Phó thủ tướng Đức: Donald Trump là mối đe dọa hòa bình và thịnh vượng
Phó thủ tướng Đức Sigmar Gabriel ngày 6.3 chỉ trích ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump (đảng Cộng hòa), cho rằng những quan điểm của ông Trump là mối đe dọa cho hòa bình và thịnh vượng.
Ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trước cử tri tại Đại học Central Florida, thành phố Orlando (bang Florida) ngày 5.3.2016 – Ảnh: Reuters
Trả lời phỏng vấn tờ Welt am Sonntag (Đức), ông Gabriel, kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức và lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội, gọi ông Trump là “người theo chủ nghĩa dân túy cánh tả” và “dù là Donald Trump, Marine le Pen hay Geert Wilders, thì tất cả những người theo chủ nghĩa dân túy không chỉ là mối đe dọa cho hòa bình mà còn cho cả xã hội và phát triển kinh tế”, theo Reuters.
Ông Trump từng bị nhiều lãnh đạo thế giới chỉ trích vì những phát ngôn gây tranh cãi của ông về phụ nữ, Hồi giáo, người tị nạn… Chẳng hạn Thủ tướng Anh David Cameron từng gọi những phát ngôn của ông Trump là “gây chia rẽ, ngu ngốc và sai lầm”.
Ông Gabriel bác bỏ những đề xuất của ông Trump về cải cách kinh tế Mỹ, cho rằng tỉ phú Trump và Chủ tịch đảng Mặt trận quốc gia Pháp, bà Marine Le Pen chỉ biết hứa hẹn với cử tri “những biện pháp cải cách kinh tế chỉ hữu hiệu trong thế giới cổ tích”.
“Trong lịch sử chưa có nền kinh tế nào có thể phát triển khi tự cô lập. Chúng ta phải nỗ lực để giải thích vì sao chúng ta muốn định hình toàn cầu hóa một cách công bằng”, ông Gabriel cho biết.
Trước đó, ông Trump từng đề xuất cải cách kinh tế, phản đối nỗ lực của Nhà Trắng trong việc đẩy mạnh ký kết các thỏa thuận tự do thương mại quốc tế, với cáo buộc những thỏa thuận này sẽ khiến công ăn việc làm đổ ra nước ngoài, dân Mỹ thất nghiệp, đe dọa tầng lớp lao động và trung lưu Mỹ. Ông Trump còn cáo buộc Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ và Mexico cướp việc làm của dân Mỹ.
Phó thủ tướng Đức Sigmar Gabriel tố ông Trump là mối đe dọa cho hòa bình – Ảnh: Reuters
Trùm bất động sản Trump còn đề xuất đánh thuế cao đối với những mặt hàng nhập khẩu từ những quốc gia như Trung Quốc, Mexico để ép các công ty đưa dây chuyền sản xuất về Mỹ, ngăn chặn doanh nghiệp Mỹ sản xuất ở nước ngoài.
Ông Trump còn gọi chính sách mở cửa đón người tị nạn của Thủ tướng Đức Angela Merkel là “điên rồ” và dự đoán sẽ gây bạo loạn ở Đức.
Video đang HOT
Giáo hoàng Francis cũng từng chỉ trích ông Trump không phải là người Thiên chúa giáo, bởi vì trong những chiến dịch tranh cử ông ta hứa hẹn sẽ trục xuất người nhập cư và buộc Mexico phải trả tiền xây dựng bức tường dọc biên giới Mỹ – Mexico. Ông Trump đã phản ứng lại, gọi bình luận của Giáo hoàng Francis là “vô duyên”.
Vào tháng 12.2015, Tổng thống Nga Vladimir Putin lại bày tỏ sự ngưỡng mộ dành cho tỉ phú Trump, dùng tính từ như “sáng lạn”, “tài năng” và “sống động” để mô tả ứng viên đảng Cộng hòa.
Ông Trump giành chiến thắng trong vòng bầu cử sơ bộ “Siêu thứ ba” ngày 1.3 và thắng trong số năm bang trong vòng bầu cử sơ bộ “Siêu thứ bảy” 5.3.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Gáo nước lạnh dội vào Lầu Năm Góc của tỷ phú Trump
Trong khi các ứng viên tổng thống Mỹ khác muốn tăng ngân sách quốc phòng thì Donald Trump cho rằng Lầu Năm Góc đang để xảy ra những lãng phí lớn.
Ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP
Theo đánh giá của cây bút chuyên về quân sự Matthew Gault trênReuters, Donald Trump có thể là ứng viên tranh cử duy nhất nói những điều đúng đắn về chi tiêu quân sự của Mỹ. Và điều đó khiến mọi người lo sợ.
