Phó đoàn ĐBQH Quảng Bình nói về thu tiền hỗ trợ lũ lụt: “Cán bộ thôn, xã không tham ô”
Theo ông Phương, về bản chất việc thu lại tiền lũ lụt thì những cán bộ lãnh đạo thôn và xã đó không tham ô mà muốn để tiền cứu trợ này ai cũng có, ai cũng được hưởng một chút.
Ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Quốc hội tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Giang Huy
Người dân thôn Trung Thôn (xã Quảng Trung, Thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) vô cùng bức xúc khi họ vừa nhận quà hỗ trợ của đoàn từ thiện thì bị cán bộ thôn đến tận nhà thu lại.
Cán bộ thôn” đe dọa” nếu không nộp lại 400.000 đồng trong tổng số tiền 500.000 đồng nhận được thì sẽ không đưa vào danh sách nhận quà đợt tiếp theo.
Bên lề kỳ họp Quốc hội, ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho biết, ngay khi biết thông tin, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hoài đã có văn bản chỉ đạo chấn chỉnh các địa phương trong toàn tỉnh phải làm cực kỳ nghiêm túc việc tiếp nhận hàng cứu trợ.
Đồng thời, trong chỉ thị nêu rõ việc sẽ điều tra, xác minh, làm rõ, xử lý nghiêm những vi phạm của đơn vị đã xảy ra và đơn vị có thể xảy ra trong thời gian tới.
“Hướng văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh là sẽ điều tra, làm rõ trách nhiệm, đồng thời xử lý nghiêm vi phạm. Còn trường hợp đã thu thì tỉnh chỉ đạo trả lại số lượng tiền đã cứu trợ theo các danh sách được nhận”, ông Phương nói.
Ông Phương cũng nêu rõ: “Xét về bản chất việc thu lại tiền này thì những cán bộ lãnh đạo thôn và xã đó không tham ô. Đó là điều khẳng định. Họ muốn làm thế nào đó để tiền cứu trợ này ai cũng có. Ai cũng được hưởng một tí.
Tư tưởng của xã mang tính cào bằng còn những người có tấm lòng nhân ái thì mong muốn cứu trợ người khó khăn nhất. Nhưng cách làm đó, tư tưởng đó lại vi phạm một điều là nó không thực chất giữa người cứu trợ với người hưởng cứu trợ”.
Một hộ dân ở thôn Tân Đông, xã Quang Hải, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) bị thu tiền cứu trợ. Ảnh: Hoàng Táo.
Video đang HOT
Về câu hỏi, đoàn cứu trợ có yêu cầu bắt buộc phải thông qua để phát quà không, ông Phương cho hay, cơ bản các đoàn có liên hệ qua UBND, MTTQ tỉnh và cũng có đơn vị quen các cơ quan như đoàn ĐBQH hoặc doanh nghiệp, bạn bè, qua nhiều kênh để tiến hành cứu trợ.
“Tất cả những kênh đó tỉnh đều chấp nhận hết. Nếu cần liên quan đến tỉnh và cần thông qua thì tỉnh sẽ tìm cách tiếp đón, cử các đơn vị có liên quan cứu trợ.
Ví dụ liên quan đoàn thanh niên thì sẽ giao đơn vị hướng dẫn hỗ trợ, phụ nữ thì sẽ giao tổ chức phụ nữ để có người hướng dẫn triển khai cứu trợ.
Còn lại họ đi trực tiếp thì tuỳ cách làm của họ, miễn làm sao người dân nhận được hàng cứu trợ, nhận được tình cảm. Tỉnh không có gây phiền hà gì cả”, ông Phương nhấn mạnh.
Phó đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cũng cho biết thêm, khi lũ lụt xảy ra, Ban Phòng chống cứu nạn và thiên tai của tỉnh đã tập trung các nguồn lực, từ các phương tiện để cứu người, cứu hộ, giải quyết tình hình thiếu ăn của người dân.
Sau đó, tỉnh có các biện pháp rất tích cực như ủng hộ gạo và các thức ăn giải quyết khó khăn cho người dân trước mắt. Tiếp đó, tỉnh có xuất tiền hỗ trợ bão lụt cho các gia đình để hỗ trợ trước mắt.
