) gây ra phát biểu chỉ đạo cuộc họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
“Dưới dự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã huy động tất cả các lực lượng vào cuộc, hiệp đồng chặt chẽ, đặc biệt phát huy sự tham gia tích cực của nhân dân. Càng lúc khó khăn càng thấy sức mạnh của nhân dân và toàn bộ hệ thống chính trị”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng nêu rõ, công tác phòng, chống dịch trong giai đoạn qua khẳng định sự đúng đắn trong nguyên tắc, chủ trương, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo. Các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục kiên định nguyên tắc và đẩy nhanh tốc độ triển khai nhiệm vụ được giao, thực hiện các mục tiêu: không để lây lan nhanh, không để lây lan trong đội ngũ y tế, hạn chế tối đa các ca tử vong, không để người dân hoang mang hoặc chủ quan, hài hòa giữa các vấn đề đối nội và đối ngoại.
“Hạn chế tối đa tử vong vì không có gì quý hơn tính mạng. Chúng ta làm hết sức vì sức khỏe, vì tính mạng của người dân, vì sự bình yên của xã hội”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tăng cường năng lực, tốc độ ứng phó
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Dịch COVID-19 diễn ra nhanh và phức tạp hơn so với dự kiến của các chuyên gia trong nước và thế giới, Việt Nam cần tăng cường năng lực, tốc độ ứng phó với dịch COVID-19 trong thời gian tới. Việt Nam chống dịch tốt góp phần vào cuộc chiến chống dịch trên quy mô toàn cầu và ngược lại, chỉ khi toàn thế giới dẹp được dịch bệnh, người dân Việt Nam mới yên tâm, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phát huy vai trò y tế cơ sở, Phó Thủ tướng yêu cầu phân nhóm các đối tượng dễ bị lây nhiễm hoặc khi bị lây nhiễm dễ bệnh nặng như người cao tuổi, người có bệnh nền, đặc biệt quan tâm đến người yếu thế như người khuyết tật…; khuyến cáo hạn chế di chuyển, ở tại gia đình để lực lượng y tế đến thăm và kiểm tra sức khỏe tại nhà hoặc tại cơ sở theo đúng phương châm “4 tại chỗ”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu ngành y tế tăng cường tập huấn đội ngũ bác sỹ, y tá, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên; tăng cường năng lực xét nghiệm và điều trị để có thể đáp ứng các yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch hiện nay.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nỗ lực, hiệp đồng các đơn vị, các lực lượng bằng nhân lực, cơ chế, công nghệ… để phát hiện nhanh nguồn bệnh, đặc biệt từ những người nhập cảnh vào Việt Nam trong vòng 14 ngày qua, những người tiếp xúc để cách ly, hỗ trợ y tế kịp thời, không để lây lan trong cộng đồng.
Phát huy tinh thần đồng bào
Về công tác bảo hộ công dân, Phó Thủ tướng lưu ý, người Việt Nam đang học tập, lao động và sinh sống tại nước ngoài cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của nước sở tại. Trường hợp thực sự cần thiết phải về nước, dù còn nhiều khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước và nhân dân cam kết thực hiện các biện pháp cần thiết, đảm bảo an toàn cho công dân Việt Nam trở về Tổ quốc; thực hiện nghĩa cử cao đẹp với đồng bào theo đúng tinh thần chỉ đạo “đồng thanh tương ứng, đồng chí tương cầu”.
Phó Thủ tướng mong muốn, các công dân khi nhập cảnh chia sẻ khó khăn khi trở về nước trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay. Mọi công dân cần thực hiện nghiêm quy định kiểm dịch, nhập cảnh và cách ly. Sự hợp tác chia sẻ của cộng đồng, đặc biệt của người được cách ly, là sự động viên “quý báu nhất” đối với các lực lượng đang làm nhiệm vụ trong hoàn cảnh hiện nay, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Video đang HOT
Tại cuộc họp, đại diện Bộ Giao thông Vận tải khuyến cáo, người Việt Nam ở nước ngoài nên cân nhắc kỹ lưỡng quyết định trở về nước. Do tình hình di chuyển bằng đường hàng không giữa các nước hiện nay rất khó khăn. Nhiều nước siết chặt việc xuất nhập cảnh; có thể đưa ra quyết định đơn phương về việc dừng, thay đổi chuyến bay. Bên cạnh đó, chuyên gia dịch tễ cũng cảnh báo khả năng lây nhiễm trong quá trình di chuyển ở vùng có dịch.
Đảm bảo các khu vực cách ly
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Quân y (Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng) phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Hiện nay, Bộ Quốc phòng được giao đảm trách công tác cách ly phòng bệnh trên cơ sở phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an và các địa phương trong cả nước. Bộ Quốc phòng đã xây dựng các kịch bản cách ly khi dịch bùng phát với quy mô lớn hơn.