"Tôi sẽ xây dựng một quân đội mạnh hơn hiện giờ rất nhiều", ông Trump phát biểu với chương trình Meet the Press của kênh NBC News. "Quân đội đó sẽ mạnh đến mức không ai dám gây chuyện với chúng ta. Nhưng các anh biết không? Chúng ta có thể làm việc đó với chi phí thấp hơn nhiều".
Gault cho rằng ý kiến của Donald Trump là đúng. Chi tiêu quốc phòng của Mỹ đang vượt ngoài tầm kiểm soát. Ngân sách Bộ Quốc phòng Mỹ được phân bổ năm 2016 là 573 tỷ USD và Tổng thống Obama đề xuất nâng con số này lên 582 tỷ USD trong năm tới. Trong khi đó, Trung Quốc chi khoảng 145 tỷ USD, còn Nga trong năm 2015 chỉ dùng 40 tỷ USD. Moscow có lẽ đã chi mạnh tay hơn nếu giá dầu không lao dốc, cùng các lệnh trừng phạt khiến tình hình kinh tế nước này ảm đạm.
Như ông Trump từng nhiều lần đề cập, Washington có thể xây dựng và duy trì một kho vũ khí đáng gờm với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ hiện nay. Tỷ phú bất động sản cũng đúng về một trong những nguyên nhân khiến chi phí đội lên: các hệ thống vũ khí có tiếng đắt đỏ như tàu tác chiến ven bờ và chiến đấu cơ đa nhiệm F-35.
Các chiến đấu cơ F-35 tiêu tốn ít nhất 1.500 tỷ USD trong vòng 55 năm tồn tại, theo ước tính của nhà sản xuất Lockheed Martin. Con số này đã tăng 500 tỷ USD so với ước tính cao nhất trước đây. Nhưng với một danh sách dài các vấn đề mà chiến đấu cơ tàng hình này đang gặp phải, chi phí được dự đoán sẽ còn tiếp tục tăng.
"Tôi được nghe những chuyện dạng như họ đặt mua những tên lửa họ không muốn chỉ vì lý do chính trị, vì những lợi ích đặc biệt, vì công ty sản xuất tên lửa cũng là một nhà tài trợ", ông Trump phát biểu trước cuộc bầu cử sơ bộ bang New Hampshire.
Chiến đấu cơ đa nhiệm F-35 là chương trình vũ khí tốn kém nhất lịch sử nước Mỹ. Ảnh: Lockheed
'Muốn mạnh là phải chịu chi'
Quốc phòng có ý nghĩa sống còn với nước Mỹ. Nhưng theo Gault, rõ ràng có điều gì đó không ổn khi Washington chi tiêu gấp 5 lần các đối thủ, và "ném qua cửa sổ" hàng tỷ USD cho các hệ thống vũ khí chưa được kiểm chứng. Hầu hết các ứng viên tổng thống đều đồng ý với điều này. "Chúng ta không thể rót một lượng tiền khổng lồ vào Lầu Năm Góc", Thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz nói trong một buổi vận động tranh cử tại South Carolina.
Ông Cruz cam kết tăng cường kiểm soát quân đội, kiểm toán Lầu Năm Góc và tìm hiểu xem vì sao cơ quan này chi quá nhiều. Tiếp đó, ông còn hứa bổ sung 125.000 binh sĩ cho lục quân, 177 tàu cho hải quân và mở rộng không quân thêm 20%.
Ông Cruz không đưa ra mức chi phí cho kế hoạch của mình, nhưng có thể nó sẽ khiến ngân sách quốc phòng đội lên hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ USD mỗi năm. Chuyên gia quân sự Benjamin Friedman, đến từ Viện CATO ước tính kế hoạch của ông Cruz sẽ tiêu tốn khoảng 2.600 tỷ USD trong 8 năm tới.
Các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo không hề rẻ, trong khi ông Cruz muốn bổ sung thêm 12 chiếc. "Nếu bạn cho rằng bảo vệ đất nước này là quá đắt, vậy thì thử không bảo vệ nó xem", ông Cruz nói.
Thượng nghị sĩ này không phải người duy nhất muốn tăng chi tiêu quốc phòng. Thượng nghị sĩ bang Florida Marco Rubio cũng muốn hiện đại hóa hải quân, tiếp tục chương trình F-35 và phát triển các tàu đổ bộ tấn công mới. Tương tự ông Cruz, cựu thống đốc bang Flordia Jeb Bush, người tháng trước rút khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng, cũng muốn cải tổ chi tiêu quân sự, trong khi tăng ngân sách của Lầu Năm Góc thêm 1.000 tỷ USD trong 10 năm tới.