Tỉnh thành lập ban tiếp nhận hàng cứu trợ tiếp nhận, phân phối tất cả những tiền ấy đến người dân theo yêu cầu của các đơn vị tài trợ.
Theo Soha News
Trân quý những tấm lòng nơi vùng lũ Quảng Bình
Giờ đây, trên các ngả đường dẫn đến vùng lũ Quảng Bình, chúng tôi bắt gặp rất nhiều chuyến xe nghĩa tình mang biển số của rất nhiều địa phương, nhiều giọng nói đến từ các vùng miền nhưng có chung một mục đích: hỗ trợ, sẻ chia khó khăn với người dân bị thiệt hại do lũ lụt.
Người dân miền trung nói chung và Quảng Bình nói riêng, vốn đã quen chịu đựng với hạn hán, mưa bão. Năm nào cũng thế, họ đương đầu, ứng phó với mưa lũ rồi rồi khắc phục và vươn lên. Nhưng trận lũ năm nay là ngoại lệ.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài cho biết, từ ngày 13 đến 15-10, trên địa bàn tỉnh có lượng mưa 700-1.100 mm, đã gây ra một trận lũ lớn, vượt đỉnh lũ lịch sử năm 2007. Mặc dù tỉnh Quảng Bình cùng với người dân đã chủ động phòng chống nhưng do nước lũ lên cao và nhanh đã gây nhiều thiệt hại lớn về người và tài sản.
Mưa lũ đã làm 22 người chết, 25 người bị thương; hơn 90.000 ngôi nhà bị ngập; hơn 100.000 con gia súc, gia cầm bị trôi và chết; hàng chục tàu thuyền đánh cá của ngư dân bị sóng đánh chìm; các tuyến đường giao thông, hệ thống thủy lợi, cơ sở hạ tầng bị hư hỏng nặng. Thiệt hại ước tính lên đến gần 3.000 tỷ đồng, nhiều hơn so với ngân sách thu được hàng năm của địa phương.
Lũ rút, để lại cảnh hoang tàn, đau thương bao trùm lên ở các vùng quê nghèo trong tỉnh. Song trong cơn hoạn nạn này, người dân Quảng Bình nhận được tấm lòng hảo tâm, nhân ái từ các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân khắp mọi miền đất nước. Những lời hỏi thăm, những chuyến hàng cứu trợ mang lương thực, thực phẩm, tiền mặt... đã liên tục được chuyển đến người dân các vùng bị thiệt hại thông qua nhiều tổ chức, đơn vị.
Thông qua Ban cứu trợ tỉnh Quảng Bình, đến ngày 21-10 có 62 cơ quan, đoàn thể, các tỉnh, thành phố trong nước và một số cá nhân đã trao tiền, quà cứu trợ trị giá gần 25 tỷ đồng cho người dân vùng lũ.
Ngoài ra, nhiều tòa soạn báo, cơ quan, đoàn thể và nhà hảo tâm thông quan mạng xã hội... cũng đã trực tiếp đến các vùng bị thiệt hại nặng do lũ gây ra để cứu trợ, giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn, sớm ổn định lại cuộc sống.
Trên các ngả đường dẫn đến các vùng thiệt hại nặng do lũ, chúng tôi bắt gặp rất nhiều chuyến xe nghĩa tình mang biển số của rất nhiều địa phương, nhiều giọng nói, nhiều lứa tuổi đến từ các vùng miền để hỗ trợ, sẻ chia khó khăn với người dân. Có những tập thể, cá nhân đến thăm để lại địa chỉ nhưng cũng có nhiều người, nhiều đoàn chỉ ghé vội vào trao chút quà tình nghĩa rồi lại hỏi đường đến các địa chỉ khác. Họ đến nhanh, đi vội.
Hình ảnh đoàn cán bộ TP Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin - Truyền thông, đoàn của phu nhân Chủ tịch nước Nguyễn Thị Hiền đã lội bùn đến từng xã để trao tiền, lương thực, nước uống cứu trợ cho bà con vẫn còn in đậm trong mỗi người về sự sẻ chia và tấm lòng nhân ái đó.
