Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Đêm nay, phòng họp trực tuyến các địa phương phải mở
Chỉ đạo công tác chống bão số 4, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, đêm nay, phòng họp trực tuyến của các địa phương phải mở.
Chiều 27/9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban chỉ đạo tiền phương cùng đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống bão số 4 tại tỉnh Quảng Trị. Sau cuộc kiểm tra, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì họp rà soát công tác ứng phó bão số 4 tại đầu cầu UBND tỉnh Quảng Trị. Dự họp có lãnh đạo một số bộ, ngành và các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi bão số 4.
Phó Thủ tướng cho biết, tối nay sẽ về Thừa Thiên – Huế họp điều hành tiếp, nếu cần thiết, có thể họp điều hành xuyên đêm.
” Đêm nay, phòng họp trực tuyến của các địa phương phải mở”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cùng đoàn công tác kiểm tra chợ Cửa Việt ở Quảng Trị. (Ảnh VGP/Đức Tuân)
Phó Thủ tướng đề nghị cuộc họp tập trung vào các biện pháp cấp bách trước mắt khi chỉ còn ít thời gian nữa bão sẽ đổ bộ vào đất liền, thời gian rất quý. Trong đó, các địa phương tập trung vào các biện pháp bảo đảm an toàn cao nhất cho người dân. Điều đó liên quan đến sơ tán, bố trí chỗ ở, đã vận động bà con sơ tán hết hay chưa?
“Làm sót cái này, bão vào thì nguy hiểm cho người dân. Đây là nhiệm vụ số 1″, Phó Thủ tướng nói.
Đồng thời, các địa phương phải xác định bảo vệ công trình trọng điểm, quan trọng mà ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế – xã hội cũng như an toàn cho nhân dân như hồ đập, đê điều, đường sá, bệnh viện, bảo vệ hệ thống điện…
Phó Thủ tướng cũng đề nghị báo cáo về việc chuẩn bị lương thực, thực phẩm, ứng cứu trường hợp bị chia cắt. Có thể xảy ra tình huống chưa lường hết như đê biển bị sóng đánh thì ứng cứu như thế nào?
Theo Chủ tịch UBND TP Đã Nẵng Lê Trung Chinh, đến nay, tất cả công việc đã xong. 8h tối sẽ cấm người dân ra đường. Hiện đường còn ít người đi lại.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, hiện trên địa bàn đã có mưa. Tuy nhiên, lượng mưa chưa lớn, phổ biết từ 30-80mm. Khu vực ven biển bắt đầu có gió cấp 5-6. Đến 15h hôm nay, tỉnh đã di dân xong với 14.443 hộ.
“Chúng tôi đã cho học sinh nghỉ học hôm nay và ngày mai. 21h tối nay cấm ra đường”, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế thông tin.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, chống bão tận dụng từng giờ, vừa họp vừa điều hành. “Tôi hỏi các đồng chí thuyền bè còn người trên tàu không? Tôi đề nghị các đồng chí cho lực lượng xuống kiểm tra tất cả tàu thuyền xem còn người không. Anh Chinh cho kiểm tra và báo cáo lại”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trực tiếp: Siêu bão Noru áp sát đất liền, Đà Nẵng đóng cầu Thuận Phước
Bão số 4 (tên quốc tế Noru) đang áp sát đất liền, gây mưa to trên địa bàn các tỉnh miền Trung và gió lớn bắt đầu nổi ở khu vực các địa phương hải đảo.
Đà Nẵng: Bắt đầu đóng các cầu qua sông Hàn
Từ 16 giờ 40, Công ty CP Cầu đường Đà Nẵng bắt đầu đóng cầu Thuận Phước. Sau cầu Thuận Phước, vào 20 giờ 30 cùng ngày, Đà Nẵng cũng sẽ cho đóng cầu Sông Hàn, Trần Thị Lý, cầu Rồng, cầu Phò Nam và cầu vượt Ngã ba Huế, áp dụng theo các cấp độ gió.
Công ty CP Cầu đường Đà Nẵng bắt đầu đóng cầu Thuận Phước.
Khi gió đạt cấp 6 sẽ chốt hai đầu cầu, cảnh báo người dân nguy cơ tiềm ẩn TNGT. Khi gió đạt cấp 7, cấm tất cả các loại phương tiện mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ lưu thông qua cầu Thuận Phước và xem xét tình hình lưu thông qua các cầu khác để cấm xe mô tô, xe máy. Khi gió đạt cấp 10, tiến hành phong tỏa, cấm tất cả các loại phương tiện qua các cầu.
Video đang HOT
Đối với các hầm chui tại nút giao Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương, nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý, nút phía Tây cầu Sông Hàn, khi có sự cố ngập nước, cấm các phương tiện lưu thông để bảo đảm an toàn.