Thống đốc bang Ohio John Kasich có thể có quan điểm hợp lý hơn, bởi dù sao ông từng có 18 năm là thành viên Ủy ban Quân vụ Hạ viện, nơi ông cắt giảm ngân sách và chất vấn những dự án lãng phí của Lầu Năm Góc.
Nhưng chính quá khứ đó đã khiến ông trở thành mục tiêu công kích của một siêu ủy ban hành động bầu cử (PAC) từng hậu thuẫn ông Bush. Nhóm này đã chi tiền cho hàng loạt quảng cáo khắc họa ông Kasich là người mềm yếu trong vấn đề quân sự. Và như để không bị xem là yếu đuối, ông Kasich giờ nói đến kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng thêm 102 tỷ USD mỗi năm.
Ngay cả những người Dân chủ cũng tham gia cuộc chơi. Bà Hillary Clinton tuy chưa đề xuất cụ thể về ngân sách quốc phòng, nhưng từ lâu đã cam kết hậu thuẫn mạnh mẽ các binh sĩ. Trong khi đó, bà cũng kêu gọi thành lập ủy ban độc lập để kiểm toán Lầu Năm Góc, về những lãng phí, gian lận và lạm dụng.
Thượng nghị sĩ Bernie Sanders nằm trong số ít ứng viên có quan điểm rõ ràng về ngân sách của Lầu Năm Góc. Ông muốn giảm kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và từ lâu ủng hộ việc giảm 50% chi tiêu quốc phòng. Dù vậy, ông Sanders dường như có vẻ cũng chấp nhận dự án chiến đấu cơ F-35 đắt đỏ, với chi phí 1.500 tỷ USD. Cây bút Gault cho rằng điều này cũng hợp lý, bởi nếu chương trình này bị đình chỉ, bang quê nhà Vermont của ông Sanders sẽ mất rất nhiều việc làm.
Sanders đã thuyết phục hãng sản xuất máy bay đưa một trung tâm nghiên cứu tới Vermont và mang về 18 máy bay cho lực lượng Vệ binh Quốc gia tại bang này. Thượng nghị sĩ Sanders thường hậu thuẫn những nhà thầu quân sự đem việc làm đến bang của mình.
Trong thời đại khủng bố hoành hành và mối đe dọa ngày càng gia tăng từ những tổ chức như phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), phần đông đều tin rằng việc mềm yếu trong chính sách quân sự sẽ khiến ứng viên thất cử. Với nhiều ứng viên chạy đua vào Nhà Trắng, người mạnh mẽ là phải chịu chi, ngay cả khi người đó thuộc một đảng xem trách nhiệm tài khóa là "hòn đá tảng" trong chính sách của mình.
Nhưng Donald Trump không quan tâm đến điều đó. Xuyên suốt các bài diễn văn, ông luôn tuyên bố các chính trị gia và nhà thầu quân sự đã thông đồng để tạo ra những hệ thống vũ khí tốn kém, khiến an ninh quốc gia bị ảnh hưởng. Những tuyên bố này được coi là không khác gì "gáo nước lạnh" dội vào những đề xuất tăng chi tiêu quốc phòng của Lầu Năm Góc.
Trong một chương trình trả lời trên đài phát thanh tháng 10 năm ngoái, ông Trump đã kêu gọi dừng chương trình F-35. "Họ (các phi công thử nghiệm) nói rằng nó không hoạt động tốt như các thiết bị hiện nay, vốn có chi phí thấp hơn", Trump nói. "Khi tôi nghe thấy điều này, tôi ngay lập tức thấy mình phải hành động, bởi bạn biết đó, họ đang chi hàng tỷ USD".
Cũng giống như nhiều kế hoạch khác của Trump, chi tiết thực hiện thường mù mờ. Nhưng với riêng vấn đề này, Gault cho rằng tỷ phú bất động sản đã có ý kiến hợp lý. Trong một môi trường chính trị đầy sự sợ hãi những mối đe dọa bên ngoài, cùng quan điểm đầu tư nhiệt tình cho quân đội, cần phải có một ứng viên dân túy như Trump để nói lên sự thật khó nghe: trong lĩnh vực quân đội, nước Mỹ có thể làm được nhiều điều hơn với chi phí thấp hơn nhiều.
Hoàng Nguyên
Theo VNE
Bầu cử Mỹ: Ted Cruz bất ngờ lấn át Donald Trump vào ngày 'Siêu thứ bảy' Ứng viên tổng thống Mỹ, thượng nghị sĩ Ted Cruz đánh bại tỉ phú Donald Trump trong vòng bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa ở bang Kansas và Maine trong ngày thứ bảy 5.3. Thượng nghị sĩ Ted Cruz (đảng Cộng hòa) vừa giành chiến thắng trong vòng bầu cử sơ bộ ở bang Kansas và Maine ngày 5.3 - Ảnh:...