Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Làm sao để cán bộ thấy mình làm sai, trong lòng day dứt
“Cán bộ phải có ý thức, đạo đức, thấy mình làm sai trong lòng day dứt”, đây là phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Hội nghị trực tuyến của ngành Nội vụ.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Bộ Nội vụ (Hà Nội). Ảnh: Văn Điệp – TTXVN
“Cán bộ phải có ý thức, đạo đức, thấy mình làm sai trong lòng day dứt”, đây là phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 5 năm giai đoạn 2016 – 2020 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021 của ngành Nội vụ, do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 30/12.
Sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, sự nghiệp theo hướng tinh gọn
Biểu dương, đánh giá cao kết quả và thành tích của toàn ngành Nội vụ đạt được 5 năm qua, Phó Thủ tướng nêu rõ, công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính và sự nghiệp có nhiều tiến bộ mới, thiết thực đóng góp vào thành tựu phát triển kinh tế – xã hội.
Toàn ngành đã thực hiện đồng bộ, quyết tâm, quyết liệt việc sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, sự nghiệp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tham mưu trình Chính phủ ban hành các tiêu chí thành lập, số lượng cấp phó của các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập làm cơ sở rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ trong các cơ quan hành chính nhà nước; đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền cho các bộ, ngành và địa phương, góp phần tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan các cấp trong việc quyết định và tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao.
Bộ Nội vụ đã đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành các Nghị quyết về mô hình tổ chức chính quyền đô thị nhằm tổ chức hợp lý chính quyền địa phương, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước trên địa bàn các đô thị lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.
Phó Thủ tướng cũng chỉ ra, việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế gắn với cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính nhà nước hoàn thành vượt chỉ tiêu Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị (đạt 10,01% đối với biên chế công chức, 11,98% biên chế sự nghiệp và 12,49% cán bộ, công chức cấp xã).
Công tác sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thôn, tổ dân phố có bước đột phá quan trọng, trong 2 năm 2019-2020, toàn ngành Nội vụ đã tham mưu cấp có thẩm quyền tiến hành sáp nhập cấp huyện, cấp xã ở 45 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Theo đó, giảm được 8 huyện, 557 xã, đồng thời giảm được 38.369 thôn, tổ dân phố so với thời điểm năm 2015.
Video đang HOT
“Đây là kết quả có ý nghĩa chính trị quan trọng, là cơ sở để các địa phương tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, ngành Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ hoàn thành việc giải quyết dứt điểm các vấn đề địa giới hành chính chưa thống nhất giữa các địa phương do lịch sử để lại. Có những tranh chấp kéo dài trên 10 năm, có nơi gần 20 năm, nay đã được giải quyết dứt điểm.
Còn tình trạng tham nhũng vặt
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo Hội nghị tại điểm cầu Bộ Nội vụ (Hà Nội). Ảnh: Văn Điệp – TTXVN
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn nêu lên những tồn tại, hạn chế toàn ngành Nội vụ cần tập trung khắc phục. Trong đó, một số cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu chưa kiên quyết, tập trung thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư khi sắp xếp tổ chức; còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên hoặc còn có tư tưởng chờ đợi kết quả của các bộ, ngành, địa phương khác rồi mới triển khai thực hiện theo.
Tổ chức bộ máy tuy đã được sắp xếp, kiện toàn, nhưng vẫn còn cồng kềnh; một số nhiệm vụ của các bộ, cơ quan phân định chưa được rõ, cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập chậm được đổi mới, xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công còn hạn chế.
“Việc quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm chưa được triển khai đồng bộ; thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn nhiều hạn chế, có mặt chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, yếu kém về phẩm chất, năng lực, chưa làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao; còn tình trạng tham nhũng vặt, sử dụng “quyền lực mềm” gây khó dễ cho doanh nghiệp và người dân khi giải quyết thủ tục hành chính”, Phó Thủ tướng chỉ rõ.
“Thấy mình làm sai, trong lòng day dứt”
Nhấn mạnh nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình lưu ý, ngành Nội vụ tập trung xây dựng, hoàn thiện Đề án Cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, chú ý rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp, bỏ sót nhiệm vụ; chủ động phối hợp, tổ chức thẩm định trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị định, quyết định về tổ chức của các cơ quan để triển khai Đề án Cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ mới.