Phát biểu tại cuộc họp, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y, Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết, quân đội thành lập 140 điểm cách ly trên cả nước, tương đương với năng lực tiếp nhận 44.718 trường hợp cách ly. Từ thời điểm ngày đầu chống dịch đến nay, quân đội đã tổ chức cách ly 21.309 trường hợp nghi ngờ, hơn 14.000 người đã hoàn thành cách ly. Hiện trong các quân khu đang thực hiện cách ly 6.986 người. Đến nay, lực lượng quân đội có thể sẵn sàng tiếp nhận thêm gần 40.000 người cách ly.
“Quân đội đảm bảo phương án cách ly, có thể tổ chức thêm các điểm khác, sẵn sàng dự phòng 20.000 chỗ trong những trường hợp cần thiết,” Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên khẳng định.
Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, hiện nay, với dự báo dịch bệnh có thể kéo dài, ngành du lịch đã chủ động chuẩn bị dự phòng một số phương án cách ly theo hình thức thu phí.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp báo cáo từ 21 địa phương có sân bay và địa phương lân cận, 104 cơ sở du lịch đăng ký tham gia công tác cách ly có trả phí (bao gồm các khách sạn, nhà nghỉ, resort, cơ sở lưu trú…). Ngành du lịch đã chủ động phối hợp, trao đổi với các đơn vị y tế sở tại về quy trình hướng dẫn đảm bảo sức khỏe khi cách ly tại các cơ sở lưu trú.
Tổng hợp tình hình dịch bệnh
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến 12 giờ 30 phút ngày 18/3/2020, Việt Nam ghi nhận 68 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 16 trường hợp đã được điều trị khỏi và xuất viện; thực hiện 9.696 mẫu xét nghiệm. Tổng số 31.659 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly, trong đó 2.543 người cách ly tại bệnh viện, 6.299 người cách ly tập trung tại các cơ sở khác và 22.817 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Hiện tại, 52 bệnh nhân (33 người Việt Nam và 19 người nước ngoài) đang được điều trị tại 10 bệnh viện trên cả nước. Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong số 52 bệnh nhân, 2 bệnh nhân có diễn biến bệnh nặng: bệnh nhân số 20 (người Việt Nam, thở máy, bệnh nền rối loạn tiền đình) và bệnh nhân số 26 (người Anh, thở máy, bệnh nền tăng huyết áp và đái tháo đường tuýp II).
Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Tính đến 10 giờ 20 phút ngày 18/3, thế giới ghi nhận 198.419 trường hợp mắc COVID-19 tại 165 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 7.987 người tử vong. Trung Quốc có 80.894 ca mắc, 3.237 ca tử vong tại 31/31 tỉnh, thành phố. Tại 164 quốc gia và vùng lãnh thổ khác ngoài Trung Quốc đại lục ghi nhận 117.525 ca mắc, 4.750 người tử vong. Một số nước có người nhiễm virus SARS-CoV-2 cao như Italy có 31.506 ca mắc, 2.503 người tử vong; Iran 16.169 ca mắc, 988 ca tử vong; Tây Ban Nha 11.826 ca mắc, 533 người tử vong; Đức 9.367 trường hợp mắc, 26 ca tử vong; Hàn Quốc 8.320 ca mắc, 81 ca tử vong; Pháp ghi nhận 7.730 ca mắc, 175 người tử vong; Mỹ ghi nhận 6.509 ca mắc, 115 người tử vong; Thụy Sỹ 2.742 ca mắc, 27 ca tử vong; Anh 1.950 ca mắc, 71 ca tử vong. Tình hình dịch bệnh tại các nước Na Uy, Thuỵ Điển, Hà Lan, Đan Mạch, Nhật Bản, Áo, Bỉ… có diễn biến phức tạp.
Diệp Trương (TTXVN)
Dập dịch tại chỗ, phát động toàn dân tham gia phòng chống dịch Covid-19
Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (Covid-19) phát động toàn dân tham gia phòng chống dịch.
Tại phiên họp Ban chỉ đạo sáng nay, nhiều ý kiến cảnh báo, tình hình dịch bệnh bên ngoài diễn biến xấu rất nhanh.
Vì vậy, bên cạnh việc kiên trì thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng, Ban chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế, cần ngăn chặn mạnh, dứt khoát hơn, không để xảy ra tình trạng "trong đánh ra, ngoài đánh vào".
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: VGP
Phân luồng người nhập cảnh ngay khi xuống máy bay
Ban chỉ đạo yêu cầu các cơ quan, đơn vị rà soát kỹ, thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về các đối tượng phải cách ly y tế bắt buộc khi vào Việt Nam, đề nghị tiến hành đo thân nhiệt, phân luồng người nhập cảnh ngay khi xuống máy bay. Đối với người nước ngoài thì điều chỉnh lại quy trình tiếp nhận.
Đối với công dân Việt Nam từ vùng có dịch về nước, cần nhanh chóng giải phóng người tập trung ở sân bay để sớm đưa về khu cách ly tập trung theo quy định.
Ở trong nước, các chuyên gia cho rằng, phải tiến hành đồng bộ các biện pháp để phát hiện các đối tượng nhiễm, nghi nhiễm càng sớm càng tốt.
