Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chỉ ra những xu hướng bất ổn của địa chính trị khu vực
Các nhà lãnh đạo châu Á hôm nay đã kêu gọi tuân thủ một trật tự dựa trên các nguyên tắc, phản đối các hành động đơn phương và bảo hộ trong phiên thảo luận về triển vọng địa chính trị châu Á tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN. Tại đây, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã chỉ ra những xu hướng bất ổn của địa chính trị khu vực.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trong phiên trao đổi sáng ngày 12/9. (Ảnh: Wefforum)
Những xu hướng đáng lo ngại
Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng các Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản, Hàn Quốc và đại diện Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) Singapore đã cùng nêu ra những lo ngại đối với chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng và các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, vốn đặt ra những câu hỏi quan trọng về các tác động địa chính trị của việc tái cân bằng toàn cầu.
Việc Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) về ASEAN 2018 dành riêng một phiên thảo luận về “Triển vọng địa-chính trị châu Á” cho thấy tầm quan trọng của vấn đề này đối với sự phát triển của khu vực.
“Có một khuynh hướng đáng lo ngại về sự gia tăng của chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa bảo hộ, cũng như cạnh tranh chiến lược và quyền lực chính trị. Điều đó khiến các quốc gia dù lớn hay nhỏ cũng phải thích ứng với tình hình đó”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh nói trong cuộc trao đổi.
Theo ông Phạm Bình Minh, an ninh truyền thống và phi truyền thống vẫn tiếp tục là mối đe dọa đối với khu vực, bao gồm tranh chấp hàng hải, biến đổi khí hậu và an ninh mạng…
“Nhìn vào địa chính trị tại châu Á và mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc, tôi lo ngại về sự tái cân bằng trật tự toàn cầu”, Thủ tướng Sri Lanka nói. “Điều gì sẽ xảy ra đối với luật pháp đa phương? Điều gì giúp chúng ta xây dựng luật pháp đa phương? Liệu luật đó sẽ bị hủy bỏ hay mạnh thêm?”.
“Tôi lo ngại về những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng tại châu Á. Tôi cho rằng chúng ta cần thiết lập trật tự quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế và bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thách thức hiện trạng thì cộng đồng quốc tế cần lên tiếng để chống lại điều đó”, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono phát biểu.
“Sự sụp đổ của cơ chế đa phương, bắt nguồn từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, phải tuân thủ các nguyên tắc và trật tự quốc tế hiện thời. Chúng ta đã có các cơ chế như WTO, IMF… giúp tới sự thành công của nền kinh tế toàn cầu của thời gian qua. Nhưng giờ đây đang có các thách thức với cơ chế này”, ông Kono nhấn mạnh.
Tiến sĩ Lynn Kuok, chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) Singapore, cho rằng cần chú ý tới các động thái đáng lo ngại của Trung Quốc ở Biển Đông.
Video đang HOT
“Tôi sẽ theo dõi các diễn biến ở Biển Đông. Trung Quốc đang gia tăng kiểm soát đối với khu vực và các nguồn tài nguyên. Điều này sẽ là vấn đề bởi nó sẽ thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực, và liệu cán cân quyền lực trong khu vực có bị ảnh hưởng bởi quyền hay sức mạnh”, bà Kuok nói.
Chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) Singapore, Tiến sĩ Lynn Kuok (phải) phát biểu tại phiên thảo luận. (Ảnh: Wefforum)
Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-Wha cho rằng tình hình địa chính trị châu Á trong năm qua cũng có những cải thiện nhất định, thể hiện qua 2 hội nghị thượng đỉnh liên Triều và hội nghị thượng đỉnh Triều – Mỹ, mở ra những triển vọng mới đối với hòa bình và phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, với triển vọng tươi sáng hơn nhiều so với một năm về trước.
“Về quan hệ Mỹ-Trung, nếu các bạn chỉ nhìn vào lĩnh vực thương mại thì nó có vẻ rất căng thẳng. Nhưng tôi nghĩ rằng đây là hay nước lớn trên trường quốc tế có những tính toán chiến lược đôi khi hợp nhau, đôi khi không hợp nhau. Và tôi cho rằng về vấn đề Triều Tiên, họ có sự đồng thuận”, bà Kang nhận định.
