Phó chủ tịch xã nghỉ việc trồng ba kích
Giữ chức phó chủ tịch xã vùng cao với thu nhập hơn 11 triệu đồng mỗi tháng, anh Nguyễn Bá Hiển vẫn xin nghỉ việc để tập trung trồng ba kích tím.
Những ngày này, anh Nguyễn Bá Hiển ở xã Lăng, huyện Tây Giang, thuê hơn 30 nhân công vận chuyển 30.000 cây giống ba kích tám tháng tuổi đến trồng dưới tán rừng tự nhiên.
Năm nay 31 tuổi, Hiển làm chủ vườn ươm rộng 1.000 m2, cung cấp 120.000 cây giống ba kích hàng năm cho địa bàn Quảng Nam. Ông chủ trẻ gắn bó với miền núi xứ Quảng nhưng không phải người dân gốc ở đây.
“Tôi quê huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, theo học Đại học Sư phạm Đà Nẵng và nên duyên với Quảng Nam từ đề tài nghiên cứu đánh giá sự sinh trưởng của cây ba kích bằng phương pháp nuôi cấy mô ra thực tế”, anh Hiển nói.
Anh Nguyễn Bá Hiển kiểm tra cây giống ba kích trước khi đưa đi trồng. Ảnh: Đắc Thành.
Trong thời gian nghiên cứu đề tài trên, cứ mỗi tháng một lần Hiển rời thành phố, vượt quãng đường 200 km đến xã Lăng, ở lại vài ngày nghiên cứu giống cây ba kích rồi quay về trường.
Sau gần 4 năm, Hiển tốt nghiệp đại học loại giỏi. Trong khi bạn bè cùng trang lứa ở lại Đà Nẵng hoặc tỏa đi các thành phố lớn xin việc làm, Hiển quay lại huyện vùng cao Tây Giang ăn nhờ, ở đậu người dân địa phương để tiếp tục đề tài nghiên cứu. Anh cùng một số người dân trồng thử nghiệm ba kích bằng phương pháp nuôi cấy mô.
Video đang HOT
Ban đầu cây sinh trưởng trong phòng thí nghiệm, nhưng tỷ lệ sống sót khi ra thực địa không đáng kể. Sau một năm tìm tòi khắc phục, Hiển nhân giống thành công ba kích, cây sống khỏe ngoài môi trường tự nhiên.
Anh được chính quyền địa phương ký một hợp đồng cung cấp 5.000 cây giống, giá mỗi cây 6.000 đồng. Sau 6 tháng, Hiển sắp bàn giao cây giống thì mưa lũ ập đến nhấn chìm vườn giống. Toàn bộ cây ngập úng chết, vườn ươm tan hoang khiến Hiển mất hơn 30 triệu đồng.
Anh rơi vào cảnh trắng tay, trong khi bố mẹ than phiền, lo lắng vì con trai tốt nghiệp đại học xong không có công việc ổn định, suốt ngày lăn lộn trên núi rừng.
Không chấp nhận thất bại, Hiển tìm đến khu vực núi cao để phát triển cây giống, tránh mưa lũ. Chiếc xe máy bố mẹ mua để ra trường đi làm và bộ máy tính anh trai tặng, Hiển mang bán được gần 20 triệu đồng để “làm lại từ đầu”. Sau 8 tháng, anh nhân giống gần 10.000 cây ba kích đem bán, trừ chi phí thu lời vài chục triệu đồng.
Cuối năm 2012, hưởng ứng chủ trương thí điểm tuyển chọn 600 tri thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó chủ tịch UBND xã thuộc 64 huyện nghèo, Hiển đăng ký tham gia và được tuyển chọn nhờ nói thành thạo tiếng Cơ Tu của người dân địa phương.
Anh Hiển cầm bụi ba kích nặng hơn một kg củ. Ảnh: Đắc Thành.
Ngoài công việc chính quyền, Hiển thành lập tổ hợp tác sản xuất khoảng 100.000 cây giống ba kích bán ra thị trường. Năm 2016, anh thuê một ha đất trồng ba kích, sau bốn năm thu một tấn củ, trừ chi phí lãi 500 triệu đồng.
