Phó chủ tịch Hà Nội: Nôn nóng chặt cây do nhà tài trợ
Phó chủ tịch Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho hay, việc chặt hạ cây xanh vừa qua tiến hành nhanh do có sự nôn nóng của một số nhà tài trợ.
Cuộc họp báo về thực hiện đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị trên địa bàn Hà Nội thu hút hàng trăm phóng viên. Số lượng người dự họp đông đến nỗi UBND Hà Nội đã phải chuyển địa điểm xuống Hội trường lớn của UBND-HĐND, nơi thường tổ chức các phiên họp HĐND với sức chứa khoảng 200 người.
Chủ trì cuộc họp, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch Hà Nội khẳng định, TP tiếp thu mọi ý kiến đóng góp của người dân.
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng kết thúc cuộc họp báo trong khi chưa trả lời bất kì câu hỏi nào của các phóng viên. Ảnh: Công Khanh.
Tiếp đó, ông Hùng dành hơn 15 phút trình bày lại những nội dung đã có trong quyết định của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo về việc dừng chặt hạ cây xanh. Trong đó, ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh việc chặt, thay thế cây “hoàn toàn không có lợi ích nhóm, tiêu cực”.
Tuy nhiên, khi trao đổi về việc tiến hành một cách chóng vánh trên hàng loạt tuyến phố như Nguyễn Chí Thanh, Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Phố Huế, Hàng Bài, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, chặt cây nhanh “vì sự nôn nóng của một số nhà tài trợ”.
Phó chủ tịch Hà Nội thông tin, kinh phí thực hiện đề án được là từ nguồn xã hội hóa. Trong đó, một ngân hàng đã huy động 30.000 đồng mỗi nhân viên, Công an TP Hà Nội vận động mỗi cán bộ đóng 15.000-20.000 đồng…
Đúng 15h, vị Phó chủ tịch Hà Nội tuyên bố kết thúc họp báo trong khi chưa trả lời bất cứ câu hỏi nào của các phóng viên. Ông Hùng hứa UBND TP tiếp thu và gửi những câu hỏi và chuyển tới các cơ quan chức năng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng sau đó rời cuộc họp, bước ra ngoài hành lang trong sự ngỡ ngàng của những người có mặt tại UBND Hà Nội.
Lúc này, ông Nguyễn Thịnh Thành, Chánh văn phòng UBND Hà Nội đứng dậy phát biểu cảm ơn những đóng góp của người dân, các nhà khoa học và các cơ quan báo chí. Ông Thành cho biết, TP sẽ tiếp tục lắng nghe và ghi nhận các câu hỏi của các nhà báo.
Cuộc họp báo kết thúc với hàng chục câu hỏi bỏ ngỏ.
Hàng chục câu hỏi bị bỏ ngỏ tại cuộc họp báo. Ảnh: Công Khanh.
Trước đó, vào 13h30 ngày 20/3, hàng trăm phóng viên các báo, đài đã có mặt tại cổng UBND TP Hà Nội để chờ tới giờ khai mạc buổi họp báo của TP Hà Nội.
14h10, mở đầu cuộc họp, Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội Nguyễn Thịnh Thành thông tin, việc họp báo thể hiện tinh thần nghiêm túc cầu thị của TP Hà Nội sau khi nhận được ý kiến của nhân dân, báo chí.
Video đang HOT
Nêu lại những quyết định như không xây dựng khách sạn tại vườn hoa 19/8, không xây khách sạn 5 sao tại công viên Thống Nhất, không xây dựng trên đường 19/2…, Phó chủ tịch Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, TP luôn luôn lắng nghe ý kiến nhân dân để xây dựng Thủ đô xanh, đẹp hơn.
“Với quyết định dừng không chặt hạ, thay thế cây xanh trên một số tuyến phố, Hà Nội vẫn làm theo phương châm lắng nghe ý kiến người dân”, ông Hùng nói.
Theo Tri Thức
Họp báo cây xanh: 21 câu hỏi chưa được trả lời
Phóng viên từ nhiều tờ báo dồn dập đặt 21 câu hỏi, song Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ trả lời một mạch chung chung, trong sự ngỡ ngàng của báo giới.
Cuộc họp báo từ 14h đến gần 15h do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng chủ trì có nội dung "thông báo kết luận của Chủ tịch TP tại cuộc họp sáng nay về đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị".
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng
Cùng có mặt còn có Chánh văn phòng UBND TP Nguyễn Thịnh Thành.
Ông Hùng cho biết, TP Hà Nội luôn luôn lắng nghe tiếp thu cầu thị những sự đóng góp của người dân thủ đô và cả nước, của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các nhà khoa học, cơ quan báo chí phản ánh những vấn đề trong quản lí của Hà Nội. Lãnh đạo TP cũng luôn lắng nghe, cán bộ công chức thành phố cũng luôn cầu thị. Hà Nội từng có những quyết định rất khó khăn nhưng sau đó đã mang lại đông thuận. Vì vậy TP luôn lắng nghe những góp ý cũng để xây dựng TP xanh, đẹp, để chất lượng cuộc sống người dân ngày càng nâng cao.
