Phở chỉ dành cho bố
Và sau cái lần đi ăn phở ấy đã khắc sâu vào tâm trí cu Tý là: Phở không người lái chỉ dành cho những người như bố.
Sáng Chủ Nhật, như thường lệ, tôi dẫn đứa con gái 9 tuổi ra quán phở Xưa, hai mẹ con gọi mỗi người một bát, con gái ăn phở bò, mẹ ăn phở gà.
Hôm đó cũng có một người khách ăn mặc rất lịch sự đến ngồi vào bàn bên cạnh hai mẹ con. Trông anh ta còn khá trẻ, nhưng phong cách có một vẻ gì đó già dặn, từng trải cuộc đời. Anh gọi hai bát, một bát có thịt bò và một bát không thịt. Tôi thầm nghĩ chắc anh gọi cho cô người yêu sắp đến, và có thể cô ta sợ béo nên không ăn thịt. Nhưng gọi rồi mà vẫn không thấy có ai đến cả. Anh vẫn ngồi như đang suy nghĩ điều gì đó,vẻ mặt rất buồn, tôi lại nghĩ anh buồn vì lỡ hẹn với người yêu chăng?
Và đánh bạo, tôi hỏi: -Em chờ bạn à? Sao không ăn đi, nguội hết phở rồi?
- Dạ không, em không chờ ai cả.
- Thế sao không ăn? Thấy tôi cứ hỏi, người thanh niên đó nói, nếu chị không bận, chị đi uống cafe với em được không, em sẽ có thời gian để nói chị hiểu. Tôi thầm nghĩ, có lẽ anh thanh niên này có vấn đề gì rắc rồi, cần sự giúp đỡ của mình chăng?
Và tôi đã nhận lời.
Tại quán cà phê, người thanh niên đó đã kể lại về tuổi thơ khó nhọc của mình.
Khi mẹ sinh, vì vất vả nhọc nhằn nên em bé tý tẹo,vì vậy bố mẹ đặt cho cái tên là Tý.
Tý kể lại hồi học lớp ba, từ nhà Tý đến trường không xa, hàng ngày bố Tý dắt Tý đi học, hai bố con phải đi qua cái chợ nhỏ đầu làng, chợ chỉ có mấy hàng rau, hàng thịt, hàng cá, và hai quán phở…
Mỗi lần bố dắt tay em qua hàng phở, mùi nước phở thơm phức cứ làm cho bước chân em như chậm lại, em ra công mà hít hà cái mùi thơm thơm, ngầy ngậy quyến rũ đó, bụng em như có hàng ngàn con kiến cào cấu, cắn xé, rồi như có nước sôi ùng ục bên trong. Bố kéo mạnh tay em lôi đi trong sự nuối tiếc: “Tý đi nhanh lên kẻo muộn học!” .
Nhà Tý nghèo lắm. Mẹ mất vì tai nạn giao thông khi em mới tròn 2 tuổi, bố không công ăn việc làm, ai thuê gì làm nấy, hôm có việc, hôm không, cuộc sống bấp bênh, bữa đói bữa no.B ố lo cho đi học là may lắm rồi, tiền đâu mà ăn quà như các bạn.
Một hôm đi học về Tý kể: “Bố ơi, ở lớp con có bạn Hà My sáng nào mẹ bạn ấy cũng dắt đi ăn phở bố ạ”.
- Uhm….
- Nhưng bạn ấy nói là không thích, bạn ấy chỉ thích ăn linh tinh thôi. Mẹ bạn ấy bảo ăn linh tinh như cóc xanh, ô mai dễ đau bụng lắm.
- À mà mai con có muốn ăn phở không, bố sẽ đãi con phở bò nhé.
- Vâng ạ, vâng con thích lắm.
Sáng hôm sau, trên đường đến trường, hai bố con cu Tý rẽ vào quán gọi hai bát phở, nhưng một bát không có thịt. Cu Tý thấy cô bán hàng bê khay có hai bát phở ra. Cô nhẹ nhàng đặt xuống bàn. Bố đẩy bát có thịt bò sang chỗ cu Tý, còn bát không có thịt bố ăn.
Cu Tý ngạc nhiên hỏi:”Sao bát của bố không có thịt hả bố?”
- À, phở này gọi là “Phở không người lái đó con”.
- Bố ơi. Tại sao phở không có thịt lại là “Phở không người lái hả bố”?
- Ừ, rồi khi lớn lên con sẽ hiểu, con trai ạ.
Tý vẫn thắc mắc, tại sao lại thế ạ?
