Phó Thủ tướng: Không để sai phạm tiêu cực, chạy thầu… trôi đi
“6 tháng một lần, các Ban quản lý, các chủ đầu tư phải báo cáo về kiểm soát tiêu cực và lãng phí, thấy nguy cơ như thông thầu, chạy thầu phải báo cáo ngay, không để sự việc trôi đi, không xử lý để sai phạm xảy ra” – Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu.
Sáng 3/2, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi đã họp với nhóm 6 ngân hàng tài trợ quốc tế nhằm đánh giá, xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình, dự án ODA trong năm 2015.
Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo, giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi năm 2014 đạt khoảng 5,6 tỷ USD (ODA vốn vay là 5,25 tỷ USD, ODA viện trợ không hoàn lại là 350 triệu USD), cao hơn 9% so với năm 2013.
Theo đánh giá chung, sau những biện pháp đôn đốc kiên quyết, thường xuyên của Ban Chỉ đạo, giải ngân năm 2014 có những cải thiện đáng kể. Các nhà tài trợ quy mô lớn vẫn tiếp tục được duy trì mức giải ngân cao như Nhật Bản (JICA): 1,773 tỷ USD, WB: 1,386 tỷ USD, ADB: 1,058 tỷ USD.
PhóThủ tướng Hoàng Trung Hải: “Không để sự việc tiêu cực trôi đi, không bị xử lý” (ảnh: Chinhphu.vn).
Một số dự án đầu tư quy mô lớn cũng đã đóng góp vào mức giải ngân này như Dự án xây dựng Nhà ga hành khách T2-Cảng hàng không Nội Bài, Dự án cơ sở hạ tầng giao thông ĐBSCL, Dự án cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Đồng bằng sông Hồng P4R, Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện Ô Môn số 2 và lưới điện truyền tải khu vực ĐBSCL…
Tuy tình hình thực hiện và giải ngân các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi những chuyển biến tích cực, song theo các ý kiến trong hội nghị là vẫn còn chậm hơn so với kỳ vọng. Giải ngân giữa các ngành, lĩnh vực và giữa các địa phương còn chưa đồng đều.
Các cơ quan quản lý Nhà nước về ODA, cơ quan chủ quản, chủ dự án và các nhà tài trợ cũng thống nhất sẽ tổ chức thường xuyên các cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện, xác định và kịp thời xử lý các vướng mắc nảy sinh, thúc đẩy tiến độ thực hiện và nâng cao tỷ lệ giải ngân các chương trình, dự án ODA.
21 tỷ USD vốn ODA tồn đọng
Video đang HOT
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng việc thu hút các nguồn vốn này sẽ ngày càng khó khăn. Vì vậy, nhiệm vụ trước hết của năm 2015 cũng như thời gian tới cho triển khai ODA và vốn vay ưu đãi là nâng cao năng lực để giải ngân, sử dụng hiệu quả nguồn vốn Việt Nam đã cam kết, đã ký với các nhà tài trợ. Số vốn ODA chưa giải ngân của các chương trình, dự án đang thực hiện còn rất lớn, khoảng 21 tỷ USD. Nếu tình hình giải ngân chậm được cải thiện, mỗi năm Việt Nam mất hàng trăm triệu USD chi phí cơ hội.
Đánh giá các dự án ODA thường là những công trình lớn, phức tạp về kỹ thuật và thực hiện trong thời gian dài với nhiều bên liên quan nên nguy cơ xảy ra tham nhũng, gian lận rất cao, Phó Thủ tướng yêu cầu các thành viên Bộ, ngành trong Ban chỉ đạo xác định nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên là làm thế nào để hạn chế tối đa tham nhũng, tiêu cực ở các dự án, qua đó tiếp tục thu hút, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn được dự báo là sẽ ngày càng khó khăn, hạn chế trong thời gian tới.