Vừa qua có dư luận bức xúc, phản ánh nhiều chiều về việc chặt cây xanh. Trước hết TP lắng nghe tiếp thu những ý kiến đóng góp, kiến nghị như của nhà báo Trần Đăng Tuấn, GS Ngô Bảo Châu, thư tâm huyết của các hộ dân, báo chí, mạng xã hội. "Chúng tôi mong muốn các cơ quan báo chí đóng góp để chất lượng đời sống của nhân dân được nâng cao hơn", Phó Chủ tịch TP khẳng định.
Sáng nay, lãnh đạo TP đã họp và có quyết định cho vấn đề này.
Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội Nguyễn Thịnh Thành
Ông Nguyễn Thịnh Thành công bố kết luận của Chủ tịch UBND TP về việc chặt cây xanh vừa qua.
Cây muồng trên đường Lê Duẩn bị chặt hạ sáng 18/3. Ảnh: Kiên Trung
Báo chí đã đặt hàng loạt câu hỏi cho 2 ông:
Báo Tuổi Trẻ TP.HCM hỏi: Cho đến thời điểm này đã chặt bao nhiêu cây, kinh phí tốn bao nhiêu, ai sẽ bị kỷ luật chính sau khi chặt cây này. Chỉnh trang đô thị là một chủ trương đúng đắn nhưng cần làm từ từ và có nghiên cứu. Hạ 6.700 cây mà xã hội hóa thì hơi phản cảm? Việc dừng này như thế nào, bao lâu, có tiếp tục chặt hạ, bao nhiêu cây? Trong văn bản, ông Chánh văn phòng nói hầu hết việc chặt cây được người dân đồng thuận thì điều này khảo sát như thế nào?
Xã hội hóa có bao nhiêu DN tham gia, gồm DN nào? Họ được gì, có quyền lợi gì?
VnMedia: Ai là người thẩm định, quyết định những cây cần chặt. Tôi được biết việc thẩm định cây có sâu mọt không rất khó. Ngay TP.HCM quyết định đầu tư 2 tỷ khoan tham dò thì cũng rất khó khăn. Vậy ai quyết định việc này?
Tiền Phong: Những cây xanh chặt đi đưa về đâu, tập kết ở đâu? Cây trồng mới mua ở đâu, giá bao nhiêu một cây?
Đất Việt: Hà Nội đã chặt bao nhiêu cây và đã bán chưa, bán đấu giá bao nhiêu tiền, nếu chưa bán thì để ở đâu?
Người đưa tin: Nhiều chuyên gia nói cây được chọn thay thế có vòng đời sinh trưởng lâu, tán cây không rộng, liệu chọn có hợp lí hay không?
Người tiêu dùng: Dư luận cho rằng các DN đứng sau việc chặt cây, TP khẳng định có phải thế không hay là chủ trương TP, DN chỉ hỗ trợ. Số lượng cây chặt lớn, gỗ lớn lên hàng trăm tỉ thì sau khi bán gỗ đi thì mục đích sử dụng là gì?
Một thế giới: Đánh giá tác động môi trường như thế nào khi chặt hạ cây? Việc chặt này đích thân ông Hùng cho phép, cá nhân ông có nhận khuyết điểm gì trong việc này? Sở Xây dựng có mặt ở đây tôi từng hỏi nhưng các anh hứa mà chưa trả lời, đó là việc hạch toán, thống kê kiểm kê việc chặt cây trên tuyến phố...?
Pháp luật TP.HCM: TP cho biết việc chặt cây có thể minh bạch thông tin về giá cây, gỗ trong vòng 5 năm thế nào?
Thanh Niên: Bình quân cây xanh đầu người ở Hà Nội là bao nhiêu? Việc chặt 6.700 cây có tính mật độ?
VnMedia: Ông Hùng cảm thấy thế nào khi đi qua tuyến phố trước đây rợp bóng cây nay thay cây trơ trụi không tán lá?
Lao Động: Hà Nội nên thơ bởi những hàng cây như bằng lăng, sấu ở Phan Đình Phùng... chúng ta thay nhiều loại cây hay chỉ một loại cây? Nguồn từ ngân sách bao nhiêu, xã hội hóa bao nhiêu phần trăm?
VTC: Đơn vị cung ứng cây là đơn vị nào, có tin cậy không? Đây dự án lớn đến nay dừng lại thì trách nhiệm của đơn vị đầu tư, cung ứng này như thế nào?
Đất Việt: Những cây trồng thời Pháp thuộc thì liệu quy hoạch đã sai rồi không?
An ninh Thủ đô: Quy trình lập đề án này, căn cứ để chặt cây là gì? Tại sao chặt số lượng nhiều như vậy?.