Bố trả lời: Phở không người lái là chỉ dành cho những người như bố thôi con ạ.
Video đang HOT
Tý nghĩ có lẽ bố nói đúng, vì mấy người lớn bàn bên vẫn ăn phở có người lái đó thôi.
Và sau cái lần đi ăn phở ấy đã khắc sâu vào tâm trí cu Tý là: Phở không người lái chỉ dành cho những người như bố.
Lần sau đi ăn,Tý gọi hai bát, một bát có thịt và một bát không thịt cho bố.
Và cứ như vậy đến khi Tý lớn hơn một chút, hiểu ra thì bố không còn bên Tý nữa, Tý cảm thấy ân hận vì cái sự ngây thơ của mình.
Bây giờ khi Tý đã trở thành một kỹ sư, có cái tên mới là Tâm. Có xe, có nhà, có tiền, Tâm có khả năng mua cho bố cả trăm, cả nghìn bát phở có thịt thì bố đã ra đi theo mẹ rồi.
Để nhớ ký ức xưa,thỉnh thoảng Tâm quay lại quán phở ngày xưa, lục tìm lại cho mình hình ảnh bố đẩy bát có thịt sang chỗ mình, còn bát không thịt bố ăn, mà thấy lòng thổn thức.
Theo Guu
Bố tôi là lão điên phía bên kia đường
Mãi sau, người ta vẫn thấy cô gái trẻ đứng đó, chỗ người đàn ông điên ngày nào cũng ngồi, cô gào to: Ba ơi, ba ơi, ba của con ơi.....!
Mười hai giờ khuya, cả xóm nhỏ xôn xao thức giấc bởi những âm thanh kinh khủng. Tiếng la hét chửi rủa của một người đàn ông,tiếng đổ vỡ loảng xoảng của chén bát, tiếng khóc tru tréo của người đàn bà...
Hai giờ sau.
Đám đi đòi nợ thuê đã kéo nhau về sau khi chẳng thu được gì ngoài lời khất nợ, và cũng không
còn gì để đập phá.
Tiếng nẹt-pô xe từ chiếc xe côn lâu ngày không tra dầu mỡ của chúng rú như con thú hoang say
mồi, hú lên ầm ĩ rồi xa dần. Màn đêm vừa từ từ yên tĩnh trở lại thì giọng người đàn bà thét lên lanh lảnh,uất ức, xé vụn nó:
- Trời ơi là trời! Anh làm gì đi chứ! Sao ông trời đày đọa tôi mãi...
Câu nói của người đàn bà chìm nghỉm trong tiếng nức. Chị ta đang khóc cho đã cơn hoảng sợ.
Người chồng mặt đỏ lừ, không rõ vì tức giận hay đang buông mình theo nước mắt,mệt mỏi thu từng mảnh sành vỡ,cứ chậm rãi nhặt lên,bỏ vào cái bô rồi lại với đôi tay lòng khòng xuống đất.
Bỗng, người đàn bà lau nước mắt, đứng trước mặt chồng, nói gằn giọng. Từng chữ một, nhỏ nhưng rất rõ ràng:
- Ngày mai là anh đi rút tiền lương cho cơ quan hả? Hả? Là lần đầu tiên phải không? Có phải không?
Hình như người đàn ông đọc được suy nghĩ của vợ mình. Mặt anh ta bỗng nhiên không đỏ nữa mà chuyển sang tím tái. Anh ta dường như trút hết sức lực và cơn giận, ném thẳng cái bô đựng đầy mảnh sành lên trần nhà, rồi thét lên:
- Mẹ kiếp! Khốn nạn.
Sáng hôm sau, khi trời vừa mờ sáng,người đàn ông đã dắt chiếc xe đạp như đống sắt vụn ra khỏi ngõ. Anh đi sớm, phần vì không muốn hàng xóm nhìn thấy bộ dạng khủng khiếp của người nhiều đêm mất ngủ và vụ lộn xộn đêm qua. Thật sự chẳng ai muốn nhìn thấy ánh mắt soi mói, xét nét của họ.
Vừa định leo lên xe, chị vợ đã lật đật chạy ra, đứng sau lưng anh. Nói rất quả quyết:
- Anh cứ yên tâm, em chuẩn bị hết đồ đạc rồi. Anh về là mình đi ngay.
Người đàn bà không dám đứng trước mặt người đàn ông để nói. Người đàn ông cũng không dám quay lại nhìn mặt vợ mình để nghe. Nhưng người đàn ông vẫn chờ vợ anh ta nói hết mới lững thững đặt chân vô cái bàn đạp.