“Bộ máy tổ chức Chính phủ phải nghiên cứu có cải cách phù hợp, làm sao vừa tinh gọn, vừa hiệu lực, hiệu quả, đồng thời không bỏ sót nhiệm vụ. Nhưng quan trọng hơn là bộ máy bên trong phải tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, không chồng chéo, quan hệ phối hợp một cách nhuần nhuyễn, nhanh chóng. Không nên để bộ máy bên trong quá nhiều cồng kềnh, tầng nấc”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Dẫn chứng một việc phối hợp các bộ, các ngành với nhau nhanh hơn là trong nội bộ, Phó Thủ tướng chỉ rõ, việc lòng vong từ cục này sang cục nọ, vụ nọ vụ kia, mỗi nơi 5-7 ngày, thậm chí cả tháng, có khi trong nội bộ cũng mất tới 6 tháng. Qua các bộ, ý kiến khác nhau thì lại lòng vòng đưa lên Chính phủ.
Theo Phó Thủ tướng, công tác cải cách bộ máy là rất quan trọng, đặc biệt là tinh gọn lại cơ chế phối hợp, kỷ cương, chế tài, không để tình trạng lòng vòng kéo dài không kiểm điểm, xử lý, kỷ luật ai cả, rồi lại bảo là “trên nói dưới không nghe”.
“Trình tự Luật Cán bộ, công chức của mình xử lý kỷ luật cán bộ, công chức là khó lắm, nên Bộ Nội vụ, ngành Nội vụ, Tư pháp phải tham mưu cơ chế này, làm sao xử lý hiệu quả các trường hợp, có chế tài cần thiết đối với việc chậm trễ xử lý các nhiệm vụ của bộ máy công vụ”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ, đảm bảo đồng bộ giữa quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, thay đổi nhận thức trong đánh giá, sử dụng cán bộ, chú trọng phẩm chất, năng lực thực thi nhiệm vụ, thay vì chỉ quan tâm đến bằng cấp, chứng chỉ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, xây dựng văn hóa công vụ trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Khẳng định công tác cán bộ vẫn là quyết định, đây cũng là tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng chỉ ra, công tác cán bộ phải là gốc, cán bộ phải vừa hồng, vừa chuyên. Cán bộ giờ đây phải nắm được kỹ năng công nghệ thông tin, xử lý công việc nhuần nhuyễn, nhưng không vì vậy mà chạy theo xu hướng phải có học hàm, học vị.
Theo Phó Thủ tướng, công chức nhà nước có những quy định tiêu chuẩn, điều kiện nhất định, “phải hết sức chuyên nghiệp, nắm vững kiến thức pháp luật, nhiệm vụ, kỹ năng trên lĩnh vực công tác của mình để làm tốt, thuần thục công vụ một cách chuyên nghiệp, cho bộ máy trơn tru, đấy là chuyên, là hồng, trong sạch, liêm khiết, lấy dân làm gốc, có ý thức phục vụ nhân dân, không tơ hào cọng chỉ, sợi tóc”.
Phó Thủ tướng cho rằng, làm sao để cán bộ thấy mình làm sai là lương tâm cắn rứt, không phục vụ được nhân dân, tiêu cực, tham nhũng, nhũng nhiễu, dùng kỹ xảo để kéo dài thời gian giải quyết công việc, để người ta đến bên mình “nháy nháy” là lương tâm không cho phép.
“Làm sao cán bộ phải có ý thức, đạo đức, thấy mình làm sai, trong lòng day dứt. Vì vậy, đòi hỏi phải tuyên truyền giáo dục Chỉ thị 05, xây dựng đội ngũ cán bộ được dân tin, dân yêu, có như vậy đất nước mới phát triển được”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, 6 đơn vị dẫn đầu đã được tặng Cờ Thi đua của Bộ Nội vụ; 25 đơn vị và 51 cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong phong trào thi đua ngành Nội vụ năm 2020, được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Trong đó, Ban Tổ chức – Cán bộ và Trưởng ban Tổ chức – Cán bộ, TTXVN, vinh dự được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nội vụ./.
