Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Lợi nhuận năm 2020 của BIDV, Vietcombank, VietinBank, Agribank phải giảm ít nhất 40% để hạ lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp
Phó Thống đốc nêu ví dụ, năm ngoái Vietcombank có lãi khoảng 22.000 tỷ thì năm nay phải đóng góp ít nhất 8.000 tỷ dành cho vấn đề hạ lãi suất.
Theo bản tin thời sự VTV tối 13/4, tại cuộc họp mới đây giữa Thủ tướng với lãnh đạo các Bộ ngành, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Đào Minh Tú cho biết, “những ngân hàng thương mại có vốn của Nhà nước năm nay dứt khoát phải giảm khoảng 40% lợi nhuận năm nay. Ví dụ Vietcombank năm ngoái đạt khoảng 22.000 tỷ tiền lãi thì năm nay phải giảm 30-40%, tức đóng góp ít nhất 8.000 tỷ dành cho vấn đề hạ lãi suất”.
Trước đó, Thủ tướng đã chỉ đạo NHNN tiếp tục yêu cầu các ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, thông qua mở rộng gói chính sách tiền tệ lên 300.000 tỷ đồng.
Trên thực tế, 4 ngân hàng thương mại nhà nước cũng đang là những ngân hàng tham gia tích cực nhất vào gói tín dụng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Tại cuộc họp với NHNN hôm 31/3, 4 “ông lớn” Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank đã cam kết giảm sâu lãi suất cho vay tới 2,5%/năm. Và ngay sau đó đã công bố chính thức các gói hỗ trợ lớn với lãi suất thấp.
Trong đó, Agribank dành 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch, để phục hồi, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh. Chương trình áp dụng cho các khoản vay giải ngân từ 1/4 đến thời điểm sau 3 tháng từ ngày Thủ tướng công bố hết dịch Covid-19 hoặc đến khi giải ngân hết gói tín dụng. Lãi suất cho vay thấp hơn 1% (đối với đồng Việt Nam) và thấp hơn 0,5% (đối với ngoại tệ) so với lãi suất cho vay cùng loại.
Video đang HOT
VietinBank cũng công bố chương trình tín dụng quy mô 60.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay giảm 2%/năm. Trước đó, ngân hàng này giảm từ 0,5% đến 1,5% lãi suất tùy theo khách hàng và tùy từng mục đích vay vốn cho gần 3.000 khách hàng với số tiền giải ngân khoảng 60.000 tỷ đồng, trong giai đoạn dịch Covid-19. Ngân hàng đã cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ khoảng 350 khách hàng với dư nợ khoảng 18.000 tỷ đồng, chiếm 2% dư nợ.
Tại Vietcombank, chủ tịch HĐQT – ông Nghiêm Xuân Thành cho biết ngân hàng này sẽ có gói tín dụng 30.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay giảm 2-2,5% so với mặt bằng hiện nay. Các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng thiết yếu sẽ được giảm tới 2,5% một năm và được hưởng mức lãi suất chỉ 4,5 – 5%/năm. Ngân hàng cũng tiếp tục kéo dài chính sách giảm lãi suất 1-1,5% đối với dư nợ hiện hữu (từ hạn 30/4 chuyển sang đến 30/9). Lợi nhuận của Vietcombank ước tính giảm 300 tỷ đồng vì chính sách này.
Mới đây, BIDV cũng đã tung gói tín dụng tới 50.000 tỷ đồng cho vay khách hàng cá nhân bị ảnh hưởng Covid-19. Trong đó, gói cho vay vốn trung và dài hạn với quy mô 20.000 tỷ đồng, lãi suất chỉ từ 7,3%/năm, triển khai từ nay đến 30/09/2020 (hoặc đến hết quy mô gói), nhằm đáp ứng nhu cầu mua nhà, xe ôtô hay sản xuất kinh doanh của khách hàng cá nhân.
Trước đó BIDV cũng đưa ra gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, lãi suất chỉ từ 6,5%/năm, triển khai từ đầu tháng 4 đến 31/07/2020 hoặc đến khi hết quy mô gói. Đối tượng áp dụng là các khách hàng cá nhân phục vụ sản xuất kinh doanh có các khoản vay giải ngân mới sau 30/3/2020.
Với doanh nghiệp, BIDV cũng các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có nhu cầu vay mới với lãi suất giảm 2% so với lãi suất cho vay cùng loại ngày 31/12/2019.