Gió lớn, nhiều khách sạn ven biển Đà Nẵng dùng container chắn gió.
Mưa lớn, gió bắt đầu rít từng cơn, các lực lượng công an, quân đội cùng chính quyền địa phương Đà Nẵng đang khẩn trương di dời hơn 80 nghìn dân đến nơi tránh trú bão an toàn. Một số ngư dân vẫn cố bám trụ lại trên tàu, thuyền bị lực lượng chức năng cưỡng chế.
Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng huy đã tập kết sẵn 4 xe thiết giáp, trong đó có một xe lội nước, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ trong bão Noru
Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng, đã có hơn 800 tàu cá vào neo đậu ở âu thuyền Thọ Quang, hơn 220 tàu cá đang neo đậu ở các khu vực vịnh Mân Quang, cồn Ma, bờ đông và bờ tây sông Hàn, Đa Phước, biển Thanh Khê; 664 ghe, thúng đã được cẩu, kéo lên bờ.
Trên các tuyến đường, tại những nút giao thông, lực lượng chức năng đang khẩn trương gia cố hoặc tháo dỡ hệ thống đèn trên cao, có nguy cơ gãy, rớt khi bão đổ bộ.
Đại tá Nguyễn Quang Vinh, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự TP Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã chuẩn bị hết lực lượng và phương tiện sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 4. Đại tá Vinh thông tin thêm, hiện nay, tại trụ sở Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố huy đã tập kết sẵn 4 xe thiết giáp, trong đó có một xe lội nước, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ trong bão Noru.
"Khi bão đổ bộ, các xe bọc thép sẽ làm song song hai nhiệm vụ chở lãnh đạo đi thị sát tình hình trong bão và cứu nạn, cứu hộ trong tình huống nhà dân bị nạn, sự cố. Trong các đợt bão trước đây, xe thiết giáp của Bộ chỉ huy quân sự Đà Nẵng cũng được huy động đi giúp dân", Đại tá Vinh nói và cho biết xe thiết giáp mới di chuyển an toàn trong bão.
Tại khu vực giáp ranh giữa TP Đà Nẵng và Quảng Nam, hồi 16h30, mưa vẫn trút không ngớt, song vẫn chưa nổi gió. Hoạt động mua bán của người dân ngụ cư trên tuyến đường Sơn Trà - Điện Ngọc (nối 2 tỉnh, thành này) vẫn diễn ra bình thường dù siêu bão Noru đang áp sát đất liền.
Người dân trên tuyến đường Sơn Trà - Điện Ngọc vẫn bán hàng.
Quảng Ngãi: Gió bão giật cấp 11 ở đảo Lý Sơn
17h, tại đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, gió bão mạnh lên cấp 8-9, giật cấp 11 kèm mưa to đến rất to. Mưa bão đã làm gãy đổ một số cây trên tuyến đường trung tâm huyện. Mưa to cũng gây ngập cục bộ tại một số tuyến đường trũng thấp.
Dự báo tối nay, 27/9, bão số 4 đổ bộ Lý Sơn với sức gió mạnh kèm mưa to. Huyện, Lý Sơn đôn đốc phân công các lực lượng trực 24/24h để xử lý tình huống, đồng thời khuyến cáo người dân không ra đường khi mưa bão đổ bộ vào bờ.
Quảng Nam: 8 người bị thương khi gia cố nhà cửa
Thống kê từ thị xã Điện Bàn, 8 người dân bị thương do ngã từ mái nhà xuống khi đang gia cố nhà cửa. Trong đó, một ca nặng chấn thương vùng đầu và cổ phải chuyển vào Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng; một người bị sụn cột sống, chấn thương đầu được điều trị ở Đa khoa Bắc Quảng Nam.
Xuất hiện mưa vừa đến mưa rất to. Hồi 17h20 vùng biển Hà My thuộc thị xã Điện Bàn, Quảng Nam, hồi 17h20, gió rít nhẹ, sóng biển cao 3-4m. Tuyến đường biển nối Điện Bàn-Hội An nhiều đoạn ngập sâu 70-80cm do mưa lớn. Tại đảo Cù Lao Chàm sức gió đo được đã lên tới cấp 8, toàn bộ tàu thuyền, cư dân đã đi vào nơi tránh trú an toàn.
TP Hội An mưa to khiến một số tuyến đường ngập sâu trong nước, vùng biển Cửa Đại có sóng cao từ 3-4m, sóng biển mạnh liên tục vỗ xô vào bờ.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo từ 18h ngày 27/9, cấm tất cả các phương tiện tham gia giao thông và các phương tiện xe máy chuyên dùng khác (trừ các phương tiện tham gia công tác phòng, chống thiên tai) hoạt động, lưu thông trên các tuyến đường.