Bản sắc dân tộc trỗi dậy vào những lúc đất nước khó khăn, gai góc nhất
Đây là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị Chính phủ với địa phương khai mạc sáng nay 28/12 tại Hà Nội.
Sáng nay 28/12, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc diễn ra hội nghị Chính phủ với địa phương. Hội nghị được tổ chức với hình thức trực tuyến tới 63 điểm cầu trong cả nước, tổng kết nhiệm vụ năm 2020, nhìn lại cả chặng đường 5 năm và đề ra nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để hoàn thành các mục tiêu phát triển trong năm 2021 cũng như các năm tiếp theo. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tới dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị, cùng dự có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, các Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng và các đại biểu tới dự Hội nghị Chính phủ với các địa phương. - Ảnh: VGP
Được tổ chức thường niên vào dịp cuối năm, Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương lần này có ý nghĩa đặc biệt khi diễn ra vào cuối nhiệm kỳ và chuẩn bị bước vào năm đầu của giai đoạn mới khi mà kinh tế đất nước bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Hội nghị sẽ bàn về những cơ hội, thách thức và sẽ đưa ra những quyết sách quan trọng để đưa đất nước vững bước vào thời kỳ phát triển mới.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, trong bối cảnh dịch bệnh covid 19 diễn biễn phức tạp trên thế giới nhưng năm nay nền kinh tế đất nước tiếp tục phát triển bền vững, dự kiến tăng trưởng từ 2-3%, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Để có được điều này là nhờ sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, sự giám sát của Quốc hội, qua đó phát huy sức mạnh đoàn kết thống nhất trong toàn hệ thống chính trị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: VGP
Thủ tướng nhấn mạnh: "Nhìn rộng hơn chúng ta không chỉ thành công về phát triển kinh tế mà công tác xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng cũng được Đảng Nhà nước ta đẩy mạnh, qua đó thiết lập lại kỉ cương phép nước, đẩy lùi tiêu cực, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ các cấp, từng bước lành mạnh hoá môi trường kinh doanh và môi trường xã hội. Câu ngạn ngữ "Thành công không chỉ đo được bằng những gì đạt được mà còn bởi những trở ngại đã vượt qua", với những thành quả đặc biệt đó, năm 2020 có thể được xem là năm thành công nhất trong 5 năm qua về ý chí tinh thần vượt khó vươn lên niềm tin của nhân dân đối với Đảng tương lai của Đất nước, cơ đồ của dân tộc không ngừng được củng cố và vun đắp cho thấy những lúc khó khăn nhất, gai góc nhất là những dịp bản sắc tinh thần dân tộc ta lại trỗi dậy, đó là sự đoàn kết, đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu."
Thủ tướng nêu rõ, trong bất cứ hoàn cảnh nào, Chính phủ luôn nhận thức rõ nhiệm vụ trong thời gian tới còn rất nặng nề, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 vẫn còn diễn biến phức tạp, chính vì vậy, với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của năm 2021, Chính phủ sẽ tiếp tục đề cao tinh thần đoàn kết, kỷ cương; yêu cầu từng bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung thực hiện "mục tiêu kép", không lơ là, chủ quan trước đại dịch; tranh thủ thời cơ, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới với khát vọng phát triển, tinh thần đổi mới sáng tạo, cải cách mạnh mẽ, quyết liệt hành động hơn nữa.
Theo chương trình, Hội nghị sẽ nghe Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo tóm tắt về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020; dự kiến phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, tiếp đó, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trình bày Báo cáo tóm tắt kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2020 và 5 năm 2016-2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giới thiệu Dự thảo Nghị quyết 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giới thiệu Dự thảo Nghị quyết 02 của Chính phủ thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.
Sau khi nghe các báo cáo và ý kiến phát biểu của lãnh đạo một số địa phương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Cả nước chung tay phòng, chống dịch Covid-19 Bước vào năm 2020, dịch Covid-19 (được đánh giá là dịch bệnh tồi tệ nhất trong khoảng 100 năm trở lại đây) bùng phát ở nhiều nước đã tác động sâu rộng tới sức khỏe và đời sống của cộng đồng quốc tế, tới sự phát triển kinh tế - xã hội trên quy mô toàn cầu. Triển khai tiêm thử nghiệm vắc-xin...