Do đó chúng ta cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu để giúp phát hiện nhanh nhất các trường hợp nghi ngờ; triển khai thực hiện hiệu quả việc khai báo y tế bắt buộc, khai báo y tế tự nguyện toàn dân; phân loại các nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao, những người già, người có bệnh nền...
Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh sàng lọc, phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị, dập dịch tại chỗ; phát động toàn dân tham gia phòng chống dịch, sử dụng tai mắt nhân dân để phát hiện kịp thời các trường hợp nghi ngờ.
Những người có nguy cơ trước tiên phải tự cách ly ngay tại nhà, sau đó cơ quan y tế cử người đến tận nhà để hướng dẫn, kiểm tra sức khoẻ...
Nhấn mạnh trách nhiệm của lãnh đạo cấp uỷ và chính quyền cơ sở, nhiều ý kiến đề nghị Bộ Y tế có khuyến cáo yêu cầu các phường, xã phải thực hiện nghiêm ngặt phòng chống dịch tại cộng đồng.
Các bí thư, chủ tịch phường, xã tiến hành rà soát lại để kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch tại cơ sở; lập tổ công tác với nòng cốt lực lượng công an, dân quân, y tế và hỗ trợ công nghệ thông tin (nhân viên bưu điện, Viettel, VNPT) để bám sát tình hình trên địa bàn, phân nhóm người dân theo tình trạng sức khoẻ.
Đồng thời, có giải pháp hỗ trợ thăm khám, chăm sóc tại chỗ với đối tượng có nguy cơ lây nhiễm, có tiền sử bệnh, tuổi cao sức yếu dễ bị lây nhiễm và khi nhiễm dễ bị tình trạng nặng.
Tiếp nhận tài trợ từ các DN và cộng đồng
Ban chỉ đạo cho rằng cần phải có sự hiệp đồng, phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các lực lượng trong việc tiếp nhận, tổ chức cách ly người nhập cảnh vào Việt Nam; tối ưu hoá, nâng cao năng lực hệ thống xét nghiệm, phát hiện nhanh các trường hợp nhiễm bệnh; triển khai các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trên các chuyến bay nội địa.
Đồng thời có chế độ tài chính phục vụ công tác phòng chống dịch; công tác bảo đảm trang thiết bị vật tư y tế, máy móc điều trị, phương tiện bảo hộ phục vụ công tác phòng chống, điều trị bệnh; các địa phương chuẩn bị cơ sở lưu trú trên địa bàn phục vụ công tác cách ly theo yêu cầu của các quân khu...
Tiểu ban hậu cầu phối hợp chặt chẽ với MTTQ Việt Nam để tiếp nhận tài trợ từ các DN và cộng đồng, trước hết là các hiện vật, trang thiết bị, vật tư phục vụ cho công tác chống dịch; có phương án bảo đảm đầy đủ trang thiết bị bảo hộ cho cán bộ y tế, các lực lượng làm nhiệm vụ khi tiếp xúc với các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm.
4 ca diễn biến nặng
Đến sáng 16/3, Bộ Y tế cho biết, trên thế giới dịch bệnh đã lanh ra 156 quốc gia/ vùng lãnh thổ, với 169.368 người mắc bệnh; 6.501 người tử vong.
Trong đó, Trung Quốc có 80.847 trường hợp mắc, 3.199 người tử vong; Italy ghi nhận 21.747 trường hợp mắc, 1.809 người tử vong; Iran 13.938 trường hợp mắc, 724 người tử vong; Tây Ban Nha 7.845 trường hợp mắc, 292 người tử vong; Đức ghi nhận 5.813 trường hợp mắc, 11 người tử vong; Pháp ghi nhận 5.423 trường hợp mắc, 127 người tử vong; Hoa Kỳ ghi nhận 3.680 trường hợp mắc, 69 người tử vong.
Ngoài ra, tình hình dịch bệnh tại các nước Thuỵ Sỹ, Anh, Na Uy, Thuỵ Điển, Hà Lan, Đan Mạch, Áo, Bỉ... cũng diễn biến rất phức tạp.
Tại Việt Nam đã ghi nhận 57 trường hợp mắc Covid-19. Trong đó 16 người đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn.
Các địa phương có người nhiễm virua corona gồm: Vĩnh Phúc (11 người), TP.HCM (8 người), Khánh Hoà (1), Thanh Hoá (1), Hà Nội (11), Ninh Bình (1), Quảng Ninh (5), Lào Cai (2), Đà Nẵng (2), Huế (2), Quảng Nam (3), Bình Thuận (9).
Trong số các bệnh nhân đang điều trị có 4 trường hợp diễn biến nặng do có bệnh cảnh nền. Số ca xét nghiệm âm tính với virus coroa là 5.182.
Thu Hằng (vietnamnet.vn)
3 lá chắn chống Covid-19 ở Việt Nam Bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, địa phương cũng phối hợp trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19. Ngoài ra, ý thức của người dân đóng vai trò quan trọng. 57 là số người nhiễm Covid-19 ở Việt Nam tính đến tối 15/3, trong đó có 16 bệnh nhân đã được chữa khỏi. Những ngày qua, Chính phủ cùng...