Phu nhân Chủ tịch nước trao quà cho người dân vùng lũ Hà Tĩnh
Đó còn là hình ảnh của hoa hậu, các ca sĩ, nghệ sĩ, người dẫn chương trình, phóng viên các cơ quan báo chí lặn lội về tận từng thôn xóm để trao quà cứu trợ giúp người dân vùng lũ vượt qua thiếu thốn những ngày sau lũ. Thiệt hại lớn, khó khăn nhiều nhưng bà con cảm thấy ấm lòng vì được chia sẻ.
Ngày 21-10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài đã thay mặt lãnh đạo và nhân dân tỉnh gửi lời cảm ơn sâu sắc trước những sẻ chia, giúp đỡ, cứu trợ của T.Ư Đảng, Chính phủ, các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, các cá nhân, nhà hảo tâm đã dành cho đồng bào Quảng Bình, nơi vừa bị lũ lụt tàn phá nặng nề.
Chủ tịch Nguyễn Hữu Hoài tâm sự, trong một thời gian rất ngắn, Quảng Bình bị hại thiệt hại kép, một là ảnh hưởng của sự cố ô nhiễm môi trường biển do Formosa Hà Tĩnh gây ra. Chưa khắc phục xong, đời sống người dân chưa dần ổn định thì xảy ra lũ lớn. Sự động viên, ủng hộ kịp thời của các tập thể, cá nhân trên cả nước sẽ góp phần chia sẻ khó khăn, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ, sớm ổn định cuộc sống.
Trong lũ, sau lũ và cho đến bây giờ, lực lượng chủ công giúp dân vượt lũ và vượt khó khăn vẫn là lực lượng vũ trang. Trong gian khó, hình ảnh người lính càng thêm ngời sáng.
Tôi vẫn còn nhớ lời của ông Võ Văn Xô, trưởng tàu SE19 - bị mắc kẹt tại ga Lệ Sơn (Quảng Bình) do đường sắt bắc nam bị sạt lở - nói: "Sau hơn nửa ngày bị nước lũ bao vây, 132 hành khách và toàn bộ nhân viên trên tàu rất mệt và lo lắng. Tuy nhiên, nhờ sự có mặt kịp thời của của các chiến sĩ bộ đội trong thời điểm khó khăn đã làm cho chúng tôi hết sức cảm kích".
Cuộc giải cứu 132 hành khách đi trên đường sắt, trong đó có 96 người nước ngoài sang đi đường sông khi lũ đang chảy xiết ấy có lẽ là sự kiện có một không hai trong lịch sử của ngành Đường sắt!
Trân quý những tấm lòng của nhân dân cả nước, người dân vùng lũ Quảng Bình như được tiếp thêm sức mạnh và niềm tin để vượt qua thời điểm khó khăn này.
Ngôi nhà có chòi tránh lũ vừa mới xây dựng của chị Nguyễn Thị Thành ở thôn Xuân Canh, xã Thuận Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình) bị lũ làm sập. Font Size: |
Chị Nguyễn Thị Thành bị lũ làm sập nhà ở thôn Xuân Canh, xã Thuận Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình) nhận quà cứu trợ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân hảo tâm.
Ngôi nhà của anh Nguyễn văn Quảng ở thôn lạc Hóa, xã Mai Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình) bị lũ cuốn trôi đêm 14-10.
Gia đình anh Nguyễn văn Quảng ở thôn lạc Hóa, xã Mai Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình) bị trôi nhà sau lũ nhận quà cứu trợ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân hảo tâm.
Trao quà cứu trợ của các cơ quan, tổ chức, các nhà hảo tâm cho gia đình anh Nguyễn Văn Phục, thôn 1 Phúc Tùng xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình bị sập nhà.
Theo Báo Nhân Dân
Thôn đã xin lỗi và trả lại tiền cứu trợ cho người dân Sau khi người dân nhận tiền cứu trợ từ tay các đoàn hảo tâm trao tặng, ngay lập tức cán bộ ở một số thôn tại tỉnh Quảng Bình đến tận nhà người dân để thu lại số tiền trên với lý do... chia lại cho các hộ dân khác trong thôn. Theo phản ánh của nhiều hộ dân ở thôn Trung Thôn...