“Quyền tự quyết của các quốc gia phải được tôn trọng”
Trả lời câu hỏi về tầm nhìn về khu vực, Thủ tướng Sri Lanka cho rằng châu Á và ASEAN sẽ tiếp tục là trung tâm của thế giới. Các khu vực khác cũng có tầm quan trọng, nhưng sự chú ý của thế giới ngày càng tập trung vào châu Á và điều này rất khác so với thời những năm 1960.
Các diễn giả trao đổi về tình hình địa chính trị khu vực (Ảnh: Wefforum)
Thủ tướng Ranil Wickremesinghe lo ngại rằng trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng, làm thế nào để đảm bảo rằng các quy định và cam kết được tôn trọng và thực hiện. Ông cho rằng một cơ chế hàng hải mở và tự do là cần thiết.
“Sri Lanka ủng hộ tự do hàng hải ở Ấn Độ Dương và chúng ta cần đảm bảo phải có trật tự trên biển, sau đó có thể giải quyết các căng thẳng. Ở Thái Bình Dương cũng vậy, để thành công thì ASEAN cần đóng vai trò quan trọng”, ông Wickremesinghe nói.
Ghi nhận các sáng kiến địa chiến lược khu vực như Vành đai và Con đường, Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng Việt Nam ủng hộ các sáng kiến nếu bảo đảm dựa trên luật lệ, tôn trọng luật pháp quốc tế và quyền tự quyết của các quốc gia. ASEAN cần tiếp tục phát huy vai trò trung tâm trong nỗ lực xây dựng cấu trúc khu vực vì hòa bình, hợp tác và phát triển.
“Chúng ta đã chứng kiến nhiều sự chuyển dịch trong khu vực và các bài học trong quá khứ cho thấy chúng ta có thể vượt qua các thách thức. Tất nhiên các thách thức ngày càng lớn, nhưng chúng ta vẫn có thể lạc quan nếu tuân thủ một trật tự dựa trên các luật lệ và luật pháp quốc tế. Sự tự quyết của các quốc gia cũng cần được tôn trọng”, ông Phạm Bình Minh nói.
Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho hay nền kinh tế của Nhật Bản phụ thuộc nhiều vào giao thông đường biển và cho rằng giao thông đường biển thông thoáng là yếu tố chủ chốt đối với nền kinh tế toàn cầu, vì vậy Nhật Bản cố gắng kết nối nền kinh tế với ASEAN và các quốc gia thông qua Thái Bình Dương.
“Chúng tôi hỗ trợ, ủng hộ xây dựng một trật tự trên biển dựa trên các quy tắc và ủng hộ xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng chất lượng cao. Bất kỳ dự án hạ tầng nào cũng đều phải cởi mở, minh bạch, có ý nghĩa về kinh tế và lành mạnh về tài chính xét từ góc độ nước tiếp nhận. Chúng tôi mong muốn Ấn Độ-Thái Bình Dương là một khu vực mở và tự do”, ông Kono nhấn mạnh.
Cách mạng Công nghiệp 4.0
(Ảnh: Wefforum)
Ngoài các mối đe dọa địa chính trị truyền thống như an ninh hàng hải, tự do đi lại và thương mại, các nhà lãnh đạo châu Á cũng chỉ ra một số thách thức khác đối với địa chính trị khu vực.
Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Cách mạng Công nghiệp 4.0 tạo ra nhiều cơ hội nhưng đi kèm với đó cũng là nhiều thách thức. Nếu các quốc gia không tận dụng được các cơ hội sẽ bị bỏ lại phía sau và khoảng cách phát triển sẽ ngày càng tăng.
“Điều đó đồng nghĩa với việc bối cảnh địa kinh tế-chính trị trong khu vực sẽ bị thay đổi. Và đó sẽ là thách thức với những nước không tận dụng được cơ hội này”, ông nói.
Ngoại trưởng Nhật Bản nói rằng một trong những lo ngại địa chính trị lớn nhất của ông là vấn đề biến đổi khí hậu.
“Biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng. Bão lớn thường xuyên xảy ra. Những trận mưa lớn trước đây thường chỉ xảy ra 100 năm một lần giờ xảy ra 2 năm một lần. Điều này dẫn tới các vấn đề như kiểm soát nguồn nước, an ninh lương thực. Đó là thách thức đối với tất cả nhân loại và mọi quốc gia cần phải quan tâm tới vấn đề này”, ông Kono nói.