Anh ta đi rút tiền lương. Và chị ta đang soạn đồ để chờ chồng về và bỏ trốn.
Bỏ trốn, tất nhiên là với cục tiền mà người đàn ông vừa đi rút cho cả cơ quan.
******
Trưa nay, mười hai giờ trưa, cả xóm lại xôn xao một đận nữa. Nhưng chẳng phải vì những tiếng ồn ào. Chỉ là những con chữ lạnh lùng nằm im trên mặt giấy,ngắn ngủn trong mục tin vắn báo An Ninh Thủ Đô :
"Ngày 17/12/1990 tổ trinh sát đội "Đổi mới" đã bắt gọn đối tượng Nguyễn Thanh Sang khi đang trên đường bỏ trốn cùng một trăm tám mươi bảy triệu tiền lương công ty X"
Hôm nay, phiên tòa mở xử người đàn ông.
- Số tiền bị cáo ăn cắp bị cáo đã giao cho bọn đòi nợ hết rồi.
...
- Không, vợ bị cáo không liên can, vợ bị cáo đã đi trước khi bị cáo bỏ đi mà.
...
Phiên tòa khép lại. Án 18 năm tù đã định. Người đàn ông lầm lũi đi ra. Tuy đau khổ trước cái án tù dài đằng đẵng nhưng anh ta cũng vui mừng không ít vì đã "qua mặt" được mọi người. Vậy là, vợ anh sẽ bỏ trốn thật xa trót lọt cùng số tiền tội lỗi đó sau khi khai khớp với anh. Vậy là, đứa con bé bỏng mới thành hình của vợ chồng anh trong bụng sẽ không... chết đói. Anh nhìn gã canh tù, mắt anh long lên rồi cười một tràng dài khùng khục.
Hôm nay, nhìn người đàn ông thật đáng sợ. Anh ta chưa bao giờ tưởng tượng nổi mình có thể đáng sợ như vậy.
Người đàn bà, nhanh chóng rời khỏi thành phố và chuyển đến một vùng hẻo lánh tận Cà Mau. Cô đi cùng với mẹ ruột mình.
Chừng năm tháng sau, người đàn bà hạ sinh một bé gái. Giống người đàn ông như lột. Đặt tên Nguyễn Thanh Vy.
Chừng vài năm sau, lúc bé Vy khoảng hai tuổi, tin đồn chồng người đàn bà bị điên trong trại giam, điên đến nỗi cắn rách tai,lưng người bạn tù cùng phòng cũng đến tai chị ta.
Và rồi, chừng nửa tháng sau đó nữa, người đàn bà bỏ đi cùng một người đàn ông mới.
Người đàn bà chỉ để lại cho con một tấm hình, là hình người đàn ông cũ của chị ta. Hàng tháng, gửi về ít tiền là xong nhiệm vụ.
******
Mười sáu năm sau, bé Vy năm nào vẫn giống ba như lột. Từ dạo mẹ bỏ đi, cô vẫn chưa gặp lại lần nào. Cô bé lớn lên như cây cỏ mọc dại cùng với bà ngoại.
Cô gái đất mũi chăm chỉ, ngoan ngoãn đậu đại học, lên học tận Sài Gòn. Thứ quý giá nhất trong hành lý của cô là tấm hình của ba. Ngày nào cô cũng đem nó ra nhìn ngắm, rồi thỉnh thoảng so với gương mặt mình. Nhớ lại, những lúc cô làm thế bà ngoại đều chặc lưỡi:
- Nghe đâu ba mày điên dữ lắm. Tội nghiệp, người tốt thì khổ!
Hôm nay là ngày nhập học. Cổng trường trường Vy rõ là đẹp, đại học có khác. Cô thầm nhủ. Bất chợt, cô nghe thấy tiếng một của cô gái hét lên:
- Á, điên. Bỏ ra!
Cô gái mặc quần jean rách loang lổ đang cố giằng đôi chân mình ra khỏi đôi tay bẩn thỉu của một người điên đang giương gương mặt lấm lem,hàm răng vàng ợt của mình ngước lên cô gái cười hềnh hệch.
Vy cũng tò mò bước tới xem. Chợt nhận ra điều gì, cô bỗng thấy tối tăm mặt mũi, cô nhìn người đàn ông điên trừng trừng rồi bỏ chạy khi tim thắt lên từng cơn đau nhói.
Cô nhận ra gương mặt ấy. Gương mặt trong bức hình mà cô nhìn ngắm mỗi ngày.