Vùng biển Cửa Đại có sóng cao từ 3-4m.
Bình Định: 161 tàu và 1.199 lao động nằm trong vùng nguy hiểm
16h30 tại Bình Định, nhiều khu vực đã có mưa, gió rất to và sóng biển cao. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho biết, lực lượng chức năng đã vận động người dân tại các vùng có nguy cơ sạt lở cao, vùng nguy hiểm và triều cường đến nơi trú ẩn an toàn.
Tại thị xã Hoài Nhơn, các lực lượng chức năng đang ráo riết giúp đỡ, vận động các gia đình nằm trong vùng nguy hiểm, nguy cơ sạt lở cao đến nơi trú ẩn an toàn. Ông Phạm Tiến Dũng, Bí thư, Chủ tịch UBND phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn cho hay, công tác vận động người dân tại các vùng ven biển, ảnh hưởng triều cường đang khẩn trương thực hiện.
Ông Dương Hiệp Hòa, Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn cho biết, thành phố đã lên phương án dự kiến di dời 1.573 hộ/5.922 người dân sống tại các vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt, nhà không kiên cố. Đến sáng nay, thành phố đã di dời 14 hộ/ 45 người dân ở phường Đống Đa, Thị Nại và xã Nhơn Hải.
Chiều 27/9, trả lời PV VTC News, PGS.TS Lê Anh Phương - Giám đốc Đại học Huế cho biết, nhiều trường, khoa trực thuộc của đơn vị dọn dẹp cơ sở vật chất, phòng học để sẵn sàng đón sinh viên đến tránh siêu bão Noru. Ghi nhận của PV VTC News tại phường Thuận An (TP Huế) từ giữa giờ chiều 27/9 trời bắt đầu có mưa lớn và có gió giật nhẹ, sóng và nước biển bắt đầu dâng cao. Rất đông người dân kéo đến trường THCS Thuận An để xin tránh bão.
Cũng trong chiều 27/9, Thượng tá Ngô Nam Cường - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, hiện đơn vị phối hợp với lực lượng chức năng trong tỉnh hoàn thành công tác di dân từ vùng nguy hiểm đến nơi an toàn từ 12h trưa nay. Các phương án phòng chống bão hiện cũng hoàn thành và đơn vị đang huy đông 100 quân số bao gồm lực lượng chính quy, dân quân tự vệ... lên đến vài chục nghìn người cùng xe bọc thép để sẵn sàng ứng phó khi bão Noru đổ bộ. Ngoài ra, một đơn vị thuộc quân khu IV đóng tại thị xã Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên - Huế) cũng đang ứng trực sẵn sàng phối hợp với địa phương chống bão.
Quảng Trị: Lốc xoáy quét ngang thị trấn Cửa Việt
Chiều nay 27/9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban chỉ đạo tiền phương cùng đoàn công tác đi kiểm tra việc phòng chống bão số 4 tại tỉnh Quảng Trị. Phó thủ tướng lập tức đến kiểm tra chợ Cửa Việt - nơi vừa xảy ra lốc xoáy làm tốc mái nhiều nhà và làm nhiều người dân bị thương. Phó thủ tướng sẽ chủ trì họp rà soát công tác ứng phó bão số 4 tại đầu cầu UBND tỉnh Quảng Trị. Dự họp có lãnh đạo một số bộ, ngành và các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi bão.
Dù bão Noru chưa đổ bộ nhưng 16h ngày 27/9, ghi nhận tại khu phố 3, thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) cho thấy, một số cây xanh bị gãy, nhà cửa và quán xá bị tốc mái do ảnh hưởng của 1 cơn lốc xoáy quét qua.
Người dân cho biết, vào khoảng 15h20, đi kèm với cơn mưa lớn, là một luồng gió mạnh quét qua. Chỉ một thời gian ngắn, nhưng phần mái ở chợ thị trấn Cửa Việt bị tốc, biến dạng; các ngôi nhà ở cạnh đó cũng bị tốc mái. Theo lãnh đạo UBND huyện Gio Linh, cơ quan chức năng vừa mới đến hiện trường để thống kê thiệt hại. Trước mắt, có 2 người bị thương.
Đồn Biên phòng Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh) cho biết, khoảng 16h30 ngày 27/9 lượng mưa đo được khoảng 60-80mm. Gió tại cửa biển Cửa Tùng cấp 5-6. Phương tiện tàu thuyền đang neo đậu vẫn đảm bảo an toàn. Tuy nhiên thời tiết có sấm, sét, nguy cơ giông, lốc xoáy có thể xảy ra.
Lốc xoáy quét ngang thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) khiến nhiều ngôi nhà bị tốc mái, ít nhất 2 người bị thương.
