Phó Thủ tướng Đức: “Chính phủ Hy Lạp đã phá hủy cây cầu cuối cùng”
… Ngày 5/7, với trên 60% số phiếu được kiểm trong cuộc trưng cầu ý dân tại Hy Lạp, đa số người dân Hy Lạp đã bỏ phiếu phản đối kế hoạch cải cách và thắt lưng buộc bụng của các chủ nợ quốc tế để đối lấy cứu trợ.
Hàng chục nghìn người tuần hành phản đối kế hoạch kinh tế khắc khổ tại Athens ngày 3/7. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Nguồn tin chính thức từ Bộ Nội vụ Hy Lạp cho biết đã có 61,39% số phiếu nói “Không” với kế hoạch cải cách, chỉ có 38,61% ủng hộ các biện pháp khắc khổ theo yêu cầu của bộ ba chủ nợ quốc tế gồm IMF, EC và ECB. Trong cuộc trưng cầu ngày 5/7, tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu là trên 60%.
Ngay sau khi kết thúc cuộc trưng cầu ý dân ở Hy Lạp, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Sigmar Gabriel cho rằng hầu như không còn cơ hội đạt được sự thỏa hiệp với Chính phủ Hy Lạp sau khi người dân nước này nói “Không” với kế hoạch cải cách.
Ông Gabriel cho rằng Chính phủ của Thủ tướng Tsipras đã “phá hủy cây cầu cuối cùng để châu Âu và Hy Lạp có thể đi tới một thỏa hiệp.”
Theo ông Gabriel, với việc Hy Lạp từ chối luật chơi của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), khó hình dung có thể tiến hành đàm phán về các chương trình cứu trợ nhiều tỷ euro cho Hy Lạp.
Video đang HOT
Cùng ngày, một nguồn tin từ châu Âu cho biết các quan chức cấp cao ở Eurozone sẽ nhóm họp trong ngày 6/7 để thảo luận về kết quả của trưng cầu ý dân ở Hy Lạp, trong khi Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande kêu gọi tổ chức một hội nghị cấp cao đặc biệt của các nước Eurozone để bàn về vấn đề Hy Lạp vào ngày 7/7.
Còn Ngoại trưởng Italy Paolo Gentiloni nhấn mạnh rằng ngay lúc này cần phải khởi động lại những nỗ lực để đạt được một thỏa thuận với quốc gia Nam Âu này.
Trong khi đó, Thứ trưởng Kinh tế Nga Alexei Likhachev nhận định rằng Hy Lạp đã tiến một bước gần hơn về phía cánh cửa ra khỏi Eurozone.
Trên thị trường tiền tệ, sau những diễn biến trên ở Hy Lạp, đồng euro đang rớt giá so với đồng USD khi 1 euro chỉ đổi được 1,09 USD vào thời điểm 18h50 GMT, giảm 1,58% so với đêm 3/7./.
Theo (Vietnam )
Cử tri Hy Lạp nói "Không" trong cuộc trưng cầu dân ý lịch sử
Với phần lớn số phiếu được kiểm, kết quả từ cuộc trưng cầu dân ý mang tính lịch sử tại Hy Lạp cho thấy phần lớn cử tri phản đối các điều kiện cứu trợ mới của chủ nợ quốc tế. Tương lai của Hy Lạp trong khối Eurozone sẽ được các lãnh đạo châu Âu định đoạt.
Phe phản đối các điều kiện cứu trợ quốc tế tập trung tại thủ đô Athens vào đêm ngày 5/7 để ăn mừng kết quả trưng cầu dân ý. (Ảnh: AFP)
BBC đưa tin, theo các số liệu sơ bộ từ cuộc trưng cầu dân ý ngày 5/7 được Bộ trưởng Nội vụ Hy Lạp công bố, 61% cử tri nói "Không" với các biện pháp thắt lưng buộc bụng, so với tỷ lệ nói "Có" là 39%.
Vào đêm qua giờ địa phương, ngay sau khi các kết quả được công bố, hàng nghìn người Hy Lạp phản đối các điều kiện cứu trợ mới đã tập trung tại thủ đô Athens để ăn mừng chiến thắng áp đảo trong cuộc trưng cầu dân ý.
Đảng cầm quyền Syriza của Hy Lạp đã ủng hộ việc nói "Không", cho rằng các điều kiện cứu trợ của các chủ nợ châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đặt ra là không thể chấp nhận được.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras nói trong một bài phát biểu trên truyền hình vào đêm qua rằng người dân nước này đã bỏ phiếu cho một "châu Âu đoàn kết và dân chủ".
"Vì ngày mai, Hy Lạp sẽ trở lại bàn đàm phán và mục tiêu chính của chúng tôi là phục hồi sự ổn định tài chính của đất nước", ông Tsipras nói.
61% cử tri phản đối các điều kiện cứu trợ mới (Ảnh: Getty)
Nhưng các đối thủ của đảng cầm quyền cảnh báo rằng việc từ chối các điều thắt lưng buộc bụng sẽ khiến Hy Lạp bị loại khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Ông Jeroen Dijsselbloem, người đứng đầu nhóm các bộ trưởng tài chính khu vực đồng Euro, cho hay kết quả cuộc trưng cầu dân ý "rất đáng tiếc cho tương lai của Hy Lạp".
Trong khi đó, hãng tin AFP dẫn lời một nguồn tin châu Âu cho biết, giới chức cấp cao của khối Eurozone dự kiến sẽ có các cuộc hội đàm vào hôm nay 6/7 để thảo luận kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại Hy Lạp.
Theo phủ tổng thống Pháp, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel dự kiến gặp nhau tại Paris vào hôm nay để đánh giá kết quả cuộc trưng cầu dân ý của Hy Lạp. Ông Hollande cũng đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Hy Lạp Tsipras vào đêm qua.
An Bình
Theo BBC, AFP
Khủng hoảng nợ Hy Lạp: Ván bài lật ngửa? Khủng hoảng nợ Hy Lạp đã trở thành "ván bài lật ngửa", với việc các cường quốc châu Âu không chỉ muốn Athens "cúi đầu" mà còn phải thay đổi thể chế. Hy Lạp hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế, do hệ quả của 5 năm suy thoái kéo dài. Tỷ lệ thất nghiệp đã tăng gấp đôi,...