Tại phiên trao đổi, các diễn giả nói bàn về các thỏa thuận tự do thương mại khu vực, chuẩn bị nguồn nhân lực cho tương lai. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định chủ trương của Việt Nam ủng hộ hệ thống thương mại đa phương. Phó Thủ tướng chia sẻ Việt Nam hiện đang tham gia nhiều các Hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương chất lượng cao, đóng góp vào xu thế liên kết kinh tế quốc tế.
An Bình
Theo Dantri
Ấn Độ Dương luôn là mấu chốt quan trọng cho sự ổn định, phồn vinh của khu vực
Tối 27.8, tại Hà Nội, phiên khai mạc Hội thảo Ấn Độ Dương lần thứ ba đã diễn ra với chủ đề "Hướng tới xây dựng cấu trúc an ninh khu vực".
Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan phát biểu tại hội thảo. Ảnh: PV.
Hội thảo diễn ra trong hai ngày 27-28.8 với sự tham dự của gần 300 đại biểu, bao gồm các đoàn cấp Thủ tướng, Bộ trưởng và các quan chức cấp cao từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ; 60 đại biểu từ gần 30 cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam; gần 100 quan chức, học giả Việt Nam và 70 phóng viên thuộc nhiều hãng tin trong và ngoài nước.
Phát biểu trong phiên khai mạc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương: "Hai đại dương được gắn kết không chỉ về mặt địa lý, mà còn qua sự tương tác thường xuyên với nhau trên nhiều lĩnh vực. Ngày nay, mối quan hệ giữa hai đại dương này đang ngày càng lớn mạnh".
Theo Phó Thủ tướng, để đảm bảo hoà bình, an ninh và thịnh vượng, việc xây dựng một cấu trúc khu vực như Ấn Độ Dương-Châu Á-Thái Bình Dương cần 4 thành tố cơ bản. Trong đó, trước tiên cấu trúc khu vực phải có tính bao trùm, được xây dựng trên nguyên tắc mở, bao trùm, hòa bình, hợp tác và phát triển. Thứ hai, cấu trúc khu vực phải dựa trên luật pháp quốc tế, bao gồm cả tự do hàng hải và dòng chảy thương mại liên tục, bên cạnh các quy định khác. Thứ ba, vai trò trung tâm của ASEAN là điểm mấu chốt của bất kỳ cấu trúc khu vực nào. Yếu tố thứ tư là các sáng kiến hợp tác, kết nối cần được triển khai trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, tạo điều kiện xây dựng lòng tin và thúc đẩy các bên cùng có lợi.
Phó Thủ tướng khẳng định trong bối cảnh khu vực đang phải đối mặt với nhiều thách thức, mong muốn về một khu vực hoà bình, ổn định và thịnh vượng đang ngày càng trở nên mạnh mẽ.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Singapore nói về tầm quan trọng của việc duy trì một chính sách hàng hải, thương mại mở với Singapore nói riêng cũng như ASEAN nói chung. Ông cho biết, trị giá của cảng biển gấp 3 lần trị giá GDP của quốc đảo sư tử.
Ngoại trưởng quốc gia đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2018 chia sẻ: "Ấn Độ Dương vẫn và sẽ luôn là mấu chốt quan trọng cho sự ổn định, phồn vinh của khu vực. Hàng hải vẫn sẽ luôn có tầm quan trọng và sẽ ngày càng có tầm quan trọng với thế giới. Chúng tôi thực sự mong muốn có một khu vực cấu trúc khu vực mở và tự do. Chúng ta cần có chương trình nghị sự về kinh tế rõ ràng, dựa trên luật lệ. Nếu làm được điều này, Ấn Độ Dương sẽ là một cái nôi mới động lực cho kỷ nguyên phát triển mới trên toàn thế giới" - Ngoại trưởng Vivian Balakrishnan nói.
Hôm nay (28.8), hội thảo tiếp tục với các phiên thảo luận cấp Bộ trưởng và quan chức cấp cao.
H.LIÊN
Theo Laodong
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chúc mừng tân Ngoại trưởng Hoa Kỳ Nhân dịp ông Michael Pompeo chính thức trở thành Ngoại trưởng Hợp chúng quốc Hoa Kỳ ngày 26/4, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã gửi điện chúc mừng. Ông Mike Pompeo đảm nhận cương vị Ngoại trưởng Mỹ từ ngày 26/4 (Ảnh: Getty) Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao tái khẳng định chính sách nhất quán...