“Trong điều hành nhiệm vụ năm 2015 trở đi, cứ 6 tháng một lần, các Ban quản lý, các chủ đầu tư trong báo cáo đánh giá về triển khai các dự án, phải có phần riêng báo cáo về kiểm soát tiêu cực và lãng phí như thế nào. Thấy có vấn đề gì có khả năng và nguy cơ như thông thầu, chạy thầu thì phải báo cáo ngay. Không để sự việc trôi đi, không xử lý để sai phạm có nguy cơ diễn ra”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Các cơ quan Bộ, ngành là cấp quản lý, cấp quyết định dự án trong quá trình kiểm tra cũng phải có báo cáo riêng về vấn đề này khi họp Ban chỉ đạo, chứ không chỉ nêu vấn đề giải ngân, tiến độ… các dự án. Bộ KHĐT là cơ quan đầu mối trong xây dựng kế hoạch năm 2015 của Ban chỉ đạo cũng đưa ra các hành động cụ thể.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng chỉ đạo: “Sắp tới, trong xây dựng mô hình Ban quản lý phải đảm bảo yêu như vấn đề thuê tư vấn dự án. Không nên quyết định dự án rồi mới thành lập Ban quản lý mới”.
Phó Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành thành viên Ban chỉ đạo phải bám sát Kế hoạch hành động của Thủ tướng Chính phủ để cải thiện tình hình thực hiện các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi thời kỳ 2014-2015.
P.Thảo
Theo Dantri
Có nên lập "Bộ Phụ nữ"?
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Việt Nam hiện nay không có bộ nào quản lý phụ nữ, trong khi các nước đều có bộ phụ nữ nên cần tính toán, xem xét tới việc này.
Tại cuộc họp ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 20/1, các đại biểu chưa thống nhất được quan điểm về việc có nên quy định cụ thể số lượng, tên gọi và nhiệm vụ của các bộ, cơ quan ngang bộ vào dự thảo Luật tổ chức Chính phủ hay không.
Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho biết nhiều ý kiến tán thành quy định về cơ cấu tổ chức của Chính phủ như trong dự thảo luật và đề nghị không ghi rõ số lượng, tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ trong dự thảo luật.
Bên cạnh đó, có ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cần xác định cụ thể số lượng và tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ ngay trong luật. Ý kiến này cho rằng, hiện nay các lĩnh vực quản lý nhà nước đều đã được xác định rõ nên cần phân công cho các bộ, cơ quan ngang bộ phụ trách để bảo đảm tính ổn định cho bộ máy Chính phủ. Hơn nữa, trong Luật tổ chức Quốc hội cũng xác định cụ thể số lượng, tên gọi và nhiệm vụ cụ thể của Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội rồi.
Thường trực Ủy ban pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ như dự thảo và căn cứ vào tình hình cụ thể, trong một giai đoạn cụ thể, Quốc hội sẽ quyết định cơ cấu của Chính phủ gồm bao nhiêu bộ, cơ quan ngang bộ là những bộ, cơ quan ngang bộ nào và không quy định cứng tên các bộ, cơ quan ngang bộ trong luật.
"Không quy định cứng số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ nhằm tạo cơ sở pháp lý để xây dựng một Chính phủ năng động, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh trong đời sống kinh tế - xã hội; bảo đảm sự chủ động của Chính phủ khi cần thiết phải điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu của từng thời kỳ"- ông Lý phân tích thêm.
Theo ông Lý, nếu quy định "cứng" số lượng và tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ sẽ làm cho dự thảo luật khó có tính khả thi và không bảo đảm tính ổn định lâu dài. Thực tiễn hoạt động Quốc hội cho thấy, từ đầu nhiệm kỳ của mỗi khóa Quốc hội, Quốc hội sẽ quyết định số lượng, tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ của Chính phủ bằng hình thức ra nghị quyết của Quốc hội. Cách thức này được thực hiện cho đến nay vẫn chưa có vướng mắc nào. Nếu quy định "cứng" số lượng, tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ trong dự thảo luật thì sẽ phải sửa đổi luật tại mỗi đầu nhiệm kỳ khi có sự thay đổi về số lượng, tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ. Trên thế giới hiện nay cũng có rất ít quốc gia quy định cụ thể về số lượng, tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ.
Không đồng tình, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cho biết các đại biểu Quốc hội khi thảo luận rất băn khoăn về việc có bao nhiêu bộ, tại sao không quy định rõ luôn vào dự thảo luật.
