Phố ngập thành sông phép thử hệ thống ứng phó thiên tai của Trung Quốc
Từ việc xả lũ nguy hiểm do mực nước các sông dâng cao đến cư dân bị mắc kẹt trong các thành phố ngập nước, thực trạng này đang thách thức hệ thống ứng phó thảm họa, với lượng mưa kỷ lục kéo dài thời gian rút nước mất nhiều tuần sau cơn bão mạnh trong nhiều năm.
Nhân viên cứu hộ từ tỉnh Sơn Tây sơ tán người dân qua vùng nước lũ bằng thuyền cao su ngày 3/8. Ảnh: Reuters
Khi cơn bão Doksuri đổ bộ vào miền Nam Trung Quốc vào ngày 28/7, mưa lớn đã trút xuống, phá vỡ kỷ lục mưa 140 năm ở Bắc Kinh. Thậm chí lượng nước mưa đổ xuống Hà Bắc còn vượt tổng lượng mưa cả năm.
Tiếp tục khi tàn dư của cơn bão đến các tỉnh biên giới phía Đông Bắc của Trung Quốc và mưa bắt đầu giảm dần, một khu vực có diện tích bằng nước Anh phải vật lộn với công tác hậu cần để xả nước an toàn cho các tuyến đường thủy và hồ chứa, đồng thời giải cứu hàng chục nghìn người bị mắc kẹt trong nhà.
Lưu vực sông Hải, nơi hội tụ của 5 con sông ở miền Bắc Trung Quốc, đang trải qua “quá trình tiến hóa lũ”. Theo truyền thông nhà nước đưa tin ngày 3/8, các hệ thống kỹ thuật kiểm soát lũ được cho là phải đối mặt với “thử thách khắc nghiệt nhất” kể từ trận lụt năm 1996.
Mùa hè năm 1996, lũ lụt trên diện rộng ở lưu vực sông Dương Tử miền Trung Trung Quốc đã cướp đi sinh mạng của khoảng 2.800 người, làm hư hại hàng triệu ngôi nhà và khiến nhiều vùng đất trồng trọt bị ngập lụt.
Các nhà chức trách ở Hà Bắc đã nâng mức ứng phó khẩn cấp thiên tai lên II từ III, trong khi Bắc Kinh giữ nguyên cảnh báo về sạt lở đất ở vùng ngoại ô.
Video đang HOT
Nước lũ có thể mất tới một tháng để rút ở Hà Bắc. Tại đó, thành phố Trác Châu bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo một quan chức bộ tài nguyên nước tiết lộ ngày 3/8, cho đến nay, khoảng 100.000 người ở thành phố này đã được sơ tán, tương đương 1/6 dân số thành phố.
Từ lâu, Trung Quốc đã nhận thức được nguy cơ ngập úng đô thị, với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng trong những năm gần đây đã tạo ra những khu vực đô thị rộng lớn bao phủ các vùng ngập lũ bằng bê tông. Thời tiết cực đoan do sự nóng lên toàn cầu đang làm cho nó trở nên tồi tệ hơn.
Dữ liệu chính thức cho thấy khoảng 98% trong số 654 thành phố lớn của Trung Quốc dễ bị lũ lụt và ngập úng. Cơ quan dự báo thời tiết quốc gia Trung Quốc cho biết lượng mưa ở các tỉnh phía Đông Bắc có thể tăng tới 50% trong tháng 8.
Một khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng ở thành phố Trác Châu là thị trấn Matou, nơi đường sá biến thành sông, nguồn cung điện và nước bị cắt, tín hiệu điện thoại di động bị mất và người dân mắc kẹt trong nhà.
Lực lượng cứu hộ đã dùng thuyền cao su tiếp cận người dân mắc kẹt ở vùng nước ngập. Theo đài truyền hình nhà nước Trung Quốc, ở những nơi nước ccao đến đầu gối, người dân đã được xe chở đến nơi an toàn. Tuy nhiên, nỗ lực giải cứu vẫn gặp nhiều khó khăn.
Các quan chức quản lý khẩn cấp và chính quyền địa phương đã ngừng tiếp nhận các đội cứu hộ mới từ nơi khác, với lý do các con đường bị chặn và thiếu sự phối hợp thống nhất làm tăng thêm mối lo ngại về an toàn. Truyền thông nhà nước cho biết lực lượng cứu hộ từ khắp Trung Quốc đã ngỏ ý xin hỗ trợ cứu trợ lũ lụt ở Trác Châu, nhưng một số đơn vị chưa nhận được sự chấp thuận của quan chức địa phương.
Trung Quốc hiện phải đối mặt với thời tiết mưa bão nhiều hơn với cơn bão Khanun đang di chuyển trên Biển Hoa Đông về phía Nhật Bản và dự báo sẽ đổ vào các tỉnh Chiết Giang và Phúc Kiến của Trung Quốc vào ngày 4/8 tới.
