Phó Thủ tướng Séc tới Nga để thảo luận về việc mua vaccine ngừa Covid-19
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nội vụ Cộng hòa Séc Jan Hamacek, người hiện tạm thời giữ chức Bộ trưởng ngoại giao Séc cho biết, ông sẽ tới Nga ngày 20/4 để thảo luận về việc mua vaccine Sputnik V của Nga.
Trao đổi với giới truyền thông, ông Jan Hamacek khẳng định sẽ thảo luận về khả năng mua vaccine Sputnik V của Nga với Bộ trưởng Bộ Công thương Nga Denis Manturov trong chuyến thăm Moscow vào ngày 20 và 21/ 4 tới. Trước đó, ông Hamacek tuyên bố rằng Cộng hòa Séc có thể là một trong những quốc gia EU đầu tiên mua vaccine của Nga.
Quốc gia hơn 10,7 triệu dân này đã thay tới 4 Bộ trưởng Y tế kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Tuần trước, theo đề xuất của Thủ tướng Séc Adrej Babis, Tổng thống Milos Zeman đã cách chức Bộ trưởng Bộ Y tế nước này Jan Blatny đồng thời bổ nhiệm ông Petr Arenberger, Giám đốc Bệnh viện Đại học Hoàng gia Vinohrady làm người thay thế.
Việc Bộ trưởng Jan Blatny bị cách chức được cho là có liên quan đến việc không ủng hộ việc tiêm chủng vaccine Sputnik V của Nga. Ông Jan Blatny từng tuyên bố vaccine của Nga chỉ có thể được sử dụng ở Séc nếu nó có sự chấp thuận của của Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA).
Nga tin tưởng năng lực sản xuất vaccine Sputnik V của các đối tác nước ngoài
Ngày 20/1, Bộ trưởng Công nghiệp Nga Denis Manturov cho biết các hãng sản xuất vaccine nước ngoài mà Nga đã ký thỏa thuận sản xuất vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V có khả năng sản xuất khoảng 350 triệu liều vaccine này mỗi năm.
Vaccine Sputnik V phòng COVID-19 của Nga. Ảnh: THX/TTXVN
Theo ông Manturov, vaccine Sputnik V đã bắt đầu được sản xuất ở Kazakhstan và các hãng sản xuất ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ và Belarus chuẩn bị tham gia hoạt động sản xuất.
Trước đây nhà chức trách Nga đã nói rằng phần lớn các thỏa thuận của Nga xuất khẩu vaccine Sputnik V ra nước ngoài sẽ được thực hiện đầy đủ bằng cách sử dụng số vaccine do các đối tác nước ngoài sản xuất.
Trong khi đó, tại Anh, Bộ Y tế nước này cùng ngày cho biết sẽ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho tối đa 2.000 người làm việc trong các chuỗi cung ứng vaccine, sau khi hãng được phẩm AstraZeneca yêu cầu bảo vệ các nhân viên của hãng này đang nỗ lực thực hiện chương trình tiêm chủng quy mô lớn.
Tuần trước, người phụ trách nghiên cứu của AstraZeneca Mene Pangalos nói rằng các đợt bùng phát dịch COVID-19 đã cản trở công việc của các nhân viên làm việc trong lĩnh vực vaccine của hãng này, theo đó yêu cầu ưu tiên tiêm vaccine phòng bệnh cho những nhân viên này.
Bộ Y tế Anh nêu rõ những nhân viên được đào tạo chuyên sâu về vaccine mà chính phủ xác định là không thể thay thế và là nhân lực cốt yếu đối với việc cung cấp vaccine ngừa COVID-19 sẽ được ưu tiên tiêm vaccine này. Điều này sẽ làm giảm nguy cơ dịch bệnh gây gián đoạn chuỗi cung ứng vaccine, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chương trình tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử nước Anh. Những nhân viên đủ điều kiện tiêm vaccine bao gồm những người làm việc cho AstraZeneca và hãng Pfizer liên quan việc sản xuất, đóng gói vaccine, kiểm tra vaccine và logistics.
Anh đang đặt mục tiêu đến giữa tháng 2 tới tiêm chủng những liều vaccine đầu tiên của Pfizer hoặc AstraZeneca cho 15 triệu người có nguy cơ cao mắc COVID-19. Số liệu mới nhất cho thấy gần 4,3 triệu người dân nước này đã được tiêm liều vaccine đầu tiên.
EU hướng tới sử dụng 'hộ chiếu vaccine' để mở cửa du lịch hè 2021 Hãng tin Reuters dẫn 2 nguồn tin ngoại giao cho biết các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 14/4 đã nhất trí chính thức triển khai sáng kiến hộ chiếu vaccine để hướng tới mở cửa trở lại ngành du lịch vào mùa hè năm 2021. Hộ chiếu vaccine chứng minh một cá nhân đã được tiêm chủng đầy đủ...