"Tùy theo tình hình thực tế từng giai đoạn thì có thể thêm hoặc bớt, loại bỏ bộ nào đó. Chính sự ổn định đó của luật pháp giúp ổn định luật của chúng ta. Nếu chỉ quy định Chính phủ gồm các các bộ và cơ quan ngang bộ thì không rõ ràng lắm, đại biểu thắc mắc là gồm những bộ nào ?. Các bộ Tài chính, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao rõ ràng, ổn định rồi thì sao không ghi rõ vào, còn bộ nào băn khoăn thì có một điều để điều chỉnh thì có phải luật đàng hoàng không ?"- ông Hiển bày tỏ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cân nhắc việc quy định số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ vào dự thảo Luật tổ chức Chính phủ. Ảnh: TTXVN.
"Có cần quy định cụ thể ngay trong luật Chính phủ có bao nhiêu bộ không, hay chỉ quy định nguyên tắc?. Hiến pháp nói Chính phủ do Quốc hội quyết định"- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề.
Chủ tịch Quốc hội phân tích, Thủ tướng Chính phủ nếu muốn từ 15 bộ xuống còn 10 bộ chẳng hạn thì phải trình ra Quốc hội quyết định, nếu Quốc hội đồng ý thì mới được thực hiện. Nếu Thủ tướng muốn nâng từ 10 bộ lên 15 bộ chẳng hạn mà Quốc hội nói việc này làm tăng rất nhiều biên chế, không chấp nhận, thì không được thực hiện.
Theo Chủ tịch Quốc hội, danh tính của Thủ tướng Chính phủ phải "chờ tới phút chót" mới biết được, dù trước đó đã phải trải qua nhiều giai đoạn, quy trình.
"Mới biết Thủ tướng hôm trước, hôm sau Thủ tướng đã phải điều hành Chính phủ mới ngay rồi mà quy định thế thì cấp tập quá, và vì cấp tập quá như thế thì hay ngẫu hứng. Quy định cứng trong luật có bao nhiêu bộ, bộ gì, khi cần thay đổi, làm thêm hay bớt đi thì đến lúc đó Quốc hội lại quyết định thì cũng có cái hay của nó. Tôi đề nghị các đồng chí suy nghĩ, tính toán thêm về vấn đề này"- Chủ tịch Quốc hội đề nghị.
Trong khi đó, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết Việt Nam hiện nay không có bộ nào quản lý phụ nữ, trong khi các nước đều có bộ phụ nữ nên cần tính toán, xem xét tới việc này.
Thủ tướng phải báo cáo trước Nhân dân
Theo ông Phan Trung Lý, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định cụ thể hơn trong dự thảo luật trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ; đề nghị quy định mỗi quý một lần, Thủ tướng Chín phủ báo cáo trước nhân dân thông qua phương tiện thông tin đại chúng, phương tiện nào thì do Chính phủ quyết định.
"Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy việc luật hóa chi tiết quy định tại khoản 6 Điều 98 của Hiến pháp về chế độ báo cáo trước Nhân dân của Thủ tướng Chính phủ là cần thiết. Thường trực Ủy ban pháp luật nhận thấy, dự thảo luật đã có quy định về trách nhiệm báo cáo của Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước và Nhân dân tại Điều 25 dự thảo trình Quốc hội. Việc báo cáo của Thủ tướng Chính phủ là định kỳ hoặc đột xuất theo vấn đề phát sinh. Do đó, Thường trực Ủy ban pháp luật đề nghị được giữ như dự thảo"- ông Lý cho biết.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cho biết khi "rà" lại Hiến pháp ở các Điều 96 và Điều 98, ông nhận thấy có những nội dung của Chính phủ nhưng tại dự thảo luật này lại được đưa vào quy định cho Thủ tướng là không đúng. "Quyết định tổng biên chế công chức, sự nghiệp không thể là của Thủ tướng được, mà phải là của Chính phủ. Mặc dù Thủ tướng ký việc ấy nhưng là thay mặt Chính phủ để ký thôi"- ông Ksor Phước nói.
Thế Kha
Theo Dantri
Phong tỏa hiện trường, làm rõ nguyên nhân vụ sập hầm thuỷ điện Liên quan đến vụ sập hầm thuỷ điện Đạ Dâng - Đạ Chomo làm 12 người bị mắc kẹt, ngay sau cuộc giải cứu thành công các nạn nhân, lực lượng chức năng đã phong tỏa, bảo vệ hiện trường, điều tra nguyên nhân vụ việc. Hiện tại, toàn bộ khu vực hầm sập đã được bảo vệ chặt chẽ. Lực lượng chức...