Trung Quốc khẩn trương khắc phục hậu quả của bão Doksuri
Ngày 1/8, thủ đô Bắc Kinh và các thành phố lân cận của Trung Quốc đang khẩn trương triển khai công tác cứu hộ và khắc phục hậu quả, sau khi mưa lớn và lũ lụt do tàn dư của bão Doksuri làm gián đoạn các dịch vụ tiện ích và nguồn cung thực phẩm.
Mưa lớn do ảnh hưởng của bão Doksuri tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 29/7/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Chính quyền quận Phòng Sơn của Bắc Kinh thông báo sẽ điều trực thăng để thả thực phẩm, nước uống và các nhu yếu phẩm khác xuống các ngôi làng tại các vùng núi hiện đang bị cô lập. Tại thành phố Thiên Tân, 35.000 người đã được sơ tán khỏi nhà, trong khi giới chức địa phương gia cố bờ sông, đẩy nhanh kiểm tra và sửa chữa điện, nước và các đường dây liên lạc. Thành phố đã nâng mức ứng phó khẩn cấp với lũ lụt từ cấp III lên cấp I, mức cao nhất.
Hãng cung cấp thực phẩm Meituan cũng tăng cường nhân viên và kéo dài thời gian giao hàng trong bối cảnh các đơn đặt rau, thịt và trứng tăng 50% trên ứng dụng và tỷ lệ mua sắm tăng 20%.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin đã có ít nhất 20 người thiệt mạng, trong đó có 11 người tại Bắc Kinh và 9 người tại tỉnh Hà Bắc (Hebei) khi mưa lớn trút xuống thủ đô và các tỉnh lân cận. Hiện vẫn còn 19 người mất tích. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping) đã yêu cầu đẩy mạnh tìm kiếm và giải cứu những người mất tích, mắc kẹt, giảm thiểu thương vong và khôi phục điều kiện sinh hoạt nhanh nhất có thể.
Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo sẽ dành 110 triệu Nhân dân tệ (15 triệu USD) cho công tác cứu hộ tại khu vực Bắc Kinh-Thiên Tân -Hà Bắc.
Doksuri là một trong những cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Trung Quốc trong những năm gần đây. Bão Doksuri đã quét qua tỉnh ven biển Phúc Kiến (Fujian) vào tuần trước, gây thiệt hại kinh tế ở mức 14,76 tỷ Nhân dân tệ (2,06 tỷ USD) tại địa phương này và ảnh hưởng đến gần 2,7 triệu dân, với gần 562.000 người sơ tán và hơn 18.000 ngôi nhà bị phá hủy.
Sau khi bão Doksuri suy yếu, bão Khanun sẽ đi vào vùng biển Hoa Đông vào sáng 2/8, có khả năng ảnh hưởng đến tỉnh Chiết Giang (Zhejiang) đông dân cư và gây thiệt hại cho hoa màu và cây lương thực, vốn đã chịu thiệt hại do bão Doksuri.
Cùng ngày, nhà chức trách Nhật Bản kêu gọi hàng trăm nghìn dân đi sơ tán trong bối cảnh bão Khanun chuẩn bị tràn vào miền Nam nước này.
Bão Khanun có sức gió tối đa là 180km/h khi đi qua khu vực Thái Bình Dương hướng về tỉnh Okinawa của Nhật Bản. Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) cho biết vào lúc 13h giờ Việt Nam, bão cách thủ phủ Naha của tỉnh Okinawa khoảng 170 km về phía Đông Nam. Dự báo tâm bão sẽ đi qua Okinawa vào đêm 1/8 hoặc rạng sáng 2/8 trước khi hướng về miền Đông Trung Quốc.
Các thành phố của tỉnh Okinawa đã khuyến cáo hơn 760.000 dân nhanh chóng sơ tán do các cơn sóng cao tới 12m có thể tràn vào các đảo. Bão cũng sẽ dẫn đến gió to và mưa lớn.
Theo Đài truyền hình NHK, ước tính hơn 500 chuyến bay đã bị hủy trong ngày 1/8, trong khi các dịch vụ phà và xe buýt cũng tạm dừng hoạt động.
Hai hãng hàng không Japan Airlines và All Nippon Airways cho hay các chuyến bay bị hủy trong hai ngày 1 và 2/8 đã ảnh hưởng đến tổng cộng hơn 74.000 hành khách.
Nhiều con đường ở Bắc Kinh biến thành 'sông' do mưa lớn sau bão Doksuri Đã có 2 người thiệt mạng sau nhiều ngày mưa xối xả tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Nhiều ô tô thậm chí bị nước cuốn đi khi mưa lớn biến đường phố thành "sông". Một người đàn ông cầm ô đứng trên cầu quan sát sông Yongding trong mưa lớn tại Bắc Kinh. Ảnh: AP Những hình ảnh do truyền thông đăng tải...