Bão Noru sẽ cập bờ sớm hơn
Hồi 13h chiều nay (27/9), vị trí tâm bão ở trên vùng biển phía Tây Nam quần đảo Hoàng Sa, cách đất liền khu vực Đà Nẵng-Quảng Ngãi khoảng 270km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (150-183km/giờ), giật trên cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 300km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km. Đến 1h ngày 28/9, vị trí tâm bão ở trên vùng biển Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (167-183km/giờ), giật cấp 17.
Nhiều địa phương cấm người ra đường khi bão Noru đổ bộ
Người dân ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế... được yêu cầu không ra đường trong tối nay, khi bão Noru dự báo vào đất liền với sức gió 183 km/h (cấp 15).
Để chủ động ứng phó với bão số 4 và mưa lũ, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, UBND các tỉnh có ý kiến như sau: Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc các cơ quan, đơn vị Nhà nước trên địa bàn tỉnh nghỉ làm việc kể từ 12h ngày 27/9 đến hết ngày 28/9 (trừ các bộ phận liên quan đến phòng, chống thiên tai và các lực lượng khác do thủ trưởng đơn vị quyết định).
Huyện Lý Sơn có mưa to và rất to, gió mạnh.
Các doanh nghiệp, công ty, xí nghiệp, nhà máy tư nhân trên địa bàn tỉnh cho công nhân, người lao động,... được nghỉ làm việc kể từ 12h ngày 27/9 đến hết ngày 28/9 nhằm đảm bảo phòng, chống bão, bảo vệ tài sản của gia đình.
Đáng chú ý, chính quyền địa phương yêu cầu người dân không ra khỏi nhà kể từ 18h ngày 27/9 cho đến khi có thông báo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan kiểm tra công tác phòng chống bão ở Thừa Thiên Huế
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đến kiểm tra công tác di dời dân, bảo vệ khu nuôi trồng thủy sản tại khu tái định cư Tân Thanh và thôn 14, xã Quảng Công, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế. Theo báo cáo của UBND xã Quảng Công, đến thời điểm hiện tại, xã đã hoàn thành công tác di dời dân ở vùng trọng điểm thuộc khu vực sát biển đến các công trình kiên cố trên địa bàn với 55 hộ 99 nhân khẩu.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan kiểm tra công tác phòng, chống bão tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Đồng thời, các lực lượng địa phương đã triển khai giúp dân gia cố bờ bao, màn lưới đối với 50 ha nuôi trồng thủy sản thấp trũng, ứng phó với bão số 4.
Bộ trưởng lưu ý về tình trạng ngư dân ở lại trên tàu để trông coi, tát nước khi bão đang vào, rất nguy hiểm đến tính mạng.
"Các tàu cá vào cảng neo đậu tương đối an toàn nhưng phải tuyệt đối yêu cầu ngư dân rời khỏi tàu. Ven biển do kết hợp triều cường, sóng biển cao trong khi kết cấu hạ tầng, nhà cửa chúng ta còn yếu nên cần tăng cường theo dõi, đảm bảo an toàn cho người và tài sản của người dân. Khu vực miền núi liên quan đến sạt lở, đứt gãy địa chất không theo quy luật nên cần chủ động, đảm bảo thông tin liên lạc chặt chẽ, xuyên suốt" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Quân khu 5 huy động xe đặc chủng, máy bay ứng phó siêu bão Noru
Ngày 27/9, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã huy động hàng chục nghìn cán bộ chiến sĩ cùng hàng trăm xe đặc chủng, xe lội nước tham gia chống bão. Cùng với đó, hàng loạt phương tiện như xe ô tô, xuồng máy, trực thăng và xe thiết giáp của Lữ đoàn T-TG 574 cũng đã sẵn sàng đợi lệnh chỉ huy để ứng phó bão Noru.
Đại tá Nguyễn Quốc Hương - Phó Tham mưu trưởng Quân khu 5, kiểm tra phương tiện tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn tại Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi. (Ảnh: Quân khu 5)
Tính đến sáng 27/9, các lực lượng Quân khu 5 đã hỗ trợ nhân dân các tỉnh ven biển từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận neo đậu hơn 20.000 tàu cá.
Các lực lượng được bố trí xuống trực tiếp các khu dân cư trọng yếu để giúp nhân dân chằng chống nhà cửa, trường học; cắt tỉa cây xanh, đưa phương tiện neo đậu vào bờ an toàn; phối hợp với biên phòng kêu gọi tàu thuyền vào bờ và hướng dẫn các tàu thuyền đang hoạt động trên biển tránh trú bão.
Ảnh hưởng bão Noru: Đảo Lý Sơn đã có gió giật cấp 11 Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 (bão Noru), tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11, đảo Phú Quý (Bình Thuận) gió mạnh cấp 6, giật cấp 7. Hồi 13 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão số 4 ở trên vùng biển...