Phó Thủ tướng không đồng tình ghi tên các thành viên gia đình vào “sổ đỏ”
Bày tỏ không đồng tình khi ghi tên các thành viên gia đình vào sổ đỏ, vì sẽ gây khó khăn cho đời sống của người dân, tại buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) sáng 4-11, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng Bộ Tài nguyên & Môi trường cần tổ chức đánh giá, truyền thông kỹ càng trước mỗi kiến nghị về chính sách, tránh gây ra các phản ứng chính sách không cần thiết trong xã hội.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri của các xã thuộc huyện Đức Thọ đã bày tỏ với Phó Thủ tướng những băn khoăn của địa phương, như xây dựng nông thôn mới còn khó khăn khi giá đất đấu giá thấp, không bảo đảm nguồn thu, bảo đảm việc huy động không quá sức dân. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp còn bấp bênh, giá nông sản không bảo đảm bù đắp cho chi phí sản xuất và lợi nhuận của nông dân.
Cử tri huyện Đức Thọ cũng bày tỏ không đồng tình với đề nghị cải cách chữ viết, ghi tên các thành viên gia đình vào trong sổ đỏ sẽ gây ra lãng phí và bất cập trong các quan hệ dân sự…
Ghi nhận các đánh giá và kiến nghị của cử tri huyện Đức Thọ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết tuỳ theo thẩm quyền sẽ giao các cơ quan của Chính phủ hay chính quyền tỉnh Hà Tĩnh tiếp thu và thực hiện nguyện vọng của cử tri Đức Thọ cũng như là cử tri cả nước nói chung.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với cử tri Hà Tĩnh
Phó Thủ tướng cũng cho biết: Chính phủ và Bộ Giáo dục & Đào tạo không có chủ trương đổi mới chữ viết. Tuy vậy, Chính phủ tôn trọng tự do ngôn luận, sự khác biệt và sáng tạo của mỗi cá nhân.
Phó Thủ tướng cũng không đồng tình khi ghi tên các thành viên gia đình vào “sổ đỏ” sẽ gây khó khăn cho đời sống của người dân và cho rằng Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tổ chức đánh giá, truyền thông kỹ càng trước mỗi kiến nghị về chính sách, tránh gây ra các phản ứng chính sách không cần thiết trong xã hội.
Video đang HOT
Về các kiến nghị đối với Chương trình xây dựng nông thôn mới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ đã ban hành chủ trương cho chính quyền xã đấu giá đất để tạo nguồn thực hiện Chương trình và giao UBND cấp tỉnh điều phối nguồn thu này để tránh việc có xã đấu giá được đất giá cao, nhưng có xã đạt thấp, không bảo đảm nguồn.
Về xây dựng các công trình nước sạch ở nông thôn, Chính phủ có chủ trương xã hội hoá- chính quyền giao đất (không thu tiền thuế hoặc thu ít) cho nhà đầu tư xây dựng trạm cung cấp nước sạch với giá rẻ; chỉ đạo ngân hàng chính sách xã hội cho vay lãi suất thấp để doanh nghiệp, người dân giải quyết vấn đề nước sạch tốt hơn.
Để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, bảo đảm thu nhập cho người dân, Chính phủ sẽ tổ chức phát triển các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, kết hợp với doanh nghiệp; cho thế chấp tài sản trên đất nông nghiệp tạo thêm nguồn lực tài chính cho người dân; thúc đẩy sửa đổi, triển khai lại chính sách bảo hiểm nông nghiệp; thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm tiêu biểu,…
Về chế độ chính sách, tiền lương với cán bộ không chuyên trách cấp xã, Phó Thủ tướng cho biết Trung ương đã thông qua hai Nghị quyết số 18 và 19 về tinh gọn bộ máy, đổi mới hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập để làm nền tảng thảo luận, thông qua Nghị quyết về cải cách tiền lương trong năm 2018. Trong các Đề án này sẽ có giải pháp để bảo đảm bộ máy chính quyền các cấp, các đầu mối cung cấp dịch vụ công hoạt động hiệu quả, bảo đảm tiền lương xứng đáng cho cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có cán bộ cấp cơ sở.
Ngoài việc giải đáp thắc mắc của cử tri địa phương, Phó Thủ Thủ tướng cũng thay mặt Chính phủ báo cáo một số thành tựu của đất nước trong năm qua. Mặc dù năm 2017, bão lũ diễn ra liên tục, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước và của cả người dân, nền kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro ở một số ngân hàng thương mại, nhiều dự án đầu tư của nhà nước yếu kém, không hiệu quả, dư địa chính sách tài chính hạn hẹp vì trần nợ công đang báo động. Tuy nhiên, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã nỗ lực trong chỉ đạo, thực hiện và dự kiến đạt được 13/13 chỉ tiêu kinh tế- xã hội mà Quốc hội đã giao.
Theo đó, cả 3 khu vực kinh tế (Công nghiệp- xây dựng; Nông nghiệp; Dịch vụ) đều tăng trưởng cao hơn năm ngoái. Quy mô xuất- nhập khẩu hàng hoá đã tăng gấp 2 lần sau 5 năm khi đạt giá trị 400 tỷ USD.
Phó Thủ tướng cho biết việc điều chỉnh giá điện vào đầu tháng 12 vừa qua chỉ khiến CPI năm 2017 tăng thêm 0,08%, vẫn bảo đảm dưới 4% theo yêu cầu của Quốc hội.