VietNamNet: Quyết định sáng nay là do dư luận xã hội hay là lí do nào? Việc rà soát sẽ tiến hành trong bao lâu, giải trình khi nào có?
&'Không có tham nhũng, khuất tất mờ ám gì'
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng thông tin một mạch, không đi vào trả lời câu hỏi cụ thể nào: Hà Nội được thừa hưởng hệ thống cây xanh, các công trình kiến trúc được cha ông để lại, hệ thống cây xanh vô cùng quan trọng, trách nhiệm của TP, người dân và xã hội là chung tay bảo tồn duy trì phát triển để thế hệ sau này thừa hưởng.
"Mọi sự thành bại đều do dân, nếu quyết định vấn đề mà không được sự ủng hộ đồng thuận của người dân là quyết định chưa đúng đắn".
Phó Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng
Cây xanh có đặc điểm quan trọng, có giá trị phi vật thể và vật thể, đi vào thơ ca, gắn với tiềm thức của mọi người dân. Việc ứng xử với cây xanh có cả quy định, quyết định, thông tư của TP qua nhiều thời kỳ nhằm phù hợp tình hình mới. Hệ thống cây xanh là lá phổi của chúng ta, giữ lá phổi là việc cần thiết chúng ta phải làm.
Vừa qua có một số tuyến phố tiến hành chặt cây. Đây là chủ trương đúng đắn của TP. Tuy nhiên do việc tổ chức thiếu thông tin minh bạch. Chúng tôi sẽ thông tin đầy đủ về các nhà tài trợ. Cán bộ VPBank đóng góp 30.000đ/người, cán bộ chiến sĩ đóng góp 15-20.000/người để thực hiện. Việc thực hiện đặt dưới sự giám sát của cơ quan chức năng, cộng đồng, người dân và báo chí.
Việc thực hiện chủ trương đúng, có ý kiến thông tin không đầy đủ thì cơ quan chức năng sẽ phải có trách nhiệm trả lời đầy đủ.
Thực hiện việc này là cần thiết. Thông báo của Chủ tịch TP đã nói lên tất cả. Các đại biểu quan tâm về vấn đề có tham nhũng, lợi ích nhóm ở đây hay không. Tôi xin khẳng định không có lợi ích hay tham nhũng, không có gì. Sự đóng góp của tổ chức xã hội, nhà hảo tâm là rất quý, Hà Nội rất trân trọng sự đóng góp đó.
Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện của một số cơ quan chức năng do thiếu minh bạch, không thông tin đầy đủ nên gây bức xúc. Tôi xin tiếp thu và nhận thiếu sót gây nên bức xúc. Chúng tôi sẽ nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm. Những việc liên quan người dân từ nay TP sẽ tiếp thu, đã nhận rồi thì nhận nhiều hơn để việc thành công. TP luôn hướng tới mục đích xanh sạch đẹp mà không vì lý do nào khác. Đây là chỉ đạo xuyên suốt của chính phủ, TP lãnh đạo cơ quan chức năng thực hiện tôn chỉ đó, nhưng thiếu sót xin nhận.
Xin hứa từ nay trở đi những quyết định quan trọng liên quan đến xã hội sẽ tiếp thu, thận trọng khi thực hiện.
Mọi sự thành bại đều do dân, nếu quyết định vấn đề mà không được sự ủng hộ đồng thuận của người dân là quyết định chưa đúng đắn.
Việc thực hiện thu hồi gỗ phải thực hiện đúng theo quy trình. Đề nghị các đơn vị có mặt hôm nay phải công khai minh bạch và mời các cơ quan báo đài đến trực tiếp những nơi chặt cây, tiếp chuyển cây. TP không có khuất tất mờ ám gì ở chỗ này.
Nếu được dư luận nhân dân ủng hộ thì Hà Nội sẽ đẹp hơn, tốt hơn. Một lần nữa TP xin cảm ơn, tiếp thu, tiếp tục xin ý kiến của cộng đồng xã hội, xin ý kiến của người dân để xây dựng TP tốt đẹp hơn, ngày càng xanh sạch đẹp. Đề nghị các cơ quan chức năng trả lời đầy đủ, cung cấp đầy đủ những nội dung mà các cơ quan báo chí đã hỏi.
Phần trả lời một mạch của ông Hùng kết thúc luôn cuộc họp báo. 21 câu hỏi báo chí đặt ra vẫn bỏ ngỏ.
Theo Vietnamnet
Xuất hiện những tờ giấy "lạ" trên thân cây ở Hà Nội Chiều tối 19/3, người dân đi trên đường Giảng Võ, Hà Nội bất ngờ phát hiện những tờ giấy có nội dung "lạ" được treo trên các thân cây. Theo người dân khu vực, những tờ giấy này được một nhóm thanh niên tình nguyện bắt đầu thực hiện từ lúc 18 giờ ngày 19/3. Trên mỗi tờ giấy A4 được ghim vào...