Tháng 12/2018, Hiển viết đơn xin nghỉ chức Phó chủ tịch xã. “Nghỉ việc cũng tiếc nhưng tôi đam mê theo đuổi cây ba ba kích, muốn dành nhiều thời gian hơn để ươm giống”, anh nói.
Hợp tác xã nông lâm nghiệp Thiên Bình do Hiển làm giám đốc có 13 thành viên, sở hữu khu vườn ươm rộng 1.000 m2, cung cấp 120.000 cây giống mỗi năm. Ngoài ra, Hợp tác xã thuê 47 ha đất dưới tán rừng thuộc khoảnh 7, tiểu khu 111, xã Lăng, để trồng ba kích; đến nay trồng được 18 ha và đang tiếp tục mở rộng.
“Một ha đất trồng được 10.000 cây ba kích, loại dược liệu này ít công chăm sóc, ít sâu bệnh. Sau ba tháng trồng chỉ cần cắm cọc để cho chúng leo lên, một năm dọn cỏ một lần”, ảnh Hiển nói và cho hay một cây ba kích sau bốn năm trồng đạt năng suất từ 0,5 đến hơn một kg củ, giá bán 500.000 đồng mỗi kg.
Khu rừng hợp tác xã nông lâm nghiệp Thiên Bình thuê trồng ba kích. Ảnh: Đắc Thành.
Ông C’lâu Bạ, xã Tr’Hy, là khách hàng của hợp tác xã Thiên Bình. “Năm 2016, tôi được nhà nước hỗ trồng 500 cây ba kích, sau bốn năm thu hoạch được hơn 100 triệu đồng. Hiện tôi đầu tư mua 3.000 cây giống về trồng tiếp”, ông C’lâu Bạ cho hay.
Theo Phó chủ tịch huyện Tây Giang Lê Hoàng Linh, địa phương có 7 trên 10 xã trồng ba kích, loại cây mang lại thu nhập tốt cho người dân. “Trong thời gian công tác ở địa phương, anh Hiển đã triển khai hiệu quả đề án phát triển kinh tế và mang sinh kế đến cho bà con. Sau khi xin nghỉ việc, anh đầu tư mô hình hợp tác xã tạo việc làm cho nhiều người, cung cấp giống ba kích chất lượng, năng suất cao”, ông Linh nhận xét.
Tại Quảng Nam, ba kích được thương lái thu mua, bán cho các cơ sở chế biến trà, cao, thuốc cổ truyền…
Quảng Nam: Hủy nổ quả bom nặng 230kg còn sót lại sau chiến tranh
Quả bom nặng 230kg được phát hiện cách trụ sở UBND xã A Vương, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam tầm 100m, vừa được hủy nổ.
Ngày 9/2, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tây Giang xác nhận thông tin trên.
Lực lượng chức năng vận chuyển quả bom đi hủy nổ. (Ảnh: T.Q)
Trước đó, người dân phát hiện quả bom nằm cách trụ sở UBND xã A Vương tầm 100m nên đã trình báo cho Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tây Giang.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng xác định đây là loại bom MK82, trọng lượng 230kg, do không quân Mỹ thả vào thời chiến tranh.
Ngay lập tức, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tây Giang cử lực lượng canh gác bảo vệ, sau đó phối hợp với Ban Công binh Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh vận chuyển đến khu vực an toàn để hủy nổ thành công quả bom.
Thượng tá Võ Bá Lộc, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tây Giang thông tin thêm: "Quả bom này nằm sâu dưới lòng đất. Mưa lớn kéo dài đã kéo tụt đất nên quả bom mới lộ thiên".
Hướng về Đại hội với niềm tin và kỳ vọng Trong những ngày này, cán bộ, đảng viên và người dân cả nước, trong đó có đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới đang hướng sự quan tâm về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Theo ghi nhận của phóng viên, các tầng lớp nhân dân đều bày tỏ niềm tin và sự kỳ vọng...