Trước đó, vào sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng các vị đại biểu Quốc hội, lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tới viếng thăm, dâng hoa tại khu mộ Tổng Bí thư Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.
Theo Vũ Hân
Sổ đỏ ghi tên cả gia đình có thể sẽ gây ra nhiều bất cập, hệ lụy trong giao dịch mua bán nhà đất
Đó là nhận định của nhiều chuyên gia trong ngành về quy định mới này, vừa được quy định tại Thông tư 33 của Bộ Tài nguyên và Môi trường có hiệu lực từ 5/12 tới. Thay vì chỉ ghi tên chủ hộ như thường thấy, theo quy định mới từ ngày 5/12/2017 cả gia đình sẽ cùng đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (còn gọi là Sổ đỏ).
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Thông tư số 33/2017 quy định chi tiết một số điều Nghị định 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 5/12/2017.
Theo đó, Thông tư số 33/2017 đã sửa đổi, bổ sung Điểm c Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 23/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định: "Hộ gia đình sử dụng đất thì ghi "Hộ gia đình, gồm ông" (hoặc "Hộ gia đình, gồm bà"), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình...
Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình.
Dòng tiếp theo ghi "Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc Cùng sử dụng đất hoặc Cùng sở hữu tài sản) với ... (ghi lần lượt họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất).
Như vậy, Thông tư 33/2017 đã bổ sung thêm đối tượng là "những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất" vào trong sổ đỏ.
Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng quy định này cũng sẽ gây ra nhiều bất cập, rắc rối. Chẳng hạn, với những gia đình có nhiều thành viên, nhiều thế hệ cùng sống thì sổ đỏ phải ghi đầy đủ thông tin của các thành viên trong hộ gia đình sẽ gây khó khăn phức tạp đối với cán bộ thụ lý hồ sơ. Ví dụ như dễ gây nhầm lẫn thông tin; thông tin nhân thân từng thành viên có thể thay đổi...
"Trước mắt sẽ gây khó khăn, áp lực hơn cho cơ quan cấp sổ đỏ việc xác định các thành viên sẽ ghi trong giấy chứng nhận, nhất là sổ đỏ được cấp lần đầu. Bởi trong thực tiễn, việc xác định các thành viên đối với nhiều trường hợp không phải dễ dàng chứng minh (nhiều trường hợp phải có phán quyết của tòa án), nhất là đối với các hộ gia đình quá đông người và có sự biến động về các thành viên trong từng thời kỳ", một luật sự nhận định.
Còn theo LS Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM, quy định này sẽ gây nhiều phiền toái cho người dân trong việc xác định các thành viên. Rất nhiều gia đình không còn giấy tờ, hay con cái ở xa hoặc đi nước ngoài không thể xác minh được.
Khi đó, họ có thể buộc phải kê khai theo hướng giảm bớt thành viên hoặc giảm bớt những người thừa kế để làm được giấy tờ. Rồi việc thay đổi các thành viên trong gia đình trên sổ đỏ cũng làm tăng các thủ tục liên quan đến cập nhật thông tin, chia thừa kế trong người dân ở các vùng nông thôn, miền núi chưa quen với những quy định pháp luật này.
Cũng về vấn đề này, TS. LS Bùi Quang Tín khẳng định rằng các quy định trên chắc chắn sẽ tạo ra rất nhiều hệ lụy trong các giao dịch mua bán BĐS trong thời gian tới. Tuy nhiên, chúng ta phải đặt các quy định này dưới lăng kính của Bộ Luật Dân sự, xem có phù hợp hay không. Đặc biệt, quyền lợi của các thành viên vị thành niên có được đảm bảo hay không khi họ chưa có tiếng nói quyết định. Một vấn đề khác, Thông tư này có tính đến các trường hợp nhiều hộ gia đình đang chờ xin cấp sổ đỏ hay không, hay chỉ chính thức thay đổi với các trường hợp xin cấp từ ngày Thông tư này có hiệu lực.
"Trong khi chúng ta đang tiến tới đơn giản hóa thủ tục hành chính bằng việc bỏ hẳn sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân thì quy định này lại tạo ra nhiều cái không cần thiết. Việc này sẽ tạo ra sự lúng túng trong công tác ký cấp sỏ đỏ cho rất nhiều trường hợp", LS. Tín nói thêm.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM đặt vấn đề quy định này được ban hành lúc này có cần thiết hay không? Thông tư 33 của Bộ này đưa ra không sai, bởi phù hợp với các nội dung của Luật Đất đai, tuy nhiên cơ quan chủ quản chưa có một cách giải thích và truyền thông thỏa đáng để công luận hiểu rõ hơn. Vấn đề này dù muốn hay không cũng tác động không nhỏ đến các giao dịch nhà đất trong thời gian tới, bởi chắc chắn sẽ phát sinh rất nhiều chuyện không mong muốn, nhất là có một thành viên chưa đủ tuổi thành niên có tên trên sổ đỏ.
Theo Nhịp sống kinh tế
Từ 5/12, 'sổ đỏ' sẽ phải ghi đầy đủ tên các thành viên gia đình Từ ngày 5/12 tới, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất (sổ đỏ) sẽ phải ghi đầy đủ những thành viên trong gia đình cùng sử dụng đất. Đề xuất sang tên sổ đỏ cũng phải nộp thuế VAT Hà Nội cấp 'sổ đỏ' đạt 98% ở khu dân cư Hành trình 13 năm làm sổ...