Tuy nhiên, việc các ngân hàng thương mại nhà nước phải giảm đến 40% lợi nhuận để dành cho việc giảm lãi suất là điều khá gây bất ngờ khi nhiều dự báo cho rằng lợi nhuận những ngân hàng này sẽ vẫn tăng nhẹ hoặc giảm nhẹ trong năm nay.
Chẳng hạn, tại kịch bản xấu nhất do Chứng khoán SSI xây dựng, ước tính lợi nhuận của BIDV và VietinBank sẽ chỉ giảm khoảng 0,9% và 2,3%. Còn Vietcombank được dự báo tăng khoảng 1,6%.
Trong 3 ngân hàng này, hiện mới chỉ BIDV đã tổ chức xong ĐHĐCĐ với mục tiêu lợi nhuận trình lên cổ đông là 12.500 tỷ đồng, tăng khoảng 16% (trong kỳ vọng dịch bệnh chỉ kéo dài đến hết tháng 3). Trong khi đó, báo cáo thường niên của Vietcombank và VietinBank năm nay đều không nhắc đến con số lợi nhuận năm 2020, và cuộc họp ĐHĐCĐ thì đã được hoãn lại do dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Ngọc Bích
Gần 100.000 tỷ đồng đã được giải ngân cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19
Như vậy, gần một nửa số tiền trong gói tín dụng hỗ trợ của ngành ngân hàng đã đến tay các doanh nghiệp chỉ sau 2 tuần
Bản tin thời sự VTV tối 4/4 đưa tin, sau hơn 2 tuần kể từ khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 01, các ngân hàng thương mại đã giải ngân khoảng 100.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bới Coivd-19.
Cho đến nay, đã có 12.000 doanh nghiệp, tương ứng với 13.500 tỷ đồng được giữ nguyên nhóm nợ. Trong khi đó, 36.000 doanh nghiệp được giảm, miễn lãi vay với 91.000 tỷ đồng.
Như vậy, gần một nửa số tiền trong gói tín dụng hỗ trợ của ngành ngân hàng đã đến tay các doanh nghiệp.
Trước đó, hồi đầu tháng 2, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đã có nhiều ngân hàng đăng ký các gói tín dụng hỗ trợ với tổng dư nợ lên đến 285.000 tỷ đồng. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế còn cho biết, gói hỗ trợ này còn có thể lớn hơn trong thời gian tới do tác động của dịch bệnh lên hoạt động kinh doanh của nền kinh tế.
Mới đây, tại cuộc họp giữa NHNN và các ngân hàng thương mại chiều 31/3, đã có 20 ngân hàng (chiếm 75% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế) đồng thuận rất cao là giảm tối thiểu 2% lãi suất cho vay so với thời điểm trước khi có dịch bệnh. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, đây có thể nói là đợt giảm lãi suất "sâu" nhất kể từ khủng hoảng năm 2009. Điều này cho thấy quyết tâm rất cao của Ngân hàng Nhà nước và cố gắng lớn của các ngân hàng.
Đến nay, nhiều ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank, ACB, VPBank, VIB, SHB, HDBank, TPBank, Kienlongbank,...đã có công bố chính thức các chương trình, gói tín dụng hỗ trợ với lãi suất thấp. Trong đó, nhiều ngân hàng giảm dư nợ cho vay hiện hữu, có ngân hàng giảm lãi suất tới 4,5%/năm,...
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, gói tín dụng 285.000 tỷ đồng không phải từ nguồn ngân sách mà từ nguồn vốn huy động tại các ngân hàng thương mại, cho thấy sự hy sinh không nhỏ của ngành ngân hàng. Được biết, để tập trung giảm lãi suất cho vay, nhiều ngân hàng đã chấp nhận giảm lợi nhuận, cơ cấu chi phí hoạt động, thậm chí phải giảm lương thưởng.
Ngọc Bích
Lãi suất ngân hàng hôm nay 12/4, gửi online và gửi tại quầy giá tốt nhất Lãi suất ngân hàng hôm nay 12/4 ngân hàng Vietinbank giữ nguyên mức 5% của tiền gửi trực tuyến với kỳ hạn 1-5 tháng sau khi điều chỉnh tăng nhẹ ngày hôm qua. Mức lãi suất cao nhất trong nhóm ngân hàng Big 4 so có cùng kỳ hạn. Lãi suất gửi tiền tại quầy tốt nhất hôm nay 12/4: Cập nhật mới...