Nhưng... cô bỏ chạy.
Cả mấy ngày sau đi học, Vy vẫn thấy người đàn ông ấy ở đấy. Cười hềnh hệch. Thỉnh thoảng lại nhìn xa xăm như cũng suy nghĩ điều gì.
Cô muốn tiến lại. Nhưng chân cô không dám bước.
Cô muốn trò chuyện với ông, muốn xác nhận điều đó, nhưng lại cố gắng tự nhủ đó không thể là ba mình.
Hôm nay, trời Sài Gòn nắng như đổ lừa, từng hơi nóng hầm hập thè lưỡi liếm láp khắp mọi ngóc nghách . Nóng, nóng mọi nơi. Và tất nhiên, hôm nay, người đàn ông điên vẫn ngồi đó. Bên kia đường, đối diện với cái cổng trường cô.
Vy mua một cốc nước mía, run rẩy rờ rẫm tưng bước chân bước tới người đàn ông. Cô cúi xuống và thật nhanh để ly nước xuống. Người đàn ông đang ngủ. Dựa vào cái cây bằng lăng cạnh chỗ chờ xe buýt mà ngủ. Cô sợ hãi, chua xót ngồi xuống. Nhìn kĩ gương mặt người đàn ông.
Bỗng, nếp nhăn trên mắt ông xô lại vào nhau, lông mi run khe khẽ và mắt từ từ mở ra. Vy sợ hãi hết sức ngã ngồi ra phía sau. Người đàn ông nhìn cô chằm chặp. Rồi nhăn trán. Rồi lại cười hềnh hệch. Còn cô, cô sợ hãi bỏ chạy. Hình như, cô đã xác nhận được điều mình nghi ngờ.
Bẵng đi một tuần,cô không dám đi ra cổng trước, cô đi bộ ra cổng 16. Cô gái tránh mặt sự thật.
Chiều nay, mấy người bạn mới của cô rủ nhau đi chơi bằng xe buýt. Cô quyết định đi cùng họ. Đi với đám đông, cô sẽ có cơ hội xác nhận điều đó lần nữa.
Cả đám cười cười nói nói ra đến trạm. Một vài người bạn kéo tay cô ra xa người đàn ông điên đang nhìn chòng chọc vào họ. Có người rỉ tai cô: mày thấy không, ông ta cầm ly nước mía đó cả tuần rồi đó mày!
Xe buýt vừa kịp tới. Chân cô cuốn theo chân họ lên xe buýt lúc nào không hay.
Vy ngồi ở băng ghế cuối cùng, đờ đẫn ngoái nhìn lại phía sau. Phía người đàn ông đang ôm ấp ly nước mía như người ta bế con và say sưa ngủ.
Sau cả đêm trắng suy nghĩ,c ô chỉ mong đến sáng để nhanh chóng ra với ông ta. Sáng ngày mai, cô sẽ cho ông ta xem bức hình này. Phải rồi. Chắc chắn phải cho người ấy xem bức hình này.
Sáng hôm sau, khi trời còn mờ sáng,chỉ vừa mờ sáng thôi, mờ sáng như sáng hôm nao người đàn ông xách chiếc xe đạp hoen gỉ đi rút tiền. Thanh Vy đã đến chỗ người đàn ông điên vẫn ngồi mỗi ngày.
Nhưng thật lạ, hôm nay cô không thấy ông ở đấy.
Cô sợ hãi, chạy đi tìm một vòng xung quanh trường. Vẫn không thấy ông.
Người bán nước mía trả lời cô:
- Thành phố đang phát động phong trào thành phố văn minh, không có người điên, người ăn xin.
Đêm qua họ hốt hết mấy người đó lên xe rồi cháu ơi! Sao vậy? Nó lấy gì của cháu hả?
...
Mãi sau, người ta vẫn thấy cô gái trẻ đứng đó, chỗ người đàn ông điên ngày nào cũng ngồi, cô gào to: Ba ơi, ba ơi, ba của con ơi.....!
Theo Guu
Lựa chọn cuộc sống Giờ đây, tôi hoàn toàn không đụng đến một điếu thuốc nào nữa. Thật sự thì tôi cũng có nhớ cái chất gây nghiện ấy, nhưng tôi đã lựa chọn một cuộc sống khác cho mình. Tôi đã bỏ ra gần 20 năm trong cuộc đời mình chỉ để suy đi nghĩ lại hai việc: tiếp tục hút thuốc hay cố gắng từ...